Ghé thăm 2 bản (xã) Tăng Noong, Tăng Ta Lăng, huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông, ngồi trò chuyện cùng bà con làm đồng người bản địa, tình cờ chúng tôi được nghe câu chuyện thú vị về hành trình cây lúa nước của Việt Nam du nhập sang đất bạn Lào.
Theo ông Thọn Khăm, Chủ tịch mặt trận bản Tăng Noong, thời kỳ mới giải phóng, đồng bào các bộ tộc Lào ở bản Tăng Noong không đủ cái ăn. Cây lúa nếp trên rẫy hái về không đầy gùi nên đến mùa gặt là thường sang bên Việt Nam giúp người thân, bạn bè Cơ Tu (thuộc hai huyện Nam Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam) thu hoạch lúa. Lúa nước bên Việt Nam tốt lắm, cầm nặng tay, sướng con mắt. Vì vậy, khi được bạn bè bên ấy tặng gùi thóc mang về Lào, bà con đã không ăn mà để dành làm lúa giống.
Còn già làng Thon Đề tự hào kể rằng: Hồi đó, bà con Tăng Noong cũng học theo đồng bào Cơ Tu, vỡ được một ít đất làm mặt bằng cấy lúa, nhưng đến kỳ trổ hạt, bông lúa cứ dựng đứng, lép kẹp như mũi giáo. Sau người dân Tăng Noong học cách lấy nước suối đưa về ruộng thường xuyên, chứ không phải chỉ đưa nước về thời điểm lúc cấy hoặc gieo hạt. Từ đó, mỗi lần thu hoạch, gùi nhiều lần về nhà mà vẫn chưa hết lúa, bà con Tăng Noong ưng cái bụng lắm.
“Tuy có lúa nhưng không nhiều như bây giờ, nhờ cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam mỗi lần đi công tác sang Tăng Noong, Tăng Ta Lăng đều mang theo cả sách hướng dẫn về cách ủ lá cây, làm chuồng cho trâu bò lấy phân bón cho cây lúa. Lúa bây giờ trúng lắm”, ông Thọn Khăm không giấu được niềm vui.
Vậy là câu chuyện cây lúa nước ở các bản giáp biên với Việt Nam gồm Tăng Noong, Tăng Ta Lăng, Tăng Dơi… đều có nguồn gốc, xuất xứ kỹ thuật gieo trồng từ người Việt.