Hành trình tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu, Nam Sudan vài năm trước đã giúp Trung úy Nguyễn Sỹ Công hiểu thêm về ý nghĩa của “hòa bình” và cách chia sẻ thương yêu với những người xa lạ.
Đến nơi chưa từng nghe tên
Trung úy Nguyễn Sỹ Công (Học viện Quân y, Hà Đông, Hà Nội) kể, nhiều năm về trước, anh thậm chí còn chưa từng nghe tên về đất nước Nam Sudan. Khi bắt đầu quá trình tập huấn chuẩn bị cho chuyến công tác dài ngày mà đơn vị tin tưởng phân công, anh có cơ hội tìm hiểu thật sâu về một đất nước mới, nơi cách Việt Nam hơn 8.500km. Từ ngày ấy, tham khảo trên sách báo, internet, thấy điều gì mới lạ, khác biệt về Nam Sudan, anh luôn cẩn thận ghi chép vào cuốn sổ tay vì biết sau này thế nào cũng cần đến. Ngày Công báo tin về chuyến công tác, bố mẹ cứ ngỡ con trai sẽ đi một, hai tuần như trước kia nên vui vẻ động viên. Thế nhưng, khi “search Google” hai từ Nam Sudan, mẹ anh bắt đầu lo lắng. Đúng lúc đó, bố Công liền nói: “Con mình phải lớn lên theo cách nó muốn, bước ra ngoài khám phá thế giới thì mới trưởng thành được”. Sau lễ xuất quân, Công lên đường. Với anh, nhiệm vụ là trên hết, phải hoàn thành bằng mọi giá dù thực tế có khó khăn, thử thách đến nhường nào.
Nhiệm vụ hằng ngày của Trung úy Nguyễn Sỹ Công (bìa phải) là khám, chữa bệnh và điều trị cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại phái bộ và các nhân viên Liên hợp quốc tại phái bộ đang tham gia công tác làm nhiệm vụ ở Nam Sudan.
Chiếc máy bay trong tích tắc trở thành đống sắt vụn sau một cuộc tấn công, nơi ở của dân làng bỗng chốc hóa tàn tro vì lửa đạn, sự sống trở thành điều quá mong manh. Cái nghèo, cái đói ám ảnh cuộc sống ở Nam Sudan, một đất nước xa xôi với tình hình chính trị còn nhiều biến động. Tại đây, người dân hiện lên trước mắt anh có cùng điểm chung: âu lo cho tương lai và sinh mạng của mình, sống cực khổ mỗi ngày trong cảnh đói kém, thiếu thốn những điều kiện cơ bản. Thay vì tung tăng chơi đùa, được cắp sách đến trường, trẻ con Nam Sudan hầu hết theo nghiệp gia đình đi chăn gia súc, trồng cây, đánh bắt cá ven sông để kiếm cái ăn. Tỷ lệ mù chữ ở quốc gia này hiện tại ở mức cao, trên 70%. “Ngay thời điểm đó, tôi biết mình phải làm điều gì thật ý nghĩa cho trẻ em và người dân nơi đây. Không cần quá to tát, việc nhỏ cũng được, miễn giúp cho đời sống của mọi người ngày càng tốt hơn. Tôi ao ước họ được hưởng hòa bình, được sống đủ đầy, hạnh phúc”, Trung úy Nguyễn Sỹ Công chia sẻ.
Nhiệm vụ hằng ngày của Công là khám, chữa bệnh và điều trị cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại phái bộ và các nhân viên Liên hợp quốc tại phái bộ đang tham gia công tác làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. Bên cạnh đó, anh cùng đồng nghiệp còn tham gia đi khám chữa bệnh hỗ trợ người dân địa phương và thực hiện một số hoạt động cộng đồng phù hợp. Mỗi ngày, cứ hết giờ hành chính, Công thường chờ đến 17h30, thời tiết đỡ hầm hập thì bắt đầu cuốc bộ tầm 2 - 3km, ra tới khu vực có người dân để gặp gỡ, trò chuyện. Khi đem theo chút bánh kẹo, lúc lại cầm món đồ chơi, các phần quà nhỏ kéo anh đến gần hơn với bọn trẻ rồi trở nên thân thiết, gắn bó lúc nào chẳng hay. Có hôm mưa lớn, đường ngập bùn lầy, anh tính quay về nghỉ ngơi nhưng biết tụi nhỏ đang háo hức, đợi chờ nên lại mang ủng, bước về phía trước. Ở Nam Sudan, một ngày của Công như dài hơn với những yêu thương tiếp nối.
Từ viên nước đá đến “I love Việt Nam”
Ngày nọ, khi cùng đoàn quân nhân Việt Nam ghé thăm một ngôi trường nhỏ ở thành phố Bentiu dưới tiết trời gần 50 độ C, một kỷ niệm nhỏ khiến lòng Trung úy Công trăn trở mãi. Trời nóng, cả đoàn mang theo thùng nước đá giải nhiệt. “Khi tôi mở thùng ra, các bạn học sinh mắt chữ A miệng chữ O, ồ à ngạc nhiên khi lần đầu tiên được thấy nước đá. Bạn nhỏ nào cũng chen lên, giơ cao tay để được nhận những viên đá mát lạnh rồi chuyền tay nhau ngắm nghía, xoa xoa trong lòng bàn tay và cảm nhận sự kỳ diệu. Tôi nhìn các em vừa buồn cười, vừa có chút nghẹn ngào”, Công nhớ lại.
Từ cuộc gặp ấy, Công quyết tâm dành thêm nhiều thời gian sau giờ làm và các ngày nghỉ để gần gũi, dạy cho trẻ con gần nơi anh công tác tiếng Anh, chút tiếng Việt cùng vài kỹ năng đơn giản. Công dạy tiếng Anh cho bọn trẻ vì muốn các em có thêm “vốn liếng” vào đời, kiếm được công việc tốt hơn trong tương lai, đỡ đần kinh tế gia đình đã quá kiệt quệ do chiến tranh. Mỗi buổi, sau khi dạy tiếng Anh, còn thời gian, Công hướng dẫn vài từ tiếng Việt. Chủ yếu là những từ, cụm từ đơn giản về đất nước, con người Việt Nam, như một cách giới thiệu về quê hương với những người bạn nhỏ ở đất nước xa xôi. Những đứa trẻ “sống bên kia hàng rào”, gần nơi anh công tác cứ cuối tuần lại “đứng đợi anh Công” ra trò chuyện vài câu. Công hay tặng quà bánh cho trẻ con và hỏi thăm nên tụi nhỏ mến anh lắm. Đồng nghiệp trong căn cứ biết việc Công làm cũng hào hứng chung tay. Vào các dịp lễ, Tết truyền thống như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Công cùng mọi người thường làm dôi phần các món bánh trái, đặc sản, làm quà cho trẻ em nơi đây.
“Tôi muốn lan tỏa hình ảnh người lính mũ nồi xanh Việt Nam theo cách gần gũi nhất đến cộng đồng”.
Trung úy Nguyễn Sỹ Công
|
Sau hơn một tháng phụ đạo tiếng Anh, thấy “học trò” tiến bộ, phát âm rõ hơn, Công mừng thầm. Tụi nhỏ cũng hào hứng khi lặp lại từng từ, từng câu tiếng Việt theo hướng dẫn của “anh Công”. Dần dà, các cuộc trò chuyện được xen lẫn giữa tiếng Anh và vài từ tiếng Việt, vừa ngộ nghĩnh, đáng yêu vừa khiến Công xúc động. “Xin chào anh Công”, “Cảm ơn anh Công”, “I love Việt Nam”… những câu nói ngắn của trẻ em ở Bentiu khiến Công và các đồng nghiệp bất ngờ xen lẫn thích thú. Bọn trẻ còn được dạy hát những bài quen thuộc của thiếu nhi Việt Nam, có khi thêm vài động tác múa cho sinh động. Có đợt Công về phép, tụi trẻ hay tin, khóc nghẹn ngào. Với chúng, chàng quân nhân đến từ Việt Nam đã trở thành người anh thân thiết hay mang đến những món quà bất ngờ và rất nhiều sự quan tâm.
Mỗi lần về phép thăm gia đình tại Việt Nam, Công bận rộn hơn bao giờ hết. Chưa lập gia đình, vậy mà hay ghé mua diều, bóng, rô-bốt, xe mô hình…, Công khiến mẹ thắc mắc mãi. Trước ngày quay trở lại Nam Sudan tiếp tục hành trình, va-ly của Công ngoài quần áo, thuốc men, thức ăn còn có rất nhiều đồ chơi. Mẹ ngồi cạnh cứ nhìn con trai, chờ lời giải thích. Công vội mở điện thoại, đưa cho mẹ xem một đoạn clip ngắn về các em nhỏ thiệt thòi ở Nam Sudan. Mẹ Công thấy vậy lẳng lặng đi gom thêm quần áo, giày dép cũ trong xóm, đưa con trai. Công chọn những món thật đẹp, còn mới, gói vào hành lý đưa sang làm quà cho tụi nhỏ. Anh biết, các em sẽ mừng lắm. Những đưa trẻ đầu trần, chân đất, thiếu thốn đủ thứ thì món quà nào cũng trở nên đáng quý. Và khi nghe tiếng reo “A! Anh Công, anh Công!” của những gương mặt quen thuộc, anh thấy tim mình vỡ òa.
Bên cạnh làm bạn đồng hành với trẻ em, khi có thời gian rảnh, Công cùng đồng nghiệp còn trò chuyện, hướng dẫn người dân địa phương cách trồng trọt với mong muốn các hộ dân nghèo có thêm nguồn thực phẩm cải thiện chất lượng bữa ăn. Những đoạn video giới thiệu về quá trình thực hiện nhiệm vụ và sinh sống tại Nam Sudan của Công ngay khi xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng. Công nói, anh làm vậy chẳng phải mưu cầu nổi tiếng mà chỉ muốn lưu lại kỷ niệm của hành trình đáng nhớ trong đời và những điều bản thân may mắn gặp được khi đến Nam Sudan làm nhiệm vụ.
Trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chuyến công tác dài ngày, những tuần lễ đầu tiên, Công nhớ Nam Sudan da diết. Vậy nên, lúc hay tin vào khoảng tháng 10 tới sẽ tiếp tục được đơn vị cử sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Công không dám tin, cứ ngỡ là mơ. Vậy là anh sẽ có dịp gặp lại những đứa trẻ thân thương ấy, kể tiếp cho chúng nghe vài mẩu chuyện vui, cùng nhau chơi trận bóng giữa tiết trời oi bức hay tập thêm vài câu ngoại ngữ thú vị. Còn rất nhiều điều cần làm cho chúng. Trung úy Nguyễn Sỹ Công phấn khởi cho hay: “Chuyến đi này sẽ giúp tôi tiếp tục những hoài bão, kế hoạch còn đang dang dở ở Nam Sudan, điều mà lần trước dù rất muốn nhưng chưa đủ thời gian và điều kiện để làm. Tôi sẽ hướng dẫn người dân cách trồng trọt hoàn chỉnh và dạy thêm tiếng Anh cùng kiến thức sống tốt hơn cho các em nhỏ. Tôi sẽ tiếp tục làm những video để lưu lại kỷ niệm cho hành trình phía trước và chia sẻ với mọi người. Tôi muốn lan tỏa hình ảnh người lính mũ nồi xanh Việt Nam theo cách gần gũi nhất đến cộng đồng”./.