Dấu xưa trên đất bưởi Tân Triều

Đất cù lao Tân Triều nức tiếng là một làng bưởi đặc sản. Nơi đây còn ghi nhiều dấu ấn lịch sử của mảnh đất Đồng Nai.

 

Vang danh xứ bưởi

Nghe tiếng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã nhiều, nhưng có đặt chân đến mảnh đất cù lao ven sông Đồng Nai này, người ta mới thực sự hiểu thế nào là “đất bưởi”: bạt ngàn những vườn bưởi xanh ngắt, trải dài từ đầu bờ cù lao ra tới gần mép sông.

Một năm, bưởi Tân Triều ra hoa 2 lần: dịp ra Giêng, tháng 2 âm lịch và dịp giữa năm. Nhưng đợt hoa đầu nông dân thường cắt bỏ để dưỡng sức cho đợt hoa sau, là lứa bưởi phục vụ cho mùa Tết. Đến mùa, những vườn bưởi đồng loạt nở hoa, một thứ hoa màu trắng muốt tinh khôi, mang theo mình hương thơm nồng nàn, thanh khiết. Ít lâu sau, hoa tàn, nhường chỗ cho những trái non chúm chím. Rồi trái lớn dần, được nhà vườn chăm sóc kỹ, chuẩn bị cho mùa bưởi Tết.

Ở Tân Triều, nổi tiếng, được trồng nhiều nhất là bưởi đường lá cam và bưởi ổi. Bưởi đường lá cam có kích thước lá nhỏ gần giống như lá cam, quả có hình dạng quả lê thấp, trọng lượng quả trung bình từ 0,7 - 1,3 kg/quả, vỏ quả láng bóng, dễ bóc vỏ, vị ngọt hơi chua không the. Quả tròn nhỏ nhưng cùi của bưởi đường lá cam rất mỏng, múi dày và mọng nước.

Ông Út Sơn với vườn bưởi 2ha, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Bưởi ổi thì đúng như tên gọi, ngoài múi hơi khô, vị ngọt và có hương thơm giống quả ổi. Giống bưởi này được đặc biệt ưa chuộng để trưng trên mâm ngũ quả ngày Tết chính vì mùi hương của nó. 2 giống bưởi đặc sản này chỉ ngon nhất và đạt chất lượng tốt nhất khi được trồng ở cù lao Tân Triều và một số vùng đất lân cận. Chính vì thế, 2 giống bưởi đường lá cam và bưởi ổi Tân Triều đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Chúng tôi đến thăm vườn của ông Út Sơn (47 tuổi), một trong những nhà vườn có diện tích vườn bưởi lớn nhất nhì ở cù lao Tân Triều. Lúc này là cuối tháng 9 âm lịch, những trái bưởi trong khu vườn gần 2ha của ông Sơn sai lúc lỉu, quả trên cao, quả dưới thấp, ngang tầm tay với, có những trùm sà xuống gần mặt đất, ông chủ vườn phải dùng những cây tre dài chống đỡ để quả không chạm mặt đất sẽ bị hư. Ông Sơn kể, trước đây dân làng trồng bưởi theo kiểu cũ, nghĩa là cứ trồng rồi để cây tự đơm hoa, kết trái, trái chín thì hái ăn hay gánh ra chợ bán, thế nên ngày đó bưởi Tân Triều ngon nhưng giá trị không được như bây giờ.

Ngày nay, trồng bưởi đã trở thành cái “nghiệp” của người dân cù lao, nhà nào ít thì vài sào Nam bộ, nhà nào nhiều thì một, hai mẫu. Ông Út Sơn cho hay: “Trồng bưởi bây giờ khác xưa nhiều lắm, người trồng bưởi phải dành thời gian trọn vẹn cho cây, chăm sóc, bón phân, tưới nước, tỉa cành, “điều” hoa cho ra trái đúng dịp Tết hoặc ngày rằm. Mỗi chục bưởi 12 trái có giá hơn một triệu đồng, mỗi mẫu bưởi nếu “trúng” có thể thu về hàng tỷ. Nhờ cây bưởi đặc sản danh tiếng này, nông dân chúng tôi có thể “sống khỏe””.

Mỗi năm, làng bưởi Tân Triều cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn bưởi thành phẩm. Với giá trị, chất lượng vượt trội, trái bưởi từ cù lao Tân Triều đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính.

Dấu xưa trên đất bưởi

Ở cù lao Tân Triều vẫn lưu truyền giai thoại về những cây bưởi đầu tiên. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức ghi lại, sau khi Nguyễn Hữu Cảnh - vị tướng mở cõi phương Nam mất, nông dân vùng Ngũ Quảng xưa kia theo ông đến cù lao Phố đã đi về phía thượng nguồn sông Đồng Nai, đến một cù lao khác lập làng mới, lấy tên là Tân Bình.

Đến thế kỷ thứ 18, khoảng năm 1778, lúc này chúa Nguyễn Ánh trốn chạy sự truy đuổi của nhà Tây Sơn đã lưu lạc đến cù lao Tân Bình (một số tài liệu nói nơi đây còn được gọi là cù lao Đá Lửa) và chọn nơi đây làm nơi ẩn náu. Tại đây, Nguyễn Ánh lập ra một triều đình tạm nên đổi tên cù lao thành Tân Triều (nghĩa là triều đình mới).

Cùng lúc này, Giám mục Pigneau de Behaine (tức Giám mục Bá Đa Lộc) cũng chạy về đây và gặp Nguyễn Ánh, hai người kết giao thân tình. Được sự ủng hộ của Nguyễn Ánh, trong khoảng thời gian này Giám mục Pigneau de Behaine đã thiết lập một số cơ sở tôn giáo tại đây, trong đó có nhà thờ Tân Triều, đây chính là nơi phát tích của giống bưởi trứ danh.

Cây thánh giá cổ ở nhà thờ Tân Triều.

Những người già ở Tân Triểu kể lại, vùng đất cù lao Tân Triều xưa kia vốn là đất trồng trầu cau. Đến khoảng giữa thế kỷ thứ 18, một vị cha xứ đã mang 2 cây bưởi từ Braxin về trồng ở nhà thờ Tân Triều. Thấy giống bưởi ngon, người dân đến xin nhân giống đem về trồng.

Đến năm 1952, xảy ra một trận lụt lớn khiến những vườn trầu chết hết, nhưng riêng cây bưởi thì vẫn xanh tốt, nên người làng Tân Triều chuyển dần sang trồng bưởi. Từ đó bưởi Tân Triều dần được biết đến và nổi danh khắp gần xa. “Ở miền Nam trước đây người ta hay nhắc đến bưởi Biên Hòa thơm ngon nổi tiếng, đó chính là bưởi của làng Tân Triều ngày nay và đang ngày càng được ưa chuộng”, thầy Khâu, một cựu giáo chức người làng Tân Triều kể./.

Nhà thờ Tân Triều là một trong những nhà thờ cổ nhất Nam bộ và hiện có hai cổ vật rất có giá trị: một là cây thánh giá được Giáo hoàng Pio VI ban tặng Giám mục Pigneau de Behaine trên con đường truyền giáo. Cây thánh giá này đặc biệt ở chỗ có gắn một mảnh gỗ từ chính cây thánh giá năm xưa Chúa Jesus bị đóng đinh nên được coi như một báu vật vô giá đối với người Công giáo; Cổ vật thứ 2 là một quả chuông bằng đồng được đúc từ thế kỷ 19 cùng với một quả chuông khác đang nằm tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận