

Cà Mau xưa kia bạt ngàn những rừng đước. Nghề hầm đước để lấy than đã tồn tại ở đất Mũi này ngót trăm năm. Đước dùng để hầm than chỉ lấy phần thân. Nhưng do khai thác không hợp lý, diện tích rừng đước ngày càng bị thu hẹp, người dân có nhiều lựa chọn khác như than đá, than sinh học... khiến nghề hầm than đước có một thời gian bị mai một.

Lò đốt được xây từ gạch thẻ và đất bùn, có hình bầu tròn, cao khoảng hơn 3m, đường kính khoảng 4 - 5m, có cửa lò để chất củi vào và lấy than, trong quá trình hầm than, cửa này được bít lại, chỉ chừa khoảng nhỏ để đốt lửa và 3 ống cho khói thoát ra ngoài.



Ngày nay nguyên liệu để hầm than cũng là gỗ đước nhưng được thu mua từ các nông trường lân cận và tận dụng cả gỗ chang đước, gốc đước. Các lò than đước được xây từ gạch thẻ, xi măng được thay bằng hỗn hợp bùn bãi bồi với cát. Các công đoạn trong nghề hầm than đước đều tốn rất nhiều mồ hôi, công sức, tính từ khi khai thác đước đến vận chuyển, xếp lò và hầm than...
Nhằm tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nghề hầm than đước mang “thương hiệu Cà Mau” được những người dân bám nghề và dần xây dựng, dù công việc nặng nhọc và ô nhiễm từ khói bụi, giá trị lãi không nhiều do chi phí đầu vào cao.



