Thiên đường của gấu

Từ năm 2015, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho tổ chức Four Paws xây dựng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

 

Tôi từng bị ám ảnh dai dẳng bởi câu chuyện đau thương về những con gấu bị nuôi nhốt trong chiếc lồng sắt chật hẹp, tuần 3 lần bị hút mật với cơn đau đớn tột cùng. Chỉ đến khi về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, Ninh Bình), sự ám ảnh đó mới thôi đeo bám.

          Trả lại bình yên cho gấu

Cơ sở bảo tồn gấu (CSBTG) Ninh Bình thuộc Four Paws Viet (Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt) - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật. Ngay khi nhận được thông tin về vấn nạn nuôi nhốt gấu để chích hút lấy mật của Việt Nam, Tổ chức Four Paws đã lập tức đến Việt Nam. Nhìn thấy một con gấu bị mất hai chân tại một trại gấu tư nhân ở Ninh Bình, Giám đốc của Khối động vật hoang dã của Four Paws đã tự hứa bằng mọi giá phải cứu chú gấu đó. Chú gấu ấy sau này được đặt tên là Nhí Nhố. Và từ năm 2015, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho tổ chức Four Paws xây dựng CSBTG trong phần đất quy hoạch Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh.

Gấu Nhí Nhố.                                                        Ảnh: CSBTG Ninh Bình cung cấp

Đó là những thông tin mà bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Four Paws Viet cho hay khi đón tiếp chúng tôi. Với tổng diện tích toàn dự án 10ha, được xây dựng theo tiêu chuẩn nuôi giữ hiện đại nhất, với phòng khám thú y riêng, hai nhà gấu, khu cách ly và 4 khu bán hoang dã, CSBTG Ninh Bình đủ chỗ cho khoảng 100 cá thể gấu từng bị lạm dụng chích hút mật được sống trong môi trường bán hoang dã yên bình, phù hợp với tập tính tự nhiên của loài gấu. Riêng phòng thú y được trang bị các thiết bị hiệu quả nhất cho việc khám, chữa trị và điều trị, thậm chí là phẫu thuật cho tất cả các cá thể gấu. Giai đoạn 1 của dự án rộng 3,6ha đã hoàn thành. Với quy mô hiện nay, CSBTG Ninh Bình có thể tiếp nhận 44 cá thể gấu. Cơ sở hiện đang chăm sóc 10 cá thể gấu từng bị lạm dụng chích hút mật và 2 cá thể gấu con được giải cứu từ một vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép.

“Thông qua dự án xây dựng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, Four Paws mong muốn góp phần chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu ở Việt Nam. Cơ sở bảo tồn sẽ giúp Chính phủ đẩy mạnh việc thực thi các văn bản pháp luật nghiêm cấm lạm dụng chích hút mật gấu, là nơi tiếp nhận và chăm sóc phù hợp các cá thể gấu bị tịch thu từ các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép hoặc được chuyển giao tự nguyện”.

Ông Heli Dungler, Chủ tịch, sáng lập viên của tổ chức phúc lợi động vật quốc tế Four Paws.

Hai cá thể gấu Thái Vân và Thái Giang.                    Ảnh: CSBTG Ninh Bình cung cấp.

Dẫn chúng tôi đi tham quan CSBTG Ninh Bình, bác sĩ thú y Lã Trà My có gương mặt xinh xắn, vóc người nhỏ nhắn cho biết, tại 4 khu bán hoang dã đều có hệ thống bảo vệ kép giữa hàng rào lưới cơ học bằng thép B40 và hàng rào điện ở phía bên trong để gấu không có khả năng trốn thoát ra ngoài, đồng thời đảm bảo an toàn người chăm sóc. Các khu bán hoang dã đều được thiết kế với phần địa hình đồi núi, hầm, hồ, sông, suối... như ngoài tự nhiên để phù hợp với tập tính leo trèo của loài gấu. Ở đây, các loại cây, cỏ được trồng liên tiếp, vừa làm chỗ trú ẩn, vừa làm nơi chơi đùa cho gấu và cũng là thức ăn trực tiếp của gấu.

Bà Ngô Thị Mai Hương cho biết: “Khi thiết kế xây dựng CSBTG, Four Paws đã phải nghiên cứu về tập tính của loài để gấu cảm thấy thoải mái như được sống trong môi trường tự nhiên”.

Những cá thể gấu từ mọi nơi trên đất nước được giải cứu về đây từng phải trải qua những ngày tháng sống trong những chiếc chuồng sắt chật hẹp, sống ở trạng thái thực vật, bị bỏ đói và không được cung cấp đủ nước sạch để uống. “Bởi vậy, tất cả các cá thể gấu được cứu hộ từ các trại nuôi tư nhân đều bị mắc các bệnh liên quan đến mật, gan, đường tiêu hóa và răng miệng, huyết áp cao. 100% gấu bị mắc bệnh béo phì, và toàn bộ hệ thống cơ đều không phát triển bởi không được vận động. Khi đưa về đây, gấu được chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh theo liệu trình sống ở khu cách ly 3 tuần để điều trị y tế tích cực, đảm bảo các vấn đề sức khỏe, được kiểm soát và không lây lan dịch bệnh giữa gấu mới với gấu cũ rồi mới được đưa ra các nhà gấu để ghép nhóm. Gấu đồng thời được luyện tập nhằm phục hồi chức năng của cơ thể cũng như lấy lại bản năng hoang dã. Thông thường khoảng 2 - 3 tháng sau, gấu mới có được phản ứng tương đối gần với loài gấu tự nhiên”, bác sĩ Lã Trà My cho biết.

Những cuộc giải cứu

Giải cứu gấu - một trong những việc mà CSBTG rất chú trọng, cũng là câu chuyện mà những du khách tới đây quan tâm. Theo bà Ngô Thị Mai Hương, hầu hết các cá thể gấu ở CSBTG Ninh Bình đều có điểm chung là từng bị lạm dụng chích hút mật. Bởi vậy, trước khi đến tiếp nhận gấu, CSBTG sẽ cử bác sĩ thú y đi tiền trạm để đánh giá sơ bộ tình trạng sức khỏe của gấu cũng như vị trí địa điểm để lên phương án cứu hộ phù hợp. Thông thường một chuyến giải cứu sẽ có từ 10 - 12 người, trong đó có 1 bác sĩ thú y chuyên về động vật hoang dã của Four Paws từ Áo bay sang, cùng 2 bác sĩ ở Four Paws Việt và đội ngũ nhân viên chăm sóc và quản lý động vật.

Mỗi cá thể gấu được đặt những cái tên đáng yêu và ý nghĩa như: Nhí Nhố, Trăng, Long, Thái Vân, Thái Giang, Hoa Lan, Hoa Trà... Cái tên ấy có thể gắn liền với mong muốn của chủ cũ, có thể do nhân viên của CSBTG đặt dựa trên những nét tính cách hoặc hoàn cảnh, địa điểm sống của từng cá thể gấu.

Cá thể gấu Hoa Trà.                                      Ảnh: CSBTG Ninh Bình cung cấp.

Khi nhìn gấu Nhí Nhố đang thảnh thơi chơi đùa, bà Ngô Thị Mai Hương kể lại câu chuyện giải cứu Nhí Nhố - ngày mà bà và các thành viên của CSBTG Ninh Bình không thể quên: “Nhí Nhố là 1 trong 3 cá thể gấu đầu tiên được Four Paws giải cứu vào tháng 11/2017 tại Ninh Bình. Nhí Nhố là một cá thể gấu đặc biệt do bị mất cả hai bàn chân trước. Chúng tôi đoán hai bàn chân của Nhí Nhố đã bị cắt để ngâm rượu tay gấu. Khi giải cứu Nhí Nhố, đội cứu hộ còn không chắc bạn ấy có thể đi được không. Phần lớn cuộc đời Nhí Nhố bị nhốt trong một chiếc chuồng sắt chật hẹp ở một trang trại nuôi nhốt tư nhân, nơi nuôi nhốt mất vệ sinh và không đủ thoáng khí. Nhí Nhố bị suy dinh dưỡng và chịu đựng quy trình chích hút mật đau đớn. Hậu quả là trong khoảng 10 năm bị nuôi nhốt, Nhí Nhố bị rối loạn căng thẳng, tuyến thượng thận bị viêm và bị mất hai bàn chân trước. Giờ đây, khi được chăm sóc tại CSBTG Ninh Bình, Nhí Nhố gần như đã lấy lại được bản năng hoang dã, là một trong những cá thể gấu tích cực hoạt động nhất, hay leo trèo và bơi lội ở cơ sở bảo tồn, biết cách tận hưởng cuộc sống ở khu bán hoang dã”. Four Paws đã giải cứu được 2 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật khác cùng một trang trại với Nhí Nhố vào tháng 4/2018. Kể từ sự kiện đó, Ninh Bình trở thành tỉnh không còn tình trạng gấu bị nuôi nhốt.

Sự tỉ mỉ, chu đáo, tận tâm của những nhân viên CSBTG Ninh Bình khi điều trị, chăm sóc gấu đã chạm tới trái tim bất cứ ai được chứng kiến. Chị Bùi Thị Hạnh, nhân viên Tổ chăm sóc gấu cho hay: Khi tuyển người làm việc tại CSBTG, thì yêu cầu cao nhất là phải yêu gấu và chăm chỉ. Hằng ngày, chúng tôi chăm sóc các bạn gấu và làm đồ làm giàu (những đồ để giúp gấu lấy lại bản năng tự nhiên và chơi nghịch. Chúng tôi luôn đặt sự an toàn cho gấu lên hàng đầu, không để các bạn ấy gặp phải sự cố gì. Chúng tôi làm giàu ở trong chuồng để bạn ấy đỡ nhàm chán.

“Du khách đến đây được nghe những câu chuyện, được nhìn thấy những cá thể gấu từng bị lạm dụng chích hút mật hiện đang được sống cuộc sống của loài, được nghe các câu chuyện và xem lại hình ảnh trước đây của các cá thể gấu này, từ đó khơi lên tình yêu của mọi người đối với loài vật. Chúng tôi mong mỗi người đến đây sẽ trở thành một đại sứ truyền bá thông điệp này và có thể vận động các chủ gấu khác trao trả gấu” - bà Ngô Thị Mai Hương đã gửi gắm mong muốn này khi chia tay chúng tôi trong chiều se lạnh cuối xuân./.

Mở cửa hàng ngày, từ thứ Hai đến Chủ Nhật, 9h - 17h, CSBTG Ninh Bình miễn phí vào cửa cho khách đến thăm sau ngày 7/3/2019.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận