Kiếp phu hàng trên núi Chứa Chan

Những người phu vác hàng thuê trên núi Chứa Chan ngày ngày bám sườn núi mưu sinh. Tương lai đầy bất trắc đang chờ họ phía trước…

 

Đời cửu vạn trên dốc núi

12h trưa, cái nắng gay gắt phần nào dịu bớt khi xuyên qua những tán cây rừng bao quanh con đường dốc đứng hướng lên đỉnh Chứa Chan (xã Xuân Trường, Xuân Lộc, Đồng Nai). Tháng Giêng, khách du lịch, hành hương đổ về nườm nượp, cũng là mùa bận rộn của những người làm nghề gánh hàng thuê lên núi.

Lưng trần, quần soọc, đôi dép tổ ong đã sờn rách là đủ “tư trang” cho một “đơn hàng” lên đỉnh núi. AnhThạch Hoài Phong (35 tuổi) chỉ cười hiền khi được hỏi về đồ nghề làm việc của mình.

Điện thoại reo, người đàn ông có vóc dáng lực điền biết có người thuê đưa hàng lên núi. Anh nghe máy, nhận lời và nhanh chóng gọi thêm một người bạn nghề, cũng lưng trần, quần soọc và dép tổ ong. Trong ít phút, 2 bao tải, mỗi bao chứa 50kg gạo đã nằm gọn trên 2 bờ vai rắn rỏi. Đầu hơi cúi, tay giữ chặt bao hàng trên vai, họ bắt đầu hành trình lên núi.

 

Đường lên đỉnh núi dài hàng nghìn bậc, có nhiều đoạn dốc đứng, thử thách bất kỳ đôi chân nào muốn trải nghiệm leo núi thay vì đi cáp treo tiện lợi. Nhưng thường chỉ được vài chục bước, những bắp chân đã như muốn biểu tình đòi nghỉ, lồng ngực thở hắt ra vì mệt.

Vậy mà 2 người phu vác hàng vẫn đều đều bước đi, bao tải nửa tạ đè nặng trên vai, họ bước lầm lũi, không chuyện trò, hơi thở nặng nề hơn, ánh mắt dán chặt xuống những bậc thang, chẳng ngại trượt chân, sai bước vì từng con dốc phía trước họ đã thuộc nằm lòng. Những bước chân của họ cũng thật đặc biệt, không phải đi thẳng lên từng bậc, mà mỗi bậc họ đi tới 3 bước theo hình zic-zag, đó là “bí kíp” để cơ bắp không bị “quá tải” trước những bậc thang dựng đứng.

Được khoảng 1/3 quãng đường, hai người ngồi nghỉ trên một tảng đá lớn bên đường. Đây đã là lưng chừng núi, một đoạn đường khá bằng phẳng, không gian rộng mở nhìn thẳng xuống cánh đồng Gia Lào mênh mông, trù phú. Gió thổi hiu hiu níu chân khách bộ hành sau khi vượt qua đoạn đường đủ làm những bắp chân căng cứng.

Cơn gió mát lành không thể ngay lập tức thổi bay lớp mồ hôi bóng nhẫy trên lưng hai người đàn ông lực lưỡng. Châm điếu thuốc, ngồi nghỉ, anh Thạch Hoài Phong bắt đầu kể cho chúng tôi nghe chuyện nghề của mình.

Anh Phong đã làm công việc này đã hơn hai mươi năm. Học hành dở dang, không tìm được việc làm ổn định, nghe bạn bè rủ, anh lên núi “thử” gánh hàng thuê, rồi bén duyên và trở thành công việc chính của anh suốt từng ấy năm.

“Nghề này cực nhọc nhưng nó rèn cho mình tính nhẫn nại, bền bỉ. Ban đầu cũng ngán nhưng làm mãi thành quen, vì cuộc sống mưu sinh mà phải gắng làm. Cũng có khi trượt chân té ngã, hay khi trái gió trở trời phải nằm nhà thì không có tiền, nên đỡ đỡ chút là ráng gượng dậy mà làm”, anh Thạch Hoài Phong nói về công việc đặc biệt của mình.

Mỗi ngày, một người khỏe mạnh như anh Phong có thể đi được 4 đến 6 chuyến hàng tùy quãng đường. Nếu chỉ đưa lên lưng chừng núi thì được nhiều chuyến, còn lên tới đỉnh núi thì ít hơn. Để lên tới đỉnh, người phu phải mất hàng giờ đồng hồ leo núi bền bỉ với gánh nặng trên vai.

Hàng đưa lên núi gồm đủ loại, từ nhu yếu phẩm như gạo, muối, thức ăn, nước uống… cho các gia đình sinh sống trên núi cho tới hàng hóa để bán cho khách du lịch. Thế nên việc gánh hàng thuê lúc nào cũng có, nhưng bấp bênh hôm nhiều hôm ít. Những ngày rằm, mùng một khách lên chùa hành hương, hay tháng Giêng mùa lễ hội mang tới cho nhóm phu hàng thêm nhiều việc. Cho nên dù nặng nhọc, nhưng nếu việc đều đều, thu nhập của người gánh hàng cũng không quá tệ, vài trăm ngàn một ngày, có ngày cả triệu nếu đủ sức làm từ sáng tới tối khuya. 

Tương lai bất định

Nhóm phu thồ hàng trên núi Chứa Chan có chừng mười mấy người. Những người trẻ khỏe như anh Thạch Hoài Phong chiếm phần nhiều, họ có sức vóc nên vác được nặng hơn, được nhiều người gọi, nhưng cũng có những người đã ngũ tuần, thậm chí nhiều hơn, sức lực giảm dần. Họ vẫn làm công việc nặng nhọc, bám dốc núi mưu sinh, nhưng thu nhập ngày càng ít đi vì không còn vác được nhiều, không còn đi được xa.

Bao tải nửa tạ đè nặng trên vai, những phu hàng lầm lũi bước đi, hơi thở nặng nề.                   Ảnh: Xuân Lượng.

Anh Lê Đình Khanh là một trong những người làm nghề vác hàng kỳ cựu ở núi Chứa Chan. Dáng người gầy mỏng, khó có thể nghĩ rằng người đàn ông này từng là “nhà vô địch” thồ hàng khi có thể gánh hơn trăm cân hàng từ chân lên đỉnh núi. Đó là lúc anh ở tuổi ngoài đôi mươi, còn bây giờ anh Khanh đã bước sang tuổi 39, sức vóc đã giảm nhiều.

Anh Khanh cũng không biết nghề thồ hàng ở núi Chứa Chan có từ khi nào. Chỉ biết rằng trước anh đã có nhiều người chọn nghề này, có người bám trụ được, cũng có người không chịu nổi, phải bỏ đi tìm việc khác. Nhưng với anh, buồn nhất là khi nhìn thấy những đồng nghiệp tuổi cao sức yếu phải sống những năm tháng xế chiều cơ cực.

“Nghề này cứ có sức, ráng “cày” thì cũng dôi dư được chút đỉnh nuôi gia đình. Nhưng anh em nhiều người hoang phí, lại không có vợ con nên làm được nhiều ăn tiêu dữ quá nên không có dư. Thấy nhiều người về già đuối sức không làm được nữa cực khổ lắm, âu cũng tại không biết lo xa. Nhìn anh em lứa sau giờ cũng không có tính toán gì cho tương lai, mình đàn anh đi trước khuyên bảo không được cũng ái ngại lắm!”, anh Khanh tâm sự.

Người phu hàng sắp tới tuổi tứ tuần thấy mình hãy còn may mắn hơn vì có vợ, có con và nhìn thấy được tương lai không mấy sáng sủa cho cái nghề tàn phá sức lực này. Thế nên anh bàn với vợ tìm sinh kế khác, hai vợ chồng có một sạp hàng nhỏ ngay chân núi, là nơi anh lui về nghỉ ngơi, chơi đùa với 2 đứa con trai nhỏ sau mỗi chuyến hàng nặng nhọc. Anh Khanh hiểu rằng, cơ bắp có chắc khỏe đến mấy, đôi chân dù dẻo dai đến đâu rồi cũng tới ngày chùn chân, mỏi gối.

Nhưng người biết lo xa cho tương lai như anh Khanh không nhiều. Một phụ nữ bán hàng lưng chừng núi than thở: “Chúng nó trẻ, khỏe, làm được tiền nhưng có mấy đứa biết giữ, nướng hết vào cờ bạc, nhậu nhẹt còn đâu!”.

Khách đến rồi khách đi, chỉ còn những người thồ hàng trên núi vẫn ngày ngày bền bỉ với công đặc biệt của mình. Họ vẫn bám từng con dốc núi mưu sinh với cơ bắp cuồn cuộn, căng tràn sức lực sức lực, nhưng phía trước là một tương lai nhiều bất trắc… 

Chứa Chan - “đệ nhị thiên sơn” đất Nam bộ vẫn sừng sững đứng đó, danh thắng quốc gia ẩn chứa trong mình bao câu chuyện huyền thoại và vẻ đẹp mát lành níu kéo khách hành hương. Khách đến rồi khách đi, chỉ còn những người thồ hàng trên núi vẫn ngày ngày bền bỉ với công đặc biệt của mình. Họ vẫn bám từng con dốc núi mưu sinh với cơ bắp cuồn cuộn, căng tràn sức lực sức lực, nhưng phía trước là một tương lai nhiều bất trắc…/.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận