Nhắc đến Chao Phraya, dòng sông chia thủ đô Bangkok (Thái Lan) thành 2 nửa, được du khách từ khắp nơi trên thế giới ví như “Venice của phương Đông” bởi vẻ đẹp cổ kính nhưng cũng rất nên thơ, lãng mạn. Vẻ đẹp của dòng sông huyền thoại này có một sức mê hoặc, quyến rũ mang đậm dấu ấn thời gian từ quá khứ tới hiện tại, phác họa nên lối sống, nét văn hóa đặc trưng của người dân Thái vùng sông nước.
Trải nghiệm “bus” đường sông trên dòng Chao Phraya
Sau tour bay dù 1 tuần tại thị trấn Lom Kao, tỉnh Petchabun, Thái Lan, tôi có 1 ngày nghỉ ngơi tại Bangkok trước khi về Việt Nam. Tận hưởng một đêm nghỉ ngơi sâu để phục hồi sức khoẻ sau chuyến đi dài gần 10h bằng xe khách, tôi quyết định cho mình một hành trình ngắn trong ngày cuối cùng của chuyến đi, khám phá những danh thắng, di tích hai bên bờ sông Chao Phraya.
Đã tìm hiểu kỹ thông tin từ trước, sau bữa sáng tại khách sạn, tôi chuẩn bị sẵn bữa trưa với 2 chiếc bánh kẹp, chút hoa quả và nước uống tại siêu thị Seven Eleven rồi mua vé skytrain ra bến tàu du lịch River City - bến tàu du lịch chính ở Bangkok.
Sông Chao Phraya đoạn chảy qua thủ đô Bangkok dài 21km và cứ 20 phút có một chuyến “bus” từ bến River City đi các điểm du lịch trên quãng sông này. Các tuyến “bus” sông đều chạy từ sáng sớm cho tới 4 giờ chiều để đưa du khách và người dân đi lại giữa hai bờ Chao Phraya. Du khách có thể dễ dàng mua vé tại các bến thuyền và tự lựa chọn 1 trong 5 loại thuyền được nhận biết bằng màu sắc của lá cờ ở phía đuôi thuyền. Thuyền du lịch là loại gắn cờ màu da cam sẽ dừng ở các điểm tham quan du lịch hai bên bờ sông, chặng dài nhất có giá 25 bath (khoảng 18.000 đồng) và chặng ngắn nhất có giá 5 bath (khoảng 3.500 đồng). Ở chặng đầu tiên (khoảng 30 phút). du khách đi loại thuyền du lịch sẽ có hướng dẫn viên giới thiệu kể về lịch sử dòng Chao Phraya, các ngôi chùa nổi tiếng, cung điện hoàng gia… là những danh thắng nằm dọc 2 bên bờ sông.
Sông Chao Phraya - “Dòng sông của các vị vua”. Được bắt nguồn từ sự hợp lưu giữa sông Ping và sông Nan tại tỉnh Nakhon Sawan, sông Chao Phraya từ phía Bắc xuống phía Nam đến Bangkok và chảy ra vịnh Thái Lan với chiều dài lên đến 372km. Chao Phraya là một trong những dòng sông nổi tiếng nhất của người dân xứ sở Chùa Vàng.
Ngồi du thuyền trên dòng Chao Phraya vẫn là một sự lựa chọn tuyệt vời nhất để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của dòng sông huyền thoại này. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời khi ngược theo dòng sông, du khách cũng sẽ từng bước chứng kiến những dấu ấn lịch sử ngược dòng thời gian về quá khứ. Một bên bờ là Bangkok xưa cũ với những ngôi làng trầm mặc nằm xen dưới tán cây già và những ngôi đền chùa cổ kính có lịch sử hàng nghìn năm. Bờ bên kia là một Bangkok hiện đại với hàng loạt tòa nhà có kiến trúc độc đáo cao chọc trời, các trung tâm thương mại sầm uất và những khu phố hoa lệ rực rỡ ánh đèn đêm.
Tour daily qua các ngôi chùa cổ
Sau 30 phút của chặng “bus” đầu tiên, tôi được nghe nhân viên soát vé kiêm hướng dẫn viên du lịch người bản địa giới thiệu về biệt danh “Sông của các vị vua” do Vua Rama I đặt tên, hay danh hiệu “Venice của phương Đông” mà du khách đặt cho dòng Chao Phraya cũng như câu chuyện lịch sử Bangkok và những di tích ở hai bên bờ sông gắn liền với lịch sử, tôn giáo và nền văn hóa đặc sắc của người dân Thái vùng sông nước.
Có nhiều điểm dừng chân trong hành trình trên sông Chao Phraya như: Cung điện Grand Palace, cầu Phra Phuttha Yodfa và tượng vua Rama I, Bảo tàng quốc gia Royal Barges, chùa Wat Pho… Tuy nhiên, điểm đến ấn tượng là ngôi chùa nổi tiếng Wat Arun (chùa Mẹ hay chùa Bình Minh) và chùa Wat Phra Kaew (chùa Phật Ngọc).
Ngay từ khi còn cách bến thuyền Wat Pho khá xa, tôi và tất cả du khách trên thuyền đều ngỡ ngàng trước những ngọn tháp lung linh với đỉnh nhọn cao chót vót sừng sững giữa nền trời xanh thẳm ở phía xa.
Chứng kiến biểu cảm của du khách khi nhìn thấy những ngọn tháp phía xa, Papas Chantarti, hướng dẫn viên chính trên tàu giới thiệu, những ngọn tháp nhiều màu sắc phía xa là của chùa Wat Arun, ngôi chùa nổi tiếng nằm ngay kế bên chùa Wat Pho với những bức tường đa sắc màu và hàng loạt bức tranh tôn giáo được ghép từ các mảnh sành, sứ, thủy tinh vô cùng độc đáo.
Từ bến thuyền Wat Pho, sau khi lên bờ và tham quan một vòng chùa Wat Pho, tôi háo hức tiếp tục hành trình khám phá những ngọn tháp rực rỡ sắc màu của chùa Wat Arun ở kế bên. Hướng dẫn viên Papas Chantarti cho biết, chùa Wat Arun được xây vào thời vương triều Ayutthaya của những năm đầu thế kỷ 17. Ban đầu Wat Arun có tên gọi Wat Makok, tức theo tên ngôi làng mà chùa được xây dựng. Đến thời vua Rama II, Wat Arun đã trải qua một lần đại trùng tu, đồng thời đổi tên thành Wat Chaeng, theo tên của nhà vua. Đến những năm đầu thế kỷ 19, vua Rama III đã cho xây dựng một tòa tháp trung tâm “Phra Prang” cao 82 mét mới và đặt tên là Wat Arun. Đây cũng là tòa tháp đại diện cho hình ảnh ngôi chùa đến tận ngày nay. Khác với những công trình khác trong chùa, tòa tháp trung tâm được xây dựng theo kiến trúc Khmer nguyên thủy, trang trí với sành, sứ, thủy tinh nhiều màu sắc.
Dưới ánh mặt trời buổi sáng, những mảnh ghép sành, sứ, thủy tinh tại Wat Arun phản chiếu tạo thành “đại tiệc” màu sắc lung linh, ngoạn mục. Người hướng dẫn cho biết, đây cũng chính là nét hấp dẫn đặc biệt đối với du khách khi đến thăm, chiêm bái ngôi chùa Phật giáo quy mô lớn nhất Bangkok vào buổi sớm khi ánh bình minh mới lên rực rỡ hoặc lúc hoàng hôn để được chứng kiến ánh nắng chiều vàng rực phản chiếu trên những ngọn tháp cao nhiều màu sắc.
Cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Thái Lan, Chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew) tọa lạc ngay bên bờ sông, bên bến thuyền của Cung điện Hoàng gia. Nơi này được các bức tường dài hơn 1 dặm bao quanh như muốn bảo vệ sự linh thiêng của nó. Tuy trong khuôn viên của cung điện có khá nhiều ngôi chùa lớn nhỏ nhưng Wat Phra Kaew vẫn là ngôi chùa được tôn thờ nhất bởi nó cất giữ pho tượng Phật ngọc lục bảo quý giá, có ý nghĩa to lớn với toàn thể người dân Thái Lan. Trong lịch sử phong kiến, nơi đây chỉ dành cho các nhà vua và hoàng thất. Cũng bởi vậy, cho đến nay, Wat Phra Kaew là ngôi chùa duy nhất không có khu tăng xá.
Đến Wat Phra Kaew, điều đầu tiên mà người Thái nghĩ đến chính là pho tượng bằng đá ngồi thiền trên tòa sen bằng vàng hay còn gọi là tượng Phật Ngọc. Ngay phía dưới bức tượng Phật là viên ngọc lục bảo được đặt trên bệ bằng vàng cao 11m, xung quanh là những quả bóng thủy tinh tượng trưng cho nhật nguyệt.
Nếu như bạn đến chùa Phật Ngọc, hãy chú tâm đi dọc dãy hành lang để ngắm bích họa dài hơn 1km bao xung quanh chùa. Trên bích họa đó có 178 bức tranh đầy màu sắc thể hiện sự tinh xảo bậc thầy của thợ thủ công Thái Lan. Mỗi bức họa mang ý nghĩa khác nhau, tóm tắt về cuộc đời của Đức Phật từ Đản sanh cho đến khi nhập Niết bàn.
Đến Chùa Phật Ngọc, du khách không thể không ghé thăm Cung điện Hoàng gia Thái Lan. Cũng bởi vậy, chùa chỉ mở cửa đón khách theo giờ và thỉnh thoảng sẽ đóng cửa không đón du khách tham quan do ảnh hưởng từ các hoạt động của hoàng gia./.
Đêm trên sông Chao Phraya cũng là một trải nghiệm thú vị đối với du khách. Những du thuyền có thiết kế bắt mắt, không gian rộng rãi, thoáng đãng và lịch trình hấp dẫn. Đặc biệt là những bữa tiệc buffet trên du thuyền mang đặc trưng ẩm thực “xứ sở Chùa Vàng” với các món Thái truyền thống như gỏi đu đủ, cà ri và cơm kiểu Thái, Pad Thái, súp Tomyum… cũng như những món ăn thuộc nhiều phong cách ẩm thực khác nhau: sushi, thịt nướng BBQ, hải sản nướng, mì ống, trái cây tráng miệng, đồ uống… Đồng thời, trong tiệc luôn có kèm các tiết mục nghệ thuật truyền thống, hoặc các chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện đại như saxophone, nhạc sống,… mang đến những phút giây giải trí thư giãn và hấp dẫn.
|