Tư duy trẻ và kỳ vọng nông nghiệp đa giá trị

Với thế hệ nông dân, doanh nhân trẻ đang vươn lên ở khu vực này, nông nghiệp Tây Nguyên đang vươn tới nông nghiệp đa giá trị.

 

Nếu chỉ một từ mà hình dung được nhược điểm của nông nghiệp Tây Nguyên, thì đó là từ “Thô”: Cà phê nhân thô, cao su thô, hồ tiêu thô… Xuất khẩu “thô” và “xô” chiếm tuyệt đại giá trị nông sản của vùng cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Nhưng với thế hệ nông dân, doanh nhân trẻ đang vươn lên ở khu vực này, nông nghiệp Tây Nguyên đang vươn tới nông nghiệp đa giá trị.

Những nông dân quyết chí thành doanh nhân

Thừa kế trang trại rộng 10ha của gia đình, nếu cứ thẳng đường với cách làm nông truyền thống thì không khó để chị Trần Thị Thủy Tiên, ở phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông có thu nhập mỗi năm từ 7 - 10 tỷ đồng. Lý do là trang trại mà bố mẹ giao cho chị đã có sẵn cà phê trồng xen sầu riêng, có thể cho thu hoạch trên trăm tấn sầu riêng và gần 40 tấn cà phê nhân mỗi năm.

Quán cà phê Godere ở TP Gia Nghĩa, quán đầu tiên trong tham vọng mở chuỗi của cô nông dân - doanh nhân Trần Thủy Tiên.

Nhưng Thủy Tiên đã làm ngược lại, với mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA Organic - là tiêu chuẩn cao nhất thế giới về cà phê hữu cơ. Mô hình này đòi hỏi ngưng toàn bộ phân bón hóa học và chỉ cho phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh trong danh mục thỏa thuận, và liên tục 3 năm test các thành phần thổ nhưỡng không thấy các chất cấm.

Nghe có vẻ các yêu cầu này không lấy gì làm khó, nhưng khi thực hiện mới vỡ lẽ có muôn vàn điều phát sinh. Đầu tiên là cà phê xấu hẳn đi, từ 4 tấn nhân/ha giảm xuống chỉ còn hơn 2 tấn, dù chi phí bón phân hữu cơ cao hơn rất nhiều so với phân hóa học. Tiếp đó là những cây sầu riêng tầm cao cũng chững lại, quả nhỏ đi và phát sinh nhiều côn trùng gây hại. “Chủ nghĩa kinh nghiệm” của nhà nông đã được gia đình phát huy nhưng cũng nhanh chóng dẫn tới thất bại cay đắng. “Gia đình tôi nghe quảng cáo là thuốc trừ muỗi của bên y tế dự phòng diệt được rất nhiều sâu bệnh hại, mà lại an toàn, vì thuốc này còn dùng để tẩm màn, thế là tôi mua về phun. Nhưng ngay lập tức đợt xét nghiệm năm đó, trang trại không đạt tiêu chuẩn, thế là phải làm lại từ đầu. Lẽ ra mất 3 năm, mà tôi đã mất đến hơn 5 năm, đội chi phí hàng tỷ đồng”, Thủy Tiên chia sẻ.

Đồng thời với trang trại hữu cơ, Trần Thị Thủy Tiên kêu gọi bạn bè góp vốn, đầu tư dây chuyền chế biến cà phê cao cấp, mở chuỗi quán và thương hiệu riêng. Hơn 5 năm cố gắng, thành công bước đầu đã đến với cô nông dân - doanh nhân dám nghĩ dám làm. Sản phẩm cà phê Godere từ trang trại của chị đã đạt giải nhất cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ nhất; đã mở được đại lý ở thành phố Hồ Chí Minh và quán cà phê đầu tiên của doanh nghiệp đang cho doanh thu tốt.

Ban giám khảo từ Singapore, Malaysua và Việt Nam trong Cuộc Thi rang cà phê Việt Nam lần thứ nhất. Kỳ vọng từ đây sẽ có được những nhà rang Việt đủ vươn tầm quốc tế.

Trần Thủy Tiên cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt chứng nhận USDA là hành trình tốn kém, nhưng có thể  mở ra cơ hội xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tới thị trường Mỹ - Âu và dẫn dắt được các nông hộ xung quanh cùng phát triển. “Nếu xuất khẩu trực tiếp được, thì 10ha của tôi không đủ lượng hàng mà phải liên kết với các nông dân xung quanh. 10ha trong trang trại là để thực nghiệm, đi trước một bước, tìm ra quy trình, rồi sau đó dẫn dắt bà con xung quanh cùng làm theo, đưa cà phê hữu cơ của Đắk Nông đến được những thị trường lớn, và chuỗi quán của bọn tôi sẽ càng có cơ hội phát triển”, Thủy Tiên không giấu tham vọng.

Những bà mối xe duyên nông nghiệp - du lịch

Đầu tháng 9 năm nay, Hội Doanh nhân TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, thành lập một câu lạc bộ doanh nhân với cái tên rất thơ: “Câu lạc bộ Nông - Du”. Tôn chỉ của doanh nghiệp này là “làm bà mối” kết duyên du lịch với nông nghiệp, cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp du lịch và du lịch nông nghiệp thế mạnh.

Một trong 2 nòng cốt của câu lạc bộ là Nguyễn Thị Xuân Hương, nguyên cán bộ tuyên truyền Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, là Founder của Công ty Cổ phần sản xuất & dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên, một start-up nông nghiệp thành công đáng ước ao của cộng đồng doanh nghiệp trẻ Đắk Lắk, doanh nghiệp đầu mối cung ứng nông sản cho các doanh nghiệp bán lẻ trên khắp miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Cà phê, ca cao và một số nông sản chế biến sâu của Đắk Lắk, đã được chú trọng về tính thẩm mỹ trong các gói quà theo du khách đi xa.Câu chuyện Nông Du với Nguyễn Thị Xuân Hương manh nha từ thời làm cán bộ tuyên truyền, được nung nấu trong những năm xuôi ngược kinh doanh. Theo nữ cán bộ - doanh nhân này, nông nghiệp Tây Nguyên đang tồn tại khá phổ biến 5 khâu sai: trồng sai, thu hái sai, đóng gói sai, bảo quản sai, chế biến sơ sài, và công ty của chị cũng từng sai như vậy. Đó là thời trái bơ vẫn là đặc sản số 1, số 2 của Đắk Lắk, được tin là “ngon nhất Việt Nam”. Hương Cao Nguyên tự tin thu mua sản phẩm từ những vườn bơ hàng đầu và đưa vào các kênh bán lẻ uy tín. Nhưng sự tự tin nhanh chóng bị đánh vỡ khi nhiều lô hàng, khi ra đến miền Trung, miền Bắc đã bị đối tác đánh rớt hạng, thiệt hại lớn cả về kinh tế và uy tín. Quá trình rút kinh nghiệm sau đó cho thấy, trái bơ trong những lô hàng ấy bị chê “xù xì, xấu mã” là do cây trồng xen với cà phê, không được chăm sóc chuyên biệt. Nhiều trái bị đứt rời cuống là do thu hái sai kỹ thuật. Tỷ lệ trầy xước nhiều là do khâu đóng gói không đảm bảo.

“Tôi được phản tỉnh từ lúc đó. Cái tốt của sản phẩm, phải khi dùng mới cảm nhận được nhưng xấu - đẹp là ngay từ cái nhìn ban đầu. Vì vậy, nông nghiệp đẹp, sản phẩm đẹp cũng là yếu tố quyết định khi phát triển Nông- Du”, Nguyễn Thị Xuân Hương chia sẻ.

Triển vọng đa giá trị của nông nghiệp - nông sản Tây Nguyên đang đến, không chỉ vì sự thôi thúc của thị trường và khát vọng trẻ. Chị Vũ Thị Oanh, Chủ nhiệm câu lạc bộ Nông - Du Buôn Ma Thuột cho rằng, điều quan trọng hơn là những nông dân - doanh nhân nông nghiệp trẻ ở khu vực này đang được tổ chức trong những đội nhóm năng động và hiệu quả. Như trường hợp Nông - Du của Hội Doanh nhân Buôn Ma Thuột, việc thành lập câu lạc bộ đi liền với chương trình hành động, được sự tham gia tích cực của các thành viên trong từng phân đoạn của chuỗi sản xuất kinh doanh. “Chúng tôi đang làm rất nhiều việc, từ chuẩn hóa các trang trại, tìm mở các tour- tuyến du lịch, đến thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm cho các thành viên và đưa các sản phẩm tới siêu thị và các trung tâm du lịch đã có”, Vũ Thị Oanh hào hứng.

Sự phát triển của nông nghiệp cà phê đã kéo theo sự phát triển của công nghiệp phụ trợ. Doanh nghiệp Việt đã sản xuất được nhiều máy rang cà phê rất hiện đại.

Xây dựng thương hiệu từ đỉnh cao

Ám ảnh “thô” của nông nghiệp, nông sản Tây Nguyên đã dần phai mờ sau hàng loạt nỗ lực của các tỉnh, thực hiện các đề án nâng cao chất lượng. Từ năm 2018 đến nay, nông nghiệp Tây Nguyên càng có đủ tự tin sẽ vươn tầm thế giới, ít nhất là với ngành hàng cà phê. Ở các cuộc thi quốc tế về cà phê đặc sản - cao cấp nhất, cà phê Robusta Việt Nam (đa số là của Tây Nguyên) là một hiện tượng, khi các mẫu đều đạt 84 điểm trở lên.

Lê Đức Huy là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2 tháng 9 tỉnh Đắk Lắk (tên giao dịch là Simexco), một doanh nghiệp Nhà nước thuộc TOP 3 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước. Sự ghi nhận của cộng đồng cà phê đối với doanh nhân trẻ này không phải vì danh hiệu doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2022, cũng không phải vì doanh nghiệp mà anh điều hành đem lại gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Đắk Lắk, mà ở tâm huyết dành cho ngành hàng. Anh liên tục đồng hành cùng các địa phương nâng cấp những vùng nguyên liệu cà phê hàng chục nghìn héc-ta, nhiệt tình kết nối các chủ farm chỉ dăm ba héc-ta để xây dựng thương hiệu, trợ giúp cộng đồng cà phê đặc sản Việt Nam mang sản phẩm dự các hội chợ và cuộc thi quốc tế... Anh cũng là người khơi dòng cho các sự kiện chưa từng có của ngành hàng, như thi cà phê đặc sản trong nước, thi rang cà phê, tổ chức chuỗi sự kiện cà phê đặc sản ở nhiều tỉnh - thành phố, nỗ lực tạo chỗ đứng cho phân khúc cao cấp này ở thị trường nội địa.

“Muốn có ngành hàng mạnh thì các doanh nghiệp  phải “nghĩ cho nhau”, “nghĩ cho nông dân”, cùng hành động vì một tương lai lâu dài. Khi ai cũng nghĩ tới mục tiêu chung và chấp nhận thiệt một chút ở trong thời gian trước mắt, cùng nhau xây dựng ngành hàng thì ngành hàng nào cũng chắc chắn thành công”.

Tổng Giám đốc Simexco Lê Đức Huy

Bây giờ, tỉnh Đắk Lắk đang tất bật chuẩn bị cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 và cuộc thi rang cà phê Việt Nam lần thứ 2. Buôn Ma Thuột cũng đang được xây dựng theo hướng trở thành thành phố cà phê của thế giới, có cơ chế đặc thù giúp phát huy các thế mạnh, trong đó có nông nghiệp - du lịch và cà phê, chung trong một chiến lược và ý chí. Tư duy mới, cách làm mới của những nông dân - doanh nhân trẻ ở Tây Nguyên, đang xây nền cho tương lai, mà ở đó nông nghiệp không chỉ tạo ra nông sản mà còn tạo ra dịch vụ và văn hóa./.
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận