Người đưa hương vị mì Quảng ra thế giới

'Cô An' mì Quảng ở thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam làm nghề mì Quảng 20 năm nay và tạo dựng được thương hiệu lan tỏa khắp bốn phương.

 

Lò mì Quảng cô An nằm khiêm tốn trong con hẻm bề ngang chỉ chừng 2m. Căn nhà và cả không gian cũng chật hẹp chỉ đủ sức chứa tối đa khoảng 20 người. Nhưng 10 năm nay, mỗi ngày lò mì nhà cô đón từ 3 - 5 đoàn du khách châu Âu đến học và thưởng thức mì Quảng. Ngay tại phố cổ Hội An mì Quảng không thiếu, nhưng mì Quảng “Cô An” có gì đặc biệt mà cuốn hút du khách quốc tế vượt sông Thu Bồn tìm đến để học và thưởng thức?

Cô Võ Thị An, chủ lò mì Quảng chia sẻ: “Công thức và nguyên liệu chế biến mì Quảng của tôi cũng như của mọi người, nhưng khác ở “hương liệu” của bếp. Thời buổi hiện đại, mọi người dùng tráng mì công nghiệp, và hầu hết sử dụng bếp điện và gas, còn tôi vẫn dùng lò đốt trấu. Nếu lò làm mì mà nấu bằng trấu, mùi khói sẽ tỏa thơm, mì sẽ có hương thơm. Khách đến, mình giới thiệu vỏ trấu xay từ hạt lúa lấy gạo làm bột. Đốt vỏ trấu xong, lấy tro trồng rau, bón lúa, trồng đậu phụng làm dầu (oganic). Từ đó dệt thành câu chuyện mì Quảng hấp dẫn với du khách”.

Để đa dạng, cô An cho ra thêm món bánh đập, bánh tráng nướng nhúng nước cuốn mì lá chấm mắm cái (mắm muối từ cá cơm còn nguyên con), và mì Quảng. Nhờ vậy mà khách tìm đến đông.

Lò mì Cô An thường mở cửa từ 8h sáng đến chiều. Ngoài phục vụ khách du lịch, còn bán mì ký cho người dân quanh vùng. “Nghề mì Quảng tuy hơi cực, nhưng tôi hạnh phúc khi quảng bá được văn hóa ẩm thực của xứ mình ra thế giới”, cô An thổ lộ.

Không gian khiêm tốn của lò mì đủ chứa 20 người cho một khóa học.

Du khách đạp xe tìm đến học mì Quảng.

Khách chấp nhận đứng chờ hàng giờ để được trải nghiệm.

Sau khi học, du khách thưởng thức mì Quảng.

Cô An chỉ cho khách cách xở mì lá.

Tận tình với học viên.

 

Cô An chỉ khách cách chấn (xét) mì.

Tự tay chấn mì thành sợi.

Sau 3 phút cho ra lá mì.

Cách xét mì bằng bàn quay.

Lò trấu đặc biệt.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận