Vùng đất chỉ có cát và cát, diện tích của xã cũng khá khiêm tốn như dân số, toàn xã chỉ hơn 20km2, một xã nhỏ vinh dự được 3 lần Nhà nước phong tặng Anh hùng (1969, 1972, 1985).
Xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có hơn 4.700 người đã ngã xuống, trong đó được Nhà nước công nhận 1.430 liệt sĩ, gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 300 thương binh, bệnh binh, hàng trăm người bị tù đày… Dân số toàn xã hiện tại hơn 7 ngàn người thì số người chết, hy sinh và thương - bệnh binh đã bằng số người sống.
Nơi văn chương mọc lên từ cát
Nói đến xã Bình Dương, Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Chu Cẩm Phong đã viết: “Bây chừ dân Bình Dương không biết làm chi ngoài làm cách mạng”. (Chu Cẩm Phong ghi trong nhật ký ngày 4/1/1969).
Thời chiến tranh, chứng kiến người Bình Dương từ già đến trẻ làm cách mạng thời chiến tranh đã chạm đến cảm xúc để Chu Cẩm Phong cho ra những tác phẩm để đời: Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám, Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt Biển - Mặt trận, Rét tháng Giêng, Mẹ con chị Hiền.
Cũng mảnh đất ấy, thời chiến tranh ác liệt, đã trở thành cái nôi của các văn nghệ sĩ hoạt động sáng tác. Ngoài Chu Cẩm Phong còn có nhiều cây bút chiến sĩ như Nguyên Ngọc, Dương Thị Xuân Quý, Thái Bá Lợi… ở những giai đoạn cam go nhất. Chính từ Bình Dương, “Cát cháy”, “Mặt biển - Mặt trận”, “Gương mặt thách thức” của Nguyên Ngọc, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý ra đời, trở thành hợp khúc hùng ca bất tử trên cát.
Mảnh đất mặt Tây giáp sông Trường Giang, mặt Đông giáp biển mà với những con người kiên cường là nguồn cảm hứng để thị sĩ Dương Thị Xuân Quý cho ra đời bài thơ “Hạnh phúc”: Thôn Sáu Bình Dương bãi cát sóng dồi/ Nắng long lanh trong mắt người bám biển/Giặc mới lui càn khi em vừa đến/Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng/Quanh những bờ dương bị giặc san bằng/Đã mở lại những chiến hào gan góc/Những em bé, dưới mưa bom vẫn đi làm đi học…
Nữ sĩ Dương Thị Xuân Quý sinh ra trong một gia đình và dòng họ nổi tiếng tại Hà Nội. Những cái tên có nhiều đóng góp trong lịch sử văn hóa, nghệ thuật và giáo dục như Dương Quảng Hàm (giáo sư, biên soạn Quốc văn Giáo khoa thư), Dương Bá Trạc (danh sĩ), Dương Bích Liên (họa sĩ, nổi tiếng trong tứ trụ hội họa Việt Nam là Nghiêm - Liên - Sáng - Phái)... Bà là vợ của thi sĩ Bùi Minh Quốc. Hai người vừa có cô con gái đầu lòng đã gửi lại con cho bà ngoại ở miền Bắc chăm sóc để cùng chồng vào chiến trường Nam Trung bộ. Nữ thi sĩ đã anh dũng ngã xuống ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Nhà thơ Bùi Minh Quốc đau đớn: "Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên / Trên mồ em mùa xuân ở mãi / Trời chiến trời vẫn một sắc xanh nguyên...".
Cũng chính sự hy sinh quá lớn của Bình Dương, sau chiến tranh, những tên tuổi lớn trong làng văn nghệ như các đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy, Nguyễn Khắc Lợi, Huỳnh Hùng, các nhà thơ, nhà văn Xuân Diệu, Trinh Đường, Trung Trung Đỉnh, Thanh Quế, Nguyễn Khắc Phục, Thu Bồn, Thanh Thảo… đã tiếp nối những khúc tráng ca về mảnh đất sinh ra những con người mà “còn một cái đinh nó còn làm cách mạng”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì nói rằng: “Bình Dương là bản hùng ca trên cát”! Giữa cỏ và hoa hồng làm sao phân chia ngôi vị?
Căn cứ cát
Cách đây hơn một tháng tôi về dự đám tang cụ Phan Thanh Toán, nguyên Bí thư huyện Thăng Bình. Cụ là người chỉ huy căn cứ lõm Bàu Bính, thuộc thôn 4 xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Đám tang cụ trong niềm thương tiếc bởi người dân trên cát từng chứng kiến oai hùng mà cụ là người chỉ huy.
Ghé nhà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khoáng ở làng Bàu Bính Hạ thắp nén nhang. Mẹ là 1 trong số gần 400 mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Trong căn nhà tình nghĩa ấm áp do Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng trao tặng, nhìn ra căn cứ trường Hòa Bình, ngôi trường được thành lập dưới cát năm 1955. Tôi nhìn quanh khu trường chỉ có nhà bia đánh dấu di tích cách mạng cấp tỉnh nằm khiêm tốn trong đám bụi rậm xương rồng. Còn lại cũng chỉ cát sưởi nắng vẫn chưa đổi màu.
Mỗi lần tôi về ghé thăm, mẹ thấy mừng, vội vã thổi bếp nấu cơm giữ tôi lại dùng bữa. Như mọi lần, mùi thơm từ rác dương liễu tỏa ra ở chái bếp thơm lựng. Mẹ Khoáng vừa thổi lửa, vừa kể chuyện hoạt động tiếp tế lương thực bộ đội ở căn cứ. Câu chuyện mẹ kể thật thú vị cứ lôi cuốn tôi theo như đang đọc tiểu thuyết, bởi một người mẹ chưa học hết lớp 3 mà đã qua mặt bao nhiêu lớp lính canh gác để tải lượng thực thuốc men về tiếp tế bộ đội và du kích.
Nhưng rồi đến đoạn mẹ kể về 3 con của mẹ anh dũng hy sinh. Mẹ kìm nén nỗi đau, nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của bà mẹ già 80 tuổi. Từ người con gái đầu lòng tham gia bộ đội mới ở độ tuổi trăng tròn hy sinh, rồi lại liên tiếp nhận tin dữ 2 con trai mẹ hy sinh. Chưa đầy 3 năm mà mẹ đã đón 3 tin dữ, 2 người con trai và một người con gái đã lần lượt ra đi, mẹ như gục ngã trước sự mất mát quá lớn này.
Thấy mẹ chạm về ký ức đớn đau xưa, tôi ngắt lời hỏi về trường Hòa Bình, mẹ kể: “Khi trường mới thành lập, mẹ là người đi vận động thanh niên các xã lân cận về học. Nói là trường, chứ những căn nhà lá tạm bợ, chủ yếu ở là hầm. Hồi nớ ở đây cũng là nơi hội họp các đoàn thể, tổ chức các cuộc mít tinh nhằm triển khai chủ trương đường lối của Đảng”.
Đưa tôi ra sau hè, mẹ chỉ tay về tấm bia di tích của trường hồ hởi kể đầy tự hào: Ngay nhà bia bây chờ, năm 1965, lần đầu tiên dựng cầu danh dự để tuyển hơn 300 thanh niên của xã xung phong lên đường tòng quân cứu nước. Sau lần đó, Cầu danh dự trường Hòa Bình có sức hút rất lớn, động viên tinh thần thanh niên ở xã và các xã lân cận tình nguyện nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Đảng và Bác Hồ đi giải phòng quê hương”.
Hào hùng căn cứ lõm
Tìm về căn cứ lõm Bàu Bính, nếu không có sự chỉ dẫn của người dân chắc tôi bị lạc lối. Từ khi mở tuyến đường Võ Chí Công ven biển kết nối TP. Đà Nẵng, Di sản văn hóa Hội An với Khu kinh tế mở Chu Lai khiến nơi đây từ vùng cát trắng trở nên trù phú hơn nhiều.
Đặc biệt, Bàu Bính nằm giáp tuyến đường Võ Chí Công, giữa trung tâm du lịch lớn Nam Hội An. Những xóm nhà nhỏ heo hút khô cằn xưa bây giờ nhà cửa đông đúc, vườn nhà xanh biếc. Anh Tám gặp tôi mừng vui kể: “Từ khi hai trung tâm du lịch Nam Hội An hình thành, kinh tế nơi đây phát triển đáng mừng. Nhờ con em đi làm du lịch, có thu nhập ổn định, nhờ rứa mà đời sống khá hớn xưa”.
Dạo quanh căn cứ, diện tích căn cứ cũng khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 2km2 mà nơi đây có đến 8 chiếc máy bay, 7 xe tăng - thiết giáp cháy rụi. Thời chiến tranh, nhắc đến cái tên “Bàu Bính” là quân thù khiếp sợ. Không tiếc bom đạn dội xuống hòng xóa bỏ căn cứ, nhưng bao nhiêu máy bay, xe tăng hàng trăm tấn bom, đạn trút xuống đều vô nghĩa. Sự nổi tiếng của Bàu Bính chạm đến cảm xúc cố nhà thơ Tố Hữu: “Sống trên cát chết vùi trong cát/những trái tim như ngọc sáng ngời”, câu thơ vận vào chính “Bàu Bính”.
Cái căn cứ trên cát trắng không có rào chắn, không có rừng, chỉ duy nhất một cây dương liễu sống nhưng thân hình nó mang đầy vết thương của đạn mà các chiến sĩ cách mạng gọi là “Cây dương thần”. Nhà thơ Nguyễn Tấn Diệu từng viết: “Màu xanh nhựa sống hiện lên/ Con người nơi đó còn trên anh hùng”.
Tôi nhìn lại căn cứ xưa nay đã đổi màu, từ cát trắng những vồng khoai lang, đậu phụng, mè xanh ngát. Một đổi thay ở đất Anh hùng đang phát triển từng ngày. Anh Lê Huy Trắc - Chủ tịch xã Bình Dương tâm sự: “Thấy quê hương ngày càng phát triển mừng lắm, chính quyền và bà con nhân dân toàn xã phấn khởi và cúi đầu cảm ơn những Anh hùng - liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng đã hy sinh xương máu cho hòa bình”./.