Làm giàu trên cổng trời Quản Bạ

Từ ngày có Hợp tác xã cộng đồng Nậm Đăm, cây dược liệu đã được trồng và trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

 

Nhiều năm trước, người dân vùng cao thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ, Hà Giang chỉ biết đi rừng hái cây thuốc về sử dụng. Từ ngày có Hợp tác xã cộng đồng Nậm Đăm, cây dược liệu đã được trồng và trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Chung tay tìm lối thoát nghèo

Tại điểm dừng nghỉ dành cho du khách trên cổng trời Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang, chúng tôi thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm dược liệu tại cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của Công ty cổ phần thảo dược Cao Nguyên Đá. Giám đốc công ty, anh Lý Tà Giàng vừa giới thiệu các sản phẩm dược liệu đang được bày bán, vừa chỉ cho chúng tôi những sản phẩm đang được khách hàng ưa chuộng do Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nậm Đăm sản xuất mà công ty anh đang bày bán tại cửa hàng.

Sản phẩm dược liệu của HTX cộng đồng Nậm Đăm được bầy bán tại cửa hàng của Công ty cổ phần thảo dược Cao Nguyên Đá. Ảnh: T.C

Đưa tôi đi thăm dây chuyền chế biến dược liệu của HTX cộng đồng Nậm Đăm, Giám đốc HTX, anh Lý Tà Dèn cho biết: “Năm 2017, Công ty cổ phần thảo dược Cao Nguyên Đá ra đời từ sự chung tay, kết hợp của 5 HTX thảo dược trên địa bàn huyện Quảng Bạ, gồm: HTX cộng đồng Nậm Đăm, HTX dược liệu Nà Chang, HTX dược liệu Tùng Vài Phìn, HTX dược liệu Thanh Long, HTX dược liệu Bình Dương. Đây là một liên minh để phát triển cả dược liệu và du lịch, chuyên lo đầu ra, phân phối sản phẩm của các HTX. Cũng từ đây, đầu ra của sản phẩm dược liệu được đảm bảo, ổn định. HTX chuyên lo trồng cây dược liệu, bảo tồn nguồn gen dược liệu quý và chế biến các sản phẩm có giá trị cao từ nguồn dược liệu bản địa. Các xã viên của HTX có việc làm thường xuyên, đời sống ổn định với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng”.

Lý Tà Dèn cho biết, HTX Nậm Đăm thành lập năm 2009 với 49/52 hộ dân thôn Nậm Đăm tham gia. Sau nửa năm không có thu nhập nên các xã viên xin rút gần hết, chỉ còn 7 người; khoản vốn góp 2 tỷ đồng từ các xã viên chỉ còn chừng 200 triệu đồng. “Ban đầu bà con chung tay, góp vốn, góp công, góp ruộng để xây dựng HTX. Nhưng bà con vùng cao từ xưa đến nay vẫn phải thấy mình được lợi gì, hiệu quả ngay tức khắc thì mới làm. Làm theo kiểu HTX lại phải đầu tư dần dần, hoàn thiện kỹ thuật sản xuất, tìm được đầu ra cho sản phẩm rồi mới thu được lợi nên bà con ban đầu không hiểu, rút vốn khiến HTX lâm vào tình trạng khó khăn”, Lý Tà Dèn chia sẻ.

Các xã viên đang sơ chế dược liệu sau thu hoạch tại HTX cộng đồng Nậm Đăm. Ảnh: T.C

Sau nhiều nỗ lực tái cơ cấu HTX, được sự hỗ trợ của huyện, HTX đã kết nối với các công ty dược như Công ty TNHH DK Pharma, Công ty DK Natura, Công ty Dược khoa - Đại học Dược Hà Nội… để được tư vấn về công nghệ và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Mô hình mới ra đời, hoạt động dưới hình thức các hộ dân góp đất, tập trung trồng, chế biến dược liệu theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo dược liệu cho năng suất và chất lượng cao nhất. HTX sẽ đứng ra bao tiêu, thu mua sản phẩm cho người nông dân. Các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư về giống, kỹ thuật trồng cho bà con trong HTX. Đến nay, nhiều xã viên đã quay lại làm việc với HTX, nâng số xã viên làm việc thường xuyên lên 25 người. Đồng thời, HTX cũng giao giống cho các hộ gia đình tự trồng rồi tiến hành thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Bảo tồn nguồn dược liệu quý

Bên cạnh việc áp kỹ thuật gieo trồng theo tiêu chuẩn GAP, giữ gìn môi trường chế biến an toàn, dược liệu của HTX phải bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất... HTX cộng đồng Nậm Đăm còn chú ý tới việc bảo tồn, phát huy những nguồn gen dược liệu quý bản địa. Năm 2016, HTX kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam triển khai Dự án “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của người Dao”. Đến nay, HTX cộng đồng thôn Nậm Đăm đã có vườn ươm cây dược liệu rộng 3.000m2, lưu giữ hơn 100 loài cây dược liệu, số lượng loài đang tiếp tục được bổ sung và tiến hành nhân giống như: bình vôi, cơm cháy, đương quy đỏ, kim ngân, atisô...

“Vườn ươm hiện đang đảm bảo việc cung ứng giống dược liệu cho HTX và các hộ dân mang về trồng. HTX cũng tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân với từng giống cây dược liệu có thể trồng trong vườn, trên ruộng hoặc dưới tán rừng để cung cấp nguyên liệu cho HTX. Hiện vườn ươm đang cung cấp đủ giống dược liệu cho 5ha trồng trên nương và hơn 10ha trồng dưới tán rừng, đồng thời cung cấp cho hơn 40 gia đình có nương, vườn nhàn rỗi”, anh Lý Tà Dèn cho biết.

Khu vườn ươm của HTX cộng đồng Nậm Đăm. Ảnh: T.C

Sau hơn 2 năm triển khai, dự án “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của người Dao” của HTX đã khắc phục tình trạng tuyệt chủng của một số cây dược liệu trong tự nhiên do nạn khai thác triệt để, thu mua ồ ạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm trước đây. Việc phát triển vùng trồng dược liệu phải theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GAP và nâng cao kỹ năng thu hái bền vững cho người dân và các xã viên. Phát triển sản phẩm dược liệu bằng chính những nguồn dược liệu địa phương mà không làm tổn hại đến nguồn gen, đến môi trường sinh thái.

Kết nối sản phẩm để phát triển kinh tế

Những năm gần đây, du khách đến thăm bản văn hóa du lịch Nậm Đăm đều không thể bỏ qua sản phẩm dịch vụ “tắm thuốc người Dao” để thư giãn cơ bắp, phục hồi sức khỏe sau chặng đường trekking trải nghiệm trên cao nguyên đá. Chị Lý Hồng Thu, chủ một gia đình làm homestay bản Nậm Đăm cho biết: “Du khách đến thăm bản rất thích thú với việc thư giãn cơ thể bằng bài thuốc tắm cổ truyền của người Dao. Hơn thế, với việc HTX cộng đồng Nậm Đăm cho ra đời sản phẩm thuốc tắm đóng chai, cao thuốc tắm, giúp du khách sau khi trải nghiệm đều có thể mua về làm quà hoặc sử dụng một cách dễ dàng”.

“Hiện nay, HTX đã xây dựng được nhà xưởng chế biến, nồi chưng cất tinh dầu, dây chuyền nấu cao thảo dược để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, dễ bảo quản, dễ sử dụng dành cho du khách. Kết hợp sản xuất với việc giới thiệu và bán sản phẩm tại các cơ sở du lịch cộng đồng, homestay trong bản cũng là một kênh tiêu thụ và quảng bá sản phẩm quan trọng, mang lại nguồn thu lớn cho HTX mỗi năm”, anh Dèn cho biết.

Anh Lý Tà Dèn, đang kiểm tra nồi chưng cất tinh dầu của HTX. Ảnh: T.C

Nhờ những năm kiên trì phát huy những giá trị truyền thống gắn với bảo tồn và phát triển kinh tế, du lịch, phát huy giá trị của các loài cây thuốc quý, lượng khách du lịch đến với thôn Nậm Đăm ngày càng tăng. Hầu hết các hộ dân trong thôn, ngoài tăng thu nhập từ cây dược liệu còn làm thêm các dịch vụ phục vụ du khách, đời sống của người dân nơi đây dần được nâng cao. Hiện nay, hầu hết các hộ dân thôn Nậm Đăm đều tham gia trồng cây dược liệu, làm các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch. Thôn có 54 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay đã có nhiều hộ khá và chỉ còn duy nhất một hộ nghèo. Đây là thôn điển hình về phát triển kinh tế của xã và là thôn điển hình về khai thác các giá trị từ cây dược liệu để phát triển kinh tế ở Quản Bạ.

Hiện HTX cộng đồng Nậm Đăm có 7 sản phẩm chính đã được Bộ Y tế cấp phép và đang được ưa chuộng gồm: cao củ dòm; cao atiso; cao bổ tỳ ích não; trà gừng cao nguyên đá; dầu xoa bóp; thuốc đau răng; các sản phẩm tinh dầu… Ngoài ra còn cung cấp nhiều loại dược liệu sơ chế cho các công ty dược liệu trên cả nước như hà thủ ô, đương quy, kim ngân, củ dòm…

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận