Câu chuyện cựu binh Mỹ trao trả kỷ vật cho gia đình liệt sĩ trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh không mới mẻ, thế nhưng “Trở về” - một tác phẩm trong chương trình “Thanh âm ký sự” của VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam - đã mang tới cho thính giả một trải nghiệm khác biệt: Ngược về quá khứ, trở lại hiện tại và đi tới tương lai tươi đẹp chỉ trong 30 phút đồng hồ.
Lựa chọn cách nhẹ nhàng để khai thác đề tài chiến tranh
“Trở về” là câu chuyện về cuốn sổ tay của liệt sĩ Cao Văn Tuất ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh được một cựu binh Mỹ trao trả lại cho gia đình sau hành trình hơn nửa thế kỷ, đi qua nửa vòng Trái Đất tới nước Mỹ và trở về Việt Nam.
Đây là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự từng diễn ra. Những năm qua, đã có nhiều cuộc trao trả kỷ vật từ các cựu binh Mỹ cho gia đình liệt sĩ, để rồi từ đó, chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình. Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nói về những kỷ vật thời chiến được trao lại rằng: Những người trẻ Việt Nam phải thấu hiểu những giá trị thuộc về bên trong con người, tâm hồn con người hay sự dâng hiến của những người lính cho Tổ quốc thì mãi mãi là một giá trị. Những giá trị đó mới có thể hóa giải, đưa nhân loại đến hòa bình và tình hữu nghị sâu sắc. Qua những cuốn nhật ký của người lính trong chiến tranh - như cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ Cao Văn Tuất,… - chúng ta thấy được ý chí của dân tộc, khát vọng, sự dâng hiến, hy sinh của mỗi con người cho cộng đồng, cho Tổ quốc.
Tôi đặc biệt ấn tượng với tên tác phẩm. “Trở về”. Một cái tên ngắn gọn nhưng hàm chứa ý nghĩa, thông điệp sâu xa. Đó không chỉ là sự trở về của cuốn sổ tay liệt sĩ mà chính là sự trở về, đoàn tụ của liệt sĩ Cao Văn Tuất với người thân. Càng ý nghĩa hơn khi liệt sĩ Cao Văn Tuất hy sinh mà không để lại một tấm di ảnh nào, và đến thời điểm cuốn sổ trở về, người thân của liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của ông.
Và khi thanh âm cuối cùng của tác phẩm “Trở về” vang lên, cũng là lúc thính giả vỡ lẽ về lý do mà Peter Mathews - một cựu binh Mỹ - đã giữ cuốn sổ tay ông nhặt được trên chiến trường suốt 50 năm, trong khi đó là một phần quá khứ mà ông luôn luôn cảm thấy day dứt, muốn quên đi; và vì sao ông quyết định tìm mọi cách để trao lại được cuốn sổ tay về với gia đình của người chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh ấy và coi đó là sứ mệnh của cuộc đời ông.
Có nhiều cách để khai thác đề tài chiến tranh nhưng nhóm tác giả “Trở về” lựa chọn câu chuyện thật nhẹ nhàng từ hai con người từng ở hai bên chiến tuyến. Những kỷ vật chiến tranh được lưu giữ từ quá khứ đau buồn trở thành những cây cầu nối vượt qua thù hận, hướng tới tương lai tươi sáng hơn giữa quan hệ hai nước Việt - Mỹ.
“Lột tả được những gì đã diễn ra trong quá khứ và dẫn dắt người nghe từ quá khứ trở về hiện tại là điều không dễ. Làm sao lột tả được hết tâm lý, cảm xúc của các nhân vật là điều mà chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Cái khó ở đây là, nhân vật chính của câu chuyện là người đã hy sinh”, nhà báo Thu Hòa chia sẻ. Khó là vậy, nhưng nhóm tác giả đã thành công bằng một lối đi riêng: Lựa chọn thực hiện tác phẩm trong bối cảnh ở cả Việt Nam và Mỹ, tính toán, dàn dựng rất kỹ hiệu ứng tiếng vang, âm nhạc, tiếng động hiện trường... và khai thác tối đa tâm lý, cảm xúc nhân vật. Với một tác phẩm phát thanh, việc tạo ra những hiệu ứng âm thanh là rất quan trọng, làm sao có thể kéo người nghe vào một khoảng không gian hay thời gian của câu chuyện để họ có thể hình dung được bằng hình ảnh. Biết là vậy, nhưng để kể một câu chuyện bằng âm thanh “chạm” được tới cảm xúc của người nghe là điều không dễ. Thế nhưng nhóm tác giả “Trở về” đã xuất sắc làm được điều này. Và từ đó “Trở về” đẩy được thông điệp của chương trình: Quá khứ không làm lại được nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chung tay xây đắp một tương lai Hòa bình - Phồn thịnh cho cả hai dân tộc Việt Nam - Hoa Kỳ.
Gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất, cũng như bao gia đình khác trên dải đất hình chữ S, bao năm qua vẫn mòn mỏi chờ đợi thông tin về phần mộ của người thân. Sự trở về của cuốn sổ tay của liệt sĩ Cao Văn Tuất được ví như một cuộc đoàn tụ thật đặc biệt sau 60 năm xa cách và hơn 50 năm từ khi nhận được tin liệt sĩ hy sinh. |
Những điều ở lại
Trong những ngày Tết Quý Mão 2023, câu chuyện về cựu binh Mỹ Peter Mathews tìm chủ nhân cuốn sổ tay mà ông giữ của một liệt sĩ ở Hà Tĩnh đã xuất hiện trên báo chí. “Ngay lúc đó, nhà báo Vũ Duy - Trưởng Ban Thời sự VOV1 - giao cho tôi tìm hiểu câu chuyện. Lúc đó tôi rất hoang mang, không biết làm thế nào để liên lạc được với ông Peter Mathews. Tôi liên lạc với phóng viên Phạm Huân - Thường trú Đài TNVN tại Mỹ. Hôm đó là ngày 16/2/2023. Và chỉ 2 ngày sau, phóng viên Phạm Huân đã liên lạc được với Peter Mathews. Niềm vui vỡ òa, áp lực dường như vơi đi một nửa. Hơn thế, Huân còn thuyết phục để ông đồng ý cho phóng viên VOV đến nhà riêng phỏng vấn độc quyền”, nhà báo Thu Hòa chia sẻ và cho biết thêm, VOV là đơn vị báo chí đầu tiên tiếp cận và phỏng vấn được ông Peter Mathews.
Ngay ngày hôm sau, phóng viên Phạm Huân lái xe gần 400km tới nhà ông Peter Mathews. Từ đầu mối ông Peter Mathews, nhóm tác giả đã kết nối được với ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch MTTQ Hà Tĩnh - người đã kết nối với ông Mathews trước đó khi biết được câu chuyện của ông. Ông Tân (thông qua bạn bè bên Mỹ) đã liên lạc được với ông Mathews, đề nghị chụp các trang viết trong cuốn sổ tay của liệt sĩ Cao Văn Tuất và phát hiện được thông tin về liệt sĩ ở trang cuối của cuốn sổ. Tất cả thông tin được ghi lại, đối chiếu và xác nhận từ các cơ quan hữu quan của Hà Tĩnh rằng, chủ nhân cuốn sổ tay Cao Xuân Tuất chính là liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 4/3/2023, ông Peter Mathews tới Việt Nam, về Hà Tĩnh để trao lại cuốn sổ tay cho gia đình người lính Việt Nam. Được ông Peter Mathews cho biết thông tin này, nhóm tác giả lập tức lên kế hoạch đi Hà Tĩnh trước ngày đó, chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa người cựu binh Mỹ và gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất.
Nhà báo Thu Hòa chia sẻ: “Bởi bối cảnh của “Trở về” diễn ra cả ở Việt Nam và Mỹ nên thách thức lớn nhất khi thực hiện tác phẩm này là sự phối hợp giữa ê-kíp ở trong nước và thường trú tại Mỹ. Chúng tôi phải trao đổi rất tỉ mỉ về cả nội dung và kế hoạch tác nghiệp để sự phối hợp được ăn ý. Lường trước được việc ở Hà Tĩnh sẽ không có một không gian riêng tư để phỏng vấn nhân vật nên chúng tôi cố gắng khai thác nhiều nhất có thể khi thực hiện cuộc phỏng vấn tại nhà riêng của ông Peter Mathews ở Mỹ. Ở trong nước, chúng tôi phải đi lại nhiều lần từ thành phố Hà Tĩnh về thôn Cao Thắng để có thể lấy được những tư liệu giá trị nhất”.
“Tôi tin là, mỗi một phóng viên, nhà báo khi tác phẩm của mình “chạm” tới cảm xúc của người nghe, được đồng nghiệp đánh giá cao, được tôn vinh tại những giải báo chí thì đó là niềm vinh dự, tự hào, cũng là động lực để chúng ta tiếp tục cống hiến, tiếp tục sáng tạo để có những tác phẩm có chất lượng tốt hơn”.
Nhà báo Thu Hòa
|
“Chứng kiến cuộc gặp gỡ ấy, chúng tôi tràn đầy xúc cảm để viết nên tác phẩm “Trở về”” - nhà báo Quỳnh Hoa chia sẻ - “Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được ở người cựu binh Mỹ Peter Mathews là sự e dè, ngại ngần của một cựu binh Mỹ khi lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ quay lại mảnh đất mà mình từng tham chiến. Thế nhưng những day dứt, khúc mắc, e dè trong lòng người cựu binh Mỹ về quãng thời gian tham chiến ở Việt Nam đã được trút bỏ khi cùng gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất trò chuyện về cuốn sổ tay và nghe thấy lời khẳng khái từ ông Phạm Quốc Bảo - đồng đội của liệt sĩ Cao Văn Tuất ở Trung đoàn 22 Sao Vàng, Quân khu 5: “Giờ đã là thời bình. Chúng ta không được quên quá khứ nhưng biết nhìn vào đó để khép lại quá khứ, hướng tới xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”.
Cuốn sổ tay và cuộc gặp gỡ đặc biệt này không chỉ tháo gỡ những khúc mắc trong lòng người cựu binh Mỹ Peter Mathews, mà còn giúp ông hiểu vì sao người lính Việt Nam có thể quên thân mình chiến đấu cho quê hương đất nước, vì sao Việt Nam chiến thắng.
“Trở về” đoạt Giải A tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII. Đó là sự ghi nhận, một phần thưởng xứng đáng cho ê-kíp thực hiện tác phẩm. “Tôi tin là, mỗi một phóng viên, nhà báo khi tác phẩm của mình “chạm” tới cảm xúc của người nghe, được đồng nghiệp đánh giá cao, được tôn vinh tại những giải báo chí thì đó là niềm vinh dự, tự hào, cũng là động lực để chúng ta tiếp tục cống hiến, tiếp tục sáng tạo để có những tác phẩm có chất lượng tốt hơn”, nhà báo Thu Hòa bày tỏ.
Điều mà bất cứ người Mỹ, người Việt Nam nào cũng có thể làm được vào lúc này, đó là “tạo một con đường để phát triển hợp tác, đồng thời xóa đi những đau khổ và tàn tích chiến tranh”. Đây cũng là điều mà nhóm tác giả muốn gửi gắm ở “Trở về”./.