Những 'ngân hàng máu sống'

Nhiều người mang nhóm máu hiếm có tinh thần thiện nguyện, sẵn sàng cho đi khi có bệnh nhân cần, giúp họ vượt qua cửa tử.

 

Nhiều năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo được duy trì và phát triển mạnh mẽ, đã góp phần hồi sinh rất nhiều cuộc đời. Đặc biệt, nhiều người mang nhóm máu hiếm có tinh thần thiện nguyện, sẵn sàng cho đi khi có bệnh nhân cần, giúp họ vượt qua cửa tử.

Những “tổng đài máu”

Một ngày đầu tháng Tư, gần 12 giờ trưa, anh Nguyễn Anh Minh, trưởng nhóm B Rh-, Câu lạc bộ máu hiếm TP.HCM nhận tin nhắn gấp từ Bệnh viện huyết học và Truyền máu TP.HCM: “Minh ơi, có bệnh nhân cấp cứu, thiếu máu nghiêm trọng, cần truyền tiểu cầu B Rh- khẩn cấp. Nhóm em hỗ trợ bệnh nhân với. Ngay đầu giờ chiều là cần, em ạ”.

Hoãn chuyến hàng cần giao, Anh Minh nhịn ăn trưa, vội vàng lao ra đường giữa trời nắng Sài Gòn như đổ lửa. Đến bệnh viện, thực hiện các khâu thăm khám sức khỏe, anh đủ điều kiện lấy máu. Sau gần 1 giờ đồng hồ, túi tiểu cầu vàng óng dần đầy.

Anh Nguyễn Anh Minh luôn muốn vận động thêm nhiều người đi hiến máu để phát hiện ra người có nhóm máu hiếm, từ đó sẽ không còn máu hiếm nữa. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Hiến tiểu cầu không phải hình thức hiến máu toàn phần mà chỉ gạn lấy một thành phần có trong máu. Toàn bộ quá trình lấy tiểu cầu sẽ gồm lấy máu, tiến hành ly tâm và tách tiểu cầu ra khỏi máu rồi trả thành phần còn lại của máu cho cơ thể. Quy trình này sẽ lặp đi lặp lại liên tục cho tới khi có được đủ lượng tiểu cầu theo yêu cầu. Dù khá đau tay và mất nhiều thời gian hơn so với hiến máu thông thường, nhưng anh Minh thấy lòng nhẹ nhõm, vui sướng vì giúp thêm một bệnh nhân trong lúc nguy kịch.

Anh Minh không nhớ đây là lần thứ mấy anh bỏ dở công việc kinh doanh và giao hàng, hối hả đến bệnh viện tiếp máu, chế phẩm máu cho “người dưng” đang đứng trước “cửa tử”.

Cách đây 6 năm, anh Minh từng bắt xe khách ngay trong đêm để ra tận Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hiến cấp cứu cho một nam sinh 17 tuổi bị suy tủy giai đoạn cuối, cần tiểu cầu để duy trì sự sống. “Ngày đó con tôi đang phải nhập viện theo dõi bệnh viêm não Nhật Bản nhưng tình huống của bệnh nhân ở Nha Trang đang rất khẩn cấp. Lúc ấy cũng chưa có sự kết nối rộng rãi trên mạng xã hội giữa cộng đồng những người máu hiếm. Sau khi xác nhận thông tin về sức khỏe của con không còn nguy hiểm, mình bắt xe khách đi ngay trong đêm, hẹn với một người bạn nữa ở Hà Tĩnh cùng gặp nhau tại Nha Trang. Mình đã ra hiến tiểu cầu cho bệnh nhân này 2 lần”, anh Minh nhớ lại.

Họ là những viên ngọc sáng lấp lánh, mỗi ngày vẫn đang lan tỏa tinh thần thiện nguyện để giúp cứu sống nhiều người bệnh trước cửa tử. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Sau này, anh Minh trở thành nhóm trưởng nhóm máu B Rh-, công việc điều phối máu cũng trở nên bận rộn hơn rất nhiều. Mỗi lần có người máu hiếm cần truyền máu, anh Minh liền kết nối khắp nơi, tìm những người cùng nhóm máu đủ điều kiện vận động họ hiến máu cứu người. Chỉ đến khi phía bệnh viện thông báo đã đủ máu để cứu người bệnh, anh mới yên tâm quay trở lại với công việc thường ngày.

Kể từ năm 2006 đi hiến máu tình nguyện và tình cờ biết mình thuộc nhóm máu hiếm, anh Minh tham gia Câu lạc bộ máu hiếm TP.HCM (thuộc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM). Đến nay, anh đã hơn 60 lần hiến máu.

Luôn sẵn sàng cho đi “dòng máu nóng”

Cũng sinh hoạt trong Câu lạc bộ máu hiếm TP.HCM, anh Cao Minh Hải lại có nhóm máu AB Rh-, nhóm máu siêu hiếm tại Việt Nam. Là nhóm máu ít người có nên anh Hải không nhớ được bao nhiêu lần mình hiến máu cứu người trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”.

Anh cũng đã kết nối được gần 40 người cùng nhóm máu để cứu được nhiều người nhất. Mỗi người trong nhóm là một “ngân hàng máu sống”, ai cũng từng hơn 20 lần hiến máu, cả ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Chi phí đi lại, ăn ở của các chuyến đi tỉnh hiến máu, anh và các bạn đều tự bỏ tiền túi, không nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào từ người nhà bệnh nhân.

Tích cực đi hiến máu sẽ kiểm tra được tình hình sức khỏe, giúp đỡ được người bệnh và tích lũy cho bản thân để sau này được nhận máu trong tình huống khẩn cấp. (Ảnh: Kim Dung)

Còn nhớ, Giao thừa 2022, anh Hải nhận được thông tin có một thai phụ nhóm máu AB Rh- nhập viện ở Bệnh viện Từ Dũ, có thể cần máu để hỗ trợ. Thai phụ được dự đoán sinh lúc 10 giờ sáng nhưng anh đã có mặt tại bệnh viện từ 6 giờ ngày Mùng 1 Tết, để dự phòng trường hợp thai phụ chuyển dạ sớm cần truyền máu khẩn cấp. Rất may mắn là thai phụ chỉ cần một đơn vị máu là đủ. Hiến máu xong buổi sáng nhưng anh Hải cũng chưa vội về ngay, ngồi chờ tại bệnh viện đến 2 giờ chiều, nhận thông báo mẹ tròn con vuông anh mới yên tâm ra về.

 “Sau này mọi người hỏi mình có quan niệm cho máu đầu năm là sợ xui không, nhưng lúc đó mình chỉ có ý nghĩ là phải cứu người. Mình thấy đó là điều may mắn của bản thân vì có cơ hội được cho đi, sau này mình làm ăn phát triển tốt hơn. Dù phải dành cả ngày đầu tiên của năm mới như thế nhưng mình rất vui vì đã cứu được 2 mạng người. Người máu hiếm cũng có những niềm vui đơn giản như thế”, anh Hải tâm sự.

Còn chị Nguyễn Thị Vân Hiền, 42 tuổi, từng “liều mình” hiến khẩn cấp cho một bệnh nhi 2 tuổi có nhóm máu hiếm, trong khi chị vừa trải qua nhiều ngày thức đêm. Kết quả, máu chị không đủ chất lượng, chị bị ngất xỉu. Từ đó, chị ý thức được rằng có rất nhiều người cần nhóm máu hiếm, chị càng phải chú ý sức khoẻ và tập luyện thể thao để có máu chất lượng cho người bệnh khi cần. Sau mỗi lần hiến máu, chị Hiền thường đăng lên các trang mạng xã hội, không phải để “khoe”, mà để lan tỏa thông điệp hiến máu cứu người chính là giúp bản thân mình. “Những bạn bè chơi với mình đều được mình khuyến khích đi hiến máu. Thứ nhất là kiểm tra được sức khỏe của bản thân. Mình không nghĩ rằng hiến máu là mình đang cho, mà chính là mình đang tích lũy, như một quỹ tiết kiệm của mình. Bây giờ mình hiến đi, đến khi mình có việc, gặp một sự cố cần máu thì cũng sẽ có nhiều người cho mình”, chị Hiền bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Vân Hiền luôn rèn luyện sức khoẻ để đủ điều kiện hiến máu cho bệnh nhân.

Lan tỏa dòng máu hiếm cứu người

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) phát thông báo tìm người có nhóm máu O Rh- để điều trị cấp cứu cho một bệnh nhân người Anh. Ngay sau khi thông báo được phát đi, đã có 6 người đến Bệnh viện Chợ Rẫy xin được hiến máu tình nguyện cứu người. Sau khi sàng lọc, chỉ có 3 người đủ điều kiện hiến tiểu cầu và 3 đơn vị tiểu cầu đã được hiến ngay lập tức cho bệnh nhân. “Cảm ơn những người hiến tiểu cầu, cũng như đội ngũ nhân viên y tế đã kịp thời cứu giúp tôi có được sự khỏe mạnh như ngày hôm nay”, bệnh nhân người Anh chia sẻ trong ngày được xuất viện.

Thạc sĩ Phạm Lê Nhật Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây không phải là lần đầu tiên đơn vị phát thông báo kêu gọi người dân tình nguyện hiến máu trong các tình huống khẩn cấp, bởi máu hiếm không thể dự trữ quá nhiều cùng lúc. Mỗi lần như vậy, Trung tâm đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng, nhờ thế cứu sống kịp thời người bệnh.

“Những người máu hiếm đến hiến máu từ những địa phương rất xa, có người tận huyện Củ Chi, có người ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chạy lên. Họ đã không quản ngại đường xa, bỏ dở công việc của mình để đến bệnh viện cứu người trong tình huống nguy cấp. Đáng trân quý vô cùng!”, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

“Mình không nghĩ rằng hiến máu là mình đang cho, mà chính là mình đang tích lũy, như một quỹ tiết kiệm của mình. Bây giờ mình hiến đi, đến khi mình có việc, gặp một sự cố cần máu thì cũng sẽ có nhiều người cho mình”.

Chị Nguyễn Thị Vân Hiền - thành viên CLB máu hiếm TP.HCM

Theo Thạc sĩ Phạm Lê Nhật Minh, những người có nhóm máu thuộc Rh- được xem là nhóm máu hiếm. Mỗi ngày kho máu của Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy dự trữ khoảng từ 5.000 - 7.000 đơn vị máu để cung cấp cho bệnh viện và hàng chục bệnh viện khác, nhưng chỉ có khoảng 20 đơn vị Rh-. Có những thời điểm rất nhiều bệnh nhân cần nhóm máu hiếm cùng lúc, Trung tâm không đủ cung cấp và phải mời gọi người cho máu khẩn cấp.

“Những người hiến máu đó rất đáng trân trọng. Họ có kiến thức, hiểu biết là mang trong mình dòng máu quý hiếm, họ như những “ngân hàng máu sống”, sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần. Họ cần được khích lệ và khen ngợi. Nếu có chính sách cho các tình huống khẩn cấp này thì rất tốt”, Thạc sĩ Phạm Lê Nhật Minh nhìn nhận. Mỗi năm Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đều tổ chức họp mặt, tri ân những người tích cực hiến máu cứu người, trong đó có những người máu hiếm.

Là thành viên của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm TP.HCM, anh Nguyễn Anh Minh mong mỏi sẽ ngày càng nhiều người có kiến thức về máu hiếm và tham gia vào câu lạc bộ để cứu giúp lẫn nhau. “Nếu người dân đi hiến máu nhiều thì sẽ phát hiện thêm những người có nhóm máu hiếm. Vui nhất là có những người máu hiếm được cứu sống sau đó đã trở thành một thành viên tích cực của câu lạc bộ máu hiếm, nhiều lần hiến máu cứu người. Mong sao cộng đồng máu hiếm xích lại gần nhau hơn nữa, lan tỏa tinh thần cứu người rộng rãi để dù máu hiếm nhưng không hiếm tình người”, anh Minh bộc bạch./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận