Người mang công phu giữ làng ở Krông Bông

Võ sư Chín Hường không chỉ là thầy dạy võ duy nhất ở Krông Bông, Đắk Lắk, dẹp loạn Fulro, còn là người lập ra đội quân chuyên khiêng người bệnh chạy cấp cứu.

 

Trong ký ức của những người dân sinh sống tại 2 xã Hòa Phong, Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk, võ sư Chín Hường là già làng của người Kinh, dẹp loạn Fulro, các nhóm cướp bóc để giúp bà con khai phá rừng le (tre le) thành vùng đất màu mỡ bên dòng Krông Kmar.

Cuộc di cư của người Quảng lên miền đất mới Tây Nguyên với bao khó khăn chồng chất, lạ đất, lạ nước, lạ cả tập quán nơi núi rừng trùng điệp, lại chịu đựng cảnh tình cướp bóc và Fulro, bệnh tật…

Chạy bộ 100km đường rừng cứu người

Từ thị trấn Krông Kmar về 3 xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ và Hòa Phong, con đường dài gần 40km đầy những ổ voi, ổ trâu mà đi mất gần tiếng rưỡi đồng hồ mới tới nơi. Ông Hai Lanh vừa lạng lách tránh ổ gà, vừa trấn an: “Mi ngồi im, giữ chặt là được, đường ni không quen là chạy coi chừng té xấp mặt như chơi”.

Những cái sóc do xe lố trớn sụp ổ voi khiến tôi thốn người, nhưng ông Hai Lanh dù ở tuổi 70, người nhỏ con, gầy gò vẫn giữ chắc tay lái. Trong đầu tôi suy nghĩ không hiểu cách đây 35 năm về trước nơi đây đường sá như thế nào, người đi kinh tế mới gặp bệnh tật làm sao cứu chữa?

Tôi buột miệng hỏi: “Mấy chục năm trước bà con mình gặp bệnh làm chi cấp cứu được”? Ông Hai Lanh lắc đầu rồi cười nói: “Hồi nớ làm chi có đường sá như chừ, hồi nớ Krông Bông còn thuộc huyện Krông Pắc, mình ở đây thuộc loại vùng sâu vùng xa. Nên ai bị bệnh thì lấy võng xỏ đòn le khiêng chạy, làm chi có xe cấp cứu như chừ. Cứ một đội 4 người thay phiên nhau khiêng người bệnh, hay người đẻ khó băng rừng, lội suối chạy suốt gần cả 100km”.

Đội khiêng người cấp cứu Hòa Phong, từ trong ra ngoài: 5 Viện, Tám Ơi, Chín Hường, Hai Lanh và 6 Hột.

Ông Hai Lanh hỏi: “Mi có biết hồi trước mới vô đây, tau làm chi không”? Tôi lắc đầu. Ông thắng xe dừng lại hút thuốc, chỉ về hướng chiếc cầu treo nói: “Hồi mới vô đây, tau nằm trong đội cấp cứu, chủ yếu khiêng người bệnh, người đẻ khó từ xã lên thị trấn Phước An, Krông Pắc cứu chữa”.

Ông Hai Lanh quê Cẩm Kim, Hội An, Quảng Nam vào kinh tế mới năm 1977. Một thanh niên trai tráng chuyên nghề sông nước di cư lên miền đất đỏ, rừng sâu núi thẳm lập nghiệp với những lạ lẫm, khốn khó. Để sinh tồn ở đất khách, chàng thanh niên cùng những thanh niên trai tráng khác đến thầy Chín Hường bái sư học võ. “Hồi trước khi đi làm phải đi thành từng nhóm ít nhất 10 người để cùng bảo vệ nhau, đi ít sợ Fulro, cọp, beo, cá sấu và thú dữ. Để phòng thân, tau đi học võ rồi vào đội cấp cứu, chạy thuộc loại thiện chiến nhất trong nhóm”, ông Hai Lanh tâm sự.

Đội quân cứu người đánh dẹp Fulro

Chuyện đội quân chuyên khiêng người cấp cứu cách đây 35 năm về trước tưởng chừng chìm vào thời gian với người dân Hòa Phong, bởi đội quân cấp cứu năm xưa người còn, người theo tổ tiên. Những người còn sống nay ít nhất cũng xấp xỉ 70 tuổi, nhưng trong họ luôn tự hào về quá khứ làm việc ý nghĩa, nhân văn của mình để bảo vệ và cấp cứu bà con quê hương đất Quảng lên lập nghiệp. 

Chiếc cầu cách đây hơn 30 năm về trước những người khiêng bệnh chạy cấp cứu.

Trở thành tục lệ, hằng năm vào rằm tháng 7 âm lịch, nhóm người chuyên khiêng người chạy đi cấp cứu năm xưa cùng bà con xã Hòa Phong - Hòa Lễ tập trung tại Thạch Động thuộc thôn 5 xã Hòa Phong sắm lễ vật cúng bái các chiến sĩ hy sinh, tử trận tử nạn trong chiến tranh. Thạch Động là nơi cơ quan Tỉnh ủy Đắk Lắk đóng trước giải phóng, cũng là nơi cứu thương bộ đội thời chiến tranh.

Thạch Động là vùng đất bằng dưới chân núi. Xưa kia nơi đây là rừng le, trên núi toàn gỗ kà te (gỗ loại 1 giống gỗ lim), bà con vào khai phá rừng le để chia đất trồng cà phê, nhóm khác lên núi khai thác gỗ về kiếm sống. Khi rừng le vừa khai phá xong, Fulro mang súng đến đuổi không cho làm, và chặn cả đường đi rừng lấy gỗ.

Bà con về kể lại chuyện với Chín Hường, bởi lão võ sư này ít nhiều bọn Fulro quanh khu vực nể phần nào, mong Chín Hường tìm cách lấy lại đất đai mà công sức cả chục người bỏ ra một năm trời khai phá. Nhiều cuộc đàm phán không thành, Chín Hường quyết định đánh liều với Fulro. “Để đánh bại đám người không rõ lai lịch, có vũ khí súng đạn không dễ, không khéo bọn chúng trả thù thì khổ cho bà con, tôi lên phố tìm Tám Ơi về bàn cách trợ giúp”, võ sư Chín Hường nhớ lại.

Tám Ơi cùng quê Cẩm Nam (Hội An) với Chín Hường, cùng đồng môn học võ. Lúc đó, Tám Ơi là tay giang hồ có số má ở Ban Mê Thuột. Người có nhiều tài và hiểu biết về chiến thuật, trận mạc, cũng là tay uống rượu chưa bao giờ biết say. Vì vậy, nhiều lần nhóm giang hồ Tám Ơi tay không đánh bại nhiều tán Fulro nhỏ có vũ khí ở biên giới huyện Ea Súp (giáp biên với Campuchia có rất đông bà con người Quảng đi kinh tế mới sinh sống).

Tác giả và võ sư Chín Hường (áo xanh).

Tám Ơi về Thạch Động nấu rượu, chủ yếu phục vụ cho nhóm Fulro. Qua 3 tháng trường, nhờ nấu rượu và cưa bom mìn đánh cá suối, rượu bán lấy tiền, còn cá tặng không, Tám Ơi thân thiết rồi nắm bắt hết số lượng và cách hoạt động của nhóm Fulro. “Hơn một tuần tau bỏ lên phố chơi, phần liên lạc thêm anh em giang hồ rồi trở lại. Về lại Thạch Động, bọn Fulro đến hỏi rượu, tau nói hết gạo, hết sắn, hết bắp rồi”, Tám Ơi kể, “mục đích là để đàm phán tụi nó nhường lại phần đất mà bà con khai phá để trồng trọt, nếu chấp nhận thì đỡ phải đổ máu, vừa an toàn cho bà con. Nhưng tụi nó không chịu, đành tập hợp anh em lò võ Chín Hường rồi thêm ít anh em giang hồ phục rượu, bắt sống những tên liên lạc rồi đánh úp và xóa sổ bọn chúng”, tay giang hồ Tám Ơi kể lại.

Đến nay, diện tích hơn 5ha cà phê đầu tiên tại Hòa Phong giành lại từ Fulro vẫn còn tại Thạch Động.

Người lập đội quân khiêng người cấp cứu

Nói đến võ sư Chín Hường, hầu như những người lớn tuổi ở các xã Hòa Phong, Hòa Lễ, Khuyên Ngọc Điền, thậm chí Điện Tân và cả Cư Pui ai cũng biết. Bởi ông không chỉ là thầy dạy võ duy nhất ở vùng này. Lão võ sư là người lập ra đội quân chuyên khiêng người bệnh chạy cấp cứu. Chín Hường cũng dẫn đệ tử phục đánh những nhóm giả danh Fulro chuyên đến cướp bóc trâu, bò, heo, gà của bà con người Quảng ở vùng này, nên tên tuổi ông lừng danh. Ông mê học võ từ 9 tuổi, đến 16 tuổi Chín Hường đã bái học 3 thầy ở Hội An. Lớn lên ông đi bộ đội, năm 1975 giải phóng, nhờ có võ nghệ nên đơn vị điều ông về đóng ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam) để huấn luyện võ thuật cho những vệ binh canh giữ người cải tạo chiến tranh. Đến năm 1976, ông xuất ngũ, cũng là lúc địa phương ưu tiên đưa ông đi kinh tế mới tại Hòa Phong.

Cúng tế các chiến sĩ hy sinh tại Thạch Động.

“Ngày nớ lên đây heo hút đến rợn người, nhà cửa bà con mình cũng thưa thớt, nghèo khổ. Suốt ngày bà con bị bọn Fulro xúi giục dân bản ra cướp heo gà, đe dọa không cho khai hoang mở đất, nhiều nhóm lợi dụng danh nghĩa Fulro đến cướp tài sản bà con”, Chín Hường kể lại.

Xuất thân từ người lính, lại có võ thuật cao siêu, ông mở lò võ chỉ dạy miễn phí cho thanh niên. “Mở lò võ mục đích dạy cho anh em món nghề để rèn luyện sức khỏe, phòng thân né đòn khi đi một mình bị phe nhóm, thú dữ tấn công”. Lò võ ngày càng thu hút thanh niên các xã xung quanh đến học võ, học bơi suối… Khi lớp học lên tới cả trăm đệ tử, Chín Hường đưa quân đi các nơi truy tìm những nhóm chuyên cướp bóc của cải bà con để xóa sổ. Từ đó, tiếng tăm võ sư Chín Hường vang danh khắp vùng, cuộc sống của bà con tạm ổn. Nhưng tình trạng bệnh tật, đau ốm, sốt rét hành hạ bà con, bởi bệnh viện cách xa cả 100km. Để giúp bà con, lão võ sư chia nhóm đệ tử xã nào về xã nấy, rồi chọn ra những người khỏe mạnh dẻo dai thành lập nhóm từ 8 đến 16 người chuyên khiêng người bệnh chạy cấp cứu.

“Thời đó tuy khổ, nhưng anh em ai cũng khỏe, khiêng người là chạy, lúc mệt là đổi cặp khác chạy tiếp. Những ca đẻ khó cần chạy nhanh thì 6 anh em, còn bệnh khác chỉ 4 người. Thấy anh em quanh năm chỉ làm việc nghĩa giúp người, bỏ công ăn việc làm, không làm nương rẫy chi được, tôi vận động bà con trong xã đến giúp, nhờ rứa mà đội khiêng người cấp cứu duy trì hơn chục năm, đến khi mở đường mới ngưng”, võ sư Chín Hường thổ lộ./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận