Người dân ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An và đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) ai cũng kính nể chủ nhân chiếc ghe nhỏ chuyên vượt sóng dữ cứu người. Họ đặt cho ông biệt danh là người vượt sóng Cửa Đại, hoặc gọi ông bằng cái tên thân thương: “Hiến rỗi”.
1. Ông tên là Phạm Văn Hiến (phường Cẩm Nam, TP Hội An, Quảng Nam). Theo chân ông Hiến rỗi chuyển hàng ra đảo trong ngày biển động cấp 6, cấp 7, tôi nhìn quanh khoảng rộng chừng 6km2, sóng bạc đầu phủ kín lối tưởng chừng khó bề lọt qua. Thế nhưng với kinh nghiệm người chuyên “vượt sóng bão cồn 9 (đảo cát nổi ở dưới biển)” trên 52 năm, nên dù ghe nhỏ, máy nhỏ nhưng ông vẫn chở mỗi lần 10 tấn hàng vượt ra sóng Cửa Đại một cách nhẹ nhàng. Cửa biển Cửa Đại luôn bị bồi lấp (cạn) án ngữ lối ra vào. Đất cát sau mỗi trận lũ từ sông và tác động của sóng biển mỗi năm bồi lấp cửa biển trở thành cồn. Những ngư dân nơi đây cho hay, sóng ngoài biển nguy hiểm 1, thì sóng bão ở cồn nguy hiểm gấp 10 lần.
Theo tài liệu ghi chép của các thương nhân từng đi thuyền buồm đến thương cảng Hội An buôn bán từ thời Cửa Đại có tên gọi “Đại Chiêm Khẩu” (trước thời chúa Nguyễn vào cai trị xứ Đàng Trong), thì Cửa Đại là một trong những cửa biển nguy hiểm nhất với những con sóng nhóc dữ dội. Sóng lớn nhấn chìm rất nhiều thuyền buôn ngoại quốc qua giao thương từ khoảng thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ 16.
Đến nay, cửa biển Cửa Đại càng nguy hiểm hơn, dù tàu thuyền máy lớn nhưng cũng chịu thua sóng dữ. Cửa Đại trở thành nỗi ám ảnh không chỉ cho người ra vào cửa đi biển, mà ngay cả tàu thuyền cao tốc hay chuyên dụng. Những cơn sóng không chỉ cao lớn, hung dữ, mà còn dày sát, sẵn sàng nhấn chìm tất cả những gì gặp trên đường đi của sóng. Tàu thuyền khi bị sóng đẩy lên cao, rồi hạ xuống có thể chạm đất vỡ tung. Vì vậy, tàu thuyền của ngư dân khi ở ngoài biển vẫn bình thường, nhưng khi vào Cửa Đại thường hay bị nạn.
“Với sóng nhóc Cửa Đại, tàu to, máy lớn chưa chắc ra vào an toàn. Tàu càng lớn, độ nặng càng cao, khi gặp phải sóng đưa tàu lên cao, bị hỏng lái, tàu mất phương hướng, người lái tàu không làm chủ được con tàu, mà lúc ni sóng tự do xô tàu lệch hướng. Khi sóng đi qua, tàu hạ xuống cùng với độ nặng nên rất dễ bể tàu. Nếu không bị bể thì sóng sau trùm tới, tàu nặng nên nổi theo tốc độ của sóng không kịp sẽ bị sóng nhấn chìm ngay”, ông Hiến chia sẻ kinh nghiệm.
2. Ở tuổi 66 nhưng người rắn chắc như thanh niên, tay lái của ông Hiến vượt bão sóng Cửa Đại cấp 8, cấp 9 thì không ai sánh bằng. Với chiếc ghe máy 3 công xuất chỉ 60CV, trong lúc biển động cấp 8, cấp 9, vậy mà ông vẫn chở hàng hóa ra được đảo Cù Lao Chàm cung cấp cho bà con sống giữa biển trong những tháng mùa đông.
Vượt ra được Cửa Đại mùa bão sóng là một kỳ tích. Hỏi về kinh nghiệm vượt sóng gió Cửa Đại, ông khiêm tốn: “Chuyện sóng gió biển luôn nguy hiểm, ra biển mình như bọt sóng, không tài giỏi chi. Nhưng phải phỏng đoán được từng cơn sóng, xem chiều gió, và hướng nước chảy, hiểu và nắm chắc được quy luật ni thì mới dám ra cửa”.
Nhờ kinh nghiệm nên hơn chục năm nay, cứ vào mùa đông - biển động, sương mù kéo dài, chỉ duy nhất ghe ông “Hiến rỗi” chở hàng ra đảo. “Tôi theo cha đi biển từ lúc 14 tuổi, cầm lái ghe đến 52 năm. Đến nay, đã 3 lần đổi ghe, 8 lần thay máy”, ông Hiến cho hay.
Biệt danh “Hiến rỗi” ngư dân quanh vùng đặt cho ông, vì ông là người chuyên mua cá ngoài biển chở về đất liền bán lại (Rỗi là nghề thu mua cá, cũng là hậu cần nghề cá - PV). “Trước kia, ổng đi biển, nghề mành đèn, khi cưới nhau về mới chuyển nghề rỗi, đến chừ cũng hơn 30 năm”, bà Trần Thị Duy - vợ ông Hiến tâm sự.
3. Với người dân đảo Cù Lao Chàm, họ xem ông “Hiến rỗi” như vị thần tài, là người mang lại kinh tế, thu nhập cho bà con mùa biển động. Bởi mùa đông, Cửa Đại luôn bị sóng phong tỏa lối ra vào cửa. Ngược lại, mùa biển động cá vào sát đảo trú tránh, ngư dân Cù Lao Chàm lại trúng cá. Nhưng thu hoạch cá trúng chỉ duy nhất ghe ông Hiến mới ra được đảo thu mua.
Không chỉ thu mua cá của bà con trên đảo, ông Hiến còn được bà con quý mến hơn bởi ông nhiều lần chở những ca bệnh nặng trên đảo vượt sóng dữ vào đất liền cấp cứu. “Tôi theo chú đi nghề rỗi từ nhỏ, đến chừ không nhớ nổi hai chú cháu đã bao lần vượt sóng dữ Cửa Đại chở người từ đảo vào đất liền cấp cứu và cứu bao nhiêu ngư dân bị nạn chìm tàu vì bão sóng cửa biển. Mỗi lần cứu người, mọi người gửi tiền chú đổ dầu nhưng chú từ chối. Quan điểm của chú được giúp người hoạn nạn là mình hạnh phúc lắm rồi”, anh Phan Văn Thái, 32 tuổi, người theo phụ ghe cho ông Hiến thổ lộ.
Cù Lao Chàm là xã đảo Tân Hiệp, cách đất liền 9 hải lý tính đường chim bay, dân số khoảng 3 ngàn người. Trước kia Cù Lao Chàm có tàu đò chuyên chở hàng hóa cung cấp cho dân và các lực lượng vũ trang trên đảo, nhưng nay tàu đã hết niên hạn sử dụng, ghe ông Hiến rỗi là ghe duy nhất đảm nhiệm khâu vận chuyển cung cấp tất cả hàng hóa, lương thực , thực phẩm và nhu yếu phẩm ra đảo.
Dù gần 5 năm trời đã trôi qua, 8 gia đình ngư dân ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên vẫn luôn ghi nhớ ơn cứu mạng của ông “Hiến rỗi”. “Lúc đó khoảng 15h chiều tháng Chạp năm 2018, khi ghe ra đảo mua cá, đến giữa cồn, bão sóng bạc đầu trắng xóa phủ kín cả vùng biển. Tôi giật mình khi thấy một người nổi trên ngọn sóng cao như nóc nhà vẫy tay cầu cứu, tôi rú ga vượt qua ngọn sóng rồi lấy dây nêu bụt vào phao cứu sinh, cho ghe quay lại tìm và quăng dây cho họ ôm phao kéo người lên ghe. Lên ghe xong, họ nói cố gắng tìm vớt thêm 7 người nữa. Tôi vừa gọi báo Bộ đội Biên phòng, vừa cho ghe cưỡi sóng tìm cứu người. Sóng lớn quá không có phương tiện nào ra được. Mình tôi vòng suốt 2 giờ mới vớt hết 8 người”, ông Hiến nhớ lại.
Nói đến ông “Hiến rỗi”, Đại úy Lê Hữu Nam - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Đại, TP. Hội An nhận xét: “Từ khi tôi được điều về nhận nhiệm vụ tại đây đã nhiều lần chứng kiến chú Hiến không ngại khó khăn sóng gió cứu người gặp nạn ở cửa biển. Mỗi khi cấp cứu người dân ngoài đảo những lúc sóng Cửa Đại hung dữ, chúng tôi nhờ chú ra khỏi cửa biển hộ tống ca nô vào cửa. Nếu sóng quá lớn và nguy hiểm ca nô không thể vào được, chú chuyển bệnh nhân qua ghe mình đưa vào bờ cấp cứu”. |
Anh Thu chủ tàu, là một trong 8 ngư dân được ông Hiến cứu năm 2018 nhớ lại: “Khi tàu bị chìm, mọi người trôi dạt, phần sóng lớn, phần nước biển chảy rất mạnh, người không có áo phao, trời đang chìm vào màn đêm, tôi thầm nghĩ chắc sẽ chết, nếu không chết vì đuối sức thì chết vì lạnh cóng người. Lúc đó cả biển chỉ duy nhất ghe của chú “Hiến rỗi” băng ra, chú cứu hết anh em, còn chạy ra thả neo cho tàu chìm không bị trôi. Cứu được mạng người, cứu được tài sản, chúng tôi mang ơn chú Hiến suốt đời”.
Cho đến giờ, ông không nhớ nổi mình đã cứu không biết bao nhiêu mạng người bị chìm tàu thuyền tại cửa biển. “Miễn sao mình còn khỏe mạnh, còn cầm lái được, mình còn vượt sóng”, ông Hiến nói như tự nhủ với bản thân. Tôi nhìn về phía cửa biển Cửa Đại, chợt thấy biển thật hiền hòa, nhân hậu, tựa như người vượt sóng Cửa Đại Phạm Văn Hiến./.