Những 'người mẹ' nơi thánh đường

Biết bao trẻ em mồ côi được lớn lên trong tiếng chuông nhà thờ dưới bàn tay chăm sóc của những người phụ nữ chưa một lần… làm mẹ.

 

Biết bao trẻ em mồ côi, tật nguyền không nơi nương tựa được lớn lên trong tiếng chuông nhà thờ dưới bàn tay chăm sóc của những người phụ nữ chưa một lần… làm mẹ.

Thánh đường của những đứa trẻ mồ côi và lầm lỡ

Từ thành phố Nam Định, đi theo Quốc lộ 21 về huyện Xuân Trường rất dễ tìm về xã Xuân Ngọc - nơi có Tòa Giám mục Bùi Chu nổi tiếng với nét kiến trúc cổ kính. Cùng những tiếng chuông nhà thờ và bài thánh ca ngân vang, ẩn hiện bên trong là một khu nhà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Đó là Cô nhi viện Thánh An - Bùi Chu.

Cô nhi viện Thánh An hay còn gọi là Nhà Dục Anh là địa chỉ từ thiện dung dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật đã có lịch sử hàng trăm năm nay. Có thể ví nơi đây như một làng trẻ mồ côi thu nhỏ với hệ thống phòng ở, phòng ăn, khu nhà bếp, nhà nguyện, khu vui chơi sinh hoạt chung. Ngoài ra còn có khu vườn rau, ao cá, chăn nuôi gia súc mà các sơ tình nguyện tăng gia sản xuất để bữa ăn của các em đầy đủ dinh dưỡng.

Sơ Phạm Thị Tươi đang vui đùa và dạy các em trò chơi.Dẫn chúng tôi đi tham quan các phòng, sơ Phạm Thị Tươi (SN 1973, quê ở Thọ Nghiệp, Xuân Trường) cho biết, nơi đây luôn dang tay đón những trẻ dưới 12 tuổi. Mỗi em là một số phận, một nỗi đau riêng nhưng các em cùng chung cảnh ngộ là bị chính gia đình chối bỏ. Có em được phát hiện bị bỏ rơi khi còn nguyên núm rốn bên lề đường, ngoài cổng chuông, bãi rác, trong vườn hoặc ngay khuôn viên giáo xứ. Có em được người thân dẫn vào tận nhà nguyện Thánh An làm lễ, rồi bỏ lại. Nhưng cũng không ít bé, chưa kịp chăm sóc thì đã chết vì đói rét… Chính vì lẽ đó, 10 năm gần đây, Cô nhi viện còn đón những mẹ bầu lầm lỡ để nuôi dưỡng, đến ngày sinh nở mẹ tròn con vuông, vừa tránh miệng đời chê trách, vừa tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Năm 1997, Phạm Thị Tươi tốt nghiệp Sư phạm Ngoại ngữ, tương lai đang rộng mở phía trước bởi ngày ấy với vốn tiếng Anh tốt như Tươi thì kiếm một công việc ở Thủ đô thật dễ dàng lại nhiều người theo đuổi khi ở tuổi 24. Một lần về Cô nhi viện Thánh An, chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le, Phạm Thị Tươi nhận thấy mình hạnh phúc hơn các em, nên xin được làm việc ở chốn này. “Tôi nghĩ mình được sinh ra với một cơ thể lành lặn, lại là người có trí khôn để học hành bài bản… đó là những hồng ân mà thiên Chúa ban tặng cho mình. Trong khi những em nhỏ ở đây chịu nhiều thiệt thòi. Nếu được gắn bó ở đây, tôi sẽ đem món quà vô giá mà Chúa đã ban cho mình chia sẻ với những nỗi đau của các em kém may mắn trong xã hội”, sơ Tươi bộc bạch.

Sơ Nguyễn Thị Thật và bé Bùi Minh ĐứcCũng nhờ có vốn tiếng Anh tốt, về Cô nhi viện, linh mục Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc Cô nhi viện Thánh An kiếm được tài trợ cử Phạm Thị Tươi đi học ở Italy. Sau gần 5 năm du học và được gặp gỡ Giáo hoàng John Paul II tại Rome - Italy để nói chuyện về công tác từ thiện đối với xã hội Việt Nam và thế giới, Phạm Thị Tươi về làm Thư ký văn phòng, phụ trách mọi công việc từ sổ sách đến giao dịch với các cơ sở từ thiện trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, sơ Tươi còn dồn tâm huyết chăm sóc và dạy cho bọn trẻ học văn hóa, học ngoại ngữ và kỹ năng sống…

Tất cả là nhờ ơn Chúa

Những đứa trẻ bị bỏ rơi khi vào đây được nuôi dưỡng chu đáo. Với các em có sức khỏe bình thường, có khả năng học tập thì đi mẫu giáo, rồi học văn hóa và học nghề để sau này các em có thể sống tự lập, hòa nhập cộng đồng, xây dựng gia đình riêng hoặc có thể ở lại Cô nhi viện phục vụ noi gương Đức thánh Tổ phụ. Các em cứ từng lứa lớn lên rồi nối tiếp “bay đi”, chỉ có các sơ vẫn cần mẫn tận tâm với công việc thiện nguyện. Để rồi tiếp tục vui vẻ đón tiếp các em, nuôi dưỡng và gắn chặt cuộc đời mình với mái ấm tình thương này. Khi tôi hỏi các sơ về việc làm “mẹ” của những đứa con mà chưa qua một lần sinh nở, các chị đều chung một câu trả lời - đó là nhờ “ơn Chúa”.

Nghe các sơ nói thì đơn giản, nhưng khi chứng kiến những công việc quần quật hằng ngày của các bà, các cô, các chị ở đây mới thấy các sơ phải thực sự yêu trẻ, có tấm lòng nhân ái, coi các em như ruột thịt mới có thể làm được. Sơ Trần Thị Hiên (59 tuổi, ở Xuân Ngọc, Xuân Trường) tự nguyện vào làm việc tại Cô nhi viện đã 31 năm. Bao năm qua, chị Hiên cùng 5 chị khác đã đảm nhiệm mọi việc chăm sóc những đứa trẻ từ lúc lọt lòng mẹ đến 3 tuổi rưỡi. Chưa kể lúc trở trời, các em thay phiên đau ốm, quấy khóc, các chị vừa cho đứa nhỏ cho ăn bột, uống sữa, giữ chân tay đứa lớn bị thần kinh la hét quậy phá, rồi canh chừng đứa mù lòa kẻo chúng ngã gãy chân; thậm chí cả việc chôn cất những đứa trẻ vắn số với một đức tin “ơn Chúa”.

Sơ Trần Thị Hiên đang ôm ấp và canh chừng đàn con.Nựng đứa bé bú bình trên tay, chị Hiên tươi cười nói: "Tôi làm ở đây hơn ba chục năm, không nhớ đã đỡ đầu và chăm sóc bao nhiêu trẻ. Nhưng cũng nhiều cảnh xót xa khi những năm trước, cơ sở còn xập xệ và thiếu thốn trăm bề, các em bị bỏ rơi mắc các bệnh bẩm sinh trong khi chỉ có nước cháo với sữa bò nên nhiều trẻ không qua khỏi. Giờ đây, cơ sở vật chất khang trang, được nhiều tổ chức và cá nhân giúp đỡ, những đứa trẻ được lớn lên khỏe mạnh và vui tươi là chúng tôi mừng lắm".

Những người mẹ nuôi dưỡng nụ cười trẻ thơ

Nhìn các em nhỏ tung tăng cười đùa ríu rít mỗi khi đi học về, cùng nhau trao đổi bài vở, ôn bài, học hát, nếu không phải trong khuôn viên Cô nhi viện, ít ai biết rằng các em bị bỏ rơi. Tên các em là do các xơ đỡ đầu đặt cho. Tuy vậy, các em vẫn khát khao biết về gốc tích của mình.

Sơ Tươi kể lại câu chuyện rớt nước mắt: “Thỉnh thoảng thấy chúng tôi về thăm quê, nhiều em tần ngần hỏi: Chị về quê ở đâu? Chị cũng có mẹ à? Em có mẹ không?, rồi thở dài “Ước gì con có mẹ””.

Sơ Nguyễn Thị Liễu (60 tuổi, quê ở Nam Hồng, huyện Nam Trực) vào đây làm việc khi 34 tuổi. Chị Liễu tâm sự, mình phục vụ các em như phục vụ chính Chúa. Chị cũng được linh mục Phạm Ngọc Oanh cử đi học chuyên ngành công tác xã hội để có thêm kiến thức về chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ khuyết tật, chậm phát triển…

Mỗi khi tan học, các con ùa vào phòng khoe thành tích với linh mục Phạm Ngọc Oanh.

Chị Liễu cho biết, các em ở trong này rất nhạy cảm và hay tủi thân bởi ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã không được hưởng tình mẫu tử. Giờ chỉ một động tác nhỏ âu yếm như cõng, ôm ấp, nắm tay… cũng đủ làm cho các em lâng lâng suốt ngày. Nên mỗi lần các chị đến ôm hôn hay bế một em, thì phải thực hiện lần lượt với các em còn lại. Đến khi các con đến lứa tuổi khủng hoảng tâm lý, các chị phải lựa lời khuyên bảo để các em đi đúng đường, tránh mọi cạm bẫy. “Các cháu ở đây tội lắm. Cũng là con người sinh ra nhưng lại rơi vào gia cảnh lầm lỡ. Đến tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, ngoài việc dùng đạo lý để khuyên bảo, chúng tôi còn mời các chuyên gia tâm lý về gỡ rối cho các em”, chị Liễu thổ lộ.

Các sơ còn truyền cho các em ngọn lửa nhân ái và nghị lực để vượt lên số phận. Các em biết che chở và đùm bọc lẫn nhau, coi nhau như anh em một nhà. Chính vì vậy, từ lâu cô nhi viện đã là nhà của các em.

Em Ngô Thị Lan, hiện đang học năm cuối Đại học Công nghiệp, Hà Nội nhưng lúc nào cũng nhớ và biết ơn công lao nuôi dưỡng của các sơ nơi đây. Em kể: Khi học cấp 3, các chị và linh mục Phạm Ngọc Oanh có hỏi “con ước mơ gì? Và bảo cố gắng học giỏi để hướng nghiệp cho. “Em được các chị dạy dỗ từ điều nhỏ nhất đến cách ứng xử nên càng ngày em càng thấy mình là người may mắn. Giờ đây em rất vui và hạnh phúc khi tìm lại được cha mẹ và biết mình có quê ở Phú Thọ”, Lan xúc động nói.

Cô nhi viện thường xuyên nuôi gần 100 đứa trẻ với mọi lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau, chỉ có tình yêu thương vô bờ và sự hy sinh lặng lẽ của các sơ cùng sự góp sức của các mạnh thường quân mới có thể giúp các em bước tiếp đường đời. Ngót 20 năm làm “mẹ” của các em nhỏ, sơ Phạm Thị Tươi nghiệm ra rằng: “Được làm mẹ của những trẻ mồ côi không chỉ là hồng ân của Chúa mà còn là trách nhiệm đối với xã hội”.

Hiện nay, Cô nhi viện Thánh An - Bùi Chu có 30 sơ chăm sóc 104 người (trẻ mồ côi, người già và mẹ bầu). 111 trẻ đã qua đời và được yên nghỉ tại nghĩa trang Cô nhi viện.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận