Danh phận dưới những tán rừng

Ở Tây Nguyên, việc giao đất, giao rừng quản lý bảo vệ giúp cho nhiều hộ dân tộc thiểu số sống gần rừng khá giả lên, nhưng nhiều nơi có sự nhập nhằng, gian lận.

 

           Giao rừng, nhận rừng để xà xẻo

          Ông K’Châu, dân tộc K’Ho (ở thôn 2, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) được một phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Lộc Nam hướng dẫn làm hồ sơ để nhận 25,5 ha đất lâm nghiệp (có cây bụi) ở khoảnh 05, tiểu khu 491. Cũng ở thôn 2, bà Ka Phấn đã đăng ký và có tên để nhận 16,5 ha tại tiểu khu 491. Nhưng đây chỉ là “đất lâm nghiệp trên giấy”, thực tế cả hai người không được nhận một khoảnh nào. K’Châu cho biết, đã trình bày tường tận sự việc với công an khi họ về xã điều tra, xác minh.  

          Theo danh sách cộng đồng nhóm hộ nhận rừng kèm theo phương án được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng phê duyệt thì nhóm trưởng là ông K’Đản, ở thôn 1 và 13 hộ ở các thôn 2 và 4 của xã Lộc Nam. Thế nhưng UBND huyện Bảo Lâm lại ra quyết định giao rừng cho ông Nguyễn Duy Minh (trú tại số 29, đường Tô Hiệu, phường Lộc Sơn, Thành phố Bảo Lộc) làm đại diện. Nhóm cộng đồng này chỉ có 6 hộ, không phải 14 hộ như lúc lập phương án. Tổng diện tích đất được giao là 209 ha, trong đó có rừng là 93 ha, đất lâm nghiệp không có rừng là 116 ha. Hầu hết người được giao đất giao rừng đều có hộ khẩu ở nơi khác, và không phải là dân tộc thiểu số, ngoài 2 trường hợp là ông K’Châu và bà Ka Phấn là dân tộc K’Ho sống ở Lộc Nam, nhưng cả 2 chỉ có tên mà không hề được giao đất.

          Rừng và đất lâm nghiệp ở đây dần dần trở thành vườn cây công nghiệp, thậm chí được sang nhượng, mua bán và dựng nhà. Theo báo cáo số 420/BC-SNN của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đến tháng 9 năm 2019, trong số 93 ha rừng tự nhiên giao cho cộng đồng này quản lý đã bị mất trắng 73 ha. Đó là đất có rừng, còn đất lâm nghiệp (có cây bụi) thì hầu như đã trở thành đất nông nghiệp, với những vườn chè, cà phê và sầu riêng. Ông Võ Thiên Bình, Chủ tịch UBND xã Lộc Nam khẳng định: rừng được giao cho bà con người dân tộc thiểu số tại chỗ quản lý thì họ sẽ giữ rất tốt và phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân rừng bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị xâm lấn là do giao không đúng đối tượng.

           Một sự việc liên quan đến phá rừng chiếm đất cũng xảy ra ở huyện Bảo Lâm.  Ngày 8/7/2022, ông Lê Văn Ba ở thôn 4, xã Lộc Phú, đã phát hiện một nhóm 3 người là Nguyễn Đức Dạo, Nguyễn Đức Chung và Nguyễn Văn Dũng đang dùng cưa máy cắt hạ và đào hố chôn lấp những thân cây thông 30 năm tuổi ở khoảnh 6, tiểu khu 438A, xã Lộc Phú. Ông Ba dùng điện thoại ghi lại hình ảnh phá rừng, lấn đất của nhóm đối tượng này, liền bị họ dùng mũ cối, xà beng đuổi đánh, phải nằm bệnh viện điều trị hơn nửa tháng. Ngày 5/1/2023, Công an huyện Bảo Lâm thông báo  kết luận giám định đối với ông Lê Văn Ba, tỷ lệ thương tật là 12%. Gần đây, ngày 7/7/2023 Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bảo Lâm ban hành cáo trạng số 64/CT-VKSBL, truy tố bị can Nguyễn Đức Dạo, Nguyễn Đức Chung về tội “Cố ý gây thương tích” và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Toà án Nhân dân huyện Bảo Lâm để xét xử theo quy định. Việc bị 3 người hành hung, nhưng chỉ có 2 người bị truy tố khiến ông Lê Văn Ba bức xúc. Nhưng điều làm ông thất vọng hơn đó là: vì sao hành vi huỷ hoại rừng thông ở tiểu khu 438A của nhóm đối tượng này không hề được cơ quan chức năng đề cập? Theo ông Ba, ở đây đã có biểu hiện của sự bao che, dung túng cho việc huỷ hoại rừng, lấn chiếm đất.

Lê Văn Ba điều trị vết thương tại bệnh viện

           Đến nay Lâm Đồng đã thu hồi 5 trong số 8 cộng đồng được giao rừng. Điều đáng nói là cả 3 cộng đồng với 99 hộ ở huyện Bảo Lâm được giao gần 860 ha đất rừng và đất lâm nghiệp đều bị thu hồi. Rất nhiều cuộc họp, nhiều kiến nghị, và quyết định đã được sở ngành liên quan và UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành với mục đích: Yêu cầu UBND các huyện thu hồi các quyết định giao đất giao rừng cho nhóm cộng đồng; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong việc để mất rừng; xây dựng kế hoạch giải toả cây trồng trái phép trên phần diện tích rừng đã bị mất, bị lấn chiếm để trồng, phục hồi lại rừng. Tuy nhiên trên thực tế, ở những vùng đất này đã là vườn cây công nghiệp sum suê, nhà cửa ngày càng kiên cố, khang trang. Rừng được giao một cách tùy tiện nên bị xà xẻo. Trách nhiệm này không thể đổ đùn chỉ về một phía nhận rừng. Phải chăng, thu hồi lại những quyết định giao rừng cho cộng đồng là phủi tay kết thúc sự việc?

           Nhập nhằng khó gỡ

          Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (trước đây là Lâm trường Nam Tây Nguyên) đang quản lý 27.277 ha rừng trên địa giới hành chính của 3 xã Quảng Trực, Quảng Tâm, và Đắk Ngo của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Liên quan đến rừng và đất ở đây, rất nhiều cán bộ lãnh đạo chính quyền cấp xã, cấp huyện đã bị kỷ luật, khai trừ đảng, có người vào tù. Song để giải quyết hậu quả của trên 3.320 ha rừng do công ty quản lý đã bị xâm lấn, chiếm dụng trái phép trước đây một cách thấu tình đạt lý là một vấn đề nan giải. Một thực tế là xen kẽ giữa dân tộc thiểu số tại chỗ, dân tộc thiểu số phía Bắc di cư phá rừng chiếm đất, có không ít kẻ đã thực hiện việc mua đi, bán lại vườn cây, đất ở để trục lợi. Đơn thư, khiếu kiện tung lên; thanh tra, kiểm tra ấn xuống. Nhưng sự việc vẫn chưa thoát khỏi bế tắc.

        Tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã xác định 365 hộ dân xâm chiếm 2.400 ha để trồng cây công nghiệp và dựng nhà. Điều lạ lùng là hiện ở đây còn trên 320 vị trí, với gần 1 nghìn ha là vườn cây công nghiệp nhưng chưa xác định rõ chủ nhân là ai.  

         Gia đình ông Khưu, có hộ khẩu ở thôn 8, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) nhưng lại canh tác ở vùng đất hiện là lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Đắk Nông). Ông Khưu là người S’Tiêng, lấy vợ người M’Nông và sinh sống ở đây đã hàng chục năm. Tập quán của người M’Nông là họ phát khoảnh rừng chừng 2 đến 3 ha để trỉa lúa và hoa màu một vụ rồi bỏ hoang; năm sau phát khoảnh rừng khác để trồng trỉa, rồi lại bỏ. Chu kỳ khoảng 3 đến 4 năm, sẽ trở lại đám rẫy ban đầu để canh tác. Họ không du canh du cư mà chỉ thực hiện luân canh để tận dụng độ phì nhiêu của lớp mùn thực vật cho việc trỉa lúa, hoa màu.

          Nhiều người ở đây khẳng định cha ông họ đã canh tác ở vùng đất này  trước khi có Lâm trường Nam Tây Nguyên. Điểu Bức, người M’Nông (sinh năm 1976) cho biết anh và vợ đã làm rẫy theo lối luân canh ở đây từ  năm 1996, những nương rẫy này cũng do chính cha mẹ của anh canh tác trước đây. Năm 2012, chính quyền huyện Tuy Đức tiến hành giải toả khu vực này, bàn giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Điểu Bức phải chuyển nơi khác sinh sống. Nhưng không có đất canh tác, năm 2016 anh cùng một số gia đình quay trở lại vùng đất thuộc tiểu khu 1500, 1504 này tiếp tục làm nương rẫy cho đến hiện nay.

Điểu Bức tại khu vườn đã ký hợp đồng trồng điều với CT TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên

          Một giải pháp bảo vệ rừng mà Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên áp dụng từ năm 2018 đối với các hộ dân ở đây là thực hiện dự án trồng rừng kinh tế. Cụ thể đã ký hợp tác với nhóm hộ này, trồng 107 ha điều thực sinh ở tiểu khu 1500 và 1504. Công ty cũng đã thực hiện việc thuê 9 người trong những gia đình này lập thành đội bảo vệ 500 ha rừng tự nhiên giáp ranh với rừng trồng của họ. Điểu Bức cho biết: năm 2018 anh ký hợp đồng với công ty trồng 4 ha điều trên phần đất rẫy của gia đình. Vụ thu hoạch vừa qua, tuy mất mùa nhưng vẫn thu 2 tấn hạt, bán được gần 50 triệu đồng. Điểu Bức cũng tham gia và làm trưởng nhóm 9 thành viên bảo vệ 500 ha rừng tự nhiên. Mỗi năm công ty trả cho cả nhóm 150 triệu đồng.

          Việc hợp tác trồng rừng kinh tế và thuê giữ rừng áp dụng với các hộ người S’Tiêng và M’Nông ở vùng giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông, Bình Phước chỉ là giải pháp tình thế để giữ rừng trước mắt và trong điều kiện, thời gian nhất định. Điều này không thể nhân rộng, phổ cập với hàng chục ngàn trường hợp khác. Giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn rừng lập vườn, dựng nhà ở Đắk Nông vẫn đang nhập nhằng khó gỡ.

            Rừng cho danh phận

          Đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) phối hợp với xã Đắk Tăng cùng bà con làng Vi Rơ Ngheo tổ chức lễ ra mắt Làng văn hóa - du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, với nhiều loại hình du lịch đặc thù như: Du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa bản địa.

           Vi Rơ Ngheo có 63 hộ, hơn 300 khẩu là dân tộc Xơ Đăng. Vì sao một làng nhỏ, nhiều hộ mới thoát nghèo, cách xa thị trấn Măng Đen - trung tâm huyện Kon Plông - đến 40 km lại trở thành làng du lịch đầy triển vọng cuốn hút du khách? Câu chuyện xuất phát từ A Hiền- thủ lĩnh của dân làng Vi Rơ Ngheo. Hơn 10 năm trước, A Hiền vận động các hộ  nhận hơn 1.000 ha rừng bao bọc quanh làng để khoanh nuôi, bảo vệ. Từ những chuyến tuần rừng, A Hiền cùng đám trai làng đã chọn những cây phong lan mang về, gắn lên cành cây ở các ngọn đồi bao bọc quanh làng, gá lên hàng rào, cổng nhà. Khí hậu vùng này hợp với phong lan, cây phát triển tốt, hoa thay nhau rộ suốt mùa xuân đến mùa hạ. Đến nay dân làng Vi Rơ Ngheo đã sưu tầm, nhân giống trồng trên 1.000 chậu địa lan và phong lan; khoanh nuôi, bảo tồn 5 đồi hoa phong lan và hoa sim, hoa mua quanh làng. Họ đã tận dụng những vật liệu sẵn có như: Những cây gỗ chết để làm cổng chào, hàng rào gắn hoa lan; khai thác đá dưới suối dựng thành lối đi, tạo cảnh quan và không gian nhuốm màu cổ tích. A Hiền cho biết: đàn trâu của gia đình anh hiện nay đã lên đến 16 con. Đó là chưa kể số trâu đã bán trong những năm qua hơn chục con. Đàn trâu này cũng sinh sôi từ hai con trâu giống mua từ khoản tiền dịch vụ môi trường rừng cách đây hơn 10 năm. Một phần kinh phí để xây dựng làng Vi Rơ Ngheo thành làng du lịch được lấy từ khoản tiền do dịch vụ môi trường tỉnh Kon Tum chi trả.

           Ông Nguyễn Văn Bảy, phó Chủ tịch UBND xã Đắk Tăng khẳng định: Từ khi bà con nhận quản lý, bảo vệ rừng, trên địa bàn của xã tuyệt đối chấm dứt tình trạng  khai thác gỗ trái phép, hay lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.

          Nếu như ở huyện Kon Plông bà con dân tộc thiểu số thực sự trở thành chủ rừng, gắn với rừng để thoát nghèo bền vững bằng việc chăn nuôi gia súc, phát triển du lịch, thì ở huyện Tu Mơ Rông nhiều người đã giàu lên nhờ nhận rừng bảo vệ, khoanh nuôi rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Tu Mơ Rông có hơn 2/3 diện tích là rừng tự nhiên, nhiều khu vực có độ cao từ 1.700 đến hơn 2.000 mét so với mực nước biển, phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh được mệnh danh quốc bảo.

         Anh Nguyễn Xuân Tuấn là điển hình về trồng sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông. Là kỹ sư nông nghiệp, có nhiều năm chuyên hỗ trợ khách hàng trồng phát triển rau xanh và các loại cây dược liệu ở Bình Phước. Một lần đến tỉnh Kon Tum thăm mô hình sâm Ngọc Linh, anh bị cuốn hút đặc biệt bởi loài cây này. Về lại Bình Phước, anh bàn với vợ bán hết nhà cửa, gom góp thêm vốn liếng, đến xã Tu Mơ Rông mua 10 ha đất rẫy và thuê thêm 100 ha rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Trái với mọi người mua rẫy để lập vườn trồng cây công nghiệp, vợ chồng anh Tuấn mua rẫy để nuôi rừng tái sinh. Sau gần 11 năm ngủ dưới tán rừng, thức bên luống sâm, đến nay vườn sâm Ngọc Linh của anh đã có giá trị rất lớn, gấp hơn chục lần số tiền 10 tỷ đồng anh bán nhà ở Bình Phước trước đây.

Anh Nguyễn Xuân Tuấn, thứ hai từ trái qua, bên cây sâm Ngọc Linh giống anh đã mua 150 triệu đồng cách đây 6 năm.

          Không chỉ tận dụng tán rừng để làm giàu cho gia đình, anh Tuấn còn thành lập hợp tác xã với 30 thành viên là dân tộc Xơ Đăng ở địa phương nhận rừng bảo vệ và phát triển cây sâm. Hộ nào giờ cũng đã trở nên khá giả. A Bráp trước kia chuyên làm nghề săn bắn và tìm kiếm sâm rừng trên các sườn núi, nay trở thành người chăm sóc vườn sâm cho anh Tuấn với thu nhập ổn định. A Bráp cũng là thành viên của HTX, và còn có vườn sâm Ngọc Linh riêng của mình, với 1.100 cây, trị giá trên 700 triệu đồng.

          Ông Võ Trung Mạnh, chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đưa chúng tôi đến thăm một số vườn sâm Ngọc Linh của bà con người Xơ Đăng được trồng dưới những tán rừng tự nhiên. Đặc thù của cây sâm Ngọc Linh chỉ sinh trưởng từ lớp mùn của lá cây rừng hoai mục, nhất là những khu rừng già. Ông Mạnh cho biết: Trong 3 năm qua đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo nhờ cây sâm Ngọc Linh, trong đó có hàng trăm hộ làm giàu, có những hộ thu nhập rất cao, trên chục tỷ đồng mỗi năm. Hiện toàn bộ 11 xã trong huyện đã có 1.700 ha sâm Ngọc Linh, trong đó 7 xã đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

         Kon Tum hiện có hơn 3.300 hộ, 168 cộng đồng dân cư nhận quản lý bảo vệ  375.000 ha rừng, dẫn đầu ở khu vực Tây Nguyên trong việc thực hiện hiệu quả quyết định của Chính phủ về giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cộng đồng, cá nhân quản lý bảo vệ. Nhờ đó, nhiều hộ dân tộc thiểu số sống gần rừng có thêm việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao mọi mặt đời sống. Đồng thời rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ ngày càng nâng lên. Từ hiệu quả thiết thực này, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu tất cả các đơn vị chủ rừng phải giao cho các cộng đồng, gia đình sống gần rừng quản lý trên 50% diện tích của đơn vị đó.

           Ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, nơi nào làm được như vậy sẽ có thêm nhiều nụ cười tươi dưới những tán rừng bình yên./.

                                                                                                                                                      Lê Xuân Lãm

 

Bình luận

    Chưa có bình luận