Dường như câu chuyện (mới - cũ) của Chùa Cầu chất đầy các quán cà phê ở Hội An và trên báo chí, mạng xã hội,… Tôi trộm nghĩ: Có yêu, có quan tâm thì mới lên tiếng. Và dù thế nào, Lai Viễn Kiều - biểu tượng “Di sản văn hóa thế giới” của Hội An - vẫn ngày ngày đón du khách muôn nơi tới tham quan.
1. Nội cái tên “Lai Viễn Kiều” không thôi cũng đủ nhớ suốt đời. Tôi ngồi cà phê phố cổ Hội An nghe cặp vợ chồng trẻ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh bình luận về vẻ đẹp cổ xưa của Chùa Cầu “Lai Viễn Kiều”: “Cái gì có chữ Kiều đều đẹp hết”. Dường như anh chàng nịnh cô vợ thì phải. Anh chàng vừa dứt lời, xung quanh văng vẳng tiếng nhỏ to: “Kiều thì đẹp rồi, nhưng số phận Kiều cũng khá dâu bể, khác chi Kiều của Nguyễn Du”…
Ở đầu bàn, một nhóm du khách với nhiều giọng nói Bắc - Trung - Nam tán thưởng Chùa Cầu. “Nhờ chuyện ồn ào của Chùa Cầu nên bọn mình mới ngồi đây, mà đến thực tế mới cảm nhận giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời của Chùa Cầu”.
Dường như câu chuyện (mới - cũ) của Chùa Cầu chất đầy các quán cà phê ở Hội An. Mà cũng lạ! Tôi nghe những câu chuyện bàn tán xôn xao về Chùa Cầu, cả trên báo chí, các quán cà phê và trên mạng xã hội,… nhưng nhìn lại thì hầu hết không phải người Hội An, mà là người ở khắp 3 miền.
Nghe ra, người Hội An im lặng bởi họ hiểu về Chùa Cầu quá nhiều. Họ sinh ra rồi lớn lên từ đó, trải qua bao đời, họ nhớ rất rõ từng chi tiết nên khi Chùa Cầu trùng tu xong, họ chỉ quan tâm đến những chi tiết có mấy trăm năm không biến dạng. Với họ, đó là ổn.
Nói như vậy không phải họ không tranh cãi, nhưng họ chỉ không cãi ẩu, không cãi bừa, cãi phải có lý, có tình. Như chuyện trước khi Chùa Cầu chuẩn bị trùng tu, cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý nhà nước… đưa ra phương án trùng tu. Có chuyện điều chỉnh nhỏ về lối đi cong và thẳng của mặt cầu liền bị người dân Hội An lên tiếng chỉ trích gay gắt.
Họ đứng ra tranh cãi những kiến trúc sư, tiến sĩ, chuyên gia từ viện này, viện kia đưa ra những lập luận, điều chỉnh không chuẩn xác, hay điều chỉnh theo ý mình một cách cẩu thả... Người Hội An sẵn sàng đứng ra tranh cãi nhằm bảo vệ di tích, tránh tình trạng làm biến dạng sau khi trùng tu. Họ tranh cãi quyết liệt, và cũng vừa góp ý xây dựng. Họ lục lại cả gia phả dòng họ để đưa ra bằng chứng xác thực. Mãi đến khi các tư liệu bằng chứng xưa kia hiện rõ, các chuyên gia, kiến trúc sư, tiến sĩ của mấy viện chịu bó tay.
Tôi nhớ lời Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, nguyên chủ tịch UBND TP. Hội An - nói rằng: “Họ là người gìn giữ Chùa Cầu, gìn giữ phố cổ bao đời. Phố cổ, Chùa Cầu mấy trăm năm thì họ nối nhau từ đời này sang đời khác gìn giữ, tôn tạo. Chứ xưa kia có ba cái viện kia không? Rồi mấy ai có đầy đủ cứ liệu mà tổ tiên bao đời để lại như những người dân phố cổ”.
Xưa kia, năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm Chùa Cầu dường như đã tuyên đoán được số phận nên đặt tên là Lai Viễn Kiều, nghĩa là Cầu đón khách phương xa. Và rồi mấy trăm năm sau, Chùa Cầu như mang sứ mệnh ở khu phố cổ “đón khách” trong và ngoài nước.
Như lời ông Nguyễn Sự khẳng định: Là người Hội An, tôi cũng yêu quý di sản như bao bà con khác. Hiện 80% di tích phố cổ Hội An thuộc sở hữu của tư nhân. Họ sống hằng ngày trong đó, sáng thức dậy đã thấy đường phố, mái ngói, nhà cổ... nên không ai rõ sự biến đổi của di sản hơn bà con.
Những xôn xao về Chùa Cầu cho chúng ta thấy người dân Hội An và cả du khách đều rất quan tâm tới di tích, di sản cha ông. Đó là điều đáng mừng, vì đó là tình yêu, chính tình yêu đó đã giữ cho đô thị cổ Hội An tồn tại qua mấy trăm năm. Có yêu thì mới để ý, mới đủ tinh tế nhận ra sự đổi khác của di tích, trong đó có Chùa Cầu. Và khi lên tiếng cũng là thể hiện trách nhiệm…
2. Thực ra chuyện hạ giải để trùng tu Chùa Cầu đã được Hội An đặt ra từ 30 năm trước và trước sau vẫn một quan điểm duy nhất phải làm, bởi di tích đã xuống cấp quá nặng, sẽ đổ sập bất cứ lúc nào. Không thể trùng tu bằng chống đỡ, gia cố mà phải căn cơ. Tuy nhiên, lúc đó có nhiều người, chuyên gia trong nước, quốc tế, và chính bản thân chính quyền Hội An không đồng tình cách hạ giải cũng vì lo rằng khi hạ giải Chùa Cầu sẽ bị biến dạng, kiểu lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia như nhiều di tích khác trên cả nước đã từng phạm phải. Sự cẩn trọng của Hội An có lý, không vội, cốt lõi phải làm sao giữ nguyên bản gốc.
Đến năm 2016 có cuộc hội thảo về trùng tu Chùa Cầu, lúc đó cũng có nhiều ý kiến rằng hạ giải hay không hạ giải, và khi hạ giải thì giải pháp xử lý thế nào để tránh Chùa Cầu biến dạng. Nhưng sau đó với công nghệ tiên tiến, kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản..., việc hạ giải mới được các bên thống nhất.
“Chùa Cầu không chỉ đơn thuần là biểu tượng Di sản Văn hóa thế giới Hội An, mà sâu xa hơn nữa là mang trên mình nét văn hóa của cả 2 nước Việt Nam - Nhật Bản giao lưu cách đây mấy trăm năm, lúc thương cảng FaiFoo là thương cảng nổi bật nhất Đông Nam Á, nơi giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa tấp nập với thương thuyền, thương nhân khắp năm châu. Vì vậy, việc trùng tu Chùa Cầu hoặc có thay đổi gì cũng dễ bị xôn xao, vì Chùa Cầu bây giờ không phải là của Hội An - Quảng Nam, hay Việt Nam, mà là của cả thế giới”, ông Phùng Tấn Đông - nhà nghiên cứu văn hóa Hội An - tâm sự.
Minh chứng cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, hằng năm, tại Hội An và Nhật Bản đều tổ chức giao lưu văn hóa thường niên. Sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20 năm 2024 diễn ra từ ngày 2 đến 4/8 với chuỗi hoạt động đặc sắc, nổi bật như: Tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro; giao lưu bóng chày, bóng đá, boxing, đấu vật biểu diễn; khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu; đua ghe ngang “Hội An - Nhật Bản và du khách”...
Thông qua Đại sứ quán Nhật Bản, TP. Hội An đã nhận được sự đóng góp trí tuệ và nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức Nhật Bản cho công cuộc bảo tồn đô thị cổ. Có thể kể đến như: Sự phối hợp hỗ trợ trùng tu các ngôi nhà cổ của tổ chức JICA; Công ty TAKARA hỗ trợ xây dựng 3 nhà vệ sinh công cộng trong khu phố cổ; sự cộng tác của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Nhật Bản; các thành phố: Sakai, Matusaka, Nagasaki, Oda...
“Phố cổ Hội An phát triển thịnh vượng, rực rỡ dưới thời Chúa Nguyễn cai trị xứ Đàng Trong nhờ giao thương buôn bán. Chùa Cầu cũng chính là biểu tượng tình hữu nghị đặc biệt cách đây mấy trăm năm vẫn được cha ông gìn giữ, luôn xem đó để nhắc nhở các lớp hậu thế luôn xây dựng, vun đắp tình hữu nghị ngày càng bền chặt”, anh Phùng Tấn Đông chia sẻ.
|
Không chỉ diễn ra ở Hội An, chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản đã có 2 lần diễn ra ở “Đất nước mặt trời mọc” vào các năm 2014 và 2024 tại thành phố Sakai (tỉnh Osaka). Cơ duyên này bắt nguồn từ câu chuyện về ngôi mộ của ông Gusoku. Vào năm 2000, ông Gusoku Takeshi - Chủ tịch Công ty Phân phối hoa quả Shichido - biết được tại TP. Hội An có một ngôi mộ mang tên ông Gusoku khi xem chương trình đài NHK.
“Sau khi xác nhận đó chính là ngôi mộ của tổ tiên mình tồn tại ở đây mấy trăm năm, ông Gusoku đã tới Hội An vào tháng 5/2000. Tại đây, ông đã tới thăm chùa Minh Hương Phật Tự và biết được nơi tổ tiên mình được an nghỉ. Ông Gusoku rất xúc động và bày tỏ lòng biết ơn đối với người dân Hội An khi đã luôn chăm sóc, bảo vệ phần mộ của tổ tiên ông” - ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL TP. Hội An cho biết.
Hôm Chùa Cầu vừa trùng tu xong, các báo nhờ tôi chụp ảnh Lai Viễn Kiều sau khi “khoác áo mới”. Tôi lân la ngắm nhìn, Chùa Cầu nằm giữa, nhịp nối 2 trục đường Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, mặt hướng ra sông Hoài thật đẹp. Hai tuyến đường một bên phố cổ mang lối kiến trúc người Hoa, một bên mang kiến trúc Nhật thật hoành tráng.
Thấy tôi ngắm nghía chụp ảnh, ông Bảy nhà cạnh Chùa Cầu vui mừng khoe: “Hắn rứa chứ đón không biết bao nhiêu triệu du khách trong nước, ngoài nước và các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến tham quan rồi đó nghe”.
Tôi thầm nghĩ, khi đẹp mà không ai khen, xấu cũng chẳng ai chê, mới hay cũ cũng không có ai lên tiếng, không ai quan tâm thì đó mới là điều đáng sợ và cũng chính là bi kịch.
Tất nhiên chuyện khen chê, bình phẩm thì có cái trúng, có cái chưa trúng. Có người nhìn ở góc độ chuyên môn, nhưng nhiều người nhìn vẻ bề ngoài rồi đưa ra đánh giá. Chúng ta nên cảm ơn tất cả tình yêu đó, bình tĩnh đón nhận và xử lý hợp lý để cùng hướng đến một cái chung là giữ di sản cho muôn đời sau./.