Trong câu chuyện tình của hai người Mông Cổ có hình bóng Việt Nam

Dạo đó anh học ở Hà Nội, còn chị học ở Moscow. Họ yêu xa qua những lá thư tay…

 

Byambajav Nyamkhuu, người Mông Cổ, từng sang Việt Nam học ở trường Đại học Y Hà Nội từ năm 1986 đến 1990. Trước khi học ở Đại học Y, Byambajav học tiếng Việt tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh kể, khi gặp, người Việt Nam thường hỏi anh: là người nước nào, bao nhiêu tuổi, có vợ chưa… Rồi tiếp đó sẽ hỏi: con gái Việt Nam có đẹp không (câu trả lời luôn là: Rất đẹp quá!), và: Có muốn lấy vợ Việt Nam không?...

Hồi đó mới 20 tuổi nên Byambajav hơi xấu hổ khi được hỏi câu này. Trước khi sang Việt Nam thì anh đã phải lòng một cô gái tên là Amarjargal Baljinnyam. Cô ấy đang học ở Moscow, tại Viện Ngôn ngữ Pushkin. Một mối tình xa, duy trì bằng những lá thư.

Thời đó thư gửi từ Việt Nam sang Nga mất khoảng một tháng mà có khi hơn. Hồi đó, chàng sinh viên Byambajav cứ mỗi năm lại về Mông Cổ vào thời gian nghỉ hè và quay trở lại Việt Nam vào tháng 9, khi bắt đầu năm học mới. Dạo đó để sang được Việt Nam, anh phải đi bằng đường sắt từ Ulaanbaatar sang Moscow, mất luôn 5 ngày.

Sau đó tiếp tục tìm cách mua vé máy bay để bay từ Moscow sang Hà Nội. Chuyến bay kéo dài trong khoảng 14 giờ nhưng phải 3 lần chuyển máy bay ở Tasken (Cộng hòa Uzbekistan), Karachi (Pakistan), Kolkata (Ấn Độ).

Byambajav Nyamkhuu vừa thăm lại Việt Nam vào tháng 12/2023 cùng người vợ yêu thương của mình.

Vợ chồng Byamabajav đã chung sống hạnh phúc gần 35 năm.Hãy là người phụ nữ tỏa sáng ngôi nhà của anh!

Amarjargal Baljinnyam (tên thường gọi là Amaraa) là em gái bạn học của Byambajav Nyamkhuu. Khi tới nhà bạn chơi, anh gặp chị và đem lòng yêu. Lúc anh học ở Hà Nội, chị học ở Moscow; thì con đường đi từ Ulaanbaatar sang Hà Nội và ngược lại luôn phải qua Moscow, như định mệnh sắp đặt.

Mùa thu năm ấy sau kỳ nghỉ hè anh trở về Hà Nội và mắc kẹt ở Moscow trong nhiều ngày vì không mua được vé máy bay. Đến khi có vé rồi, anh quyết định tỏ tình trước khi rời Moscow. Sáng sớm hôm ấy, anh đến chỗ Amaraa.

Bản tính đã trầm lặng, ít nói, anh càng bối rối không biết ngỏ lời ra sao. Cứ lúng túng như vậy hồi lâu rồi anh lấy hết can đảm thốt lên: “Hãy là mặt trời của anh và tỏa sáng ngôi nhà thân yêu của chúng ta”. Amaraa không đáp gì, chỉ tạm biệt rồi vội đi học và Byambajav chạy ra đường, tim đập thình thịch.

Amarjargal Baljinnyam cũng không bao giờ quên kỷ niệm đó. Đó là một buổi sáng mưa và lạnh. Lúc 7 giờ sáng, dưới thường trực ký túc xá gọi lên nhắn Amaraa rằng có người gặp. Chị đi xuống, rất ngạc nhiên khi nhìn thấy anh. Anh tỏ vẻ bối rối, dường như muốn nói một chuyện rất quan trọng nhưng lại không dám.

Hai người cứ đứng vậy chừng hơn nửa tiếng đồng hồ, sắp đến giờ Amaraa phải đi học, nên chị bảo: “Nếu anh không có gì để nói thì em đi đây, mà cũng đã đến lúc anh phải ra sân bay rồi. Tạm biệt!”. Lúc đó anh hét lên: Amaraa, Hãy là Gergiy của anh! Gergiy trong ngôn ngữ Mông Cổ có nghĩa là người phụ nữ tỏa sáng cho ngôi nhà. Cách anh tỏ tình như vậy cũng thật đặc biệt.  

Hai người yêu nhau khi còn là sinh viên.

Hai người sau đó thư từ qua lại. Ban đầu chị còn e ngại, nhưng sau đã chủ động gửi thư cho anh. Năm 1988, khi về nước nghỉ hè, anh đã có cơ hội tuyệt vời được cùng chị đi du lịch trên tàu đường sắt xuyên Siberia trong 5 ngày. “Mấy ngày ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã có quãng thời gian đáng nhớ và khó quên nhất trong đời”.

Năm 1990, anh về Mông Cổ, họ kết hôn vào tháng 9. Đến nay hai người đã chung sống được gần 35 năm và có 3 con đều đã trưởng thành, có 1 cháu ngoại.

Hỏi chị thích điều gì ở anh? Chị bảo: Anh rất dịu dàng, tốt bụng, tinh tế, có tầm nhìn xa trông rộng. Anh là người bạn đáng tin cậy nhất. Anh kính già yêu trẻ, luôn công bằng với mọi người. Anh là người chồng tốt, người cha tốt.

Việt Nam trong những lá thư tình

Hồi đó anh hay kể gì về Việt Nam? Trong những lá thư của mình, anh kể về cuộc sống sinh viên, chuyện học hành, bè bạn. Đến giờ Byambajav vẫn còn giữ những bức thư hồi đó, một số trang được viết bằng tiếng Anh, được trang trí bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh, trong đó có cả một hình vẽ lại ký túc xá ở Khoa Tiếng Việt Đại học Bách Khoa với phòng số 8 tầng 3 mà anh ở.

Trong các lá thư gửi cho chị, anh kể về cuộc sống sinh viên của anh tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Amaraa nhớ lại: Anh kể rằng người Việt rất giỏi, rất chăm chỉ, họ dậy sớm, làm việc cần cù. Họ có món bún này rất ngon, món mì xào này rất ngon, và khi em đến Hà Nội một ngày nào đó, anh sẽ chiêu đãi em món súp này của người Việt. Byambaa cũng nói rằng người Việt Nam rất nhạy cảm, có khiếu thẩm mỹ.

Anh cũng kể về chuyện được bạn cùng lớp (là anh Sơn) mời về quê ở Thanh Hóa ăn Tết. Anh bảo người Việt Nam rất hiếu khách, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng để đãi anh, nhà bạn anh đã thịt gần hết cả đàn gà. Anh áy náy vô cùng, trong khi mẹ anh Sơn và anh Sơn thì lại tỏ ra rất vui.

Gia đình anh chị sang thăm Việt Nam lần đầu năm 2015. “Tròn 25 năm sau khi tôi rời Việt Nam. Quả thật tôi đã lập kế hoạch từ rất lâu để trở lại quê hương thứ hai của mình cùng với gia đình. Chúng tôi thăm TP.HCM, Nha Trang và Hà Nội.

Cả nhà đều thích món ăn và đồ uống của Việt Nam: phở bò, phở gà, mì xào, nước chanh muối và hoa quả… Mấy người phụ nữ trong gia đình rất thích đi mua sắm ở Việt Nam bởi có nhiều đồ chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Sau đó, tôi và vợ tôi sang Việt Nam hằng năm. Tôi luôn thích ngồi đâu đó ở Hàng Đào, Hàng Thùng, Hàng Bạc, uống bia hơi và ngắm phố…”.

Mặc dù học y và gia đình có truyền thống làm nghề y, nhưng giờ đây Byambajav Nyamkhuu làm trong lĩnh vực du lịch và người bạn đời của anh trở thành một nhà làm phim, nối gót cha của chị. Từ 2024, hai nước miễn visa 30 ngày cho công dân của nhau. Sắp tới sẽ có các chuyến bay thẳng Hà Nội - Ulaanbaatar. Đó là tin vui với gia đình họ, bởi cả nhà đều yêu thích Việt Nam, phong cảnh đẹp ở Việt Nam, những nụ cười cởi mở và lòng hiếu khách của người Việt./.

Trong những lá thư của mình, anh kể về cuộc sống sinh viên, chuyện học hành, bè bạn. Đến giờ Byambajav vẫn còn giữ những bức thư hồi đó, một số trang được viết bằng tiếng Anh, được trang trí bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh, trong đó có cả một hình vẽ lại ký túc xá ở Khoa Tiếng Việt Đại học Bách Khoa với phòng số 8 tầng 3 mà anh ở.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận