Người giữ rừng

Mô hình du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn của vợ chồng anh Nguyễn Tấn Vàng đã mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Mô hình du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn của vợ chồng anh Nguyễn Tấn Vàng và chị Trịnh Thị Ngọc Hiện ngụ xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, là mô hình tiên phong tại địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực trong những năm gần đây.

Khởi nghiệp dưới tán rừng

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, diện tích rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây bị suy giảm. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước thực trạng này, anh Nguyễn Tấn Vàng, sinh năm 1989, đã nhen nhóm ý tưởng với mong muốn tìm giải pháp phát triển, nâng cao giá trị kinh tế dưới tán rừng. Thạc sĩ Nguyễn Tấn Vàng và bà xã Trịnh Thị Ngọc Hiện được xem là người tiên phong ở địa phương làm du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn, hướng đến sự phát triển bền vững.

Anh Nguyễn Tấn Vàng - người tiên phong làm du lịch sinh thái dưới tán rừng ngập mặn tại Bến Tre (Ảnh: Minh Đảm)

Từ nhỏ, anh Vàng đã gắn bó với tán rừng ngập mặn cùng vô số các loại thủy sản được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Thế nên khi bước vào ngưỡng cửa đại học, anh cũng lựa chọn ngành nghề phù hợp để mong mai này có thể giúp ích cho quê nhà. Sau khi ra trường, anh tiếp tục học lên thạc sĩ chuyên ngành quản lý tài nguyên và môi trường tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Với kiến thức chuyên môn sẵn có, anh bắt đầu hoạch định cho mình từng mục tiêu cụ thể. Nhớ lại thời điểm nhen nhóm ý tưởng làm du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn, ai cũng cho rằng đây là ý tưởng rất khó thực hiện. Thế nhưng bằng tình yêu với rừng và mảnh đất quê hương đã thôi thúc anh Nguyễn Tấn Vàng quyết tâm làm cho được: “Tôi mong muốn người dân cùng bám đất, giữ rừng, trồng rừng và khai thác những lợi ích từ rừng mang lại”. Thực tế đây là cách làm hay, bởi nó gắn liền với nguyên lý của sự phát triển bền vững. Đó chính là sự kết hợp hài hòa cả các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Ở Bến Tre, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong ngăn chặn, hạn chế tác hại của gió bão, sóng biển và góp phần bảo vệ môi trường biển. Về xứ dừa, không gian xanh mát bao phủ cả một vùng đất, tạo cho du khách cảm giác yên bình, hứng thú mỗi lần ghé thăm. Tài nguyên bản địa phong phú là động lực thôi thúc anh Vàng bỏ phố về quê lập nghiệp. Thời gian đầu khởi nghiệp, vợ chồng anh đối diện với không ít khó khăn. Như bao thanh niên khác, khó khăn lớn nhất mà anh Nguyễn Tấn Vàng gặp phải là vấn đề về vốn. Lúc này, gia đình là nơi hỗ trợ anh về mọi mặt tài chính. Sau khi có được số vốn trong tay, anh thuê đất của người dân địa phương trồng rừng kết hợp nuôi các loại thủy sản như: tôm, cua, cá. Đến năm 2020, anh quyết định mở nông trại du lịch có diện tích 13ha, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm và đặt tên là "Người giữ rừng".

Chị Trịnh Thị Ngọc Hiện (vợ anh Nguyễn Tấn Vàng) chia sẻ về vai trò của rừng ngập mặn.

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, “Người giữ rừng” đã mang lại những giá trị thiết thực cho người dân sinh sống dưới tán rừng ngập mặn ven biển Bình Đại, nhất là đảm bảo được sinh kế, để bà con yên tâm bám đất, giữ rừng. Hiện nay, anh Vàng giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, với mô hình này, anh còn giúp nhiều người trẻ, nhất là các bạn học sinh, sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn và hệ sinh thái tự nhiên thông qua các hoạt động trải nghiệm thú vị tại khu du lịch. “Hướng dẫn các bạn trồng rừng, bạn nào cũng chăm chú lắng nghe và làm theo, còn phụ huynh thì hài lòng khi thấy con em mình có được trải nghiệm hay là mình vui rồi”, anh Vàng chia sẻ.

Vào các tháng cao điểm của mùa du lịch, du khách gần xa đến đây được anh Nguyễn Tấn Vàng chia sẻ về vai trò của rừng ngập mặn và tận tay trồng cây gây rừng. Mỗi mầm xanh được chăm chút, cẩn thận vùi vào trong đất khiến đôi vợ chồng trẻ càng thêm hạnh phúc với công việc mình đang làm. Trồng rừng như nuôi con nhỏ”, chị Trịnh Thị Ngọc Hiện trải lòng. Mỗi ngày thấy cây cối khỏe mạnh, cao lớn, chị Hiện rất vui mừng, còn mỗi khi cây bị sâu bệnh, kém phát triển, trong lòng chị cũng lo lắng. Rừng ở nông trại được chăm chút từng ngày, cây nào bật gốc được đem đi trồng lại, cây nào bị sâu bệnh thì anh chị tìm cách điều trị, ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh.

Sau quá trình trồng, cây đã bắt đầu phát triển

Không ngại gian khó

Mới xây dựng được điểm du lịch sinh thái chưa bao lâu, dịch Covid-19 ập đến gây ảnh hưởng đến ngành du lịch nói chung và vợ chồng anh Nguyễn Tấn Vàng nói riêng. Lúc này, điểm lưu trú, khu vui chơi tạm đóng cửa, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn không nản lòng. Sau khi kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội, anh Vàng, chị Hiện “làm lại từ đầu”.

Việc kêu gọi người dân bám đất, giữ rừng không phải là chuyện một sớm, một chiều. Anh Vàng cho hay: “Lúc đầu tôi nhờ xã vận động để bà con cùng làm nhưng hầu hết người dân địa phương từ chối và tự thiết kế trang trại mẫu của mình”. Vợ chồng anh Vàng không vội vàng đi ngay vào vấn đề lợi nhuận của du lịch sinh thái mà từng bước thuyết phục để bà con thấy rằng, giá trị thủy sản dưới tán rừng mới là điều quan trọng nhất. Không ngại nắng mưa, vợ chồng anh Vàng, chị Hiện đến gặp từng hộ dân trong vùng, hướng dẫn họ cách nuôi trồng sạch. Thủy sản đánh bắt ở rừng ngập mặn sẽ được mua lại cao hơn 15% giá bán ở chợ địa phương nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, cá nhỏ sẽ không thu mua. Từ đó, người dân không bắt tôm cá nhỏ mà thả nuôi cho chúng lớn và trồng thêm rừng cho các loài thủy sản như cá, tôm, cua vào trú ngụ, sinh sản. Hiệu quả của mô hình “Người giữ rừng” đã và đang lan tỏa đến nhiều hộ dân có rừng ngập mặn ở Bến Tre. Bà con đã thấy lợi ích của rừng, không chỉ có nhiều sinh kế tăng thu nhập mà còn khai thác lâu dài, bền vững, từ đó, người dân thay đổi thói quen, cùng nhau bảo vệ rừng.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm đánh bắt hải sản.

Mô hình khởi nghiệp tiêu biểu

Những năm qua, mô hình “Người giữ rừng” do vợ chồng Thạc sĩ Nguyễn Tấn Vàng sáng lập đã trồng hàng chục héc-ta rừng ngập mặn ven bờ. Theo anh Vàng, giá trị mà rừng ngập mặn mang đến cho con người rất lớn, nó không chỉ là nguồn thủy sản tự nhiên quý giá mà còn là bức tường xanh chắn sóng, hạn chế những diễn tiến bất thường do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Bến Tre là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng do mưa bão, nhất là hạn mặn lịch sử năm 2020 đã tác động nặng nề đến cuộc sống người dân địa phương. Chính vì thế, việc bảo vệ rừng càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Anh Vàng lo lắng: “Trong xu hướng công nghiệp hóa như hiện nay, rừng do người dân quản lý bị chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp không chỉ làm thu hẹp diện tích rừng mà nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên cũng suy giảm”. Thực trạng này càng thôi thúc vợ chồng anh chị tìm ra giải pháp. Thạc sĩ Trịnh Thị Ngọc Hiện tâm huyết: “Làm du lịch phải có trách nhiệm, đặc biệt khi chính mình là người tiên phong, có trách nhiệm với người dân và với rừng. Muốn phát triển bền vững thì không sử dụng tài nguyên một cách triệt để cạn kiệt mà ngược lại cần bồi dưỡng và tu bổ cho nó”.

Trồng cây gây rừng là hoạt động thường niên được tổ chức tại đây.

Chị Hiện cho rằng, việc mình làm xuất phát từ mong ước bình dị, đó là giữ rừng cho biển. Câu nói ấy khiến tôi suy nghĩ nhiều, bởi lẽ có những điều nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng khi bắt tay vào làm mới biết “sức nặng” của nó ra sao. Từ thành công của mô hình mang lại, ngành chức năng địa phương đánh giá mô hình này rất hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế cho người dân, giúp người dân bảo vệ rừng tốt hơn. Đồng thời xây dựng được không gian giáo dục, đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của môi trường, cửa rừng thông qua việc lồng ghép các hoạt động trải nghiệm trong khu du lịch cũng là điểm sáng cần được phát huy./.

 “Làm du lịch phải có trách nhiệm, đặc biệt khi chính mình là người tiên phong, có trách nhiệm với người dân và với rừng. Muốn phát triển bền vững thì không sử dụng tài nguyên một cách triệt để cạn kiệt mà ngược lại cần bồi dưỡng và tu bổ cho nó”.

Thạc sĩ Trịnh Thị Ngọc Hiện


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận