Đá nước hữu tình như đang kể câu chuyện kiến tạo triệu năm của công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, kể câu chuyện về những buôn làng đã sáng tạo nên di sản cồng chiêng, những bộ sử thi cùng nhiều huyền thoại.
Những thác quen mà lạ
Sêrêpôk là dòng sông huyền thoại tiếp giáp giữa 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, có những thắng cảnh làm say đắm du khách. Kỳ quan địa chất ở đây lộ ra theo mỗi bước chân, nhất là khu vực cụm thác Gia Long - Dray Sáp - Dray Nur.
Anh Hoàng Mạnh Cường, du khách từ Hà Nội, đã có nhiều lần du lịch Đắk Lắk, nhưng cuối tháng 6 năm nay mới có dịp du ngoạn dọc sông Sêrêpôk, đoạn từ cụm thác Dray Sap, Dray Nur, ngược lên Thác Gia Long.
Những thác nước hùng vĩ, những di sản địa chất cổ xưa, những vạt rừng bằng lăng tím biếc và rẫy cà phê, hồ tiêu biếc xanh sau những trận mưa đầu mùa, đã để lại trong anh ấn tượng sâu sắc. Anh Cường nhanh chóng đăng một bài lên mạng xã hội để chia sẻ với bạn bè những trải nghiệm tuyệt vời sau hành trình qua miền đá - nước kỳ thú.
Sêrêpôk là dòng sông huyền thoại của 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, bắt nguồn từ dãy Chư Yang Sin và Bidoup ở hướng Đông Nam, cao nguyên Krông Năng ở hướng Đông bắc, chảy qua những vùng cà phê, sầu riêng, hồ tiêu và lúa nước vô cùng trú phú. |
Cũng như không ít du khách, trong bài đăng của mình, anh Cường trích dẫn thông tin từ các trang web du lịch rằng, “Sông Sêrepôk được chia thành hai nhánh là Krông Knô (Sông Cha) và Krông Ana (Sông Mẹ). Dòng chảy của Sông Mẹ tạo ra thác Dray Sap, còn Sông Cha tạo ra thác Dray Nur”.
Không chỉ du khách ngoài tỉnh, đa số người dân 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, dù từng nhiều lần cùng người yêu, gia đình, bạn bè… đi du lịch cụm thác, cũng nghĩ rằng Dray Sap và Dray Nur thuộc 2 nhánh khác nhau của sông Sêrêpôk và hai nhánh ấy, theo sách vở, là Krông Ana và Krông Nô.
Anh Nguyễn Đăng Tỉnh, ở xã Đắk Nrot huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, sau nhiều lần tham quan cả 2 thác, còn quả quyết rằng, một thác chảy theo nhánh sông hướng Tây Bắc, nhánh kia chảy theo nhánh về hướng Tây Nam.
Nhưng với những người sinh ra, lớn lên bên dòng Sêrêpôk như anh Nguyễn Ngọc Bảo, cụm thác Dray Sap và Dray Nur có thể coi là một, ở cùng một đoạn sông Sêrêpôk và xa hàng chục km so với vị trí hợp lưu của sông Mẹ Krông Ana và sông Cha Krông Nô.
“Anh cứ hình dung là có một con rồng khổng lồ trầm mình dưới sông Sêrêpôk, rồi con rồng ấy bỗng nổi đầu lên, rẽ nước sông qua 2 vai. Vai phải ở phía Đắk Lắk, nước chảy tạo thành thác Dray Nur; vai trái phía Đắk Nông, thành thác Dray Sap. Nhưng vì ở thượng nguồn 2 thác, sông Sêrêpôk mở rộng gấp nhiều lần bình thường, tầm nhìn giữa 2 thác bị ngăn cách bởi “đầu rồng” nên nhiều người không nhận ra 2 thác cùng ở một đoạn sông”, Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Huyền bí ở lòng sông
Mở một clip vừa được ghi hình từ flycam, bay trên độ cao cả trăm mét, anh Nguyễn Ngọc Bảo phân tích: Thác Dray Sap ở phía bờ Đắk Nông có hình dáng đôi cánh chim bay về phía thượng nguồn, sải cánh rộng khoảng 250m. Clip được ghi trong ngày nước lớn, gần như toàn bộ “cánh chim” này đều là dòng thác tuôn trào, cảnh quan vô cùng tráng lệ. Còn phía bờ Đắk Lắk, lòng sông sụt xuống thành hình cánh cung, chiều rộng gần 200m. So với Dray Sap, Dray Nur kém đáng kể về bề rộng, nhưng lại hơn hẳn về chiều cao nên mang vẻ hùng vĩ riêng.
Từ bé đã quen với hai bờ Sêrêpôk và nay trở thành người sáng tạo nội dung số, có các trang riêng về du lịch - nghệ thuật, anh Bảo càng say sưa với kỳ quan đá, sông, rừng, thác quê mình. “Hồi em còn nhỏ thì sông Sêrêpôk chỉ đẹp về thác và rừng. Du khách tới đây, hầu như chỉ ngắm thác Dray Sap rồi qua cầu ngắm thác Dray Nur, chứ không thấy được gì ở lòng sông. Từ khi thủy điện Buôn Kuôp chặn dòng phía thượng nguồn, sông Sêrêpôk mới hiện ra đầy đủ vẻ đẹp kỳ quan của nó”, anh Bảo cho biết.
“Kỳ quan” như anh Bảo đề cập là kỳ quan địa chất của vùng lõi công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Khác với hầu hết các sông trên khắp Việt Nam, khi thủy điện chặn dòng tích nước cách khoảng 7km trên phía thượng nguồn, sông Sêrêpôk vẫn có sức sống của riêng mình. 2 bên bờ, hàng vạn mạch nước trong vắt vẫn tuôn trào từ những mạch nứt tổ ong của đá Bazan, gom thành những dòng thác mỹ lệ, cung cấp nước cho dòng sông. Cụm thác Gia Long, thác Lụa và một nửa của Dray Sap được tạo ra từ những mạch nước ấy. Những mạch nước không bao giờ vơi cạn, tuôn ra từ vùng núi lửa Nâm Blang đã nhấn thêm phần đặc sắc, khác biệt cho vùng lõi công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Nếu như cả chục dòng thác lớn, nhỏ, cao, thấp, hùng tráng, mỹ lệ... đã tạo thành nét đặc sắc ở cụm Dray Sap - Dray Nur - Gia Long, thì vẻ kỳ vĩ huyền bí của những phiến đá, vách đá từ lòng sông và cả đôi bờ đã giúp cho thắng cảnh này trở thành ngoạn mục.
Bờ sông có những miệng hang sâu hàng chục mét, là một phần của hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á. Vách núi in nhiều dấu tích của những kỷ nguyên núi lửa phun trào. Lòng sông quanh co, sóng xô lũ cuốn tạo ra vô số ngoạn thạch... Đó là những khối đá to như gian phòng, như tàn tích của một cung điện cổ xưa, đổ ngã chất chồng dưới chân thác Dray Nur; là những kết cấu như cổ thụ đá khổng lồ nằm vắt ngang lòng sông, là những khúc đoạn đá bị bào mòn thành ngàn vạn lưỡi dao sắc lẹm, trải rộng ven bờ, là “ổ trứng” đá trắng muốt đặt trong “tổ” đá bazan đen trầm, bên vách đá màu vàng cam sáng rỡ…
Chữa lành từ đá - nước
Du lịch thác ở sông Sêrêpôk bây giờ không còn là việc chỉ mua vé qua cổng ở phía xã Đắk Sôr, vào ngắm con thác hùng vỹ nhất Tây Nguyên và chụp ảnh như thời Đắk Lắk, Đắk Nông còn chung một tỉnh. Bây giờ, du khách đã có thể xuống thác từ cả 2 phía bờ Nam - Bắc và dịch vụ du lịch ở đoạn sông này cũng đã phong phú rất nhiều. Trong đó, chèo thuyền du ngoạn sông Sêrêpôk len lỏi qua từng đoạn gềnh, cụm thác, phiến đá… đã trở thành một sản phẩm du lịch đắt khách.
Những mạch nước không bao giờ vơi cạn, tuôn ra từ vùng núi lửa Nâm Blang đã nhấn thêm phần đặc sắc, khác biệt cho vùng lõi công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. |
Đã từng cùng người yêu du lịch Dray Sap - Dray Nur từ khi còn thiếu nữ, nay đã ở tuổi 50, bà Nguyễn Thị Lợi ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vừa trở lại nơi in dấu kỷ niệm. Cùng chồng và cả nhóm bạn du ngoạn qua vùng đá - nước say đắm, trong những lời hát vang vọng đôi bờ, bà Lợi trở về với niềm vui mỹ mãn. “Thác gắn với chuyện tình tan vỡ của đôi trai gái người Ê-đê, nhưng mình lại cảm thấy được chữa lành trong chuyến đi tuyệt vời này. Mình nghĩ nhiều người khác cũng sẽ như vậy. Không gì hâm nóng lại tình cảm bằng du ngoạn những nơi đẹp như thế”, bà Lợi chia sẻ.
Không chỉ là người săn ảnh, săn clip để đăng trên các chuyên trang của mình, anh Nguyễn Ngọc Bảo còn dẫn nhiều đoàn khách du ngoạn dọc sông nên anh biết rõ những khoảnh khắc đẹp nhất của cụm thác Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, và từng khối đá, hồ nước do dòng sông xoáy xiết mà tạo thành. Theo anh Bảo, bây giờ là mùa thác và sông đẹp nhất trong năm. Mỗi ngày thủy điện mở nước 2 lần, đủ cho Dray Sap, Dray Nur buông màn thác rộng hàng trăm mét, vô cùng ngoạn mục. Còn khi thủy điện ngừng xả, những kỳ quan đá ở lòng sông lại hiện ra mãn nhãn du khách. Nhưng cũng theo anh Bảo, những phiến đá, vách đá và hồ nước tuyệt vời nhất ở đoạn sông này chỉ có thể tiếp cận bằng đường bộ. Và cũng chỉ bằng cách đi đường bộ, khách mới có thể tiếp cận tất cả các dòng thác, từ mạnh mẽ - ầm ào, đến mong manh lãng mạn. Anh Bảo cũng thừa nhận rằng mình chưa thấy hết vẻ đẹp của những hồ, hố, thác, đá và rừng cây dọc Sêrêpôk, bởi vẻ đẹp ở đây đổi mới theo mùa, theo tháng, thậm chí theo từng thời điểm trong ngày. “Có chỗ, sông rẽ một nhánh nhỏ, len lỏi qua một bãi đá lơ thơ cây bụi. Nhưng sau vài trận mưa, quay trở lại đoạn sông này thì bãi đá ấy đã phủ đầy cỏ cây xanh biếc”- anh Bảo chia sẻ.
Sêrêpôk là dòng sông huyền thoại của 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, bắt nguồn từ dãy Chư Yang Sin và Bidoup ở hướng Đông Nam, cao nguyên Krông Năng ở hướng Đông bắc, chảy qua những vùng cà phê, sầu riêng, hồ tiêu và lúa nước vô cùng trú phú. Trước khi rời lãnh thổ Việt Nam, nhập vào đất Campuchia, sông chảy xuyên qua vùng lõi công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, qua xứ voi Buôn Đôn huyền thoại của Đắk Lắk và những buôn làng rộn rã chiêng ngân. Ngoài Dray Sap, Dray Nur và thác Gia Long, Sêrêpôk còn muôn vàn vẻ đẹp đang chờ đón bước chân, ánh mắt và trái tim người./.