Con số đó tuy còn khiêm tốn nhưng mang lại nguồn kinh tế dồi dào và tạo thu nhập ổn định cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.
Giàu lên từ lá dâu
Từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) về huyện Đức Trọng, Di Linh và TP. Bảo Lộc tuyến đường dài 80km cuốn hút tôi bởi sương mù che khuất, lâu lâu hiện ra những nương dâu xanh biếc đẹp mê hồn. Không giống như xưa kia, nơi đây chủ yếu là cây cà phê, nay chuyển đổi thành những nương dâu ngút ngàn.
Câu chuyện càng thú vị hơn khi vào quán cà phê, nghe thiên hạ xôn xao bàn tán chuyện tìm đất trồng dâu để nuôi tằm. Hết rồi cái thời người nông dân bàn tán giá cả phân bón, xăng dầu tăng giá, cà phê tụt giá khiến người người ngao ngán. Tôi bắt chuyện với anh Minh, chủ cơ sở dệt Silk Hà Bảo (Bảo Lộc). Anh Minh tiết lộ: “Xét về kinh tế thì cây dâu cho kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây cà phê. Bởi trồng cà phê cùng một diện tích, ví dụ 1ha cà phê sau khi thu hoạch, trừ chi phí và công cán xong giỏi lắm lời 150 triệu đồng, đó là cà phê được giá. Còn trồng dâu, nuôi tằm cùng diện tích đó sau một năm cho lãi suất từ 400 đến 500 triệu đồng/ha”.
Chuyện cây dâu mang lại kinh tế mạnh, mấy năm gần đây bà con mạnh dạn chặt bỏ cà cây phê, tái tạo đất để trồng cây dâu nuôi tằm. Nhiều nông dân cho biết, nếu xét về công chăm sóc, cây dâu rất dễ trồng và dễ phát triển, vì cây dâu không cần nhiều phân bón, không tốn thuốc bảo vệ thực vật. Tìm hiểu vài thành viên trồng dâu, nuôi tằm, ai cũng hồ hởi với cái nghề. Không còn cảnh than vãn: “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Nông dân mạnh dạn loại bỏ giống dâu cũ đạt năng suất thấp 15 tấn/ha/năm, thay vào đó giống mới đạt 30 tấn/ha/năm.
Từ thương hiệu sạch
Hiện tại cả nước có 37 tỉnh, thành trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích 13 ngàn ha/ 38 ngàn hộ chuyên trồng dâu nuôi tằm, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 50%, chủ yếu tập trung tại Lâm Đồng. Cả nước có 40 nhà máy ươm tơ, diệt lụa, bình quân hằng năm sản xuất và xuất khẩu khoảng 2 ngàn tấn tơ các loại, thu về 70 triệu USD/năm.
Theo anh Lê Quang Tú - Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseria), “con số 70 triệu USD/năm là con số nhỏ so với thực tế, nó mới nói lên lượng xuất khẩu tơ sợi. Còn cái quan trọng hơn nhưng khó thống kê, có thể cao gấp 3 lần xuất khẩu chính là các sản phẩm như hàng may mặc cao cấp…”.
Anh Huỳnh Tấn Phước - Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vietnam Silk House chia sẻ: “Hiện tại các sản phẩm tơ lụa của tôi được các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới đặt hàng ký kết hợp đồng dài hạn với giá cao chưa từng có, tuy vậy, Công ty không đủ hàng để cung cấp cho đối tác”.
Nắm bắt nhu cầu, anh Phước đã quy hoạch lại vùng trồng dâu và hợp tác cùng nông dân đầu tư trứng giống tằm đến cả kỹ thuật trồng dâu theo mô hình organic, có nghĩa không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Tất cả sản phẩm làm ra được Nhật Minh bao tiêu với giá cao, đem lại lợi nhuận cao cho người trồng dâu nuôi tằm. Từ đó, nông dân chuyển hướng theo mô hình sạch.
“Không phải dễ gì các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới ký hợp đồng mua hàng lâu dài với giá cực cao. Bởi họ đưa cả chuyên gia, kỹ thuật của họ qua giám sát, từ khâu kiểm nghiệm đất, đến cả giống tằm và dâu. Khi thu hoạch đến lúc ra kén, kéo sợi rồi vải… tất cả khép kín, nên hàng khi xuất khẩu phải được đội ngũ của họ chứng nhận kiểm nghiệm và chiết xuất nguồn gốc rõ ràng”, anh Huỳnh Tấn Phước - Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh, (Bảo Lộc) thổ lộ.
Để sản phẩm tơ lụa Việt vươn ra thế giới
Để phát triển bền vững về nghề trồng dâu nuôi tằm, và tạo thương hiệu cho sản phẩm sợi, tơ, lụa với thế giới, Ban Chấp hành Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam mới đưa ra kế hoạch và hoạch định chiến lược cho ngành dâu tằm trong tương lai. Theo đó, phát triển mô hình làng mẫu trồng dâu nuôi tằm bền vững, phát triển nông thôn mới thông qua thiết lập mô hình làng mẫu để nâng cao giá trị gia tăng cho tằm tơ. Đồng thời gìn giữ nét văn hóa bản địa, qua đó phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa kết hợp với phát triển du lịch sinh thái “xanh, sạch” như Quảng Nam.
Tơ lụa tại những làng nghề truyền thống Việt Nam nổi tiếng nhưng chưa có chân đứng trên thị trường quốc tế, bởi cách làm nhỏ lẻ, hầu hết chú ý đến sản phẩm, bỏ qua nét văn hóa truyền thống cũng như câu chuyện về tơ lụa nên thiếu sức cạnh tranh và yếu về thương hiệu trên thế giới.
Gây dựng thương hiệu với quốc tế, giới tơ tằm vẫn thừa nhận cách làm tại Làng Lụa Hội An là điển hình.
Phố cổ Hội An với lợi thế được mệnh danh là thủ phủ “may nóng” của thế giới. Với một bộ veston hay chiếc sơ mi, áo dài, váy đầm… từ khi chọn vải đến khi hoàn thành trong vòng không quá 2 giờ đồng hồ là du khách có ngay bộ com-plê như ý muốn.
Làng Lụa Hội An là đơn vị tiên phong đưa câu chuyện “Bà Chúa Tằm Tang” người dệt trồng dâu nuôi tằm - ươm tơ dệt lụa xưa truyền lại cho đời sau. Đến thời Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong phát triển mạnh thành con đường tơ lụa trên biển thông qua thương cảng Hội An xưa. Nay Làng Lụa Hội An làm thành câu chuyện “dòng sông lụa”.
“Câu chuyện bà Chúa Tằm Tang tại Làng Lụa Hội An câu chuyện thú vị không chỉ về dâu tằm, với du khách họ bị lôi cuốn về bề dày văn hóa - lịch sử và con người gìn giữ nét truyền thống của vùng đất. Du khách được chứng kiến từ khâu trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi rồi dệt, cả được may những bộ đồ theo ý muốn. Từ đó họ sẵn sàng trả tiền theo giá trị của câu chuyện cũng như công phu” - ông Lê Thái Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam khẳng định.
Thực tế những năm qua, đô thị cổ Hội An thu hút lượng khách quốc tế rất đông, khách đến đây không chỉ khám phá tham quan, còn mua sắm, may mặc. Hội An trở thành cầu nối tơ lụa của thương hiệu Việt.
Nếu Hội An là thủ phủ “may nóng” thế giới, thì Bảo Lộc (Lâm Đồng) được nhiều người biết đến với danh xưng thủ phủ ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, các chuyên gia Nhật Bản đã chọn Bảo Lộc để trồng thực địa cây dâu, đồng thời tiến hành nuôi khảo nghiệm tằm giống. Trên cơ sở đó, Nhật Bản quyết định đầu tư xây dựng một trung tâm nuôi tằm tại đây. Năm 1968, Trung tâm Tằm tang Bảo Lộc ra đời, đặt nền móng để sau này Bảo Lộc trở thành thủ phủ ngành dâu tằm tơ Việt Nam.
Mới đây, ngày 1/8, ông Zhang Guoqiang, Chủ tịch Đại hội đồng các thành viên Liên minh Tơ lụa Quốc tế (ISU) dẫn đoàn đến thăm Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Việt Nam và Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam tại Bảo Lộc nhấn mạnh: “Tơ tằm Việt Nam mở xu hướng mới trong phát triển công nghiệp như sử dụng toàn diện tài nguyên nuôi tằm, nuôi tằm công nghiệp, sản xuất tơ lụa thông minh, xanh và bền vững, cũng như các hướng phát triển mới của ngành như thúc đẩy giáo dục tơ lụa, thời trang đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế sẽ tạo thương hiệu mạnh trên thế giới”./.
“Tơ tằm Việt Nam mở xu hướng mới trong phát triển công nghiệp như sử dụng toàn diện tài nguyên nuôi tằm, nuôi tằm công nghiệp, sản xuất tơ lụa thông minh, xanh và bền vững, cũng như các hướng phát triển mới của ngành như thúc đẩy giáo dục tơ lụa, thời trang đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế sẽ tạo thương hiệu mạnh trên thế giới”.
Ông Zhang Guoqiang, Chủ tịch Đại hội đồng các thành viên Liên minh Tơ lụa Quốc tế (ISU).
|