Từ những cọng rơm - vốn bị coi là phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp - thầy giáo Đặng Vũ Linh ở đất Sen hồng đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật.
“Để nâng tầm giá trị cho rơm, tôi quyết tâm dùng rơm làm tranh. Những cọng rơm tuy rất mỏng manh nhưng nếu biết cách đánh thức tiềm năng sẽ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời” - thầy Đặng Vũ Linh, người sáng tạo ra dòng tranh nghệ thuật từ những cọng rơm ở Đồng Tháp chia sẻ.
Phải mất hơn 3 tháng mày mò, thầy Linh mới dần tìm ra công thức hoàn thiện với nhiều công đoạn phức tạp như: Tuyển lựa rơm, cắt và phơi thật khô; xử lý chống mối mọt để tăng độ bền; lựa cắt lấy lõi rơm; phối màu; phác thảo; tạo hình; dán ép rơm vào giấy; phủ lớp sơn bóng; đóng khung. Mỗi bức tranh tùy kích cỡ phải mất từ 2 ngày đến hơn 2 tuần mới hoàn thiện
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, tuổi thơ của thầy giáo Đặng Vũ Linh gắn liền với các cánh đồng lúa. Vốn có năng khiếu hội họa từ nhỏ, những ngày vui chơi bên những đống rơm ngày mùa đã đọng lại trong ký ức của cậu bé Linh.
Thông thường, cọng rơm chỉ có màu vàng nhạt, nhưng với thầy giáo Linh, những quan sát và trải nghiệm tuổi thơ đã giúp anh biết cách dùng nắng, dùng hơi sương để những cọng rơm vàng sáng tự chuyển sang sắc trong trẻo, đậm đà hơn, vàng tươi hơn, tạo ra mảng sáng, tối cho bức tranh thêm phần sinh động mà không cần can thiệp màu sắc từ bút lửa hay sơn, phun màu hóa học.
Năm 2018, anh bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường và lập tức tạo được sự chú ý bởi tính độc, lạ của chất liệu, sự tinh tế giữa các gam màu sáng, tối… Mỗi bức tranh có giá dao động từ 150.000 đến 3 triệu đồng tùy theo khung lớn hay nhỏ. Điều đặc biệt là bức tranh được làm hoàn toàn từ cọng rơm nhưng thời gian gần chục năm vẫn không bị phai màu rơm do rơm đã được khơi phô, xử lý và bảo quản bằng những cách truyền thống.
Những tác phẩm của thầy giáo Linh đã được chứng nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.