Sầu riêng tỷ phú… tùy tâm

Chất lượng sầu riêng Việt Nam hầu như được thả nổi cho sự tùy tâm, tùy ý của nông dân, doanh nghiệp và thương lái.

 

Ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang phát triển bùng nổ, với hy vọng đạt đến quy mô xuất khẩu tỷ đô trong nay mai. Thế nhưng, kỳ vọng tỷ đô đang mâu thuẫn với những nỗ lực thực chất để đảm bảo chất lượng. Chất lượng sầu riêng Việt Nam hầu như được thả nổi cho sự tùy tâm, tùy ý của nông dân, doanh nghiệp và thương lái.

Bức xúc “xô lùa” phá hoại ngành sầu riêng

Bước vào đầu vụ sầu riêng 2023, các kho vựa sầu riêng ở Đắk Lắk mọc lên như nấm sau mưa. Doanh nghiệp nọ nối thương lái kia tỏa đi khắp các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ để tìm trang trại liên kết xây dựng - đăng ký mã số vùng trồng xuất khẩu hoặc thu mua trái cây tươi cho thị trường xuất khẩu đã mở cửa. Chị Nguyễn Thái Huyền, một doanh nhân sầu riêng có thâm niên ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng tất bật tìm mua trang trại và nguồn hàng. Nhưng khác với mọi năm, vụ sầu riêng 2023 vừa bắt đầu, chị Huyền đã bị dội liên tiếp những gáo nước lạnh, bởi tình trạng tranh mua có tên gọi mới tinh là “xô lùa”

Chia sẻ với phóng viên về thực chất của cái gọi là xô lùa đang rộ lên trong vụ sầu riêng này, chị Huyền cho biết, đây là khái niệm mới ra đời ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và đang lây lan nhanh chóng tới Đông Nam bộ và Tây Nguyên. “Nó không phải là “mua vo” - nhìn vườn định giá như nhiều thương lái có kinh nghiệm vẫn làm, cũng không phải mua xô như vẫn diễn ra ở nhiều ngành hàng khác… “Xô lùa” nghĩa là “có gai tính tiền”, lùa hết, lùa sạch. Tóm lại, xô lùa là một kiểu thu mua mang tính phá hoại ngành hàng”, chị Huyền bức xúc.

Sầu riêng Việt Nam được kiểm định chất lượng trước khi hái bằng cách gõ cán dao.

Thấy phóng viên chưa thật sự hiểu và phân biệt được giữa mua xô và “xô lùa”, chị Huyền minh họa bằng một câu chuyện của bản thân. Đầu vụ, chị đặt hàng mua sầu riêng của một trang trại ở tỉnh Bình Phước với giá xô là 65 nghìn đồng/kg. Nhưng thấy trái chưa đủ tuổi hái, chị hẹn chủ trang trại 1 tuần sau sẽ trở lại cắt. Nhưng ngay ngày hôm sau, một thương lái khác đã tới và thỏa thuận mua “xô lùa”, cũng với giá 65 nghìn đồng/kg và họ đã một dao cắt hết sạch vườn, bất chấp có rất nhiều trái còn chưa đủ tuổi.

Theo chị Huyền, kiểu mua bán xô lùa đang nở rộ cho thấy sự yếu kém trong tất cả các khâu của ngành sầu riêng Việt Nam: người có vườn cây và người thu mua đều không quan tâm đến chất lượng và uy tín, cơ quan chức năng thì thả nổi cho việc này diễn ra.

“Trong khi đó, ở Thái Lan, chất lượng được kiểm soát chặt ngay từ vườn cây. Hành vi thu hái - mua bán không đảm bảo chất lượng luôn bị phạt rất nặng, thậm chí ai vi phạm có thể bị bắt giam. Như vậy người ta mới có uy tín, mới xuất khẩu hơn 6 tỷ đô la sầu riêng trong năm ngoái”, chị Nguyễn Thái Huyền thở dài.

Trông ta lại ngẫm đến người

Cứ đến tháng 4 hằng năm, ở các tỉnh trọng điểm sầu riêng phía đông Thái Lan như Chanthaburi,  Rayong và Trad lại tưng bừng đón vụ sầu riêng mới và kỷ niệm “Ngày sầu riêng - D-Day” quốc gia. Cùng với đó, họ cũng bước vào cuộc chiến không khoan nhượng chống thu hái - mua bán sầu riêng kém chất lượng.

Dưới sự điều hành thống nhất của tỉnh trưởng các tỉnh, một bộ máy nhân sự đông đảo gồm các cơ quan chính quyền, quân đội, cảnh sát; các trưởng thôn, người già, tình nguyện viên nông nghiệp thôn cùng hàng chục đơn vị chuyên môn cấp huyện, được đưa đưa xuống chốt ở các vùng trồng để hướng dẫn, giám sát thu hái - thu mua, xử lý những khiếu nại về chất lượng sầu riêng.

Kiểm nghiệm tỷ lệ chất khô của cơm sầu riêng trước khi thu hái.

Theo quy định của Cục Khuyến nông Thái Lan, sầu riêng ở quốc gia này được thẩm định chất lượng bằng phương pháp đo tỷ lệ chất khô của cơm sầu riêng. Với giống Monthon xuất khẩu, tỷ lệ chất khô tối thiểu phải đạt 32%, chủ trang trại mới được thu hái. Nhưng từ năm 2022, khi Việt Nam cũng được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan đã tự nâng tiêu chuẩn của mình lên 33%, nhằm nâng thêm uy tín ở thị trường lớn nhất thế giới.

Cũng theo quy định chung, trước ngày thu hái dự kiến 2 ngày, chủ trang trại phải gửi trái mẫu đến cơ quan kiểm định. Cơm sầu riêng từ trái mẫu sẽ được băm nhỏ, sấy bằng công nghệ vi sóng và sẽ cho kết quả chỉ sau ít phút. Nếu hàm lượng chất khô không đạt, trang trại sẽ phải ngừng kế hoạch thu hái trong 3 ngày, sau đó tiếp tục gửi một mẫu khác để kiểm nghiệm lại. Nếu nông dân vi phạm, chứng nhận vùng trồng của họ sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi. Tương tự, với cơ sở thu mua đóng gói, nếu thu mua sầu riêng không đạt chuẩn, họ sẽ bị thu hồi giấy phép. Những vi phạm nghiêm trọng về chất lượng sầu riêng, người vi phạm có thể bị bắt giam.

Theo anh Trương Quang Tỉnh, xã Pơng Đrang, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk một kỹ sư nông nghiệp có nhiều lần xuất ngoại để học hỏi kinh nghiệm phát triển ngành hàng sầu riêng, Việt Nam vượt trội so với Thái Lan về năng suất, mẫu mã trái. Chi phí sản xuất sầu riêng ở Việt Nam cũng thấp rất nhiều so với quốc gia này. Nhưng về quản lý chất lượng, chế biến sau thu hoạch và xây dựng thương hiệu sầu riêng, Thái Lan vẫn là bậc thầy, đáng để học hỏi.

Chất lượng tự chịu, uy tín tùy tâm

Ông Trần Ngọc Trịnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Đắk Lắk, địa phương có quy mô sản xuất sầu riêng lớn thứ 2 cả nước, cho biết: Hiện vẫn chưa có quy định nào khác về tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng, ngoài tiêu chuẩn 10739/2015. Theo tiêu chuẩn này, sầu riêng ở tất cả các cơ sở thu mua trong tỉnh mới chỉ được phân loại theo kích thước, trọng lượng. Ngoài ra, theo yêu cầu và theo gu của thị trường, sầu riêng được đánh giá theo màu sắc và số hộc của mỗi trái. Về phía cơ quan chức năng, đến nay mới chỉ tham gia kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của sầu riêng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở Đắk Lắk, trước lo ngại đối với sầu riêng nhúng hóa chất kích chín, Chi cục đã nhiều lần kiểm nghiệm và đều không phát hiện dư lượng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

“Thẩm định chất lượng trái sầu riêng ở Việt Nam bây giờ đều do thợ hết. Họ trèo cây, lấy cán dao gõ từng trái và quyết định trái nào sẽ được hái. Bởi vậy, khó mà đảm bảo sự đồng đều”.

Ông Trương Quang Tỉnh, kỹ sư nông nghiệp ở huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk.

Còn theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội sầu riêng tỉnh, sầu riêng Việt Nam hiện nay được sản xuất theo tiêu chuẩn đặt hàng của đối tác, tức là Trung Quốc yêu cầu điều gì, Việt Nam đáp ứng điều đó. Và theo nghị định thư mà hai bên đã ký kết, không có yêu cầu cụ thể về hàm lượng, chất lượng sầu riêng. Đắk Lắk và các tỉnh khác chỉ xây dựng vùng trồng, kiểm dịch thực vật, thiết lập cơ sở đóng gói theo các nội dung được đề cập trong nghị định thư. Còn chất lượng trái sầu riêng, hái non hay hái già, ngành nông nghiệp chỉ đưa ra các khuyến cáo, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp tự giác thực hiện. Nếu có vi phạm về chất lượng, cơ quan chức năng sẽ đối chiếu với các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm. “Chúng tôi không hoan nghênh những doanh nghiệp làm ăn gian dối. Trong hiệp hội cũng động viên khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm tới vấn đề chất lương và xây dựng thương hiệu uy tín. Sầu riêng xuất khẩu bây giờ đã có mã số, dễ dàng truy suất nguồn gốc, nếu doanh nghiệp nào vi phạm, doanh nghiệp ấy sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Lê Văn Thành cho biết.

Sầu riêng đang mang kỳ vọng tỷ đô, đồng thời cũng đang chịu áp lực cạnh tranh tương ứng. Nhưng thực tế cho thấy các công cụ pháp lý và bộ máy nhân sự để trợ giúp ngành hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, không kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh có thể ảnh hưởng tới chất lượng và uy tín. Với tình trạng thả cho chất lượng tùy tâm, uy tín tự chịu, đi đến đâu biết đến đó, ngành sản xuất triển vọng này được dự báo sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ đầy chuyên nghiệp và có tầm nhìn./.

 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận