Sợi chỉ đỏ gắn kết kiều bào với quê hương

Việc duy trì ngôn ngữ tiếng Việt trong mỗi gia đình việt kiều tại Séc nhằm phát huy bản sắc văn hóa người Việt, là cầu nối gắn kết kiều bào với quê hương.

 

Việc duy trì ngôn ngữ tiếng Việt trong mỗi gia đình Việt kiều tại Séc nhằm tiếp nối, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa người Việt, là cầu nối gắn kết kiều bào với quê hương.

Duy trì tiếng Việt là giữ gìn bản sắc, văn hóa Việt

Đều đặn cuối tuần, một góc Trung tâm thương mại SAPA, tại Praha, Cộng hòa Séc lại vang lên những giọng nói bập bẹ, ngây ngô của thế hệ thứ 2, 3 người Việt. Không phân biệt lứa tuổi, trình độ, mỗi học sinh khi tham gia các lớp học tiếng Việt như thế này đều mong muốn có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Việt với bố mẹ, gia đình cũng như hỗ trợ các thành viên gia đình hội nhập tốt ở nước sở tại. Như nhiều em nhỏ khác trong lớp học Tiếng Việt này, dù sinh ra và lớn lên tại CH Séc nhưng em Lê Đỗ Tuấn Hưng luôn tự hào là người Việt Nam và tiếng Việt cũng là chìa khóa để kết nối em với các thành viên trong gia đình. Tuấn Hưng chia sẻ: “Cháu tự hào là người Việt Nam. Bố mẹ cũng là người Việt nên cháu muốn học tiếng Việt để có thể giao tiếp được với bố mẹ và người thân trong gia đình. Ngoài ra, khi bố mẹ có đau ốm thì cháu có thể làm phiên dịch tiếng Séc giúp bố mẹ với các bác sĩ để có thể chữa đúng bệnh”.

Một lớp học tiếng Việt tại một trung tâm ở Sapa, Praha, CH Séc.Hơn 17 năm tham gia giảng dạy cho các thế hệ người Việt, cô Lê Hồng Nhung cho biết khó khăn trong việc dạy và học tại Séc là học sinh không có nhiều thời gian tiếp xúc với tiếng Việt. Các lớp học tiếng Việt chỉ diễn ra vào cuối tuần dành cho học sinh ở các lứa tuổi khác nhau, do đó việc biên soạn một giáo trình phù hợp với nhiều nhóm tuổi gặp nhiều hạn chế. Nhưng cô và các giáo viên khác vẫn luôn tìm cách truyền tải để các em dễ hiểu nhất. “Tôi thấy các em có rất ít thời gian để tiếp xúc với người Việt hoặc nói tiếng mẹ đẻ, do vậy khả năng giao tiếp tiếng Việt còn rất hạn chế. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, chúng ta sẽ mất dần ngôn ngữ và cũng khó giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống người Việt. Tôi quyết định tham gia giảng dạy tiếng Việt cũng bởi tâm niệm là giúp các em có thể nói chuyện với ba mẹ, từ đó sẽ hiểu về văn hóa Việt”, cô Lê Hồng Nhung bày tỏ.

Các thầy cô đang trao đổi phương pháp và lên giáo án Tiếng Việt cho học sinh.Là một nhà giáo kiêm Chủ tịch Hội người Việt tại Séc trong nhiều năm, ông Nguyễn Duy Nhiên cho biết:Cộng đồng người Việt Nam tại đây luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc dạy tiếng Việt cho thế hệ con cháu, nhất là sau khi cộng đồng người Việt được công nhận là một dân tộc thiểu số thứ 14 tại Cộng hòa Séc (từ năm 2013). Bên cạnh sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, sự hỗ trợ của Nhà nước Chính phủ Việt Nam, việc dạy và học tiếng Việt còn nhận được sự quan tâm giúp đỡ về tài chính của Chính phủ Séc.Đây cũng chính là động lực để các Hội đoàn người Việt nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc lưu giữ,lan tỏa bản sắc văn hóa Việt tới các thế hệ tiếp theo.

Ông Nguyễn Quyết Tiến.

Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ và có nhiều đóng góp trong công tác giảng dạy tiếng Việt tại Cộng hòa Séc như là đồng chủ biên bộ Đại từ điển giáo khoa Séc - Việt và giáo trình giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Cộng hòa Séc, ông Nguyễn Quyết Tiến bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao Đề án. Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030 của chính phủ Việt Nam. Ông Nguyễn Quyết Tiến chia sẻ: “Ngày này chúng tôi chờ đợi từ rất lâu. Đây là sáng kiến và quyết định rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào ở nước ngoài. Chúng ta cần phải tôn vinh tiếng Việt bởi tiếng Việt là viên ngọc quý trong các ngôn ngữ trên thế giới. Nó uyển chuyển nhẹ nhàng nhưng rất sinh động biểu hiện được tất cả ý nghĩa mà con người muốn nói kể cả vấn đề khó nhất. Mỗi cá nhân khi dùng tiếng mẹ đẻ cũng là cơ hội để nhớ về quê hương và bảo tồn văn hóa dân tộc là việc làm quan trọng nhất”.

Bồi đắp tình yêu và thúc đẩy dạy, học Tiếng Việt tại Séc

Dù việc giảng dạy tiếng Việt còn gặp nhiều khó khăn hạn chế, nhưngqua nhiều năm hoạt động, Trung tâm đã có những điểm sáng được đáng ghi nhận tại Cộng hòa Séc. Đặc biệt trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh và khủng hoảng từ xung đột Nga-Ukraine, các thầy cô ở các Trung tâm tiếng Việt tại Séc đã nhanh nhạy triển khai các lớp học online cho các học sinh. Các thầy cô luôn luôn quan niệm, công tác dạy và học tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất. Hiện nay các thầy cô đã mở thêm một số trung tâm tiếng Việt dành cho kiều bào tại Praha, Plzen, Karlovy Vary hay Ostrava với sự tham gia của hàng trăm học sinh/mỗi khóa. Các học sinh sau khi biết đọc và viết đã tham gia nhiều hơn các hoạt động văn hóa văn nghệ của cộng đồng, các sự kiện, dịp lễ lớn của dân tộc. Nhiều thế hệ 2, 3 người Việt đã có nhiều đóng góp trong công tác truyền bá nét đẹp văn hóa Việt tới người dân nước sở tại.

Cô Nguyễn Thị Mận cùng các học sinh trong lớp  học Tiếng Việt ở Karlovy Vary.

Đại diện Đại sứ quán và cộng đồng chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò Trung tâm tiếng Việt Praha.Bên cạnh những nỗ lực nội tại của cộng đồng, trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc luôn luôn tích cực hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Việt tại Séc thông qua các hoạt động như giới thiệu các thầy, cô giáo đi tập huấn trực tiếp hoặc online các khóa bồi dưỡng giảng dạy tiếng Việt; cung cấp các giáo trình giảng dạy tiếng Việt theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho các giáo viên làm cơ sở biên soạn các giáo án phù hợp với học sinh người Việt tại Séc. Đặc biệt, Đại sứ quán Việt Nam đã hỗ trợ Hội người Việt tại Séc mua 50 bản đồ hành chính Việt Nam…góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, giúp các em hiểu rõ hơn lịch sử, địa lý và chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đại sứ Thái Xuân Dũng trao bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động dạy và học tiếng Việt tại CH Séc.

Đại sứ Thái Xuan Dũng trao chứng chỉ đào tạo cho các thầy cô giáo tại Séc.

Ông Thái Xuân Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại Cộng hòa Séc cho biết: Thực hiện Kết luận 12 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới Đại sứ quán sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động dạy và học tiếng Việt tại Séc. Bên cạnh việc giúp duy trì và phát triển các trung tâm tiếng Việt hiện có, Đại sứ quán Việt Nam sẽ phối hợp với Hội người Việt Nam tại Séc để thành lập các trung tâm tiếng Việt tại các thành phố khác của Cộng hòa Séc. Việc cộng đồng người Séc gốc Việt được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 tại CH Séc là cơ sở pháp lý để đề nghị chính quyền sở tại hỗ trợ kinh phí trong việc duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có tiếng Việt. Đại sứ quán đã và đang phối hợp với Hội, chi Hội người Việt Nam tại Séc nghiên cứu, vận dụng quy định của luật pháp sở tại để từng bước vận động chính quyền sở tại cho phép đưa giảng dạy tiếng Việt vào trường học của Séc ở những nơi có đông con em ta theo học; phối hợp với Hội, các chi Hội người Việt Nam sở tại vận động, thuyết phục chính quyền các địa phương của Séc ủng hộ về địa điểm, cơ sở vật chất và hỗ trợ về tài chính cho việc dạy và học tiếng Việt cho con em người Việt hoặc con em của gia đình đa văn hóa Việt - Séc…

Chủ tịch hội người Việt tại CH Séc Nguyễn Duy Nhiên.

“Còn tiếng Việt nghĩa là còn nước non, còn tiếng mẹ đẻ thì dân tộc còn tồn tại, phát triển; còn giữ được ngôn ngữ thì sẽ bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng. Do đó, tiếng Việt chính là sợi dây kết nối giữa các thành viên trong mỗi gia đình, trong cộng đồng người Việt sống xa Tổ quốc, qua đó phát huy được truyền thống quý báu của dân tộc”.

Ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt tại Séc

Có thể thấy, việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt trong mỗi gia đình không chỉ là mong muốn, nguyện vọng của các thế hệ người Việt đang sinh sống ở nước ngoài mà đó cũng là động lực để triển khai các hoạt động nhằm tiếp nối, duy trì và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa người Việt, hội nhập tốt ở nước sở tại. Giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt chính là giữ gìn hồn cốt của dân tộc, đó sẽ là sợi chỉ đỏ kết nối người Việt, là cầu nối hữu nghị với bạn bè trên toàn thế giới./.

Hải Đăng/VOV-Praha

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận