Bác sĩ nơi xã đảo

Trạm y tế xã đảo Thạnh An cách đây gần 20 năm khó khăn, thiếu thốn bủa vây, nhưng bác sĩ Luân Thanh Trường đã chọn gắn bó với nơi này.

 

Cách đây gần 20 năm, ở Trạm y tế xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM), Luân Thanh Trường là bác sĩ duy nhất, dụng cụ hành nghề chỉ gồm ống nghe cùng máy đo huyết áp, điện thì mở luân phiên bằng máy phát, điều kiện đi lại của dân đảo nhiều hạn chế và… ai cũng nghèo. Vậy mà anh nhất quyết chọn gắn bó với Thạnh An đến tận hôm nay.

Trạm y tế “thiếu đủ thứ”

Năm 2000, bác sĩ Luân Thanh Trường xung phong rời phố về ngoại thành khi nghe Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ cần người hỗ trợ. Năm 2005, anh về làm Trưởng Trạm y tế xã Thạnh An trong điều kiện thiếu thốn bủa vây.

Ngồi trao đổi nghiệp vụ cùng hai đồng nghiệp thuộc chương trình “Luân phiên bác sĩ trẻ hỗ trợ Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, Cần Giờ”, bác sĩ Trường nhớ lại chuyến đi định mệnh hơn 20 năm trước. Hồi đó, anh tình nguyện về Cần Giờ công tác. Ai cũng nghĩ, bác sĩ Trường đi rồi tầm hai, ba năm xong nhiệm vụ lại trở về công tác tại bệnh viện ở khu vực trung tâm. Nhưng bất ngờ thay, quá thời hạn, anh chẳng chịu về. Bạn bè hỏi thăm, anh vui vẻ báo: “Tôi chọn ở lại Cần Giờ”. Rồi từ trung tâm huyện, anh xuôi về Thạnh An, chăm sóc sức khỏe cho bà con xã đảo dù biết sẽ chất chồng khó khăn, thách thức.

Bác sĩ Trường đang khám sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế xã Thạnh An.

Bác sĩ Trường nói, bây giờ trạm y tế coi như đủ đầy trang thiết bị cơ bản để thăm khám, sàng lọc bệnh và điều trị bước đầu, chứ cách đây gần 20 năm, đụng đâu thiếu đó. “Hồi mới về đây, cả trạm y tế chỉ có một bác sĩ, là tôi. Do đó, rất khó để có thể thăm khám đầy đủ và tư vấn kỹ càng cho bà con. Máy móc, thiết bị thì khỏi bàn. Mãi sau này mới được trang bị thêm máy đo điện tim, máy siêu âm, máy huyết học chứ hồi đó cái gì cũng thủ công, vừa làm vừa lo. Bà con ốm đau, nhiều người trở nặng muốn được giúp tại địa phương nhưng rất khó, toàn phải hỗ trợ bước đầu rồi tư vấn gia đình chuyển tuyến trên. Nhiều lúc, chúng tôi thấy buồn vì muốn mà không đủ lực để giúp bà con”, bác sĩ Trường ngậm ngùi nhớ lại giai đoạn khó khăn.

Nhưng trong cái khó lại là lúc sự sáng tạo và tinh thần giúp đỡ nhau được lan tỏa trong cộng đồng. Nhớ có thời điểm Thạnh An phải chắt chiu từng chút điện vì phải chạy máy phát bằng dầu trong khi đợi mãi lưới điện chưa về tới. Trạm y tế thì lúc nào cũng túc trực, hỗ trợ dân những lúc cần kíp. Vậy mà có lúc cần xử lý các tình huống gấp, chạy máy hoài không nổ. Lần nọ, bác sĩ Trường cùng một nhân viên trạm y tế đang trong ca trực thì người dân đưa đến một trường hợp trẻ em bị hen suyễn nặng, có biểu hiện khó thở. Ngay lập tức, bác sĩ Trường kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi. Thế nhưng, đúng lúc này, máy phát điện gặp sự cố. Nhanh trí, bác sĩ Trường nhờ nhân viên liên hệ với những quán cà phê có tổ chức coi đá bóng đang mở sẵn máy phát điện để nhờ giúp đỡ. Tìm được quán, bác sĩ Trường bồng bệnh nhi, đem theo máy và thuốc tới quán cà phê xông khí dung, điều trị hen suyễn bước đầu cho đứa trẻ. Mọi thứ ổn định, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.

Bác sĩ Trường (mặc áo ca rô) đến nhà người dân hỗ trợ thăm khám và phát thuốc miễn phí.

Hay như lần nhận tin bà Răng 90 tuổi, sống ở Thiềng Liềng chẳng may bị ngã gãy xương đùi, không kịp đợi tới sáng, bác sĩ Trường thu gom vài đồ dùng cần thiết rồi lên vỏ lãi (một loại ghe máy nhỏ) về thẳng ấp đảo xa nhất xã khi trời tối mịt mù. Đến nơi, anh thấy bà cụ nằm một chỗ, bàn chân bị lật sang một bên, sưng to, đụng chỗ nào cũng kêu đau. Bác sĩ Trường kể lại tình huống bất ngờ đó bằng chất giọng buồn buồn: “Nhìn vào vết thương, tôi biết không thể khiêng bà cụ qua băng ca được. Lúc đó, tôi nghĩ ra cách cắt tấm chiếu ra làm đôi, khiêng luôn cái vạc giường để bà được nằm im. Vạc giường thành băng ca, chúng tôi cùng nhau khiêng xuống vỏ lãi chở về Trạm y tế Thạnh An. Tại đây, chúng tôi hồi sức, cho bà cụ uống thuốc giảm đau rồi tư vấn chuyển lên tuyến trên để mổ sắp lại xương đùi. Ở xã đảo này, chuyện đi lại khó khăn và tốn kém, bà con nhiều lúc bị động. Vậy nên, bất cứ khi nào có thể, tôi đều đến tận nhà hỗ trợ người dân chứ không đợi họ đến trạm y tế”.

Dân cần thì cớ chi nề hà

Ngoài thăm khám, hỗ trợ điều trị và tư vấn sàng lọc bệnh tại Trạm Y tế xã Thạnh An, bác sĩ Trường còn thường xuyên đến tận nhà những trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, người đi lại hạn chế, trẻ em để khám bệnh, phát thuốc. Quá quen với hình ảnh bác sĩ Trường chạy xe máy vòng quanh xã đảo, phía trước để hộp dụng cụ khám và các loại thuốc cơ bản, nhiều người gọi anh là “bác sĩ khám dạo” cho dân nghèo. Chỉ cần người dân có sự cố thì đang dở bữa cơm anh cũng chuẩn bị đồ nghề, khẩn trương lên đường. Nhà đối diện trạm y tế xã, thi thoảng, bà Võ Thị Hoạt (61 tuổi) lại ghé hỏi thăm sức khỏe bác sĩ Trường cùng cộng sự. “Bao lần tôi gặp sự cố sức khỏe, may lúc nào cũng được bác Trường và các anh em hỗ trợ nhiệt tình nên đỡ lắm. Từ ngày bác về trạm y tế, bà con trong xã được nhờ. Nghèo khổ cỡ nào cũng được giúp, mà giúp tận nhà, phát thuốc hỏi thăm tận nhà. Tôi và gia đình, cứ đau, cứ mệt là qua trạm y tế nhờ khám rồi cấp thuốc. Thời gian gần đây, thấy trạm y tế được bổ sung thêm người, thêm máy móc, người dân mừng lắm. Mừng cho bản thân và cho các bác sĩ”, bà Hoạt phấn khởi cho hay.

Bác sĩ Trường (ngồi giữa) đang trao đổi nghiệp vụ với hai bác sĩ trẻ được ngành y tế TP.HCM tăng cường cho Trạm Y tế xã Thạnh An.

Hôm thấy đoàn bác sĩ trẻ về trạm y tế, bà con xã Thạnh An vui lắm. Họ biết, rồi sức khỏe của từng hộ dân sẽ được chăm sóc kỹ càng hơn. Trước đây thiếu thốn, cực khổ đủ bề, trạm còn không bỏ bệnh thì giờ thêm người, đồng nghĩa với việc mọi thứ sẽ tốt lên. Sau đúng một năm triển khai, đề án “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho Trạm Y tế xã đảo Thạnh An” đã mang đến nhiều chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con xã đảo. Bác sĩ trẻ được tăng cường, số lượt khám, sàng lọc bệnh tại trạm y tế được tăng lên gần gấp đôi. Giờ mỗi tháng có hơn 600 lượt khám, điều trị tại Trạm Y tế xã Thạnh An. Cùng với đó là sự phát triển của các chương trình khám bệnh tại nhà, hỗ trợ y tế cho ấp đảo Thiềng Liềng. Ngày trước, nghe nhắc đến Thiềng Liềng, bác sĩ Trường thấy xót, muốn qua giúp bà con nhưng không đủ sức. Thiềng Liềng cách biệt, ghe đò ít đi, lúc bệnh tật ốm đau, bà con khó đủ bề. Từ ngày có thêm bác sĩ về đỡ đần, mỗi tuần, bác sĩ Trường đã có thể sắp xếp cùng cộng sự sang Thiềng Liềng thăm khám, phát thuốc theo bảo hiểm y tế cho người dân.

Bác sĩ trẻ về đây, ai cũng ngạc nhiên trước tốc độ làm việc không ngừng nghỉ của người tiền bối. Và ngạc nhiên hơn khi bác sĩ Trường dành trọn tâm huyết với công tác khám chữa bệnh tại nhà cho người dân. Sau ca trực, khi có thời gian tâm sự, họ hay nêu lên điều bản thân thắc mắc. Khi ấy, bác sĩ Trường chỉ cười hiền, nói mấy câu ngắn gọn mà thấm đượm thương yêu, rằng: “Người dân ở xã đảo thiệt thòi hơn bà con các nơi khác, họ khó khăn cả về kinh tế lẫn chuyện đi lại. Không phải cứ muốn là được đi, đủ thứ hạn chế. Mình tới tận nhà thăm hỏi, khám bệnh, phát hiện bệnh rồi tư vấn, khi đó sẽ có thêm thời gian chăm sóc người bệnh đồng thời thấu hiểu cái khó trong đời sống của họ. Đi vầy, các em mới biết thương hơn những bệnh nhân lặn lội đến trạm y tế nhờ mình”./.

 

Y tế Thạnh An ngày càng khởi sắc, thêm người, thêm thiết bị hiện đại. Từng là nơi thiếu đủ thứ, giờ đây, Thạnh An trở thành trạm y tế đầu tiên của cả nước triển khai thành công ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh X-quang. Theo đó, thông qua hệ thống PACS và ứng dụng Telemedicine, bác sĩ ở Trạm y tế xã Thạnh An có thể kết nối với những bác sĩ chuyên khoa, nhiều kinh nghiệm của các bệnh viện thành phố tuyến cuối để kịp thời tìm ra hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh, hạn chế tối đa tình trạng chuyển tuyến khi không cần thiết làm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận