H’Xíu H’Mok: Hoa thắm của buôn làng trên 'đồi nương' báo chí - văn chương

H’Xíu H’Mok - nữ phóng viên trẻ của VOV còn là một tác giả thơ - truyện ngắn triển vọng với khả năng sáng tác song ngữ Việt - Ê Đê.

 

Là phóng viên siêng năng, tận tụy, giành nhiều giải thưởng báo chí, H’Xíu H’Mok - nữ phóng viên trẻ nhất cơ quan Đài TNVN thường trú Tây Nguyên (VOV Tây Nguyên) - còn xuất sắc trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên và là một tác giả thơ - truyện ngắn triển vọng với khả năng sáng tác song ngữ Việt - Ê Đê.

Tiếng Việt - Ê Đê đều như tiếng mẹ đẻ

Trong đại gia đình VOV Tây Nguyên, với hơn 60 cán bộ, phóng viên, biên tập viên của 7 dân tộc cùng làm việc, việc có nhiều cán bộ giỏi cả tiếng Việt, cả tiếng dân tộc, đã là một điều đương nhiên. Nhưng mọi người vẫn nhận ra sự khác biệt rất rõ ở H’Xíu H’Mok ngay từ những ngày đầu cô gái Ê Đê ấy được tuyển dụng (năm 2014), đó là chất giọng tiếng Việt không một chút pha tạp, tự nhiên như tiếng mẹ đẻ của mình.

Bất ngờ nữa là cô gái mới tốt nghiệp đại học, vừa chân ướt chân ráo nhận công tác, đã được định biên ngay vào Phòng Phóng viên, nơi mà năng suất lao động luôn gắn liền với dầm mưa dãi nắng ở cơ sở, tự tìm đề tài và tự lên kế hoạch. Đây thực sự là thách thức rất lớn, bởi trước H’Xíu, VOV Tây Nguyên đã nhiều lần đào tạo, thử nghiệm đưa các biên tập viên tiếng dân tộc thiểu số Tây Nguyên đi cơ sở viết tin bài, nhằm phát huy sở trường ngôn ngữ, tạo những bài báo phát thanh đậm chất buôn làng, nhưng kết quả đạt được rất hạn chế.

H'Xíu H'Mok trong ngày ra mắt tập truyện ngắn Những mùa rẫy.

Những biên tập viên kỳ cựu, như Nhát Lisa (tiếng Sê Đăng) Adơng, Ama Zứt (tiếng Bahnar), Ndong Brawl, K’Brọp (tiếng K’Ho)… đã lần lượt thử sức và đều viết được một số bài báo chất lượng. Nhưng với những đòi hỏi đặc thù của tác nghiệp phóng viên là ứng biến nhanh nhạy, trường kỳ đi cơ sở, đảm bảo năng suất cao với chi phí hợp lý về thời gian… thì tất cả đều bó tay.

Trước áp lực từ lịch sử công việc của các đàn anh, đàn chị, H’Xíu vẫn hồn nhiên, tươi vui nhận nhiệm vụ. Ngay từ những chuyến công tác đầu tiên, H’Xíu đã cho thấy sự thích nghi như được lập trình sẵn: thao tác ghi âm, dẫn dắt câu chuyện, ghi chép tư liệu không hề sai sót… Dù với đám trai hoạt náo ở buôn làng hay với những già làng trầm tư, nữ phóng viên cũng luôn làm chủ tình huống, lắng nghe khi cần thiết và nêu câu hỏi phù hợp bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình…

Kết quả, ngay từ những tháng đầu, khi còn trong thời gian thực tập, H’Xíu đã hoàn thành công việc vượt định mức được giao. Những tin bài cùng giọng đọc của cô liên tục xuất hiện trên các kênh phát thanh của Đài quốc gia. H’Xíu cũng nhanh chóng được lãnh đạo cơ quan VOV Tây Nguyên tin tưởng, giao biên soạn, dẫn chương trình tiếng Việt phát ở khu vực Tây Nguyên và đảm đương cả những chương trình phát thanh trực tiếp.

H'Xíu H'Mok - nữ phóng viên trẻ của VOV Tây Nguyên.

Chia sẻ về khởi đầu rất thông thuận, H’Xíu cho rằng đó là kết quả của những năm say mê công tác Đoàn Thanh niên. “Em rất thích công tác đoàn và có nhiều trải nghiệm từ thời trung học phổ thông đến đại học. Công tác đoàn rèn cho em khả năng hòa đồng và kết giao. Có lẽ em hòa đồng tự nhiên với bà con, kết giao tốt với các nhân vật ở cơ sở… nên thuận lợi trong công việc”, H’Xíu bày tỏ.

Nàng thơ viết văn đi làm báo

Thời gian đầu ở VOV Tây Nguyên, các đồng nghiệp chủ yếu biết đến phóng viên trẻ H’Xíu H’Mok ở năng lực song ngữ vượt trội và nhiệt tình công tác, một MC xinh tươi luôn khuấy động sân khấu trong những chương trình giao lưu văn nghệ, một tay chơi cầu lông có thể tiếp chiêu các anh chị từ chiều đến tối, một “bảo mẫu” dễ thương trong những chương trình chăm lo thiếu nhi do cơ quan tổ chức… Nhưng sau thời gian thực tập, năm 2015, H’Xíu cho thấy hành trang vào nghề báo của mình không chỉ có ngần ấy.

H’Xíu H’Mok trong “Diễn đàn chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” do Tỉnh đoàn Đắk Lắk tổ chức.

Năm 2015, H’Xíu cùng 3 người bạn trong nhóm của mình, xuất bản tập sách văn học: "Nhánh cỏ dưới gót chân Dam San" và đóng góp vào tập sách này những bài thơ song ngữ Việt - Ê Đê, sáng tác từ những năm còn là sinh viên. 

Năm 2020, cô phóng viên trẻ của VOV Tây Nguyên tiếp tục xuất bản tập truyện ngắn “Những mùa rẫy” của riêng mình và ghi nhận không ít thiện cảm của các văn nghệ sĩ. Nhà văn Hữu Chỉnh đã dùng chữ “lay động lòng người” cho một tác phẩm trong tập truyện. Còn  nhà văn Linh Nga Niê Kdăm cảm nhận được tấm lòng và sự cố gắng đáng quý:  "Cô phóng viên trẻ đang nỗ lực tìm kiếm lại văn hóa của dân tộc mình.... và cũng mạnh dạn tự thoát khỏi những hình ảnh quen thuộc quanh buôn để đến với những mảnh đời khác trong xã hội".

Đi - về giữa 2 giới văn học nghệ thuật và báo chí, H’Xíu được nhiều bậc đàn anh và cha chú động viên, cổ vũ. Theo nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, người dành tâm huyết cả đời và có nhiều cống hiến trong nghiên cứu, bảo tồn - phát huy văn hóa - âm nhạc Tây Nguyên, người như H’Xíu là rất quý với văn hóa Tây Nguyên, bởi bạn ấy là phóng viên được đi nhiều buôn làng, giỏi nghe - nói - đọc - viết bằng cả 2 thứ tiếng, thành thạo ghi âm chụp ảnh, nên có thể ghi lại chân thực nhất về đời sống - văn hóa ở các buôn làng.

“Tôi hiểu được bà con nói gì, hiểu sâu về văn hóa - đời sống, nhưng phần nào hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng của bà con nên có những việc không làm được. H’Xíu thì mạnh trong những việc đó, nên mong rằng bạn ấy sẽ phát huy tốt, tìm hiểu thật kỹ, ghi lại thật nhiều. Đó là những thứ rất quý để sau này bạn ấy có thể làm được những điều lớn hơn nữa, sau những bài báo về văn hóa truyền thống - đời sống các buôn làng”, nghệ sĩ Vũ Lân nhắn nhủ.

Gặt mùa này gieo những mùa sau

Với H’Xíu H’Mok, các buôn làng ở khu vực Tây Nguyên và những trầm tích văn hóa ở đây là mảnh đất màu mỡ để gieo và gặt những tác phẩm báo chí. Cùng với năng suất tin bài luôn trong top đầu của VOV Tây Nguyên, cô phóng viên trẻ nhất cơ quan còn đạt nhiều vinh dự trong nghề nghiệp với các giải báo chí từ cấp tỉnh đến cấp ngành. Ngay năm thứ 2 làm quen với nghề là 1 Giải báo chí, văn học nghệ thuật về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sau đó là các Giải viết về những cống hiến thầm lặng, Giải báo chí về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm rồi liên liên tiếp các Giải báo chí tỉnh Đắk Lắk từ 2018 đến 2022 (mà giải A chiếm đa số)…

“Từ khi đi làm phát thanh, mình luôn đặt cái “thật” lên trước nhất. Rất sợ trong bài viết sẽ xuất hiện một điều gì đó, một chi tiết nào đó không đúng sự thật. Tâm nguyện lớn nhất của em bây giờ là đi nhiều, viết nhiều và viết được những tác phẩm báo chí chân thật về các buôn làng Tây Nguyên. Còn sáng tác văn chương hay thêm những gì nữa về văn hóa Tây Nguyên, em sẽ trở lại khi thấy mình đủ chín”.

H’Xíu H’Mok chia sẻ

Với nhiều thành tích trong công tác và hoạt động Đoàn, H’Xíu được chọn là điển hình xuất sắc, đi dự Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, cấp Đoàn khối các cơ quan Trung ương. Ở cơ quan, cô phóng viên từ buôn làng được lãnh đạo tin tưởng giao chủ trì thực hiện những vệt tin bài trọng điểm về văn hóa -  đời sống, là “sứ giả” đưa tiếng nói của bà con các dân tộc ở Đắk Lắk lên sóng phát thanh.

Phần nào gây ngỡ ngàng cho bạn bè và đồng nghiệp của H’Xíu khi mới đây cô tiết lộ đã hầu như ngừng viết văn làm thơ kể từ khi bước vào nghề làm báo phát thanh. Những thơ và truyện đã xuất bản, đều được sáng tác từ trước những năm vào nghề… Tuy nhiên, H’Xíu cho đây là một sự dừng lại cần thiết, để dành thời gian dung nạp những tri thức mới từ cuộc sống.

“Khi làm công tác phóng viên, em mới vỡ ra rằng, cái nhìn của em bấy lâu về văn hóa truyền thống còn nhỏ hẹp. Đi làm báo, em mới biết cùng là buôn làng Ê Đê, nhưng ngay các buôn ở thành phố Buôn Ma Thuột đã có nhiều điểm khác nhau. Một buôn Ê Đê ở thành phố và một buôn ở vùng sâu lại càng khác nữa, chứ không phải văn hóa Ê Đê, văn hóa truyền thống Tây Nguyên là chung một định dạng…

Bây giờ, dù đã là bà mẹ bìu ríu 2 con nhỏ, nhưng đam mê đi và viết báo của H’Xíu H’Mok vẫn như những ngày đầu, thân nữ dặm trường tới bất kỳ buôn gần làng xa, nương cao rẫy thấp và có những tác phẩm báo chí chân  thực. Đây cũng là những hạt giống để chị gieo trồng những mùa vụ mới của nghề văn, nghề báo trong tương lai./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận