'Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya'

Tiến sĩ chuyên ngành khí tượng thủy văn Nguyễn Thị Minh Phương cùng nhóm "Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya" lặng lẽ nhặt rác quanh Hồ Gươm.

 

Nhiều năm qua, đều đặn vào mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần, bà Nguyễn Thị Minh Phương - tiến sĩ chuyên ngành khí tượng thủy văn - cùng nhóm "Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya" lặng lẽ nhặt rác quanh Hồ Gươm. Hành động đẹp này truyền thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng về ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Từ tình yêu Hà Nội…

Hà Nội những ngày tháng 8 chớm Thu vẫn oi bức, nắng mưa thất thường, thế nhưng dù trời nắng hay mưa, vào mỗi sáng Chủ nhật, người dân qua đây đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người Việt Nam và Nhật Bản, từ người già cho tới trẻ nhỏ chỉ 5, 6 tuổi được bố mẹ cho đi cùng, thay vì “ngủ nướng” trong ngày cuối tuần thì đã dậy sớm để đi nhặt rác. Mỗi người tay đeo găng, cầm kẹp rác, túi giấy, lặng lẽ đi xung quanh Hồ Gươm để nhặt rác ở dưới các bụi cây, ghế đá, ven đường.

Bà Phương và TNV đưa những túi rác đã được phân loại lên chiếc xe đạp để mang đến nơi nhận tái chế.

Một bạn nhỏ với chiếc túi đựng rác đã gần đầy hào hứng chia sẻ: “Con rất vui khi được đi nhặt rác, giúp môi trường trong sạch hơn. Mỗi sáng chủ nhật, kể cả ngày mùng 1 Tết hoặc những sáng dù có mưa nhỏ, con vẫn đi nhặt rác. Con mong rằng khi người dân đi qua đây thấy việc mình làm sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, trước hết là bỏ rác đúng nơi quy định”.

Hoạt động nhặt rác khu vực hồ Gươm được khởi xướng bởi một kỹ sư người Nhật, ông Tohru Ninomiya, từ 12 năm trước bắt nguồn từ tình yêu ông dành cho Thủ đô Hà Nội. Ban đầu chỉ mình ông làm việc này, sau đó, việc làm của ông đã lan tỏa đến nhiều đồng nghiệp tình nguyện cùng ông làm sạch môi trường Hồ Gươm.  

Tình yêu của người Nhật dành cho Hà Nội đã làm bà Nguyễn Thị Minh Phương ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một tiến sĩ môi trường ngành khí tượng thủy văn, cảm động và nguyện đồng hành với ông Tohru Ninomiya từ ngày ấy. Ở tuổi 68, lẽ ra bà phải được nghỉ ngơi nhưng sau khi nghỉ hưu, bà Phương lựa chọn gắn bó với công việc nhặt rác tại Hồ Gươm cùng nhóm “Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya” vào các buổi sáng Chủ nhật từ 8h đến 8h30’. Bất kể thời tiết nắng mưa ra sao, đến nay, bà Phương vẫn cùng nhóm tình nguyện không bỏ qua quy trình nào, phân loại từng loại rác nhỏ nhất. Sau khi phân loại và tráng qua bằng nước, bà Phương sẽ đem số rác nhặt được đến trụ sở dự án môi trường Green Life tại phố Sách. Green Life sẽ thu gom và chuyển lượng rác này tới các nhà máy xử lý ở Thái Nguyên.

Tình nguyên viên phân chia các loại rác thải.

Không chỉ kiên trì, bền bỉ thực hiện nhặt rác và mang đi xử lý, bà Phương và nhóm tình nguyện viên Ninomiya còn tuyên truyền tới những người xung quanh về hoạt động này; kêu gọi, vận động nhiều người thực hiện hơn để nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường. Bà Nguyễn Thị Mai Hương, 72 tuổi, người dân sống tại Hà Nội, chia sẻ: “Tôi tham gia hoạt động nhặt rác tại hồ Gươm đã gần 4 năm nay. Tôi đặc biệt cảm kích trước hành động ý nghĩa của cô Phương - một người rất nhiệt tình, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ngày nào, cô cũng tham gia hoạt động tình nguyện”.

Chị Hà Thị Hồng Nhung ở quận Hai Bà Trưng cho hay: “Cô Phương là người có tâm huyết với công việc bảo vệ môi trường, tham gia hoạt động nhặt rác không vắng buổi nào dù nắng, mưa hay là ngày Tết, ngày lễ. Tôi mong sẽ ngày càng có nhiều người Việt Nam tham gia vào những hoạt động thiết thực như vậy”.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương - tiến sĩ chuyên ngành khí tượng thủy văn.

Khơi lên ý thức bảo vệ môi trường

Là một người dân Thủ đô, một tiến sĩ về môi trường, bà Nguyễn Thị Minh Phương luôn trăn trở khi thực trạng ô nhiễm môi trường ở đô thị lớn như Hà Nội là vấn đề nóng cần sớm giải quyết. Mỗi ngày, Hà Nội có khoảng 8.000 tấn rác thải đủ loại từ rác hữu cơ cho đến rác vô cơ, chưa kể đến các loại rác thải xây dựng. Trong khi đó, nơi chôn lấp rác thải và hệ thống xử lý rác của Hà Nội dường như chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

“Việc nhặt rác quanh Hồ Gươm, cho rác vào thùng vừa làm vệ sinh môi trường, vừa nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung, giúp Thủ đô luôn luôn sạch đẹp. Trước đây tôi tham gia công tác vệ sinh môi trường ở nơi mình ở, nơi làm việc nhưng bây giờ tôi thấy cần tích cực hơn chứ không để người nước ngoài đến đây lại yêu Hà Nội, yêu Việt Nam hơn mình, làm việc cho đất nước mình hơn là chính người dân đất nước mình. Đây là một điều đáng phải suy nghĩ. Họ làm tự nguyện, không được ai trả tiền, không được ai khen ngợi, nhiều người thậm chí coi họ là những kẻ rỗi hơi nhưng họ rất cần cù, rủ nhau rồi kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam làm trong doanh nghiệp Nhật Bản, các bạn học khối tiếng Nhật cùng tham gia với họ. Vậy mình là người dân Thủ đô, tại sao chúng ta không làm được?”, bà Nguyễn Thị Minh Phương chia sẻ.

Chiếc xe gắn bó với bà Phương mỗi ngày khi đi nhặt rác quanh Hồ Gươm.

Qua hoạt động nhặt rác quanh Hồ Gươm cho thấy thế hệ trẻ đã có ý thức hơn với các hoạt động bảo vệ môi trường. Ngày càng có nhiều bạn trẻ tâm huyết, yêu Thủ đô, yêu môi trường. “Tôi nghĩ rằng mình làm được việc gì đó ích lợi cho đất nước thì mình làm. Người nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn, người già làm việc nhẹ nhàng, vừa sức chứ đừng nghĩ rằng đến một lúc nào đó thì mình không làm được việc gì cả. Nếu mình không làm được trên địa bàn rộng thì ít nhất là làm vệ sinh xung quanh nơi mình sinh sống, những nơi công cộng mà nhiều người nhìn thấy để có thể lan tỏa. Việc phân loại rác thải, tái chế là những việc làm cần thực hiện ngay từ ý thức của người dân, đó là bỏ rác đúng nơi quy định và phân loại rác thải theo đúng quy định”, bà Phương phân tích.

Đến nay, ông Ninomiya đã hết nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam và trở lại Nhật Bản, việc duy trì hoạt động này được chuyển giao cho bà Nguyễn Thị Minh Phương. Bằng việc làm lặng lẽ và ý nghĩa, bà Phương đã thu hút được rất nhiều người, kể cả du khách nước ngoài cùng tham gia nhặt rác.

“Người nước ngoài đến Việt Nam tự nguyện đi nhặt rác, không được ai trả tiền, không được ai khen ngợi, nhiều người thậm chí coi họ là những kẻ rỗi hơi nhưng họ rất cần cù, rủ nhau rồi kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam làm trong doanh nghiệp Nhật Bản, các bạn học khối tiếng Nhật cùng tham gia với họ. Vậy mình là người dân Thủ đô, tại sao chúng ta không làm được?”.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương

Bà Phương trăn trở: “Các bác cao tuổi có ý thức về vệ sinh môi trường khá tốt, còn những người trẻ tuổi thời gian sống và sinh hoạt tại nhà rất ít nhưng chúng tôi vẫn phải vận động họ tham gia hoạt động này ở những nơi mà họ thường có mặt. Bảo vệ môi trường trước tiên phải từ những ý thức và hành vi nhỏ nhất như cho rác vào thùng. Tiếp đó là vận động thanh niên trong các tổ chức đoàn thể về ý thức, hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống. Đây là một vấn đề khó khi còn nhiều bạn trẻ thờ ơ, ý thức kém hoặc đôi khi chỉ vì quá lười mà vô tình xâm hại đến môi trường tự nhiên”, bà Phương bày tỏ thêm

Trong 12 năm qua, Nhóm “Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya” vẫn đều đặn hoạt động như một nét đẹp dung dị giữa lòng Hà Nội. Những “người vác tù và hàng tổng” như bà Nguyễn Thị Minh Phương vẫn đang kiên định với mục tiêu truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường tới mỗi người dân Thủ đô và du khách thập phương. Chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan, vấn đề môi trường sẽ không thể ngày một ngày hai để có thể giải quyết. Thế nhưng sẽ không có một cố gắng nào là vô ích. Nỗ lực của những người yêu môi trường, yêu Thủ đô cùng sự sát sao của chính quyền suốt nhiều năm qua đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm, truyền cảm hứng cho nhiều người, ý thức của người dân về môi trường đã được cải thiện đáng kể, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực cho môi trường và cộng đồng, giúp cho Thủ đô Hà Nội càng đẹp hơn trong mắt du khách thập phương và quốc tế, xứng đáng là thành phố Xanh, Thành phố vì Hòa bình./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận