Nhờ một nhà báo đồng nghiệp thường trú tại khu vực Tây Nguyên, tôi kết nối được với anh Sử Thanh Hoài - Chủ tịch huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Qua câu chuyện điện thoại thân tình, vui vẻ đầu ngày, anh mời tôi về thăm huyện nhà trước thềm kỉ niệm 40 năm ngày thành lập huyện miền núi này của tỉnh Lâm Đồng.
Tôi đoán chắc rằng, trong số những du khách đã từng hơn một lần đến với Đà Lạt, không phải ai cũng biết cao nguyên LangBiang hùng vĩ lại nằm trên địa phận Lạc Dương. Nóc nhà của Đà Lạt chính là đây. LangBiang gồm hai ngọn núi: núi Ông và núi Bà, nằm cách thành phố Đà Lạt 12km. Núi Bà cao 2.167m và núi Ông cao 2.124m so với mặt nước biển.
Nhìn từ trung tâm thành phố Đà Lạt, núi Bà nằm bên trái, núi Ông nằm bên phải. Lần mới đây vi vu trên đỉnh LangBiang, tôi nghe cô hướng dẫn viên cho biết chút ít về huyền thoại ngàn năm. Ngày xưa, tại cao nguyên này có người con trai tên Lang, là Tù trưởng bộ tộc Lát. Tù trưởng thương người con gái tên Biang là con gái Tù trưởng bộ tộc Chil. Nhưng nàng Biang không cưới được chàng Lang do khác bộ tộc. Vì quá yêu nhau, hai người đành lấy cái chết để giữ trọn tình và phản đối luật tục khắt khe thời mông muội ấy. Sau khi Lang và Biang mất, cha của Biang vì hối hận đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré... thành chung một dân tộc có tên là K'Ho. Từ đó, thanh niên nam nữ các bộ tộc dễ dàng yêu nhau, cưới nhau. Ngôi mộ đôi tình nhân tuẫn tiết trở thành hai ngọn núi cao nằm cạnh nhau và dân làng đặt tên cho ngọn núi này là LangBiang. Câu chuyện tình đẫm lệ lan truyền, vang vọng đến ngày nay, làm rung động nghẹn ngào bao du khách khi đặt chân đến miền đất Lạc Dương đầy quyến rũ….
Lạc Dương là huyện vùng cao nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, có tổng diện tích đất tự nhiên là 131.136ha. Có 6 đơn vị hành chính cấp xã nằm trên địa bàn huyện (gồm 5 xã và 1 thị trấn), trong đó có 3 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn là: Đạ Chais, Đưng K’Nớ và xã Lát. Theo thống kê mới nhất, tổng dân số toàn huyện hiện thời là 27.388 nhân khẩu với 6.410 hộ gồm 21 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, K’Ho, Châu Mạ, Mơ Nông, Chu Ru, Chăm, Hoa, Tày, Mường…).
Trước ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), Lạc Dương là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Tây Nguyên. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kì, đồng bào các dân tộc huyện Lạc Dương đã một lòng, một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Lạc Dương đã từng là căn cứ của Khu ủy Khu VI (giai đoạn 1961-1962) và Tỉnh ủy Tuyên Đức (1961-1965). Lạc Dương anh hùng, kiên cường bám trụ và cung cấp sức người, sức của cho cách mạng. Trong những tháng năm gian khó, đồng bào các dân tộc huyện Lạc Dương đùm bọc, cưu mang nhiều cán bộ cách mạng của tỉnh Lâm Đồng, hăng hái tiếp lương, tải đạn, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ các cơ quan đầu não của tỉnh. Đã có biết bao chiến sĩ, đồng bào nơi miền đất quật cường này anh dũng hy sinh. Ghi nhận những thành tích của nhân dân các dân tộc huyện Lạc Dương, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho chiến sĩ và đồng bào ở đây. Đặc biệt, do có thành tích vô cùng xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ và nhân dân xã Đạ Chais đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Những thành quả hôm nay đã khẳng định sự nỗ lực vươn lên, tính chủ động, tích cực trong việc triển khai và thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và các cấp lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Chỉ tính trong 3 năm gần đây, với sự đoàn kết, quyết tâm của hệ thống chính trị và sự nỗ lực không ngừng của đại bộ phận nhân dân, cùng với sự tập trung cao độ các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn, xã hội nên đến nay kinh tế của huyện tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Nhờ thế, đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tổng diện tích gieo trồng năm 2018 đạt 12.000ha. Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là những loại đặc sản nông nghiệp có ưu thế như: rau, hoa cao cấp, có nguồn gốc ôn đới và Á nhiệt đới.
Đến nay, toàn huyện hiện có 738ha đất sản xuất nông nghiệp trong nhà kính. Thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 225 triệu/ha. Còn phải kể đến sự tích cực khuyến khích, thu hút triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, thâm canh tăng diện tích, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường phối hợp, mở rộng thực hiện các dự án, mô hình liên kết sản xuất với các nhà đầu tư đặc biệt là A.Com, IDH, TH, Công ty TNHH Jan’S, Ladophar… để hướng đến ổn định đầu ra cho nông sản.
Lãnh đạo huyện và ngành chức năng thường xuyên chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng, đất đai, khoáng sản, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô. Lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Diện tích giao khoán để quản lý bảo vệ rừng cho các hộ dân, đơn vị tập thể tiếp tục được mở rộng. Từng bước giải quyết tình hình di dân tư do. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển và tăng trưởng so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ, thương mại tăng trưởng khá, số lượng cửa hàng, hộ cá thể ngày càng phát triển đa dạng về loại hình, ngành nghề kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Trên cơ sở định hướng phát triển du lịch chung của tỉnh, trong những năm qua huyện Lạc Dương đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tiến hành xây dựng quy hoạch các điểm, các khu du lịch cho phù hợp, nhằm khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của huyện về du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, đồng thời giữ gìn cảnh quan môi trường, sinh thái. Hiện nay, huyện đang tập trung nguồn lực vào phát triển các sản phẩm du lịch có nét đặc trưng, có tính cạnh tranh cao, mang thương hiệu du lịch Lạc Dương như: du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường được quan tâm thường xuyên. Việc điều hành ngân sách thực hiện trên tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu phát triển và an sinh xã hội của huyện. Công tác đầu tư được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và theo tình hình thực tế. Kịp thời quán triệt, hướng dẫn thực hiện các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát đến đội ngũ cán bộ, đảng viên để nắm vững thực hiện.
Ghé quán cà phê trên sườn đồi, vắng vẻ và yên bình, bất chợt cơn mưa đến. Mưa đầu mùa ở Tây Nguyên. Mưa mênh mang, buồn hoang hoải. Phố núi và thông xanh mưa mờ giăng. Tôi lặng lẽ chìm trong câu hát mới sáng tác tặng Đà Lạt thân thương :
Ngồi đây nhớ làng buôn
Gió đại ngàn nghiêng đất
Ché rượu cần chân chất
Uống cạn tình Kơ Ho
Xuân đã đến ngoài kia
Ngàn hoa khoe sắc thắm
Mộng mơ hồn tĩnh lặng
Ngạt ngào Đà Lạt thương
Mùa xuân tràn quê hương
Trời Cao nguyên xanh biếc
Lặng yên nghe núi hát
Câu vọng cổ đại ngàn
Lặng yên thông vi vút
Khúc tình ca ....
Langbiang .
Đà Lạt 10/3/2019