Năm cái tên, một tấm lòng

Đồng đội Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre trìu mến tặng cựu chiến sĩ tình báo Nguyễn Thanh Điềm danh xưng 'Ở đâu khó gọi J2'. Anh có 5 cái tên đi cùng năm tháng.

 

Tên khai sinh là Nguyễn Thanh Điềm. Chào đời, bé Thanh Điềm không khóc ngay như bao đứa trẻ khác mà nín nhịn hồi lâu mới bật tiếng khóc hồn nhiên vì được cha mẹ cho cuộc sống và cũng là báo hiệu bao gian khổ phải nếm trải trên cõi đời này.

Mới lên 6, cha hy sinh, mẹ đi bước nữa, Thanh Điềm sống cùng bà nội tuổi già sức yếu. Vóc người bé nhỏ, đen đúa, nhưng Điềm phải đi làm thuê, ở đợ, kiếm chút đồng tiền lẻ, cơm thừa canh cặn nhà giàu, bà cháu nuôi nhau. Không chịu nổi cảnh địa chủ ức hiếp người nghèo, không cam chịu làm đứa trẻ mù chữ, Điềm cùng các bạn nhỏ, cùng khổ trong ấp bắt con nhà địa chủ kiêu căng, thô bạo, chuyên ăn hiếp, buộc gia chủ phải chuộc chục lượng vàng. Điềm chia đều cho các bạn với lời nguyền “vàng chỉ dùng để đi học kiếm chữ”. Điềm nói gọn mà các bạn hiểu hết: “Mù chữ thì mù tất cả”. “Tướng cướp nhí” Thanh Điềm bị địa chủ truy đuổi liền tìm gặp người lớn để được che chở và chỉ đường sống. Tự nhiên và cũng thật may mắn, người đầu tiên không gọi Điềm là “tướng cướp nhí” là cô Nguyễn Thị Định, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, sau này là nữ tướng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Biết chuyện bé Điềm là “tướng cướp nhí”, cô không chê mà xoa đầu bảo:

  • Cháu thiệt thà, có chí khí, không chịu bất công, có lòng nhân hậu, cháu có chịu đi với cô không?
  • Đi đâu? Để làm gì ạ?
  • Đi tranh đấu chống mọi bất công, đem no ấm cho người nghèo như cháu. Chịu không?
  • Con chịu.

Đi theo cô làm việc lớn, có nghĩa là phải xa thôn dừa An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành, phải xa nội. Buồn chốc lát rồi Điềm vui ngay khi anh Ba Chẩn, cán bộ xã giao nhiệm vụ làm quen với bọn lính đồn An Phước, thấy gì kể lại. Sau này Điềm mới nhận ra là nhiệm vụ trinh sát. Nhờ thông tin của Điềm mà cán bộ nhân dân trong vùng đã lôi kéo viên đồn trưởng cùng binh lính đồn An Phú bỏ súng về với gia đình. Nhờ chiến công nhổ bốt địch không tốn viên đạn, xương máu mà Thanh Điềm được Ban lãnh đạo Đồng Khởi chính thức nhận làm chiến sĩ trinh sát. Anh Võ Quốc Việt, tức Tám Kha, trong ban lãnh đạo Đồng Khởi xã An Khánh lấy tên bà nội đặt cho Điềm là Thục Xình làm bí danh cho chiến sĩ trinh sát mới. Từ đó Nguyễn Thanh Điềm, còn gọi là Tư Điềm, có tên thứ hai là Thục Xình.

Tư Điềm đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt, nhiều chiến công để nhớ và cũng có nhiều điều phải quên, nhưng đọng lại trong anh là trận Lộ Thơ, giữa tháng 8 năm 1964. Ban Chỉ huy Quân Giải phóng tỉnh Bến Tre lên kế hoạch đánh một trận thật ngon, nghĩa là thắng lớn mà ít hy sinh xương máu để thiết thực kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9. Ngày 20/8/1964, tiểu đoàn 516 tỉnh Bến Tre phối hợp với Đại đội 265 huyện Châu Thành chặn đánh tiểu đoàn biệt động quân chi khu quân sự Kiến Hòa hành quân theo đường Lộ Thơ đánh phá vùng giải phóng. Trong trận đánh này, Tư Điềm không chỉ cứu thương binh, chôn cất liệt sĩ mà còn cứu sống 4 binh sĩ quân đội Sài Gòn. Thắng to, nhưng không ngon, vì có đồng đội bị thương, có chiến sĩ hy sinh. Làm sao để nhớ phần mộ liệt sĩ đề sau ngày toàn thắng đưa các anh về quê nhà. Nỗi trăn trở cứ theo Thanh Điềm qua từng trận đánh.

Sau trận Lộ Thơ ít lâu, Tư Điềm được phục vụ trong đội Quân báo của huyện Châu Thành với mật danh J2. Cái tên thứ ba gọn lỏn trong bí số mà nhiệm vụ thì vô cùng phức tạp. Có nhiều việc Tư Điềm chưa làm bao giờ, chỉ có trong sách vở, trong chỉ thị, công văn mật hay chỉ một câu nhắn nhủ, chào hỏi mà chứa đựng nội dung vô cùng quan trọng. May mà hồi phải cõng con địa chủ đi học, bé Điềm đã học mót, biết mặt chữ ít nhiều. Vào đội du kích xã, Tư Điềm lặn xuống sông vớt cát trải đều trên khung nan tre thay tờ giấy. Cát phẳng và cây bút bằng tre đã giúp cả đội du kích biết chữ mà Tư Điềm là thầy giáo bất đắc dĩ. Tư Điềm không quên nhắc lại câu nói xưa với lũ trẻ: “Không có chữ là ngu dốt cả một đời”.

Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng cách mạng bị tổn thất nhiều. Hàng loạt cơ sở kháng chiến trong thành phố, xã ấp, cài sâu trong các đơn vị quân đội Sài Gòn bị lộ hoặc tan rã, nhiều chiến sĩ hy sinh. Việc quan trọng trước mắt cũng như lâu dài là bằng mọi cách xây dựng lại cơ sở kháng chiến, nhất là địa bàn trong lòng địch. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục Miền Nam, An ninh T4, tiền thân của Công an Sài Gòn Gia Định, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng sông Cửu Long. Nguyễn Thanh Điềm được tin cậy tham gia lực lượng T4. Tư Điềm đã khéo léo luồn sâu làm con nuôi của đại tá tỉnh trưởng Lê Minh Đảo. Viên sĩ quan này là em ruột của Lê Thị Ánh Tuyết, vợ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Với vỏ bọc này, Tư Điềm ngoài bí số J2 phải cõng thêm một cái tên khá kêu là Nguyễn Thanh Phương. Cái tên thứ tư bên cạnh Lê Minh Đảo suốt 8 năm, Tư Điềm đã làm một chiến sĩ tình báo xuất sắc, không hề bị nghi ngờ, bị lộ, dù là sơ suất nhỏ. Với cái tên đại tá Nguyễn Thanh Phương, Tư Điềm có nhiều công lớn cùng các đơn vị quân Giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Gửi lại bốn cái tên, bí số của một thời gian khó, chiến đấu quyết liệt cùng nhiều chiến công, Nguyễn Thanh Điềm trở lại đời thường với cái tên cha mẹ đặt cho. Theo suốt anh một câu hỏi trăn trở ngày đêm là làm sao để tìm lại hài cốt của đồng đội hy sinh khắp các mặt trận về quy tập nơi quê nhà, làm gì để người thân các liệt sĩ có cuộc sống đủ đầy như mọi gia đình.

Với Nguyễn Thanh Điềm, chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 chưa phải là trận đánh cuối cùng của một chiến sĩ tình báo. Trong khi mọi người hân hoan trong ngày đại thắng thì J2 Thanh Điềm lại vào trại giam đặc biệt dành cho binh lính, sĩ quan chính quyền Sài Gòn bại trận. Anh có thêm cái tên thứ năm bằng bí số D104 hoạt động trong lòng địch, theo kế hoạch và sự chỉ đạo tuyệt mật, chi tiết của ngành An ninh tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Long Khánh. Nhiệm vụ chiến sĩ tình báo trong thời bình phức tạp không kém thời chiến. Kẻ địch biết và gọi Tư Điềm là ca sĩ Thanh Phương, ngành An ninh kêu tên D104 để giao nhiệm vụ tuyệt mật. Anh đã cùng đồng nghiệp phá hơn 200 vụ án phá hoại cuộc sống nhân dân sau ngày giải phóng. Kế hoạch “Hậu chiến” của chính quyền Sài Gòn bị đập tan. Năm 2005, Nguyễn Thanh Điềm nghỉ hưu.

Trở lại đời thường

Gửi lại bốn cái tên, bí số của một thời gian khó, chiến đấu quyết liệt cùng nhiều chiến công, Nguyễn Thanh Điềm trở lại đời thường với cái tên cha mẹ đặt cho. Một câu hỏi anh trăn trở ngày đêm là làm sao để tìm lại hài cốt của đồng đội hy sinh khắp các mặt trận về quy tập nơi quê nhà, làm gì để người thân các liệt sĩ có cuộc sống đủ đầy như mọi gia đình. Nhiều lần anh tâm sự với đại tá Trần Quốc Việt, nguyên chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, nguyên chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh về ý nghĩ tâm linh và ấm tình đồng đội này.

Lễ truy điệu, đưa 121 hài cốt liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Lương Quới, huyện Giồng Trôm vào chiều ngày 26/7/2023.

Từ ngày nghỉ hưu, thương binh Tư Điềm không chỉ dốc lòng làm ăn, kinh doanh mà hết lòng vận động đồng đội, nhà tài trợ, mạnh thường quân được hơn 200 tỷ đồng giúp đỡ gia đình liệt sĩ, thương binh gặp khó khăn. 178 ngôi nhà tình nghĩa đồng đội được xây cất khang trang kính tặng gia đình đồng đội đã nằm xuống mãi mãi cho cuộc sống êm đẹp hôm nay.

Đại tá Trần Quốc Việt và Nguyễn Thanh Điềm biết tin ở Châu Bình, huyện Giồng Trôm của tỉnh Bến Tre có nhiều chiến sĩ hy sinh. Trong chiến tranh, việc chôn cất liệt sĩ gấp gáp, thời gian đi qua hơn nửa thế kỷ với bao mưa gió lụt lội nên các phần mộ đều lạnh hết, không tìm thấy chỉ dấu. Nhiều cuộc họp, thảo luận, cả hội thảo khoa học mà không tìm thấy nơi các anh nằm. Đầu năm 2023, có cụ già ở Châu Bình báo tin là những năm sau Đồng Khởi, ông còn nhỏ, nhưng còn nhớ những nơi chôn cất liệt sĩ. Những nơi này đã thành nông thôn mới, cây trái sum suê. Bà con tình nguyện bỏ vườn cây, hoa màu để khai quật. Đến ngày 26/7/2023, đồng đội và bà con đã tìm thấy 121 hài cốt liệt sĩ. Và chiều hôm đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Quân khu 9 cùng các ngành chức năng và nhân dân đã tổ chức truy điệu và đưa các anh về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Lương Quới, huyện Giồng Trôm, quê nhà của anh hùng nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Giữa ngày tháng Tám nhớ về mùa thu lịch sử, Thanh Điềm báo tin cho tôi vừa làm xong cây cầu tình nghĩa đồng đội ở Phước Mỹ Trung. Tôi hỏi anh có nhớ đã làm được bao nhiêu tên cầu, Tư Điềm thả giọng: “Trời ơi, miền sông nước này có nhiều tên cầu lắm, như chiến sĩ trong chiến tranh có nhiều mật danh, bí số, nhớ sao hết”.

Riêng anh thì tôi nhớ có năm cái tên và một tấm lòng nghĩa tình vì đồng đội./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận