Mỗi năm vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, nước lũ bắt đầu lên cao. Mùa này người nông dân không thể trồng lúa, ruộng để trống, cây hoa súng dại bắt đầu phát triển và trổ bông. Khi các công việc đồng áng tạm thời gác lại, người dân vùng nước mưu sinh bằng việc giăng lưới, đặt lú bắt cá tôm.
Để thêm thu nhập cho gia đình, phụ nữ miền Tây Nam bộ thường bơi thuyền men theo những con kênh, những mảng ruộng sâu để hái hoa súng, rửa và bó lại mang ra chợ bán.
Thường bông súng không gieo trồng, cứ mưa xuống là theo đất dưới bùn, sình mọc lên. Nước dâng cao, bông súng cũng cao theo. Mưa càng nhiều thì bông súng càng dài cọng, mềm mại, tươi non. Chỉ cần bứt bỏ bông nở, lấy thân súng, tước bỏ lớp vỏ ngoài mỏng rồi khoanh tròn lại, giao cho vựa. Từ đó họ giao ra chợ, cho các nhà hàng. Còn lại thì chế biến các món ăn. Người dân miền Tây có thói quen dùng bông súng làm thức ăn, làm dưa chua hoặc dùng trong các món canh, lẩu mắm. Những bông súng phải được hái từ lúc mặt trời chưa lên, bởi nếu để tới trưa bông súng sẽ bị đắng.