Dường như Dương Quốc Thuần sinh ra hồn cốt đã hòa quyện với âm thanh của đồng. Chắc vậy, bởi kim loại vô tình trói chặt số phận để đôi tay anh ru đưa âm thanh đồng vang vọng xa hơn.
1. Rời phố cổ Hội An, tôi theo chiều gió nồm thổi từ biển, men theo mé sông Thu Bồn nhìn nước in mây trời. Mải mê với cảnh thơ mộng của sông nước, tôi vượt qua làng gốm cổ Thanh Hà tồn tại 500 năm lúc nào chẳng biết. Khi chạm phải đồng lúa đang cúi đầu vàng óng thoảng mùi hương mới giật mình dừng lại để định hình, thì ra tôi đã chạm đến Dinh trấn Thanh Chiêm cổ xưa - vùng đất là “cái nôi sinh ra chữ Quốc ngữ”. Nơi đây được các nhà truyền giáo phương Tây và các thương nhân nước ngoài xưa kia gọi là “Quảng Nam quốc” (nước Quảng Nam), mà trong đó vai trò lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm đã đóng góp phần quan trọng cho công cuộc mở cõi và giữ nước của tiền nhân trong thế kỷ XVII - XVIII.
Đến Thanh Chiêm, tôi như người lần đầu ra phố bị lạc lối, không chỉ bởi ở đây quá nhiều dấu ấn lịch sử: Là dinh trấn của xứ Đàng Trong huy hoàng một thời, hay nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ, và cả nhà thờ Thiên chúa đầu tiên, mà còn vì nơi đây luôn vang vọng âm thanh trầm bổng từ các loại cồng chiêng, chuông lớn nhỏ của làng đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng mấy trăm năm, nay là làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Âm thanh ấy khiến tôi tò mò, đứng bên ngoài dòm qua khe cửa, lò nấu kim loại đồng, thiếc tạo cho lửa đủ màu sắc tung nhảy thay đổi như pháo hoa đẹp mê hồn. Nhìn thấy tôi, anh Thuần chủ lò như đón bắt được ý, thân thiện gọi tôi vào xem lò đang nung chảy kim loại. “Tôi nhìn anh giống dân nghệ sĩ hơn là người thợ đúc đồng”? - Tôi nói. Anh cười hiền rồi đáp lại với lý lẽ khá thuyết phục: “Nghệ cũng vậy, sĩ cũng vậy, ai thích gọi theo kiểu gì cũng được. Riêng tôi thì cho là thợ thôi, nếu mà lò không đỏ lửa là tôi buồn, gia đình không có thu nhập”. Câu trả lời của anh Thuần khiến tôi bừng tỉnh.
Quanh làng, nhà nào cũng có lò nấu đồng, nhưng hầu hết lò và nơi sản xuất, chế tác đều ở vị trí dưới đất, còn nhà anh Thuần thì ngược lại. Lò được đưa lên vị trí lầu cao rất chắc chắn và sang trọng, còn nhà ở của cả gia đình thì đơn giản hơn, nhà trệt cấp 4.
Tôi thắc mắc hỏi: “Sao anh lại đặt lò trên cao”? Anh Thuần dừng tay rút gói thuốc lá ra đốt rít phả khói rồi giải thích: “Ở vùng này mùa lụt nước dâng cao lắm, nên phải đổ mê kiên cố và cao, đưa lò lên đây vừa tránh lũ, vừa chống bão. Đơn hàng nhà mình luôn nhiều, làm không xuể, nhưng mặt hàng của mình khó sản xuất, mùa bão lũ kéo dài đến 3 tháng, nếu bị nước lũ ngâm là không thể sản xuất được, chưa nói đến nước làm hư hỏng khuôn để đúc và đồ nghề”.
Tôi liếc mắt nhìn không gian của xưởng, ngoài những đồng vụn, vỏ trấu, đất bùn, củi khô, các loại khuôn mẫu… để đúc ra sản phẩm chiếm diện tích hết phân nửa, khoảng 30m2, còn lại là nơi để những thành phẩm phôi vừa đúc xong xếp thứ tự từng dãy. Và một góc để anh Thuần làm nguội phôi thành thành phẩm.
Giơ tay nhìn đồng hồ, anh buột miệng: “10 giờ rồi, nghỉ thôi”! Tôi hỏi: “Sao nghỉ làm sớm vậy”? Anh Thuần húp ngụm nước rồi đưa tay lên trán vẹt ngang mặt những dòng mồ hôi đang chảy dài nói: “Trưa rồi, mình nên nghỉ cho khỏe, để cho xóm làng họ yên ả”. Ngày nào anh cũng sản xuất, chỉ làm duy nhất một buổi sáng, buổi chiều nghỉ ngơi thư giãn. Mỗi tuần, cả gia đình nghỉ một ngày chủ nhật để vui chơi với con cháu.
2. Ghé mắt tham quan gian trưng bày các mặt hàng anh sản xuất khiến tôi ngạc nhiên. Không chỉ sản xuất những bộ cồng chiêng truyền thống của các đồng bào dân tộc, hay cồng chiêng của Hàn Quốc, Myanmar, những bộ chuông các loại lớn nhỏ… mà đặc biệt còn có những bộ trống Hang Drum và Tongue Drum, (một loại trống bằng kim loại có nguồn gốc từ Thụy Sĩ). Thứ trống được đúc bằng mảnh bom trông lạ hoắc này cho ra âm thanh tuyệt hảo mà lâu nay chỉ thấy trên mạng, chưa một lần thấy nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp ngoài đời. Cái tay táy máy của tôi cầm dùi gõ vào, âm thanh theo nút trầm bổng vang lên. Tên là trống nhưng khi ngân lên, âm thanh như tiếng đàn du dương cuốn hút khiến tâm hồn tôi mê mẩn, không muốn rời căn phòng.
Đang say sưa với các chiếc trống, chị Ngô Thị Hết, vợ anh Thuần, bưng ly nước đến mời: “Uống miếng nước đỡ khát đi em”! Tôi cảm ơn chị và hỏi; “Làm nghề này chắc cực lắm phải không chị”? Cười! “Quen rồi nên cũng bình thường thôi em, chịu khó sáng dậy sớm một chút”, chị Hết thổ lộ thêm: “Muốn có được bộ cồng chiêng theo âm điệu truyền thống từng bộ tộc đòi hỏi khâu pha chế và nấu kim loại rất quan trọng. Chỉ riêng phần đồng đã có đến 3 loại, chưa nói đến các kim loại khác. Chưa kể đến từng cái chiêng lớn nhỏ khác nhau. Nếu không am hiểu quy trình pha chế thì xem như bỏ. Bởi công thức này thuộc loại bí quyết gia truyền. Nhờ công thức nên mới cho ra từng chiếc chiêng vang, ngân, thanh, trầm... rõ và xa”…
Nói đến nghề sản xuất cồng chiêng thì gia đình anh Thuần là số 1 ở làng. “Bây giờ 2 đứa con trai đảm nhiệm khâu làm khuôn và đổ đồng vào khuôn, còn chị thì đảm nhận khâu pha chế kim loại và nấu lò. Anh Thuần lo làm nguội, chỉnh âm và thẩm âm”, chị Hết tự hào kể.
Anh Thuần là người vui tính, lại khiêm tốn, ít khi bộc lộ tài năng, nhưng cơ duyên như an bài tên tuổi anh. Nhân sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh Thuần trong đoàn nghệ nhân ở làng ra tham gia nghề truyền thống. Anh lang thang tới xem những đội cồng chiêng tập, vô tình nghe âm thanh những chiếc cồng - chiêng lâu năm bị rè, anh tình nguyện mang ra chỉnh lại cho đúng âm khiến các trưởng đoàn ngạc nhiên.
“Họ không tin tôi chỉnh được, bởi ai cũng cho rằng chiêng của họ là chiêng cổ, bây giờ không còn người biết chỉnh. Khi chỉnh xong nhiều bộ cồng chiêng, tôi cùng các nghệ nhân cùng tấu chiêng trình diễn, thấy tôi hiểu cả nhạc lý và trình diễn như nghệ nhân của họ, ai cũng hỏi tôi sao anh biết hết tất cả loại nhạc lý về cồng chiêng của các dân tộc, cũng như biết tấu thực thụ và trình diễn nhuần nhuyễn nữa? Tôi chỉ cười và nói với họ: Đây là những sản phẩm do tôi sản xuất ra”. Thời đó, anh được báo, đài xưng tụng là “Người níu giữ linh hồn Di sản văn hóa thế giới phi vật thể cồng chiêng”.
“Anh Thuần là người hiểu từng tiết tấu, âm ngân từng cái chiêng, từng dòng chiêng của từng dân tộc anh em. Anh có đôi tai cảm âm rất chuẩn, vì thế các bộ cồng chiêng từ Tây Nguyên đến các vùng miền là do tay anh đúc”.
Zơ Râm Đhông, người buôn bán chuiêng nổi tiếng từ Tây Nguyên sang tận Lào tại thị trấn Prao (Đông Giang).
|
Nghề đúc đồng ở làng đa số chỉ đúc các loại khác như lư, đèn hay vật thờ cúng. Đúc cồng chiêng, chuông… thì không một cơ sở nào trong làng sánh bằng cơ sở “Tiếng Đồng” của anh Thuần. Nói về nghề đúc đồng và thẩm âm ở Phước Kiều thì rất nhiều, nhưng người am hiểu được nguyên bản của các loại cồng chiêng rất hiếm, bởi những bậc cao niên tiền bối của làng đa số qua đời, còn lại vài người thì tuổi đã cao, sức yếu. Phải nói đến nay chỉ còn lại Dương Quốc Thuần.
Dương Quốc Thuần ở cái tuổi 61, có tuổi nghề hơn 45 năm, anh học nghề từ cha lúc 15 tuổi. Với sự sáng tạo của mình, 10 năm sau anh trở thành người thợ rành nghề. Nhưng chưa bằng lòng, anh bỏ nhà ra đi lang thang khắp vùng Tây Nguyên, sang Lào, rồi sang tận Miến Điện để tìm hiểu thêm những tinh hoa của nghề. “Những ngày rong ruổi, tôi lần mò đi tìm âm thanh từ các loại cồng chiêng Tây Nguyên đến Lào và Miến Điện, thậm chí cả Cờ Tu và phát hiện ra thứ âm thanh đặc biệt từ đồng mà xứ mình đúc hay đến mê hồn”, Dương Quốc Thuần tâm sự.
Cách đây 7 năm, Dương Quốc Thuần sản xuất thành công Trống Hang Drum và Tongue Drum, nhưng gọi là “trống trời” - loại trống được anh kết hợp từ những mảnh bom đạn còn sót lại trong chiến tranh. “Trống trời là vì nó từ những quả bom từ trên trời rơi xuống. Tiếng nổ của bom gây biết bao chết chóc, mảnh của nó làm chết người và tật nguyền, rất đau thương cho đồng bào mình. Nay mình lấy các mảnh của nó tạo ra âm thanh, tạo ra tiếng nhạc, mong rằng những âm thanh đó phần nào chữa lành vết thương chiến tranh, cũng như cầu cho những linh hồn không may bị trúng bom đạn qua đời được siêu thoát”, Dương Quốc Thuần thổ lộ.
Sau khi sản xuất và xuất khẩu Trống Hang Drum và Tongue Drum ra nước ngoài, tên tuổi của Dương Quốc Thuần được nhiều người yêu nhạc trên thế giới biết đến. “Nhiều nước châu Á cũng có truyền thống chơi cồng chiêng, trong đó có Hàn Quốc. Sau khi họ tìm đến đặt tôi đúc bộ chiêng 300 chiếc, họ nói đã đi rất nhiều nước như Trung Quốc, Miến Điện… khảo sát nhưng không hài lòng. Họ quyết định đặt tôi làm”, anh Thuần nói./.