Tác nghiệp vùng cao - Chuyện 10 năm mới kể

Ở Quảng Nam, miền sơn cước luôn là đề tài hấp dẫn với nghề báo, bởi ở nơi 'thâm sâu cùng cốc' ấy còn biết bao 'kỳ bí'.

 

Khi nhà báo khỏa thân

PêtaPot - “Làng không biết xài tiền”! Ai tin? Làm chi có chuyện đó, nhất là ở thời buổi này? Bán tín, bán nghi, cùng nhau đi một phen cho biết. Nhưng muốn tới được làng nằm ngay biên giới Việt - Lào đâu phải dễ, còn nhiều thủ tục, từ giấy giới thiệu của cơ quan, công văn gửi Bộ đội Biên phòng…

“Làng PêtaPot thuộc xã Đắk Prin, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Nam - Kon Tum và biên giới Việt - Lào. PêtaPot là ngôi làng nhỏ, nằm ở địa điểm hiểm trở. Năm 2010, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Nam phát tuyến mở đường Quốc phòng phát hiện, làng lúc này chỉ có 9 hộ dân với 37 nhân khẩu, bà con đồng bào thiểu số người Ve. Lúc mới phát hiện, cả làng chỉ có 2 người biết nói tiếng Kinh nhưng chưa thạo lắm”.

Nhóm anh em báo chí trên đường đến bản PeetaPot.

Dẫu nhọc nhằn, nhưng chỉ cái tên “PêtaPot” thôi cũng đủ hấp dẫn cả nhóm, tiếng Việt không phải, tiếng Anh cũng không, tiếng Pháp càng không đúng. Vì thế, đánh thức sự tò mò của anh em, quyết đi cho bằng được.

 Sau gần một ngày cỡi ngựa sắt, vượt 200km, cả nhóm tới được xã Đắk Pre, con suối rộng, lại sâu, dòng nước chảy xiết ngăn bước chân chúng tôi. Nhà báo Lê Trung Việt (Báo Tiền Phong) bảo, chỉ có cách cởi hết đồ, khiêng xe và hành lý qua suối. “Ngại chết”, giọng ngượng nghịu của một phóng viên mới ra trường nói. Trong thế không thể lùi, đành chấp nhận. 4 người thành nhóm, khiêng xe, vận chuyển máy móc qua suối. Tới bờ, thở không ra hơi, nhưng nhìn nhau khỏa thân cười rã ruột.

Cuối cùng cũng tới được 2 đồn biên phòng (661 và 659, nay chỉ còn lại một đồn Đắk Pre). 2 đồn trưởng ra tận cổng đón tiếp. Sau cái bắt tay, Trung tá Lê Hữu Hoàng, Đồn trưởng Đồn 661 nói đùa: “Các anh đến rồi, chúng tôi chờ lâu quá, định điều anh em ra hỗ trợ.

Sau khi báo chí viết về những cơ cực, thiếu thốn của làng, chỉ có Bộ đội Biên phòng cưu mang, hỗ trợ lương thực, thuốc men chữa bệnh, PêtaPot được quan tâm, được đầu tư, đặc biệt chương trình Mái ấm biên cương của Biên phòng đã giúp xây dựng nhà cửa, các cháu nhỏ được đến trường học con chữ, kéo điện về làng. 

Nhóm phóng viên vào hiện trường sạt lở.

Không cần biết ai là ai

Hai lần bị bắt khi đang tác nghiệp khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng, vì mình không vi phạm gì. Nhưng sau này mới hiểu mình đã phạm phải “luật làng”, bởi nơi ấy không cần biết ai là ai, thấy lạ là bắt trước, tính sau.

Số đặc san (21/6/2010), Báo Quảng Nam đã phản ánh “Người đàn bà bước qua lời nguyền”. Chuyện luật tục lạ đời của người “Bh'noong” dứt bỏ trẻ em sinh đôi, hai đứa chỉ nuôi một, còn đứa khác bị ghép cho tội oan nghiệt là con của “ma rừng”. Theo dòng chảy thời gian, không biết bao nhiêu đứa trẻ buộc phải chết oan vì hủ tục lạc hậu ấy nhưng không ai ngăn cản được, hoặc xóa bỏ hủ tục ấy. Thế nhưng có một y tá liều lĩnh bước qua lời nguyền để cứu những sinh linh nhỏ bé vô tội kia. Cũng bởi thế mà cuộc sống của gia đình chị luôn bị dân làng làm vạ, nhưng chị đành chấp nhận để lương tâm nghề y của mình không bị cắn rứt.

Câu chuyện động lòng người khiến tôi lặn lội vào tận nơi (xã Phước Chánh, cũng là thủ phủ đào đãi vàng ở huyện Phước Sơn) tìm hiểu. Sau nhiều giờ lội sối, băng rừng, chiếc Minkhơ đưa chúng tôi đến được trung tâm xã Phước Chánh, đồng hồ đã điểm 13h30, anh em ghé vào quán kiếm tô mì tôm lót bụng. Tôi với nhà báo Lê Trung Việt vào xã liên hệ công tác, luôn tiện tìm chỗ nghỉ qua đêm. Lần đầu vào xã, cửa đóng kín, ra ngoài ngồi chờ, 20 phút sau có người đến, trong lòng mừng như nắng hạn gặp mưa rào.

Chúng tôi trình giấy tờ xin gặp lãnh đạo, người kia cầm các loại giấy tờ xoay đủ chiều nhìn lắc đầu bảo: “Không biết, mình là dân quân tự vệ, xã chỉ làm việc buổi sáng thôi, chiều nghỉ, lãnh đạo không đến đâu”. Lần mò về trạm khám đa khoa tìm gặp chị Trịnh Thị Thùy Phương, trạm trưởng, người đã cứu thoát 5 cháu bé bị dân làng ghép tội là con ma rừng. Sau tiếp chuyện, chờ mặt trời xuống núi, để đến gặp những đứa bé được chị cứu sống đang theo cha mẹ đi rẫy.

Tôi chụp ảnh, bỗng phía sau có tốp 5 người chạy lại yêu cầu về xã làm việc. Chị Phương nói nhỏ, Bí thư Đảng ủy xã đó. Chúng tôi xuất trình các loại giấy tờ, thẻ nhà báo, một người đến cầm chiếc thẻ lật qua, lật lại rồi thò tay vào túi áo rút thẻ CMND ra nói: “Cái ni chúng tôi cũng có”. Mọi người nhìn 2 chúng tôi, tất cả lắc đầu bảo: “Không được, phải có giấy giới thiệu của huyện nữa”. Bí, nhà báo Lê Trung Việt nhanh trí trả lời, “khi sáng chúng tôi vào huyện để xin giấy giới thiệu, nhưng tất cả đang bận họp, anh Thanh - Phó Chủ tịch HĐNH huyện bảo cứ vào đi, có chi anh điện vào xã, mà chiều nay xã máy anh không làm việc, bỏ trực nên các anh không biết chỉ đạo đó thôi, không tin các anh đưa tôi về xã, gọi điện cho tôi gặp anh Thanh”. Nghe nói không làm việc, bỏ trực, cả nhóm nhìn nhau, ấm ớ rồi rút lui.

Tác nghiệp tại vùng biên giữa huyện Tây Giang - Quảng Nam và huyện Tà Vàng, tỉnh Sê Kông (Lào).
 

Nhà báo bị bắt là chuyện thường

Là phóng viên ảnh, cảnh mây ngàn, cây lá rừng núi luôn cuốn hút. Trong hành trình cùng người đồng nghiệp - nhà báo Hồ Tấn Vũ (Báo Tuổi Trẻ) lên xã vùng biên A Xan, huyện Tây Giang, nhìn thấy những cô gái miền sơn cước trong trang phục người Cơ Tu lộng lẫy, uyển chuyển theo điệu múa Tung Tung Za zá truyền thống, trong nhà gươl, tôi như bị thôi miêm, vội dừng xe để kiếm vài kiểu về làm tư liệu.

Đang bị cuốn vào khuôn hình của máy ảnh, bỗng có người vỗ vai nói nhỏ, “đừng chụp nữa”, tôi nghĩ là người đồng nghiệp đi cùng lại hối thúc, vì đường đi về biên giới còn khó, liền đáp lời: “Ừ, chụp thêm vài kiểu nữa đã, ảnh mình chụp về đâu có thừa mà lo”. “Không cho chụp, mời anh về trụ sở xã làm việc”. Ngoảnh đầu lại, hai người trong trang phục công an nói: “Anh theo tôi”. “Mình là phóng viên Báo Quảng Nam, đang lên A Xan, ngang qua thấy chị em múa đẹp nên dừng lại chụp vài ảnh về tuyên truyền mà”. Vừa thanh minh, vừa rút giấy tờ ra xuất trình. Cầm hết giấy tờ, không cần xem: “Thôi, chúng tôi là chiến sĩ nên không có quyền quyết định, anh theo tôi về xã làm việc với lãnh đạo”.

Đã đến nước này không thể bất tuân, tại trụ sở xã, tôi được Phó Chủ tịch xã, một Trưởng Công an xã, một công an viên của huyện tăng cường về, một chiến sĩ biên phòng hỏi và xem tất cả giấy tờ. Sau khi tôi giải trình sự việc nhưng vẫn không đồng ý cho chúng tôi đi mà còn nói lạnh lùng: “Ở đây không cần biết ai là ai hết, ai vào xã bụt phải có giấy giới thiệu của huyện mới được vào”.

Thầm nghĩ mình đã phạm vào “luật làng”, tôi đành năn nỉ: “Thôi, mấy anh giữ tôi lại, còn thả người kia quay xuống huyện để xin giấy giới thiệu”! Sau lần hội ý, họ đồng ý để Hồ Tấn Vũ xuống huyện. Khi nhà báo Hồ Tấn Vũ cầm được giấy giới thiệu quay lại xã thì đã 3 giờ chiều. Trời đổ mưa như trút nước, đường đi lầy lội, đành quay về trung tâm huyện. Tạt vào quán kiếm cơm lót bụng, tình cờ gặp nhà báo Xuân Hùng, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8) cùng ê-kíp vừa từ vùng biên trở về.

Anh kể chuyện: “Lần trước lên làm phim chuyên đề, tới xã được xã đón tiếp, cơm nước xong, chờ sáng hôm sau bấm máy. Đến nửa khuya thì có người đến gọi dậy và thu hết máy móc, họ nói nhận được tin báo, ở biên giới vừa có một nhóm  người xấu vượt biên vào đây. Mà diễn tả nhóm người đó giống mình nên họ không cho quay phim nữa, buộc phải quay về”. Cả nhóm nhìn nhau cười vì “luật làng”./.

   

 

Bình luận

    Chưa có bình luận