Vỡ đập thủy điện Sepien senamnoi tại Lào: Bằng mọi cách phải cứu dân

20 giờ 23/7, vỡ đập thuỷ điện Sepien Senamnoi ở Lào. Hàng trăm người mất tích, hơn 1.300 nhà bị ngập nước, hơn 6.600 nhân khẩu bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề

 

Attapeu trở thành khu vực thiên tai thảm họa

Vỡ đập Thủy điện tại Lào từ 23/7/2018

Sau sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, chiều 25/7, Cổng thông tin Chính phủ Lào cho biết: Từ chiều 24/7, Ông Ùn-lả Xay-nhạ-sít, Phó Chủ tịch tỉnh Attapeu, Trưởng ban chống thiên tai cấp tỉnh đã báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Thongloun Sisoulith về tình hình lũ lụt tại huyện Sanamxay. Được biết, huyện Sạ-nám-xay có 8 bản (Hinlath, bản May, bản Thaxengchan, bản Thahin, bản Sanong Tay, bản Tộc-còng, bản Xay-đon-khổng, bản Nỏng-hỉn), chiếm 1.005 gia đình, dân số 4.283 người đã bị thiệt hại nặng nề. Chiều 24/7, tại bản May đã có 7 người chết, 79 ngôi nhà bị mất; bản Xay-đon-khổng mất tích 20 người, còn các bản khác vẫn còn đang tiếp tục tìm kiếm. Theo thông tin ban đầu, vụ vỡ đập đã làm trên 1.300 ngôi nhà bị ngập nước, hơn 6.600 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp, hơn 100 người chết và mất tích. Đến chiều 24/7, lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể của 28 người và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm. Riêng số liệu thiệt hại về gia súc, vật nuôi, tài sản hiện chưa thống kê được.

Vụ vỡ đập Sepien Senamnoi đã làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay.

Hơn 6.600 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp

Tối 24/7, Chính phủ Lào đã thông báo khu vực huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu trở thành khu vực thiên tai thảm họa, do bị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi. Công việc cấp bách lúc này của chính quyền sở tại là tập trung cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, vì nước còn ngập sâu nên nhiều vùng còn bị chia cắt, phải dùng thuyền và máy bay trực thăng để cứu dân.

Công việc cấp bách lúc này của chính quyền sở tại là tập trung cho công tác cứu hộ, cứu nạn.

Trước mắt, Chính phủ Lào đã cấp 1,2 tỷ kíp (tương đương với khoảng 3,6 tỷ đồng Việt Nam) và 200 thùng thuốc chữa bệnh để hỗ trợ cho người dân trong vùng lũ để giải quyết khó khăn trước mắt.

Chính phủ Lào huy động mọi lực lượng để cứu hộ, cứu nạn.

Ông Pasong Vongkhamchan, Trưởng ban Thư ký Ủy ban Bảo vệ và Giám sát thiên tai Quốc gia Lào cho biết, Ban Thư ký quốc gia đang khẩn trương cứu trợ người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là tiến hành cung cấp đồ ăn, thức uống, bố trí nơi ở, quần áo và thuốc men, đồng thời phối hợp với lực lượng quân đội, công an, các cơ quan tổ chức của nhà nước - tư nhân và nhân dân sử dụng máy bay, thuyền để giúp bà con bị ảnh hưởng đến khu vực an toàn, đồng thời tiếp tục cứu nạn những người đang mắc kẹt trong các ngôi nhà bị chìm trong các bản làng và khu vực bị chia cắt.

Khu vực huyện Sanamxay bị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi.

Khẩn trương cứu trợ người dân bị ảnh hưởng

Sau sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã dùng máy bay trực thăng  xuống tỉnh Attapeu để trực tiếp chỉ đạo động viên tinh thần và giúp đỡ nhân dân tại các bản Hinlath, bản May, bản Sanong Tay, bản Thaxengchan, bản Thahin, bản Khộc-còng, bản Tạ-mỏ-nhọt, bản Thà bốc, bản Muồng và các bản dọc theo dòng sông Sepien, huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu.

Do nhiều vùng bị chia cắt nên Chính phủ Lào phải dùng thuyền, máy bay để cứu dân.

Máy bay trực thăng cùng quân đội đã khẩn trương có mặt tại tỉnh Attapeu

Đập thuỷ điện Sepien Senamnoi do Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào liên doanh thi công. Công trình có công suất 410MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2019, dung tích hồ chứa hơn 5 tỷ m3 nước. Tuy nhiên do mấy ngày cuối tuần vừa qua trời mưa rất to, nước trong lòng hồ dâng cao gây vỡ đập. Vụ vỡ đập đã gây ngập nặng cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, trong đó có 5 bản bị ngập hoàn toàn, gồm bản May, bản Hinlath, bản Nhaythe, Sanong Tay, bản Thaxengchan, bản Thahin.

Việt Nam sát cánh hỗ trợ Lào

Liên quan đến tình hình người Việt ở Attapeu, sáng 25/7, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pác-xê đã lên đường đến khu vực này để làm việc với chính quyền địa phương. Về 26 công nhân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bị mắc kẹt trong lũ, sáng 25/7, người đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu cho biết, ngay trong ngày, tập đoàn đã thuê trực thăng từ Viêng Chăn đến Attapeu để giải cứu số công nhân này ra khu vực an toàn.

Về những thiệt hại ban đầu, công tác cứu trợ cũng như tình hình người Việt, ông Đào Văn Hiếu, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pác-xê cho hay: “Ngày 24/7, chúng tôi đã đi thực tế và sáng 25/7 Đại sứ quán có gặp lãnh đạo của tỉnh Champasak  và Attapeu là 2 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố. Hiện tỉnh Attapeu đang tập trung khắc phục hậu quả của sự cố, tích cực triển khai các biện pháp cứu hộ người dân vùng nạn, đặc biệt là lo cho những người chết và mất tích; Ổn định cuộc sống cho những người hiện nay đang mất nhà cửa; tập trung dựng lán trại và trụ sở cơ quan để cho bà con tạm thời trú ngụ, đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân ủng hộ người dân vùng bị nạn. Các doanh nghiệp Việt Nam, như: Công ty 385, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai... đang hỗ trợ bạn trong việc cứu trợ người dân bị nạn, ủng hộ thực phẩm, thuốc men. Một số y, bác sĩ cũng tham gia khám chữa bệnh cho bà con. Chúng tôi đã chủ động vận động cán bộ nhân viên trong cơ quan đại diện cũng như Hội người Việt trên địa bàn và các doanh nghiệp đang hợp tác đầu tư trên địa bàn quyên góp ủng hộ, hỗ trợ bà con người Việt nói riêng và bà con người Lào nói chung trong lúc khó khăn này”.

Hiện nay, có 15 người Việt trong phạm vi ảnh hưởng đã được đưa đến nơi an toàn. Đến cuối giờ chiều 25/7, chưa phát hiện thêm người Việt nào bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi nhận được thông tin sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi ở Lào, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã yêu cầu các cơ quan nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và thủy lợi tính toán và nhận định ban đầu về những ảnh hưởng của sự cố vỡ đập này. Theo đó, sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào không tác động nhiều đến các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan đến vấn đề này, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và tính toán về khả năng tác động tới Việt Nam sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào; liên hệ chặt chẽ với trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA), sẵn sàng gửi cán bộ kỹ thuật và lực lượng tham gia Nhóm đánh giá nhanh và ứng phó khẩn cấp của ASEAN để hỗ trợ Lào khi được yêu cầu.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận