Tòa soạn có 1 không 2
Là người trực tiếp tham gia làm báo tại Tòa soạn báo tiền phương của báo Quân đội nhân dân tại chiến dịch Điện Biên Phủ, đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng, năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn nhớ rõ từng bài viết về chiến trường Điện Biên Phủ.
Trong gian phòng khách tại nhà riêng, đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng lật giở lại những trang báo, những trang ký ức của một thời làm báo hào hùng. Câu chuyện về Tòa soạn báo tiền phương 65 năm về trước dần hiện lên theo từng số báo, từng bài viết, từng câu chuyện trong ký ức của 140 ngày làm báo tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng ngậm ngùi: “Ngày ấy chúng tôi có 5 người, bây giờ chỉ còn lại tôi và anh Tiếp (nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, đã 96 tuổi), những người khác đã không còn nữa, nhưng “vũ khí đặc biệt” của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày ấy đã đi vào lịch sử cùng với chiến dịch Điện Biên Phủ. Tờ báo là một người “cán bộ tuyên huấn” đắc lực, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
“Năm 2014, tôi có dịp quay lại Mường Phăng để tìm lại và dựng bia di tích tòa soạn báo tiền phương trên đồi Pu Ma Hong (đồi Ngựa Hí), chỉ cách sở chỉ huy chiến dịch trong cánh rừng Đại tướng một cánh đồng. Khi đến nơi, có người cựu chiến binh Quàng Văn Xuyên, là chủ đất cho biết, năm 1982 khi về canh tác trên quả đồi này, còn thấy 6 - 7 chiếc hầm bị sạt lở ven sườn đồi mà không biết hầm gì. Lúc ấy tôi mừng quá, thốt lên: “Đúng rồi, đúng là hầm ngày xưa chúng tôi đào, là nơi làm việc của tòa soạn và cả nơi đặt máy in nữa”. Ngày ấy, thử thách đầu tiên với những người lính cầm bút chính là việc phải đào hầm, hào, công sự để đảm bảo bí mật, an toàn”, nhà báo Phạm Phú Bằng kể.
Ngày ấy, Tòa soạn báo tiền phương của chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ có 5 người, đó là: Đồng chí Hoàng Xuân Tùy (phụ trách chung), Trần Cư (thư ký tòa soạn), Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp (phóng viên) và họa sĩ Nguyễn Bích. Ngoài ra còn có các cộng tác viên là các phóng viên báo Quân đội nhân dân, báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam...; và các văn nghệ sĩ như: Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Đỗ Nhuận, Mai Văn Hiến, Triệu Đại... Việc trình bày, in ấn và phát hành đều được thực hiện tại chỗ, chuyển trực tiếp tới cán bộ, chiến sỹ các đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch.
Làm báo ở chiến trường
Để có tin, bài hay, nội dung tờ báo phong phú, nhà báo Phạm Phú Bằng và nhiều phóng viên, cộng tác viên đã phải bất chấp hiểm nguy trên chiến trường, có mặt tại những điểm nóng, khai thác những chi tiết hay nhất, độc nhất. Cùng với việc đi và viết về chiến trường, chiến dịch…, nhà báo Phạm Phú Bằng còn khai thác, tìm hiểu về hoàn cảnh của gia đình bộ đội thế nào, cải cách ruộng đất lúc bấy giờ ở hậu phương ra sao…, rồi tin tức trên các chiến trường phối hợp với chiến trường Điện Biên như chiến trường Lào, chiến trường Nam bộ…, thế trận của hai bên như thế nào, kẻ địch ra sao, từ chủ trương đường lối chiến dịch đến những bức thư nhà kể chuyện hậu phương cũng được chia sẻ trên các trang báo. Tất cả như liều thuốc tâm lý, như món ăn tinh thần làm an lòng chiến sỹ ngoài trận địa.
Bên cạnh việc làm báo, phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn báo tiền phương chiến dịch Điện Biên Phủ còn kiêm thêm công việc phát hành, thậm chí là đọc báo cho chiến sỹ ngay ngoài trận địa. Khi báo in xong, đồng chí làm phát hành cho báo vào sọt rồi gánh ra công sự. Các phóng viên, biên tập viên, người làm phát hành phải chọn chỗ ngã ba, ngã tư rộng rãi hoặc trong hầm rồi phát báo cho các chiến sỹ. “Sau mỗi trận đánh, khi các chiến sỹ nghỉ ngơi rồi chuyền tay nhau tờ báo, khoe với nhau thông tin kể về trận đánh mình tham gia thì vô cùng hồ hởi, phấn khích. Có chiến sỹ còn muốn giữ riêng tờ báo để gửi về gia đình khoe chiến công của mình và đơn vị..., hay khi nhìn các chiến sỹ hồ hởi, vui vẻ cùng đồng đội chia sẻ những câu chuyện quê nhà được in trên trang báo… Đó là những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời làm báo mà tôi không bao giờ quên được”, nhà báo Phạm Phú Bằng chia sẻ.
Những số báo lịch sử
Ngày 31/1/1954, Tòa soạn báo tiền phương của chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển đến chân đồi Pu Mạ Hoong bên rừng Mường Phăng, cách hầm của Tổng Tư lệnh và Chủ nhiệm Chính trị mặt trận một cánh đồng.
Ngày 28/12/1953, Tòa soạn báo tiền phương xuất bản số 116, số báo đầu tiên tại mặt trận. Cũng từ đó, tờ báo trở thành công cụ tuyên huấn đặc biệt, quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ… Số 148 ra ngày 16/5/1954 là số báo cuối cùng, cũng là số báo đặc biệt chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong vòng 140 ngày, xuất bản tổng cộng 33 số báo.
Bên cạnh số mở đầu là 116 và số kết thúc là 148, có rất nhiều số báo đặc biệt được xuất bản, trong đó phải kể đến những số báo phát hành trong đợt tấn công thứ nhất của chiến dịch như: Số báo xuân Giáp Ngọ 1954, lần đầu tiên ở mặt trận, bộ đội và dân công được đọc những dòng thơ chúc Tết có cả chữ ký của Bác Hồ trên số ra ngày 1/2/1954; Số báo 130, số chuẩn bị cho trận mở màn của chiến dịch, ngày 10/3/1954 trước giờ nổ súng ba ngày với lời kêu gọi của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với tựa đề: “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ” trên trang nhất; Ngay sau khi chiếm được cứ điểm Him Lam, ngày 14/3/1954, trong số báo 131 đã đưa tin chiến thắng giòn giã với tiêu đề “Quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam”.
Trong đợt tấn công thứ hai, tờ báo Quân đội nhân dân đã ra được 10 số. Các số báo ra trong giai đoạn này chủ yếu tập trung biểu dương chiến công, sự anh dũng hy sinh, trên báo xuất hiện nhiều gương chiến đấu điển hình, với nhiều chuyên mục đa dạng như: phong trào “săn tây bắn tỉa”, đoạt dù tiếp tế. Đồng thời cũng nghiêm khắc phê bình đưa ra biện pháp trong từng trận đánh để phổ biến toàn mặt trận.
Đợt tấn công thứ ba của chiến dịch bắt đầu từ ngày 1/5/1954, quân ta bắt đầu cuộc tổng tiến công trên toàn mặt trận, tiến thẳng vào cơ quan đầu não của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với tốc độ diễn ra nhanh chóng của chiến dịch thì trong thời điểm này tờ báo của ta chưa kịp đăng tin phản ánh về cuộc chiến thì 17h ngày 7/5/1954 Tướng De Castries cùng toàn bộ quân Pháp tại mặt trận đã ra hàng.
Ngày 11/5/1954, số báo 147 chạy tít lớn tràn trên trang nhất của tờ báo, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam công bố: Quân ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ. Đến ngày 16/5/1954, Tòa soạn tiền phương xuất bản số báo 148 với những bài nhận định thắng lợi, các điện văn chúc mừng bên cạnh bài tường thuật cảnh đầu hàng của hàng nghìn binh lính Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là số báo đặc biệt và cũng là số báo cuối cùng của Tòa soạn báo tiền phương trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với nội dung chủ yếu là mừng chiến thắng./.