Nghĩa tình người Hà Nội gửi người dân vùng lũ

Người dân Hà Nội, người góp công, người góp của mua những vật dụng thiết yếu gửi đến người dân vùng lũ tái thiết cuộc sống.

 

Những ngày qua, nhiều tỉnh miền Bắc đang phải gánh chịu hậu quả của trận bão số 3 lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Mặc dù Hà Nội cũng chịu nhiều thiệt hại chưa khắc phục xong nhưng với tinh thần “tương thân tương ái”, cùng với người dân cả nước, nhiều người dân Hà Nội, người góp công, người góp của mua những vật dụng thiết yếu gửi đến người dân vùng lũ tái thiết cuộc sống.

 

Những ngày qua, từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya, trong ngôi chùa Đình Quán, thuộc phường Phúc Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội luôn nhộn nhịp người vào ra. Từ người già đến người trẻ tất bật rửa lá, vo gạo, đãi đỗ, mỗi người một công đoạn… Để làm ra một chiếc bánh chưng mất nhiều thời gian và công sức, song trên gương mặt mỗi người đều ánh lên niềm vui khi được chung tay làm những chiếc bánh nghĩa tình để gửi đến người dân đang vật lộn với tình trạng ngập lụt ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Hàng trăm người cùng gói hàng nghìn chiếc bánh chưng gửi đến người dân vùng lũ.

Dù nhà ở cách chùa Đình Quán khá xa nhưng bà Nguyễn Thị Long Vân và chị Trần Thanh Hương ở quận Cầu Giấy đã đến chùa từ rất sớm để cùng mọi người gói bánh. Bà Vân bày tỏ: “Người Việt Nam với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, tất cả mọi người đến đây để cùng chung tay với cả nước. Ai cũng hết lòng hướng về đồng bào bị lũ lụt và những người dân miền núi còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, mọi người làm với tinh thần rất hoan hỷ”. Còn chị Hương chia sẻ: “Khi có tình huống khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn, chỉ cần gọi là mọi người tham gia ủng hộ rất nhiệt tình, tự nguyện. Hoạt động thiện nguyện thời điểm này có độ lan tỏa rất lớn”.

Ngoài việc gói bánh chưng, nhà chùa còn tiếp nhận nhiều vật phẩm như nước uống, thuốc men, đèn pin… để gửi tới người dân vùng lũ đang gặp khó khăn. Xót xa với những mất mát của đồng bào mình, liên tiếp những ngày qua, chị Nguyễn Minh Phương, ở phường Phúc Diễn, quận Nam Từ Liêm có mặt ở chùa Đình Quán từ sáng tới khuya, phụ trách việc tiếp nhận vật phẩm và kêu gọi mạnh thường quân chung tay ủng hộ cho đồng bào vùng lũ: “Chứng kiến tất cả mọi người cùng đến đây để chung tay giúp đỡ, tôi rất xúc động. Thiên tai thế này, buồn thì rất buồn rồi nhưng trong cái buồn cũng thấy vui bởi cảm nhận được tấm lòng của mọi người cùng chung tay chia sẻ hoạn nạn. Trong lúc bà con gặp khó khăn như thế này, ở chùa Đình Quán, thầy kêu gọi được rất nhiều, ngày nào cũng mấy chuyến hàng nhu yếu phẩm được gửi tới vùng lũ. Tôi thấy mừng lắm!”.

Những người già cũng góp tiền mua gạo gói bánh và mua đồ dùng thiết yếu gửi tới người dân vùng lũ.

Theo chính quyền địa phương những nơi bị ngập nặng của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, nước đã rút, thứ cần thiết nhất với người dân là chăn màn, quần áo, thuốc men, dung dịch khử khuẩn… Do đó, các hội, nhóm thiện nguyện của Hà Nội tiếp tục vận động ủng hộ những vật dụng, nhu yếu phẩm người dân vùng lũ đang cần.

Sau khi nước rút, thành phố Yên Bái ngổn ngang bùn đất và rác từ trong nhà ra ngoài phố. Chị Ngô Thị Yến, Giám đốc Công ty thời trang Bee An cho biết, Đoàn từ thiện của chị vừa từ Hà Nội lên Yên Bái, mang theo những vật dụng thiết yếu người dân đang cần để tặng cho người dân nơi đây: “Có những gia đình vẫn còn khoảng 40  đến 50 mét bùn ở trong nhà, muốn dự trữ đồ ăn cũng không có chỗ để. Thế nên chúng tôi tập trung xử lý dọn nhà cho người dân, dọn bùn đất trên đường phố sau khi lũ rút. Chúng tôi lên Yên Bái, mang theo cuốc xẻng, những dụng cụ để hót, dọn bùn đất. Tôi cũng huy động được khoảng 100kg hóa chất xử lý nước để người dân có nước sạch dùng ngay”.

 Liên tiếp những ngày qua, chị Nguyễn Thu Thủy, ở Giảng Võ, Hà Nội cùng gia đình và bạn bè vận động quyên góp hàng nghìn suất quà bao gồm nhu yếu phẩm cần thiết như quần áo mới, chăn màn, thực phẩm cùng hàng trăm thùng nước trực tiếp đi 2 tỉnh Bắc Giang và Lào Cai, trao tận tay người dân trong vùng ngập lụt: “Qua tìm hiểu những vật dụng người dân vùng lũ đang cần, suốt 3 ngày liền, ngoài nguồn đóng góp của gia đình, chúng tôi cũng nhận quyên góp từ bạn bè. Quá trình trực tiếp tham gia đóng những suất quà cũng khá vất vả nhưng khi những thùng quà này đến được tận tay người dân đang cần, nhìn niềm vui trong mắt họ và những lời cảm ơn, chúng tôi vô cùng xúc động và cảm thấy vui vì những việc mình làm thực sự ý nghĩa. Bởi “Một miếng khi đói bằng một gói khi no””.

Để hàng cứu trợ đến đúng nơi đang cần, chị Nguyễn Thanh Hương, thành viên Nhóm cựu học sinh 9396 Hà Nội cho biết, chị đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp, bạn bè trong khóa học chuẩn bị tất cả những vật dụng người dân đang cần nhất, đồng thời kết nối với chính quyền địa phương ở tỉnh Lào Cai, gấp rút đưa hàng lên hỗ trợ người dân tái thiết cuộc sống: “Sau 3 - 4 ngày nước rút là người dân vùng lũ phải tập trung tái thiết cuộc sống. Đoàn sẽ xuất phát đi Lào Cai, kêu gọi số lượng chăn cũng khá nhiều, toàn chăn mới. Còn xoong nồi, đồ vật dụng sinh hoạt bà con cũng bị trôi hết, thêm nữa là thuốc men, các đơn vị tài trợ, các công ty dược phẩm sắp xếp để có thể gửi các dịch khử khuẩn, làm sao để đảm bảo vừa an toàn cho đoàn và những sản phẩm thiết yếu lên đến địa phương mà họ cần”.

Những hoạt động chia sẻ với người dân vùng lũ đã lan tỏa đến nhiều bạn trẻ.

Những hoạt động chia sẻ với người dân vùng lũ đã lan tỏa đến nhiều bạn trẻ, Đoàn Thanh niên Hà Nội sẵn sàng lên đường, đến với các địa phương đang cần lực lượng trẻ giúp tái thiết lại cuộc sống cho người dân vùng lũ. Được tham gia hoạt động hỗ trợ người dân đang phải hứng chịu hậu quả thiên tai, đối với bạn trẻ Ngọc Linh sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật Hà Nội không chỉ là niềm vui mà còn là cả sự xúc động và tự hào: “Em là người được sinh ra ở miền Trung. Năm nào miền Trung cũng hứng chịu thiên tai, bão lũ nên em cũng hiểu được cảm giác của lũ lụt và thiệt hại do bão lũ gây ra. Bởi thế, chứng kiến nơi mình đang sinh sống, học tập trải qua những thiệt hại như thế này, em rất đau lòng. Em cũng muốn góp một chút sức, hy vọng những việc làm của mình có thể chia sẻ một phần nào nỗi đau mọi người đang phải chịu đựng”.

Trong thiên tai, hỏa hoạn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân Việt Nam càng được phát huy mạnh mẽ.

Trong thiên tai, hỏa hoạn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân Việt Nam càng được phát huy mạnh mẽ. Hoạt động gói bánh chưng, bánh tét, đóng góp nhu yếu phẩm thiết yếu, tiền của, vật chất gửi tới đồng bào vùng lũ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 diễn ra ở khắp nơi trên đất nước. Những chuyến hàng từ miền Nam, miền Trung hay Tây Nguyên vẫn đang hối hả hướng về miền Bắc, hàng trăm nhóm tình nguyện viên sẵn sàng có mặt tại vùng lũ. Những chiến sĩ công an, bộ đội đang căng mình cứu hộ ở những điểm nóng có người dân đang cần… Tất cả là vì nghĩa đồng bào./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận