Ở Đắk Lắk, voi không chỉ là tài sản mà còn là một “thành viên” trong gia đình của người Mnông, Ê Đê. Cùng với các thành viên khác, voi cũng tham gia lao động, làm kinh tế, tạo thu nhập. Mỗi con voi sẽ gắn bó với một nài voi cùng biết bao câu chuyện vui, buồn.
Vui buồn cùng “người bạn lớn”
Giữa tiết trời cao điểm mùa khô ở vùng biên giới Tây Nguyên, nắng rát, trong khoảnh khắc nghỉ ngơi buổi trưa, anh Y Sa Nốp Buôn Krông, ở buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cùng “người bạn lớn” của mình tranh thủ ăn, nghỉ và vui đùa dưới tán cây bên dòng sông Sêrêpôk. Đây có lẽ là lúc thư giãn thoải mái nhất của voi cái H’Khun - “người bạn lớn” của Y Sa Nốp, nhất là trong những ngày nắng nóng như thế này. Đưa tay xoa đầu, tai và tạt nước làm mát lên người voi H’Khun, Y Sa Nôp kể, voi H’Khun năm nay đã hơn 40 tuổi, tuổi voi còn nhiều hơn cả tuổi của anh. Đây là “cô” voi đặc biệt bởi H’Khun là một trong số rất ít voi nhà được sinh ra trong buôn làng chứ không phải voi rừng thuần dưỡng.
Y Sa Nốp tiếp xúc với voi H’Khun từ khi còn rất nhỏ, lúc mới lên 4 - 5 tuổi. Ngày ấy, voi chủ yếu vẫn ở trong rừng kiếm ăn, chỉ đến mùa thu hoạch nông sản hay khi gia đình có việc đi rừng, cha của Y Sa Nốp mới đi vào rừng tìm gọi voi H’Khun về chở nông sản hoặc chở đồ. Khi ấy, Y Sa Nốp được cùng cha chăm sóc và chơi với voi. Sau này, gia đình dần sắm sửa được xe máy, máy cày nên voi không còn làm nhiệm vụ vận chuyển nữa, thay vào đó, từ khi có khu du lịch mở tại địa phương, voi H’Khun được chuyển sang làm du lịch, chở khách quanh “làng đảo” Bản Đôn. Khi ấy, voi H’Khun mới 15 tuổi, là một trong những “cô voi” gắn bó lâu nhất với trung tâm du lịch này.
Vừa đưa khúc mía ngọt cho voi, Y Sa Nốp kể tiếp, sau khi cha mất, anh được “thừa kế” voi H’Khun, kể cả khi lấy vợ và về ở rể theo phong tục và truyền thống mẫu hệ, voi H’Khun cũng theo anh về nhà vợ. Thân nhau là vậy nên anh hiểu rõ tính cách và những biểu hiện của voi H’Khun, hiểu ngay vấn đề mà voi gặp phải chỉ bằng cách nhìn hành động, cách đi đứng của voi. “Lúc voi mệt, mình sẽ biết, chỉ cần khi ngồi trên đầu nó, cảm giác cách đi lại hay cách ăn uống của voi là biết được. Quen với nó rồi nên cũng dễ chiều, cứ thả tự do cho nó đi lại đây đó, đi dạo chứ không buộc hay xích lại” - Y Sa Nốp giải thích.
Anh Y Sa Nốp thuộc cả vị trí yêu thích của voi H’Khun, voi thích ăn gì, ăn ở đâu, giờ nào, hay uống nước ở vị trí nào. Anh bảo loài voi rất nhạy cảm và có trí nhớ tốt, voi chỉ uống nước ở một vị trí riêng và cho dù có đi ăn ở chỗ nào thì cũng sẽ chỉ quay lại một vị trí cố định đó để uống nước. Hiểu nhau nên mỗi khi cần voi về, anh chỉ cần gọi bằng tiếng của mình là voi sẽ nghe, hiểu và tự động bước ra. “Vẫn có lúc nó giận, đó là khi đưa vào khu du lịch, phải chở khách nhiều, nó kiệt sức. Mỗi buổi chiều sau giờ làm, mình cho vào rừng là nó đi rất nhanh, còn mỗi khi mình chở khách thì nó đi rất chậm. Đó là lúc nó giận đấy” - Y Sa Nốp kể.
Với anh Y Sa Nốp, cũng như nhiều chủ sở hữu hay nài voi khác ở Buôn Đôn, từ rất lâu trước đây, voi không chỉ là người bạn mà còn là một thành viên trong gia đình, một nguồn lực tạo ra kinh tế. Trong nhiều năm trước, nhất là vào mùa cao điểm hoạt động du lịch, voi H’Khun đã góp phần đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho gia đình anh từ hoạt động chở khách tham quan. Tuy nhiên, từ tháng 2/2023, với việc ngưng hoạt động cưỡi voi, chuyển sang các hoạt động du lịch thân thiện, nguồn thu này giảm đáng kể. Dù vậy, Y Sa Nốp vẫn vui vẻ chấp nhận bởi như thế voi sẽ đỡ vất vả hơn.
Chỉ còn là ký ức
Cũng từng là “đồng nghiệp” của Y Sa Nốp và voi H’Khun, hiện nay, voi Ta Nuôn và chủ của mình là ông Y Khu Êban đã nghỉ làm tại khu du lịch để chuyển vào Vườn quốc gia Yok Đôn, cách đó gần chục ki-lô-mét. Ông Y Khu Êban, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn kể, gia đình ông có 4 đời thuần dưỡng voi, hiện tại trong dòng họ vẫn còn giữ lại được 2 con voi, 1 đực, 1 cái. Trong đó, voi cái Ta Nuôn do ông trực tiếp chăm sóc. Voi Ta Nuôn năm nay 41 tuổi. Khi còn nhỏ voi sống ở Buôn Đôn, sau được bán sang Gia Lai để chở khoai mì và lúa gạo. Năm 2008, voi quay lại Buôn Đôn và gắn bó với gia đình ông Y Khu từ đó đến nay với công việc chủ yếu là làm du lịch.
Quãng thời gian gắn bó với gia đình ông Y Khu, voi Ta Nuôn cũng góp phần đem lại thu nhập ổn định, đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Thế nhưng, từ khi nguồn thu từ việc chở khách du lịch giảm sút, Ta Nuôn lại gần như là gánh nặng kinh tế bởi vào mùa khô voi không có đủ thức ăn nên ông Y Khu phải dành ra 1 - 2 triệu mỗi tuần để mua thêm thức ăn cho voi. Trước thế sức cùng lực kiệt, vào tháng 3 năm 2023, ông Y Khu quyết định đưa voi Ta Nuôn vào Vườn Quốc gia Yok Đôn để tham gia chương trình du lịch thân thiện với voi tại đây. Khi tham gia chương trình, gia đình sẽ không phải lo việc voi thiếu ăn hay bị ngược đãi hoặc phải làm việc quá sức. Thêm vào đó, gia đình cũng có thêm một khoản hỗ trợ từ chương trình, bản thân ông Y Khu cũng sẽ có thêm thu nhập khi vào chăm sóc Ta Nuôn tại Vườn.
Kể về người bạn đồng hành hơn 15 năm qua, ông Y Khu cho biết, Ta Nuôn nhớ đường rất giỏi. Có lần khi tham gia lễ hội ở thành phố Buôn Ma Thuột, cách nơi voi sống hơn 40km, và phải trở về khi trời đã tối. Voi đã tự động đưa chủ về đến nhà trong lúc ông Y Khu thiu thiu ngủ. Thời mới về với gia đình ông, Ta Nuôn rất khó nuôi. Thỉnh thoảng, ngoài thức ăn chính là trúc, le, ông vẫn cho Ta Nuôn ăn "quà vặt" như bầu, bí, mía, chuối. Thân thiết là thế nên khi mới chia tay voi, ông buồn lắm, rồi sau cũng quyết định vào làm ở Vườn quốc gia để được tiếp tục chăm sóc voi mỗi ngày.
Dù không còn là một “thành viên” thường trực trong gia đình nhưng ít ra ông Y Khu vẫn còn may mắn vì vẫn có thể gặp và chăm sóc voi Ta Nuôn, điều mà với nhiều nài voi bên dòng Sêrêpôk bây giờ, chỉ còn là ký ức. Như trường hợp nài voi Y Phân Byă, ở thị trấn Ea Sup, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk, con voi do anh trực tiếp chăm sóc - tên Y Rôk - đã mất hồi đầu năm 2023. Anh Y Phân kể, voi Y Rôk trước đây thuộc sở hữu của gia đình vợ anh, được một người dân mua lại và đưa sang tỉnh Lâm Đồng từ năm 2003. Đến năm 2011, sau khi nài voi cũ nghỉ, anh được tiếp quản và trở thành nài voi đồng hành với voi Rôk cho đến khi voi chết vì già yếu và bị thương nặng. Hơn 10 năm gắn bó, thời gian anh Y Phân bên voi Rôk còn nhiều hơn cả thời gian bên gia đình, thế nên khi voi chết, anh buồn bã, đau lòng rất nhiều. “Mình chăm sóc kỹ càng lắm, ăn với nó, uống với nó, ngủ với nó. Mình coi nó giống như đứa con, nó coi mình giống như bố. Giờ nó ra đi rồi, mình rất buồn” - Y Phân buồn bã, nước mắt chực rơi.
“Tôi ủng hộ việc ngưng hoạt động cưỡi voi, chuyển sang các hoạt động du lịch thân thiện vì voi được ở ngoài mát để du khách chụp hình, sờ vào voi, rồi cho voi ăn thôi nên sức khỏe của voi sẽ ổn định hơn và kéo dài tuổi thọ ”.
Y Sa Nốp ở buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk.
|
Còn với già làng Y Kril Byă, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, hình ảnh những đàn voi nhà nối nhau đi trên đường giờ đây chỉ còn là ký ức. Ông Y Kril nghẹn ngào, voi bây giờ ít lắm, số lượng trong buôn làng chỉ còn trên đầu ngón tay. Ngày xưa săn bắt, thuần dưỡng voi rừng cũng là một nghề, voi được thuần dưỡng để phục vụ cho hoạt động sản xuất trong buôn làng. Gia đình ông cũng từng làm nghề này, bản thân ông từng săn và thuần dưỡng được 3 con voi cả đực cả cái. Vậy mà bây giờ chẳng còn con nào, con cuối cùng đã mất cách đây hơn chục năm rồi. Bây giờ nghề thuần dưỡng voi không còn nữa vì pháp luật đã cấm. Voi nhà ngày càng già yếu, không sinh sản, nếu số voi nhà còn lại mà mất đi thì đồng nghĩa với việc voi sẽ chỉ còn là ký ức. Nói đến đây, già làng Y Kril trầm ngâm, mắt ông nhìn vào khoảng không trước mặt./.