Hương phù sa miền châu thổ

GS.TS Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học mà trái tim mình luôn hướng về đồng ruộng, luôn đập cùng nhịp đập của nông dân.

 

GS.TS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 trong một gia đình nghèo khó tại Ba Chúc, ở ngôi làng nhỏ trong dãy Thất Sơn - An Giang. Chính sự cơ cực, thiếu thốn đã tôi luyện ý chí vượt khó của ông, để rồi với những nỗ lực không mệt mỏi trong cả cuộc đời, ông trở thành nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.

GS.TS Võ Tòng Xuân có nhiều đóng góp về nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp với các sáng kiến phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, giúp nâng cao năng suất và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Ông là một nhà khoa học mà trái tim mình luôn hướng về đồng ruộng, luôn đập cùng nhịp đập của nông dân. Cho đến những ngày tháng cuối trong cuộc đời, mong ước lớn nhất của ông vẫn là ươm mầm khoa học, phát triển nông nghiệp, người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê mình.

Chân dung GS.TS.NGND Võ Tòng Xuân làm từ hạt gạo.

Đi để trở về

Năm 1966, GS.TS Võ Tòng Xuân tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đặt tại Philippines.

Trong lúc sự nghiệp đang phát triển rực rỡ tại IRRI, ông đã đưa ra một quyết định bất ngờ. Bỏ lại phía sau mức lương cao cùng môi trường làm việc hiện đại, tiên tiến, ông quyết tâm trở về Việt Nam vào năm 1971 khi đất nước còn nhiều khó khăn sau giải phóng, công tác tại Viện Đại học Cần Thơ (Trường ĐH Cần Thơ hiện nay). Đến năm 1974, ông sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh rồi trở về đúng vào tháng 4 năm 1975. “Lúc đó tôi ở Nhật Bản lấy bằng tiến sĩ, về nước đúng 28 ngày trước khi chấm dứt chiến tranh. Tôi trở về để cùng các đồng nghiệp, sinh viên ở Trường Cao đẳng nông nghiệp phát triển mạnh chương trình cây lúa mới này. Đó là động cơ để tôi trở về Việt Nam, đào tạo cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu và cán bộ khuyến nông, giúp ĐBSCL có thể phát triển được cây lúa”, GS.TS Võ Tòng Xuân đã khẳng định như thế trong một cuộc trao đổi cách đây không lâu.

Quyết định này không chỉ thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt mà còn cho thấy ý chí và khát vọng cống hiến của ông. Bởi ông tin rằng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sẽ có ý nghĩa hơn khi áp dụng vào thực tiễn tại quê hương mình.

Đóng cửa trường, thầy và trò ra đồng cứu lúa

Cuộc cách mạng nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS.TS Võ Tòng Xuân trong việc mở rộng khả năng tiếp cận hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại. Với tầm nhìn chiến lược và trái tim luôn hướng về nông dân, ông không chỉ đặt nền móng cho các phương pháp canh tác tiên tiến nhằm tăng năng suất, mà còn hướng đến việc bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học và hỗ trợ sinh kế cho người lao động.

GS.TS Võ Tòng Xuân được vinh danh giải đặc biệt, giải Vinfuture dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Một trong những dấu ấn lớn nhất của GS Võ Tòng Xuân là năm 1977, khi sản xuất lúa ở ĐBSCL bắt đầu phát triển thì "nỗi sợ hãi" đối với người nông dân mang tên rầy nâu xuất hiện. Dịch rầy nâu hoành hành trên các cánh đồng miền Tây lúc bấy giờ đã làm nông dân khốn đốn.

Thời điểm ấy, hầu hết các giống lúa cao sản IR 26, IR 30 bị rầy nâu tàn phá. Khi đi thực tế ở vùng Tân Châu - An Giang, nhìn những cánh đồng lúa bị rầy nâu ăn sạch, ông và các cộng sự phát hiện đây là một loại rầy nâu mới. Để chống loại rầy nâu này, ông liên hệ với Viện IRRI tại Philippines nhờ trợ giúp. Hai tuần sau, ông nhận được 4 phong bì gửi qua đường bưu điện từ TS Gurdev Singh Khush, mỗi phong bì chứa 5 gram hạt giống, gồm: IR32, 24, 36, 38. GS.TS Võ Tòng Xuân nuôi 4 giống lúa mới kháng rầy và chọn được IR36 là tốt nhất.

Lúc này, để giúp nông dân, cách duy nhất là phải tìm cách nhân giống nhanh nhất có thể. Chỉ sau một thời gian ngắn mày mò, ông tìm ra phương pháp cấy một dảnh mạ để giữ giống và tăng năng suất.

Giữa năm 1978, từ đề xuất của GS.TS Võ Tòng Xuân, Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, lúc đó là thầy Phạm Sơn Khai đã đồng ý cho thực hiện. Trường ĐH Cần Thơ đã làm một việc chưa từng có là "đóng cửa trường" 2 tháng để sinh viên ra đồng cùng nông dân sản xuất lúa, nơi nào có lúa rầy nâu thì nhân giống lúa IR36 lên. “Chiến dịch” diệt rầy nâu không chỉ chặn đứng được nạn rầy nâu hoành hành, sau vụ thứ 2 đã thu hoạch được hơn 2.000kg lúa giống.

Vậy là không bao lâu cánh đồng miền Tây "tràn" lúa cao sản IR36, rầy nâu cũng không còn. Những năm sau đó, lúa mùa năng suất kém 2 - 3 tấn/ha, trồng một vụ/năm đã được thay thế gần như hoàn toàn bởi lúa cao sản 2 vụ/năm, năng suất ít nhất 9 - 10 tấn/ha.

Từ thành công ở Việt Nam, giống lúa IR36 đã được nhân rộng trên toàn thế giới với diện tích canh tác lên đến 11 triệu héc-ta. Năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn; tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.

 

Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động, GS.TS Võ Tòng Xuân sinh ngày 6/9/1940. Ông qua đời lúc 7h27 ngày 19/8/2024 tại TP.HCM. Ông được phong Giáo sư năm 1980, Anh hùng Lao động năm 1985, Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 1999. Ông đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, như: Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật năm 2005; giải thưởng Nikkei Á Châu 2002 về tăng trưởng vùng; giải thưởng Ramon Magsaysay về “Phục vụ Nhà nước” năm 1993; Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về “Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới” năm 1995; Huy chương “Kỵ mã nông nghiệp” của Bộ Nông Lâm Thủy sản Pháp năm 1996; Huân chương “Mặt trời mọc” của Chính phủ Nhật Bản về quan hệ Nhật - Việt năm 2019; giải thưởng Đặc biệt VinFuture 2023 về phụng sự nhân loại.

 

Mang thành công chia sẻ với các quốc gia châu Phi

Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của GS.TS Võ Tòng Xuân còn mang nhiều lợi ích cho nông dân các nước nghèo ở châu Phi như: đưa nhiều giống lúa Việt Nam hay nhà khoa học Việt Nam sang giúp đỡ các nước: Sierra Leone, Liberia, Nigieria, Sudan, Mozambique, Angolia, Cameroon…, kiến thiết nền nông nghiệp cho phù hợp với tình hình và điều kiện của từng quốc gia.

Trong đó, lần thứ nhất năm 2006, từ cuộc trao đổi với ông Sahr Johnny, khi đó đang là Đại sứ của Sierra Leone tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong việc giúp nước này sản xuất lương thực, GS.TS Võ Tòng Xuân đã nhận lời sang hỗ trợ. Trong thời gian ở Sierra Leone, ông đã đi khắp nơi tiếp xúc, trao đổi với các trưởng bộ lạc và nông dân để tìm hiểu tập quán làm ăn của họ; đồng thời thảo luận với các nhân viên nghiên cứu lúa ở Rokupr để tìm hiểu những khó khăn trong nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật. Hơn một năm sau chuyến khảo sát, “Nhóm công tác an toàn lương thực Sierra Leone” do GS.TS Võ Tòng Xuân đứng đầu được thành lập.

Trong lần tiếp theo sang đất nước Tây Phi này, 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao của ĐBSCL đã được ông và các cộng sự mang theo. Các giống lúa này sau đó được thử nghiệm tại khu Mange Bureh và trại nghiên cứu Rokupr, song song với đó là việc thiết kế hệ thống tưới tiêu tại khu vực thử nghiệm. Các chuyên gia Việt Nam ngày đó đã lập nên 2 kỳ tích. Thứ nhất là trồng được 2 vụ lúa, thời gian sinh trưởng của cây lúa chỉ từ 95 - 100 ngày, năng suất khoảng 4,7 tấn/ha. Thứ hai là các chuyên gia còn tích trữ được lượng lúa giống đủ để gieo trồng ở diện rộng. Sau bước đầu thử nghiệm thành công ở Sierra Leone, GS.TS Võ Tòng Xuân và các cộng sự tiếp tục có mặt tại Nigeria, Sudan, Mozambique, Rwanda, Burundi, Liberia để khảo sát.

Nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng VinFuture

Cùng với GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ), GS.TS, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân đã trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng VinFuture ở hạng mục “Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ nước đang phát triển”. Ông được vinh danh vì những đóng góp quan trọng trong phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao, kháng bệnh tốt, đồng thời có nhiều công trình giúp nông dân thế giới có những giống lúa tốt, giúp cải tạo đất, tạo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Tác giả bài viết và GS.TS Võ Tòng Xuân tại Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức tại Cần Thơ trong khuôn khổ Năm APEC 2017.

Không chỉ là nhà khoa học dành cả cuộc đời mình cho đồng ruộng mà GS.TS Võ Tòng Xuân còn là một nhà giáo dục đầy tâm huyết. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học An Giang, là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ; là Đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV.

Ở mỗi ngôi trường, ông luôn để lại dấu ấn với nhiều công trình quý báu và luôn hết lòng vì học trò thân yêu, ông luôn động viên, khuyến khích tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, tạo một môi trường học tập, nghiên cứu, sáng tạo và nghiêm túc để thầy và trò cùng học tập, lao động và cống hiến… “Đối với các bạn thanh niên, sinh viên, tôi có một lời khuyên mình hãy quyết tâm học và học thật. Cái gì mình cũng cần học để có thể có đủ kiến thức xem cái gì sai, cái gì đúng và cái gì cần làm. Từ đó các bạn sẽ thấy rằng, của cải của ba má mình để lại là ở trong đầu các bạn, không bao giờ bị mất. Đó là gia tài quý nhất mà các bạn phải trân trọng”, GS.TS Võ Tòng Xuân đã gửi gắm như thế ở thế hệ trẻ.

GS.TS Võ Tòng Xuân sinh năm Canh Thìn, mất trong năm Giáp Thìn ở cái tuổi xưa nay hiếm, 84 tuổi. Ông là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần học tập suốt đời, sự tận tụy cống hiến cho khoa học, cho nền nông nghiệp quốc gia và quốc tế, chinh phục những đỉnh cao của tri thức./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận