1. Ngồi trò chuyện với ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL Hội An (Quảng Nam), tôi thủng thẳng: “Hội An nhiều cái, nhiều thứ đã trở thành “di sản” rồi, thôi để những nơi khác làm “di sản” với chứ, ông làm rứa thì “di sản” về hết Hội An còn chi”? Ông cười rồi giải thích: “Mình cố gắng làm những gì mang lại lợi ích cho cộng đồng, để gìn giữ và phát triển mạnh giá trị văn hóa làng, để du khách thập phương tìm đến chiêm ngưỡng”. Ông Võ Phùng là cha đẻ chương trình nghệ thuật phục vụ ẩm thực “ngàn đô” trên ngọn lúa, nay đã trở thành thương hiệu quốc tế.
Đến nay đã hơn 10 năm, những bữa tiệc “ngàn đô” được tổ chức ngay trên cánh đồng của xã Cẩm Thanh vẫn cuốn hút du khách nước ngoài đặc biệt thích thú khi đến phố cổ Hội An Chủ nhân của tour ẩm thực The Field độc đáo này là Phan Xuân Thanh. Bên những thửa ruộng trên cánh đồng lúa trĩu vàng, anh Thanh đã cho dựng một căn nhà tranh tre độc đáo. Nhìn căn nhà tre mọc giữa cánh đồng như chứa đựng cả kho văn hóa bản sắc Việt để mở tiệc chiêu đãi khách tham quan. Dù bữa tiệc chỉ là những món ăn dân dã như: Mì Quảng, bánh xèo, bánh đúc, cao lầu, bánh bao, bánh vạc… nhưng nó mang những nét tinh túy trong văn hóa ẩm thực được truyền lại từ bao đời nay của người dân Xứ Quảng.
Qua cây cầu tre phía trên những ngọn lúa chín cúi đầu, quang cảnh phiên chợ quê đầu thế kỷ 20 dần hiện ra chộn rộn trên cỏ rơm. Con heo, con gà, trái bí nhà nông mang ra chợ trao đổi. Từ thửa lúa chín vàng, mùi rơm thơm tỏa ra trên cánh đồng, những anh mục đồng thổi sáo vắt vẻo ngồi trên lưng trâu, cô thôn nữ duyên dáng trong bộ bà ba miệt mài trên thửa ruộng, như gom cả nông thôn Xứ Quảng xưa trong không gian bình dị, ấm cúng, khiến du khách say lòng!
Đặc biệt, còn có sự tái hiện chân thực phiên chợ quê Hội An có từ đầu thế kỷ XX. Trên bến dưới thuyền tấp nập với những thương nhân trao đổi buôn bán. Người vợ ngồi dệt chiếu hoa, chồng gánh gồng đi bán, những bà mẹ quê móm mém ngồi bán trầu cau… đã đưa du khách sống trong không gian yên bình của làng quê Việt xưa. “Tuyệt quá, tôi sống cùng dân làng trong nhịp sống thanh bình. Chợ đông đúc càng tô thêm cho cảnh sắc yên ả, đáng yêu đến lạ”, du khách đến từ Australia thổ lộ.
“Đây là tour du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn văn hóa nông nghiệp bản địa. Mọi lợi nhuận sau bữa tiệc được chia đều từ người nuôi trâu, anh nông dân làm ruộng, chị dệt chiếu, cho đến những bà mẹ già móm mém ngồi bán trầu cau”… Kết thúc mỗi bữa tiệc, tôi luôn yêu cầu trưởng đoàn khách phải phát biểu cảm ơn người nông dân, bởi người nông dân làm ra sản phẩm này chứ không phải tôi. Tôi chỉ là người kết nối các bạn với đời sống mà thôi”, anh Phan Xuân Thanh - chủ nhân bữa tiệc này chia sẻ.
2. Chuyện làm du lịch “xanh” ở Hội An đã manh nha khởi nguồn từ 10 năm trước, khi tour ẩm thực The Field “ngàn đô” thực hiện. Tuy nhiên, có nhiều hoài nghi, từ chính quyền, người nông dân đến cả ngành du lịch, bởi khái niệm du lịch “xanh” tương lai còn quá mơ hồ. “Chỉ có tâm huyết, và mình chấp nhận bước qua cả lời nguyền, bởi làm du lịch xanh không chỉ đơn thuần một mình doanh nghiệp làm mà được, cần cả cộng đồng, làng xóm đồng lòng. Mà để mọi người từ bỏ cách canh tác quen thuộc dùng thuốc bảo vệ thực vật, hay phân bón hóa học… quá khó, tuy nhiên mình quyết tâm sẽ làm được”, anh Phan Xuân Thanh tâm sự.
Sau những nỗ lực của anh Thanh cùng nông dân, mô hình vườn rau hữu cơ Thanh Đông đã được thực hiện thành công, thu hút rất đông du khách châu Âu. Người nông dân được hưởng lợi, không chỉ bán rau giá cao, mà hưởng lợi từ cả việc du khách đến tham quan và trải nghiệm học cách trồng rau, người nông dân nghèo trở thành người khá giả. Vườn rau hữu cơ đã giải quyết công ăn việc làm và cho người dân nơi đây thu nhập cao, ổn định.
Từ thành công với vườn rau, anh Thanh chuyển qua vận động nông dân trồng lúa hữu cơ. Trồng rau hữu cơ oganic đã khó, trồng lúa hữu cơ lại càng khó, như chuyện tìm đường lên trời. Sau 4 năm, nay cả cánh đồng lúa hữu cơ đã thực sự hình thành, năng suất cao, giá lúa tăng gấp đôi mà vẫn không đủ cung.
Đặc biệt, cánh đồng trở thành nơi chuyên tổ chức sự kiện đãi tiệc “ngàn đô” cho khách châu Âu. Mỗi năm vào những mùa lúa chín vàng, nơi đây đón những đoàn khách khoảng 300 - 500 người đến ăn tiệc. Giá mỗi người trả cho một bữa tiệc từ 1.000 - 1.200USD. Mô hình xanh, hữu cơ mang lại lợi nhuận lớn lan tỏa rộng ra cả thành phố. Nơi đây trở thành mô hình du lịch xanh tiêu biểu không chỉ ở Quảng Nam, mà trên cả nước. Sau khi Chính phủ chọn Quảng Nam làm điểm du lịch xanh Quốc gia, dường như nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nhiều khu nghỉ dưỡng resort cao cấp ở Hội An đã đạt, vượt chuẩn quốc tế, được các tạp chí môi trường, du lịch danh tiếng quốc tế bầu chọn là điểm đến xanh trên thế giới.
“Sống hoặc nghỉ dưỡng thì nên chọn ở Hội An. Anh thử tìm xem ở nơi nào Việt Nam được như Hội An không, có đầy đủ, có sông, có biển, có đồng… môi trường không khí trong lành, rau sạch, phố trong làng, làng trong phố. Con người sống chậm, dù Hội An là đất du lịch nhưng họ không vội vã, xô bồ”, một người Thụy Sĩ - hàng xóm với tôi 15 năm nay phân tích.
Không rõ anh chàng Thụy Sĩ ấy nói đúng hay không, nhưng nhìn lại số lượng cộng đồng “người Tây” chọn đất Hội An làm quê hương thứ hai để sinh sống lâu dài có lẽ đông nhất nhì Việt Nam.
Du khách quốc tế vừa ngạc nhiên, vừa thích thú với bữa tiệc trên ruộng lúa vàng óng, hương vị ẩm thực hòa quyện vào hương lúa thơm lựng theo gió lan tỏa cả đồng vàng. |
3. Nhiều người bạn tôi ở các nơi hỏi rằng: Sao ở Hội An phát triển du lịch, đất đai, nhà ở đắt đỏ, giá cả đắt đỏ nhưng vẫn còn nhiều cánh đồng bao la chưa bị phân lô bán nền? Tôi lân la tìm hiểu biết được, chính quyền Hội An luôn luôn gìn giữ những cánh đồng để phát triển du lịch theo mô hình bền vững.
Tôi nhìn lại, những tour trải nghiệm thu hút khách châu Âu cũng chính là đồng rau, đồng lúa… chứ không phải những thứ hiện đại hoành tráng đang làm xói mòn môi trường tự nhiên, nạn ô nhiễm diễn ra ở khắp nơi. Nơi nơi ào ạt khai thác đất làm khu đô thị. Hội An lại chọn lối phát triển rất “nhà quê”. Nếu có dịp đến Hội An sẽ nhìn thấy cảnh những đoàn khách Tây đạp xe dạo quanh đồng ruộng, hay cưỡi trâu… rất thích thú. “Khách Tây rất thích cưỡi trâu, nhiều cặp khách châu Âu đưa cả ê-kíp tìm đến thuê trâu, thuê áo bà ba, nơm cá… lội ruộng để chụp những bộ ảnh cưới thật là đẹp”, một người chăn trâu tâm sự.
“Riêng Việt Nam, chuyện cây lúa là bản gốc, là nguồn cội văn hóa ngàn đời của người Việt. Khi anh dùng hình ảnh cây lúa làm du lịch là mình không chỉ đang truyền tải, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng đến với du khách, mà qua đó mình quảng bá hình ảnh đất nước, con người, hạt gạo Việt có từ ngàn đời này đến bạn bè quốc tế”, anh Phan Xuân Thanh nói.
Quả thật, nay đồng ruộng, vườn rau ở Hội An không còn là vựa lương thực, mà còn mang thêm sứ mệnh nghệ thuật như đạo diễn Nguyễn Tấn Lộc và nhạc sĩ Đức Trí ấp ủ 32 năm nay cho ra đời sản phẩm múa đương đại giữa cánh đồng: “Giấc mơ trên cánh đồng”. Hai chàng trai ngày ấy trở lại cánh đồng cùng những nghệ sĩ của Arabesquevietnam. Trái tim lúa Hội An bây giờ còn là một không gian văn hóa cho một chương trình biểu diễn nghệ thuật giữa cánh đồng hoàng hôn được dựng lên ụ rơm chất trước sân nhà nông thôn 30 năm trước trở thành nhân vật. Câu chuyện, buồn vui, kỷ niệm của người nông dân Việt Nam được kể bằng vũ điệu, bằng âm nhạc, bằng thứ ngôn ngữ không biên giới. Sân khấu cánh đồng lúa, thật ra là sân khấu quốc tế.
Có lẽ, hiếm một sân khấu nào cho khán giả cảm xúc vừa xem kể chuyện bằng ngôn ngữ hình thể, bằng tiếng đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt… vừa hít thở mùi cánh đồng, mùi lúa đương thì ngậm sữa, mùi rơm rạ trên đồng. Không chỉ xem múa, nghe nhạc, đó là sự tận hưởng một buổi chiều bình yên vô giá.
Như tour học trồng lúa của anh Khoa Trần được du khách châu Âu bỏ cả 100 USD/người để trải nghiệm. Anh Khoa đưa du khách vào mê trận bằng câu chuyện: Bằng cách nào mà loại “cỏ” mọc lên từ bùn lại cho hạt gạo trắng và trong, cho bát cơm ngọt, thơm, dẻo đến thế.
Khám phá quy trình trồng cây lúa, làm ra hạt thóc, đến bát cơm, cái bánh từ bột gạo đã trở thành tour du lịch được đánh giá là độc đáo bậc nhất ở Hội An. Thành công của một hướng đi cũng “phát lộ” nhiều điều về tiềm năng phát triển ở ngay quanh ta, từ những điều bình dị nhất, cũng là cách quảng bá thật đơn giản mà hiệu quả văn hóa và con người Việt đến với bạn bè trên thế giới./.