Giữ lấy 'mỏ bạc' đáy biển

Ngư dân xứ đảo Cù Lao Chàm không ngờ những hòn đảo xa xôi giữa biển khơi nghèo khó mình bám trụ bao đời nay thu hút du khách.

 

Nhìn thấy quê hương mình phát triển, được vinh danh trên bản đồ du lịch Quốc gia và thế giới, ngư dân xứ đảo Cù Lao Chàm không ngờ những hòn đảo xa xôi giữa biển khơi nghèo khó mình bám trụ bao đời nay tỏa sáng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu - khám phá, nghỉ dưỡng...   

1. Ngồi dưới tán cây ngô đồng đang mùa rộ hoa, chúng tôi kể lại chuyện xưa, cái thuở ban sơ ở đảo. Bao nhiêu kỷ niệm của con người mưu sinh nơi đảo xa bềnh bồng như sóng khơi. Trong những câu chuyện cũ mà người xứ đảo hồi tưởng, dường như niềm vui thì ít, còn nỗi buồn dài lê thê như con sóng mùa bão biển.

“Không điện, không đường đã đành, cái gánh nặng là không có lương thực, không có nhiên liệu xăng dầu để ghe tàu hoạt động đánh bắt. Ở đảo mà hết gạo ăn, hết xăng dầu thì biết tìm mô ra? Sống trên đảo làm nghề đánh bắt hải sản mà không có nhiên liệu thì coi như đói quanh năm là chuyện thường”. Câu hỏi hóc búa của ông Huỳnh Hanh, hội người cao tuổi trên đảo như vén lại bức màn số phận bao đời của người dân sinh sống nơi đầu sóng, ngọn gió phải chịu đựng.

Rừng dừa nước Cẩm Thanh.

Nhìn lại thời “bao cấp”, kinh tế khó khăn, Cù Lao Chàm được xem là “mỏ vôi” của cả Quảng Nam - Đà Nẵng. Bởi trữ lượng đá san hô bao bọc rộng lớn được khai thác mang về nung làm vôi xây dựng nhà cửa, khử phèn cho ruộng đồng và nuôi trồng thủy sản... Khai thác san hô được xem như “túi gạo” của ngư dân, mang lại nguồn thu cho rất nhiều người lao động, chính vì thế đã phá dần môi trường biển, ảnh hưởng đến phát triển sinh sản, trú ngụ các loài hải sản.

“Thời đó, đàn ông ở đảo, ai cũng tham gia khai thác san hô, lặn bắt tôm hùm để đổi lương thực nuôi sống gia đình, hoặc gặp tàu chở hàng ngang qua thì đổi lấy xăng dầu”. Lời chia sẻ của ông Huỳnh Đức, cán bộ Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, một tay từng khai thác san hô để nuôi sống gia đình, làm tôi nhớ đến trăn trở của Anh hùng lao động Nguyễn Sự, nguyên Bí thư thành phố Hội An: “Cù Lao Chàm xưa kia ấm no thì thi thoảng, còn đói nghèo thì quanh năm. Mỗi năm chuẩn bị vào mùa đông, thành phố xuất vài chục tấn gạo chở ra đảo chuẩn bị cứu trợ cho bà con”.

“Nhìn thấy khai thác san hô biển như vậy là không ổn, tôi quyết định ra chỉ thị cấm ngay. Nếu chậm trễ sẽ phá nát môi trường vùng biển Cù Lao Chàm”, ông Nguyễn Sự, nguyên 2 nhiệm kỳ Bí thư và 2 nhiệm kỳ Chủ tịch TP. Hội An khẳng định. Những quyết định báo bạo đã xoay chuyển Cù Lao Chàm, không chỉ giúp san hô tránh kiếp nạn bị tàn phá, tận diệt, mà còn đưa quần đảo Cù Lao Chàm trở thành “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”.

Mùa hoa ngô đồng trên đảo.

2. Trong trí nhớ ông Nguyễn Hưng, nguyên Bí thư thị xã Hội An, thời Hội An còn trực thuộc tỉnh (Quảng Nam - Đà Nẵng) cũ: “Quần đảo Cù Lao Chàm biết khi mô hết nghèo? Biết khi nào người dân đủ ấm no”? Bởi Ông Hưng được mệnh danh là “người đánh giặc qua loa” - câu chuyện ông chỉ huy giải phóng Cù Lao Chàm ngày 29/3/1975 không có tiếng súng được nhiều người dân xứ đảo luôn ghi nhớ. “Khi mới giải phóng, tôi được điều về làm Bí thư Đảng bộ xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm). Nói thiệt lúc đó dân trên đảo quá đông, khoảng 10 ngàn người, còn cái nghèo phải nói là tột cùng. Trên đảo không có ruộng, không có đất trồng trọt, bao nhiêu khốn khó, thiếu thốn tứ bề. Không chỉ riêng trên đảo, mà trên đất liền cũng rứa”, ông Nguyễn Hưng nhớ lại.

Chuyện nghèo xứ đảo cứ truân chuyên kéo dài, người dân đảo lần lượt tìm cách vào đất liền sinh sống, đành đoạn bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn, tổ tiên bao đời. Ngồi trên ca nô cao tốc trở về thăm quê sau gần 30 năm đi lập nghiệp ở Tây Nguyên theo diện “kinh tế mới” của nhà nước, ông Trần Tuấn nhìn những đoàn khách Tây ta theo tàu ra đảo du lịch vui mừng nói: “Cũng may, nhờ cái nghèo nên Cù Lao Chàm mới giữ được nét hoang sơ, nay mới thu hút khách du lịch”.

Để không hoang phí tiềm năng biển đảo, gìn giữ bảo tồn nét hoang sơ, phát triển du lịch, phát triển kinh tế đưa người dân thoát nghèo, năm 1997, khi vừa chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng ra làm 2 tỉnh, thành, thành phố Hội An quyết định đưa khách du lịch ra đảo.

Ông Võ Phùng - nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL thành phố Hội An là đơn vị tiên phong ra đảo làm du lịch, nhớ lại: “Hồi đó ra đảo làm du lịch mà nhiều cái không: không điện, không nước sạch, không chỗ lưu trú, không phương tiện tàu, thuyền chuyên dụng vận chuyển khách… Cả Hội An lúc đó chưa có ca nô cao tốc. Trung tâm chỉ có chiếc tàu gỗ cổ làm phương tiện đưa đón khách ra đảo”. Như lời ông Võ Phùng, thì Cù Lao Chàm xưa kia chưa có khái niệm về du lịch. Từ đó, Cù Lao Chàm được biết đến là nơi được thiên nhiên ban tặng cảnh quan độc đáo và sự đa dạng sinh học vô cùng nổi bật. Các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế phát hiện nhiều hệ sinh thái quan trọng, bao gồm hệ sinh thái rừng thường xanh, hệ sinh thái nông nghiệp trên đảo, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, hệ sinh thái bờ triều, vùng đá…

Ngư dân xứ đảo Cù Lao Chàm không ngờ những hòn đảo xa xôi giữa biển khơi nghèo khó mình bám trụ bao đời nay thu hút du khách.
 

Tất cả hệ sinh thái này được liên kết để hình thành hành lang đa dạng sinh học nối liền từ rừng xuống biển, biển đến vùng bờ. Cù Lao Chàm như món quà vô giá thiên nhiên ưu ái ban tặng. Năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quy chế quản lý “Khu bảo tồn biển”, với tổng diện tích 23.500ha, bao gồm 7 hòn đảo và phần mặt biển xung quanh.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học, Cù Lao Chàm có 1035 loài động, thực vật sinh sống trên đảo và 1.309 loài sinh vật biển, trong đó có rất nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo tồn ở Việt Nam và trên thế giới. Giới khoa học đánh giá rừng tự nhiên trên các đảo tại Cù Lao Chàm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường và đời sống của người dân địa phương. Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm và nước ngọt, rừng Cù Lao Chàm chứa đựng trên 80 loại thực vật thuộc cây thuốc Nam quý hiếm, rừng góp phần quan trọng về đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

3. Ước vọng phát triển Cù Lao Chàm về “Điểm đến xanh đẳng cấp”. Năm 2006, Cù Lao Chàm tuyên bố nói không với túi ni lông và rác thải nhựa. Câu chuyện đã gợi lên sự tò mò với các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế, cùng du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu. Lượng khách du lịch ngày một tăng cao, người dân trên đảo từ những ngư dân thực thụ chuyển san nghề dịch vụ du lịch.

Người dân xứ đảo nghèo khó ngày nào giờ thấy lượng du khách đến đảo ngày càng đông, đời sống ngày càng khấm khá ai cũng vui mừng. Ngược lại, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư thành phố Hội An lại lo lắng: “Phải điều chỉnh để phát triển theo hướng bền vững, và người dân trên đảo là chủ nhân thực sự, họ xứng đáng được hưởng lợi từ quê hương mình. Có như vậy họ mới bảo vệ môi trường biển đảo, gìn giữ văn hóa và cả thiên nhiên biển khơi”.

Ngồi tâm sự với một lãnh đạo TP. Hội An, anh thổ lộ: “Cù Lao Chàm có được như hôm nay là công anh Nguyễn Sự rất lớn, anh không cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn, mà đầu tư giúp người dân sửa chữa nhà cửa để làm dịch vụ lưu trú. Từ đó bà con thấy lợi, họ gìn giữ bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng - biển”.

“Từ khi Cù Lao Chàm được công nhận “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, lượng du khách trong và ngoài nước đến nơi đây quá đông. Có ngày Cù Lao Chàm đón hơn 10 ngàn lượt du khách, tức là lượng du khách tăng cao gấp 5 lần với số dân trên đảo. Nhờ du lịch phát triển, từ một xã nghèo nhất tỉnh, nay trở thành xã bình quân đầu người thu nhập cao nhất tỉnh. Xã không còn hộ nghèo và cận nghèo”, bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã chia sẻ.

Để Cù Lao Chàm phát triển bền vững, chính quyền thành phố Hội An hạn chế lượng khách đến Cù Lao Chàm. Cho phép mỗi ngày xứ đảo được đón 3 ngàn lượt du khách, gần bằng số dân trên đảo. Người dân Cù Lao Chàm luôn ý thức bảo vệ môi trường, xem đó là nguồn sinh kế bền vững. Đến nay, Chính phủ lấy Cù Lao Chàm làm điểm du lịch Quốc gia.

Ngày 15/3, Quảng Nam khai mạc năm “Bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia”. Đây là cơ hội mở ra chiến lược bảo tồn và phát triển “xanh” của Chính phủ, cũng là chiến lượt phát triển Việt Nam bềnh vững cho tương lai. Dưới đáy biển đảo Cù Lao Chàm hiện nay đang thiết lập khu vực phục hồi, bảo vệ và phát triển rạn san hô, cũng như các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Nơi đây được ví như khu rừng nhiệt đới đa dạng sinh học, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới. Và chính các chuyên gia, dự án bảo tồn và cộng đồng người dân xã đảo suốt thời gian dài đã lặng lẽ góp sức, đồng hành tạo nên “xứ sở thần tiên” dưới đại dương./.


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận