Vui, sao nước mắt lại trào?

Siết chặt tay nhau, nước mắt rơm rớm, những cặp đôi khuyết tật đang tận hưởng 'giấc mơ' của mình.

 

 

Siết chặt tay nhau, nước mắt rơm rớm, những cô dâu, chú rể đặc biệt trong Lễ Hằng thuận cho 50 cặp đôi khuyết tật do Quỹ Đạo Phật ngày nay của chùa Giác Ngộ tại TP.HCM tổ chức, đang tận hưởng “giấc mơ” của mình.

Nước mắt của hạnh phúc

Gặp nhau khi tham gia các hoạt động tại hội khuyết tật rồi cảm mến người phụ nữ đồng cảnh ngộ giàu nghị lực, anh Huỳnh Thơ Quý (Q.5, TP.HCM) ngỏ lời yêu và được chị Nguyễn Thị Kim Anh (tỉnh Bình Phước) gật đầu đồng ý. Không lễ cưới, không nhà cửa cũng chẳng giấy đăng ký kết hôn, anh chị dắt nhau về ra mắt gia đình rồi tá túc nhờ nhà bà con suốt 5 năm qua. Vợ xếp cào cào lá dừa thuê, chồng phụ người cô bán cà phê cóc, cuộc sống thiếu trước hụt sau nên chưa bao giờ anh chị dám nghĩ đến một lễ cưới đàng hoàng để mời bạn bè, chòm xóm ly rượu mừng.

50 cặp đôi khuyết tật đang tận hưởng niềm hạnh phúc trong ngày cưới của mình.

Chưa bao giờ những cặp đôi khuyết tật nghĩ mình có được một đám cưới đàng hoàng vì mặc cảm với cái nghèo, tự ti với bệnh tật. Rồi nhờ cửa Phật se duyên, họ chính thức thành vợ thành chồng, bắt đầu một cuộc sống mới hứa hẹn đầm ấm, bình yên hơn.

“Nghe bạn bè giới thiệu, mình làm liều gửi hồ sơ chứ thiệt tình lúc đó không tin may mắn được chọn đâu. Mà ông trời thương nên được chọn, vợ chồng tụi mình mừng rơi nước mắt”, anh Quý vừa nói vừa mân mê cành hoa cài trên áo. Ngồi cạnh anh trên chiếc xe lăn với đôi chân co quắp, chị Kim Anh rạng rỡ trong chiếc áo dài cưới màu hồng cùng vòng hoa li ti xinh xắn trên đầu. Chị hết nhìn chồng rồi quay sang nhìn mình, nhoẻn miệng cười, nụ cười đong đầy nước mắt: “Hồi nào giờ có biết áo dài là gì đâu, hôm nay lại được mặc áo dài cưới luôn. Mình không lành lặn, không mặc đẹp như người ta nhưng vẫn thấy tự tin và hạnh phúc. Gần 50 tuổi, mình không nghĩ sẽ có được một đám cưới ý nghĩa như vầy. Sáng giờ vẫn cứ tưởng mình mơ”.

Hơn chục năm cùng nhau đi đi về về căn phòng trọ chưa tới 12m2 ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, cuộc sống của chị Đặng Thị Thu Lan và anh Hồ Tấn Đạt là những ngày tháng khó khăn chồng chất. Anh Đạt bị khuyết tật nặng bẩm sinh nên bên cạnh gánh lo “cơm áo gạo tiền”, chị Lan còn phải chăm sóc, hỗ trợ chồng từ việc đi lại đến vệ sinh cá nhân. “Vậy mà thương, không bỏ được dù nhiều lúc cực quá muốn đi luôn. Ngày ngày tui đẩy ổng đi bán vé số khắp nơi, tối về vợ chồng thui thủi bên nhau. Nay được đi Sài Gòn chơi, được chùa tổ chức lễ cưới cho, đáng lẽ tui phải cười tươi nhưng không hiểu sao cứ chảy nước mắt hoài, kỳ quá…”, người phụ nữ có gương mặt kham khổ, sạm đen vì cháy nắng, miệng nói nhưng tay không quên siết lấy tay chồng. Suốt lễ cưới đặc biệt ấy, nhiều lần người ta thấy anh chị lau nước mắt cho nhau, những giọt nước mắt trong ngày hạnh phúc. Chị Lan nói có đám cưới rồi, giờ chỉ mong trời thương cho đứa con, coi như đủ đầy.

Niềm vui khi cho đi

Hạnh phúc ấy không chỉ những cặp đôi khuyết tật mới cảm nhận được mà lan tỏa đến từng phụng sự viên, từng mạnh thường quân tham gia lễ cưới tập thể đặc biệt này. Dậy từ sáng sớm để lau chiếc xe xích lô bóng loáng, thổi thật nhiều bong bóng trắng hồng gắn lên xe, dán thêm chữ song hỷ đỏ tươi, phết vàng, ông Trần Văn Tốt thay luôn phần mui xe màu đỏ. Đâu đó xong xuôi, ông lựa chiếc áo đồng phục mới nhất, chải lại tóc rồi xỏ đôi giày mình yêu thích đạp xe đến điểm hẹn rước khách. Tới công viên Hòa Bình (Q.5, TP.HCM), ông Tốt hòa vào dòng xe cùng 50 đồng nghiệp khác để bắt đầu chuyến diễu hành lạ nhất từ trước đến nay. “Trước giờ tui toàn chở khách nước ngoài đi vòng vòng tham quan thành phố, lần đầu chở mấy cô dâu chú rể như vậy nên vui lắm. Càng vui hơn khi biết đây là những cặp đôi khuyết tật khó khăn, coi như mình chung tay mang đến hạnh phúc cho họ. Mong là sau lễ cưới mấy anh chị sẽ sống hạnh phúc, con cái khỏe mạnh”, ông Trần Văn Tốt tranh thủ lau đi lau lại phần ghế xe trong khi đợi cặp đôi của mình chụp hình kỷ niệm.

Niềm vui xen lẫn xúc động trào dâng trong mỗi cặp đôi.

Có mặt tại chùa Giác Ngộ từ 5 giờ sáng, hơn 50 nhiếp ảnh gia và thợ trang điểm chuyên nghiệp thuộc nhóm nhiếp ảnh Đa phong cách Sài Gòn cùng nhau làm đẹp và ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc cho các cặp đôi. Tỉ mẩn dặm phấn, tô son, kẻ mắt sao cho các cô dâu thật tươi tắn, đẹp xinh trong bộ áo dài cưới, các tình nguyện viên không quên dặn dò từng cô dâu, chú rể các bước di chuyển, chụp hình. Chị Nguyễn Thị Hoàng Như Thủy, trưởng nhóm tình nguyện viên trang điểm và chụp hình cưới cho các cặp đôi tại lễ cưới, xúc động: “Chúng tôi đến đây để chia vui với các anh chị và giúp họ trông thật rạng rỡ trong ngày đặc biệt nhất đời mình. Chúng tôi cùng nhau ghi lại từng khoảnh khắc hạnh phúc, giúp mỗi cặp đôi luôn nhớ về ngày trọng đại này. Toàn bộ hình ảnh sẽ được gửi tặng các anh chị ngay sau lễ cưới. Tham dự nhiều lễ cưới rồi, chụp hình, trang điểm cho biết bao cặp vợ chồng thế nhưng đây là lễ cưới mang đến cho tôi và các bạn nhiều cảm xúc nhất”.

Thương yêu đọng lại

Là trụ trì chùa Giác Ngộ và cũng là người đưa ra ý tưởng tổ chức lễ cưới tập thể theo nghi thức Phật giáo cho 50 cặp đôi đặc biệt này, theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, đây là niềm vui chung: “Tôi đi làm Lễ Hằng thuận cho nhiều gia đình và nghe được mong muốn của nhiều người khuyết tật. Họ nói muốn một lần được làm lễ cưới mà không có điều kiện hoặc không đủ tự tin. Lúc đó tôi nghĩ tại sao mình không làm gì đó để giúp những cặp đôi khuyết tật trong khi họ mong đợi một lễ cưới tại chùa. Vậy là chúng tôi cùng nhau tổ chức lễ cưới này. May mắn chùa có rất nhiều phụng sự viên nhiệt tình, họ cùng chúng tôi chuẩn bị mọi thứ cho lễ cưới và giúp đỡ từng cặp đôi trong suốt buổi lễ. Nhìn các cặp đôi rạng ngời hạnh phúc, chúng tôi rất xúc động. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục làm thêm nhiều việc nghĩa cho đời”.

Trao nhẫn cưới - niềm hạnh phúc ngỡ chỉ có trong mơ.

Chỉ ba tuần sau khi nhà chùa đăng tải thông tin trên mạng xã hội, hơn 100 hồ sơ từ khắp mọi miền đã được gửi về. 100 thư thỉnh nguyện là 100 hoàn cảnh khó khăn. Có cặp đôi cả vợ lẫn chồng chưa cao đến 1 mét, có đôi khiếm thị bẩm sinh, có đôi vừa khiếm thính vừa khiếm thị và rất nhiều cặp đôi bị khuyết tật vận động nặng. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung ước mơ là được một lần trao nhẫn cho nhau, được một lần cùng nhau hẹn thề trước sự chứng giám và chúc phúc của bạn bè, người thân. Và rồi, ước mơ tưởng chừng quá xa vời ấy đã trở thành hiện thực trong niềm vui vỡ òa của các đôi vợ chồng đặc biệt. Làm sao có thể không rưng rưng khi họ được nắm tay nhau trong tiếng hát chúc phúc của đông đảo phật tử, được đeo nhẫn, cầu nguyện cùng nhau trong chánh điện trước sự chứng kiến của nhiều người. Làm sao có thể không rưng rưng khi được nghe Tăng đoàn dặn dò về đạo nghĩa vợ chồng, được san sẻ niềm vui với những mảnh đời cùng cảnh ngộ và được bắt đầu một cuộc sống mới với nhiều niềm tin, hy vọng hơn.

Lễ cưới đặc biệt khép lại bằng phần tiệc chay tại chùa để các cô dâu, chú rể tận hưởng trọn vẹn niềm vui với gia đình, người thân và bạn bè của mình. Xen lẫn tiếng vỗ tay chúc phúc, tiếng cười nói rộn ràng là những giọt nước mắt rơi. Cô dâu khóc, chú rể khóc, bạn bè và người thân khóc. Thế nhưng, đó không phải là nước mắt của buồn tủi, tự ti hay bất lực mà nước mắt của vui sướng dâng trào, nước mắt của bình an….

 “Biết còn nhiều cặp đôi khuyết tật cần giúp đỡ, sang năm chùa sẽ tổ chức cho 50 cặp tiếp theo và cứ vậy chúng tôi dự kiến mỗi năm sẽ tổ chức lễ cưới cho ít nhất 100 cặp đôi”, Thượng tọa Thích Nhật Từ.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận