Buồn lắm, sầu riêng ơi!

Mùa thu hoạch sầu riêng đầy hứa hẹn của tỉnh Đắk Lắk bỗng chốc trở thành một mùa sầu chung. Nhiều xung đột, thậm chí bạo lực đã nảy sinh.

 

Mùa thu hoạch sầu riêng đầy hứa hẹn của tỉnh Đắk Lắk - tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước - bỗng chốc trở thành một mùa sầu chung. Nhiều xung đột, thậm chí bạo lực đã nảy sinh. Lỗ hổng của ngành hàng sầu riêng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.

Mùa sầu nảy lửa mâu thuẫn

Năm nay, ông Hà Nguyễn Anh Thanh cùng một số đối tác quyết định mở rộng hoạt động thu mua sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk để xuất khẩu. Họ đã mở một cơ sở thu mua tại xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc và xây thêm một cơ sở khác rộng 5.000m2 ở huyện Krông Năng, kèm theo hệ thống xử lý tách nước nhằm nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Có nhiều mối quan hệ với các đối tác là người Thái Lan giàu kinh nghiệm  trong ngành hàng sầu riêng và có những thông tin thị trường chính thống từ hiệp hội nông sản Thái - Trung, ông Thanh tin rằng công việc của mình sẽ thuận lợi.

Sầu riêng tại 1 doanh nghiệp sau khi đã được thẩm định chất lượng và phân loại. Hạng A trong rổ màu xanh. B trong rổ màu vàng và C trong rổ màu đỏ.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 chớm mùa, ông cùng cộng sự đã liên tiếp gặp thách thức vì những bất hòa, xung đột xảy ra như cơm bữa giữa bên thu mua và bên bán sầu riêng. Theo ông Thanh, những bất hòa, xung đột tương tự đã diễn ra từ những năm trước, trong mỗi lần sầu riêng bị rớt giá. Nhưng mùa thu hoạch năm nay, sầu riêng rớt giá càng mạnh, thêm vào đó là tình trạng mưa kéo dài khiến chất lượng sầu riêng giảm sút, khó thu mua, nên mâu thuẫn, xung đột giữa nông dân, thương lái và các kho vựa thu mua càng thêm căng thẳng.

“Tôi hiểu đó là những cái đầu ngủ ít, là hệ quả nỗi lo cơm áo gạo tiền khi giá xuống, nhưng tôi vẫn thấy rất đau đầu, có lúc sợ hãi... Họ sẵn sàng ép mua, họ rất hùng hổ, chỉ cần đánh giá chất lượng trái sầu riêng phật ý họ là họ sẵn sàng xử mình. Mấy hôm trước, tôi cũng suýt bị đánh ở Km35, địa phận xã Hòa Tiến”, ông Thanh chia sẻ.

Không chỉ nông dân xô xát với thương lái, thương lái dọa nạt vựa thu mua mà chủ vườn cũng không được an toàn. Anh Nguyễn Đức An, một chủ vườn sầu riêng ở xã Ea Yông, cũng là công chức Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, cho biết, đã 3 năm nay mình không ký hợp đồng nhận cọc của bất kỳ thương lái nào, vì biết chắc chắn sẽ xảy ra tranh chấp khi giá xuống thấp và các tranh chấp này không dễ để xử lý một cách sòng phẳng và văn minh. Đến mùa năm nay, anh càng thấy quyết định của mình là đúng, vì sự bất đồng đã đến mức báo động. “Trong khu vực rẫy nhà tôi, có người bị thương lái “bẻ kèo”, không chịu thu mua. Chủ vườn đồng ý hủy hợp đồng, nhưng tuyên bố sẽ giữ lại 30 triệu đồng tiền cọc đến khi bán hết sản phẩm mới chuyển trả cho lái, thế là lái xông vào đòi đánh và dọa sẽ cắt chân, cắt tay của chủ vườn”, anh An cho biết.

Một xe sầu riêng đang chờ được thẩm định và phân loại. Với hình thái, màu sắc, mùi hương giống nhau, việc phân loại chất lượng sầu riêng là một thách đố.

Vì đâu nên nỗi?

Mùa sầu riêng 2024 của tỉnh Đắk Lắk đến trong rất nhiều hứng khởi, khi nông dân đã vượt qua một mùa khô khốc liệt, gìn giữ được năng suất của vườn cây. Giá thương lái đặt cọc chốt vườn mua xô từ trước vụ, lên tới 85.000 đồng/kg. Nhưng từ giữa tháng 7 bước vào vụ thu hoạch, thị trường đảo chiều nhanh chóng. Ngoài việc giá xuất khẩu giảm, kéo theo giá thu mua tại vườn chỉ còn dưới 70.000 đồng/kg khiến thương lái lỗ nặng, Đắk Lắk còn hứng một đợt mưa kéo dài đến gần 3 tuần, khiến việc thu mua đình trệ. Tiếp đó, sầu riêng bị thương lái bắt lỗi hàng loạt khiến nhà vườn choáng váng. Nhiều thương lái cũng chịu chung thảm cảnh với những lô hàng bị các vựa kết luận là "lỗi cơm" hoặc "không lên cơm" nên không được thu mua, phải bán tháo theo diện "hàng dạt", chỉ từ 20.000 đến dưới 40.000 đồng/kg, khiến họ bị thua lỗ hơn một nửa...

Sức ép từ việc thua lỗ nặng nề được thương lái chuyển thành sức ép lên những nông dân sầu riêng. Ông Phạm Dần, một chủ vườn ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc cho biết, năm nào cũng vậy, nếu giá sầu riêng xuống thấp mà thương lái đã đặt cọc mua với giá cao thì họ sẽ tìm mọi cách để không thu hái như cam kết, gây sức ép buộc người dân phải giảm giá.

Dù giữa chủ vườn và thương lái có hợp đồng đặt cọc và có điều khoản hủy hợp đồng, nhưng nếu hủy thì theo ông Dần, nông dân cũng khó bán cho người khác. Nhiều thương lái sẽ bám riết, biến vườn sầu riêng thành vườn "có tranh chấp". Dù cơ quan chức năng vào cuộc cũng không dễ để phân xử, và dù có phân xử được thì sầu riêng cũng quá lứa, chín rụng, hại cây... tổn thất lớn.

Nếu như các năm trước, nông dân chốt bán sớm sầu riêng chỉ ấm ức về chuyện "giá lên mình không được gì, còn giá xuống mình lại bị ép xuống" thì năm nay, ấm ức bùng nổ thành phẫn nộ vì họ cho rằng mình bị ép bằng những chiêu trò chất lượng.

 

2 xe bán tải chở sầu riêng không thể thương lượng được giá bán vì "cơm lỗi".

Những vườn sầu riêng đã được cả chủ vườn và thương lái đánh giá chất lượng sơ bộ, đã chốt bán với giá hàng tỷ đồng, thậm chí đã cắt dao 1, thì nay bị thương lái “trở cờ” chê cơm sầu riêng bị “sượng nước”, không thể thu mua với giá đã ký kết. Vừa cắt xong dao đầu tiên trong vườn sầu riêng 30 tấn của mình, ông Phạm Dần cho rằng, chuyện “bới lông tìm vết" là nghề của thương lái, nhằm hạ thấp phẩm cấp của vườn sầu riêng để thu mua với giá rẻ hơn. Nhưng thay vì nổi cơn thịnh nộ dẫn tới xô xát, ông “biết điều” chọn phương án hòa đàm. “Mình cũng có năng lực đánh giá sầu riêng vì đã làm nghề này bao nhiêu năm. Nhưng dù sao mình cũng không bằng được thương lái. Vậy nên tôi chọn cách nói chuyện có tình có lý. Mình cũng phải chấp nhận chịu thiệt ở mức độ nào đó", ông Dần cho biết.

Chưa có nhân lực kiểm định chất lượng sầu riêng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, vụ thu hoạch này, sản lượng sầu riêng của tỉnh dự kiến đạt hơn 300 nghìn tấn, kéo dài từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 10. Trong nỗ lực đảm bảo sự lành mạnh của vụ thu hoạch năm nay, Sở đã tiến hành kiểm tra đột xuất hàng loạt cơ sở thu mua sầu riêng. Tuy nhiên, phạm vi kiểm tra chỉ bao gồm việc tuân thủ các quy định của pháp luật về nhãn mác, quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói, an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn những tranh cãi nóng bỏng về chất lượng, về khuyết lỗi của sản phẩm sầu riêng, xảy ra giữa các bên trong chuỗi ngành hàng này, vẫn ngoài tầm điều tiết.

Ông Trần Ngọc Trịnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Đắk Lắk cho biết, Tiêu chuẩn Quốc gia 10739/2015 dành cho sản phẩm sầu riêng tươi, do Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối ban hành, từ lâu đã được nhận định là quá sơ sài, không có giá trị áp dụng cho ngành hàng sầu riêng, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi, thay thế.

Ở đơn vị nghiên cứu khoa học chuyên sâu hơn, là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc làm sao để thẩm định, khảo nghiệm chất lượng trái sầu riêng tươi, cũng là điều nan giải. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Bộ môn Cây lâm nghiệp và Cây ăn quả, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết “chính chúng tôi cũng không làm được việc này, mà vẫn phải nhờ các chuyên gia trong nghề" .

Vấn đề đặt ra là, trong thực tế ngành hàng sầu riêng ở Đắk Lắk chưa có các chuyên gia đúng nghĩa như tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường đề cập. Thực tế tìm hiểu của phóng viên, từ trạm khuyến nông huyện Krông Pắc - vùng trồng sầu riêng lớn nhất Đắk Lắk, trung tâm giao dịch sầu riêng lớn nhất Tây Nguyên, tới Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm thủy sản của tỉnh, chưa một cán bộ chuyên môn nào có kỹ năng, kiến thức thẩm định chất lượng sầu riêng đủ để làm trọng tài cho các tranh chấp đang xảy ra. Chuyện chất lượng sầu riêng ra sao, cơm sầu riêng lỗi hay không lỗi, vẫn chỉ do các thợ gõ - cắt sầu riêng, nhân viên kiểm định của các doanh nghiệp, hoặc thương lái kiêm người kiểm định… đơn phương phán quyết.

 

Một lô sầu riêng bị chất đống trong kho vì "lỗi cơm".

 

Nếu như các năm trước, nông dân chốt bán sớm sầu riêng chỉ ấm ức về chuyện "giá lên mình không được gì, còn giá xuống mình lại bị ép xuống" thì năm nay, ấm ức bùng nổ thành phẫn nộ vì họ cho rằng mình bị ép bằng những chiêu trò chất lượng.

Ông Trần Hồng Tiến - Bí thư Huyện ủy Krông Pắk - thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk cho biết, huyện đã nhìn ra thách thức về đảm bảo chất lượng của ngành sầu riêng, nên từ năm 2022 đã yêu cầu Trung tâm dạy nghề ở huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề này, với mong muốn có thêm nhân lực tại chỗ, đáp ứng nhu cầu mỗi mùa thu hoạch.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nghề kiểm định chất lượng sầu riêng chưa có trong danh mục nghề do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội ban hành; chưa có chứng chỉ, bằng cấp về nghề mới này, nên trung tâm dạy nghề Krông Pắc gặp nhiều khó khăn trong mời giảng. Thực tế ở các lớp đã tổ chức, đã phải “mượn” tên "kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch sầu riêng”,  với quy mô thử nghiệm và chất lượng đào tạo còn hạn chế. “Tôi cho rằng cần sớm khắc phục những bất cập này, phải có đủ các quy chuẩn phù hợp về chất lượng sầu riêng và quan tâm đào tạo nhân lực kiểm định chất lượng sầu riêng. Không chỉ thương lái, thợ cắt, doanh nghiệp cần kỹ năng thẩm định, mà chính từng nông dân cũng rất cần. Chỉ khi có thể tự kiểm định chất lượng sản phẩm của mình, nông dân mới chủ động việc nâng cao chất lượng, đồng thời quyết định bán sản phẩm đúng thời điểm chất lượng sản phẩm tốt nhất. Như vậy thì mới giữ vững được uy tín thương hiệu sầu riêng, mới hạn chế  được những mâu thuẫn”, ông Trần Hồng Tiến nói./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận