Lan tỏa tình yêu sách trên đảo tiền tiêu

Những người lính quân hàm xanh đóng quân ở đảo Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang) luôn nhiệt huyết tham gia các hoạt động cộng đồng.

 

Những người lính quân hàm xanh đóng quân ở đảo Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang) - hòn đảo tiền tiêu ở vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc - luôn nhiệt huyết tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt lan tỏa thói quen đọc sách lan tỏa tới người dân và các em học sinh trên đảo.

Sôi nổi tình yêu với sách

Xã đảo Thổ Châu cách trung tâm TP Rạch Giá 119 hải lý, cách mũi Cà Mau 85 hải lý và cách Phú Quốc 55 hải lý về phía Tây Nam, nằm trong vịnh Thái Lan thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Cả quần đảo gồm đảo Thổ Chu lớn và 7 đảo, hòn nhỏ: hòn Xanh, hòn Từ, hòn Cao Cát, hòn Cao, hòn Cái Bàn, hòn Khô và hòn Nhạn. Đồn Biên phòng Thổ Châu đóng quân trên địa bàn xã đảo xa nhất của tỉnh Kiên Giang, không chỉ là lực lượng giữ bình yên cho vùng đảo tiền tiêu mà còn tập trung chăm lo cho công tác xã hội, giúp đỡ bà con, hỗ trợ địa phương chăm lo cho các em học sinh.

Là chiến sĩ bộ đội Biên phòng công tác ở nơi đầu sóng ngọn gió, Đại úy La Minh Nhòa, Đội trưởng Tham mưu hành chính, Đồn Biên phòng Thổ Châu luôn nhiệt huyết đem tình yêu với sách lan tỏa tới các chiến sĩ trẻ, khuyến khích niềm đam mê đọc sách tới đồng đội. Nhòa là người con của vùng quê Châu Thành, Kiên Giang. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Nhòa trở thành người lính Cụ Hồ. Nhận công tác gìn giữ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và khoác trên mình quân phục đã 12 năm, thế nhưng cảm xúc dạt dào với những áng văn, xúc động khi đọc được câu thơ hay, trang sách ý nghĩa với Nhòa vẫn vẹn nguyên như cậu học sinh hiếu học năm nào.

Bộ đội biên phòng đưa cây xanh ra trồng trên Hòn Nhạn.

Luôn tâm niệm “Sách là hành trang quý báu”, La Minh Nhòa không ngừng tự học tập, trau dồi trong suốt quá trình công tác. Vừa qua, anh là một trong ba thí sinh được Tỉnh đoàn Kiên Giang lựa chọn bài thi tham gia cuộc thi “Bác Hồ - Niềm tin yêu qua từng trang sách” và nhận giải “Ấn tượng” giành cho thí sinh có phần giới thiệu thu hút, hấp dẫn. Dù có chút buồn vì lỡ cơ hội ra Hà Nội nhận giải cao, chàng lính trẻ vẫn nhoẻn miệng cười: “Giải là sự động viên tinh thần, còn cái mình học được qua cuộc thi mới là quan trọng nhất!”. Nụ cười của người lính quân hàm xanh rạng rỡ và toát lên khát vọng cống hiến khiến bất kỳ ai tiếp xúc với anh càng thêm ngưỡng mộ.

Ở Đồn Biên phòng Thổ Châu, tủ sách được đặt và bố trí khoa học, trang trọng trong Phòng Hồ Chí Minh và là địa điểm yêu thích của các cán bộ, chiến sĩ. Phòng ở trên tầng hai, vị trí đón ánh sáng đẹp nhất với không gian thoáng đãng. Những đầu sách được sắp xếp gọn gàng, quy củ, phân loại theo từng nhóm với đầy đủ các thể loại, nhiều nhất là sách về kiến thức địa phương, vùng miền văn hóa, xã hội. Ngoài giờ huấn luyện, tuần tra, canh gác, các chiến sĩ ở đồn trở thành “đại sứ” tham gia hoạt động giới thiệu sách, đọc sách cho nhau nghe… Những chàng trai khoác áo lính dù đôi chút ngượng ngịu vì không phải là “MC” chuyên nghiệp, nhưng lại tràn trề nhiệt huyết thanh xuân khi truyền tải, giới thiệu về một cuốn sách yêu thích.

Những người lính quân hàm xanh ở đảo Thổ Châu tặng quà nhân dịp năm học mới cho các em học sinh.

“Các chiến sĩ tham gia những hoạt động này không phải chỉ để cho có phong trào mà đã trở thành thói quen, nếp sinh hoạt. Chúng em chủ động tìm kiếm các đầu sách yêu thích đọc trong giờ giải lao, hay sách phổ biến pháp luật, báo chí địa phương để trau dồi, nâng cao kiến thức trong lĩnh vực mình công tác. Trên đảo cuối tuần hay ngày lễ, do ở xa không được về nhà nên với em, sách còn mang lại niềm vui và giải trí sau những giờ tuần tra, huấn luyện. Những cuốn về Kiên Giang và nghiên cứu về đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer rất hữu ích cho công tác của chúng em”, Trung úy Nguyễn Đức Điệp đã ở Thổ Châu hơn 6 năm, cho biết.

Nhiệt huyết với cộng đồng

Dù bộn bề công tác, mỗi người phụ trách một khối lượng công việc rất lớn, lại phải chăm lo bảo đảm an sinh cho dân cư nhưng những hoạt động cộng đồng và khuyến đọc luôn là ưu tiên của chỉ huy Đồn Biên phòng Thổ Châu. Trung tá Danh Hiếu, chính trị viên Đồn Biên phòng Thổ Châu cho biết: “Cấp ủy, ban chỉ huy đơn vị luôn quán triệt tinh thần đưa sách báo, tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đem ánh sáng văn hoá đến với chiến sĩ và bà con, đồng bào trên địa bàn. Thông qua việc đọc và làm theo sách báo đã đem lại hiệu quả thiết thực, vừa góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vững vàng, xây dựng khối đoàn kết quân dân, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”.

Một buổi sinh hoạt đọc sách của các chiến sĩ đồn Biên phòng Thổ Châu.

Trung tá Danh Hiếu nhận công tác ở Thổ Châu từ tháng 5/2021, nhưng số hoạt động cộng đồng, chương trình mà anh đứng ra tổ chức hoặc đã tham gia thì không kể hết. Gần như tuần nào trên đảo cũng có “sự kiện” lớn nhỏ, khi thì do các lực lượng quân sự, Cảnh sát biển, Trạm radar thuộc Hải quân, khi thì do chính quyền xã hoặc xã đoàn tổ chức. Tháng 4 vừa qua, Đồn Biên phòng đã tổ chức thành công Ngày sách và Văn hóa đọc cho các em học sinh, đoàn viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) Thổ Châu, là hoạt động tiên phong và được các em học sinh cũng như thầy, cô giáo ủng hộ. “Chúng tôi không chỉ mời các học sinh tham gia, mà mong rằng từ hoạt động này sẽ khuyến khích các em khám phá niềm đam mê đọc sách”, anh Hiếu chia sẻ.

Đặc thù địa bàn là đảo tiền tiêu xa xôi, đi lại còn nhiều trở ngại, trên đảo lại chưa có nhà sách, gia đình các em đa số khó khăn nên học sinh tại Thổ Châu rất ít được tiếp xúc với các cuốn sách ngoài sách giáo khoa. Di chuyển từ đất liền ra đến Thổ Châu là cả một hành trình dài. Thông thường tàu Thổ Châu 09 từ cảng Bãi Vòng ở Phú Quốc khi thời tiết thuận lợi, “sóng lặng như mặt hồ” cũng phải hơn 6 giờ lênh đênh trên biển mới cập bến, vì thế, không hề đơn giản để vận chuyển được sách hay bất kỳ loại hàng hóa nào ra tới đảo. Thế nên, xây dựng văn hóa đọc ở địa phương lại càng là thử thách. Hiểu được sự thiếu thốn của học sinh đảo Thổ Châu, các anh bộ đội Biên phòng lại càng như được tiếp thêm động lực để có thể tổ chức và lan tỏa cho thế hệ trẻ hiểu ý nghĩa của việc đọc sách, có thêm sở thích lành mạnh. “Tôi luôn tâm niệm, học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân. Tâm huyết thì sẽ làm được thôi”, anh Hiếu tâm sự.

Các em học sinh tham gia hoạt động cùng Đồn Biên phòng Thổ Châu.

Đồn Biên phòng Thổ Châu cũng thường xuyên phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền phổ biến kiến thức cho các em học sinh, đặc biệt là đối với yêu cầu bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh xanh, sạch đẹp trên xã đảo. Đồn là lực lượng nòng cốt tham gia trồng nhiều cây xanh. Từ đầu năm tới nay, Đồn tổ chức ba đợt trồng và chăm sóc cây; đồng thời tuần tra, bảo vệ hòn Nhạn - nơi đặt điểm cơ sở A1. Để bố trí được một chuyến đi trồng cây như vậy, Đồn Biên phòng Thổ Châu phải lên kế hoạch từ lâu, có khi vì thời tiết không ủng hộ nên đã ra quân đưa cây lên ghe rồi lại phải rút về vì không ra được hòn Nhạn. Có lần, các em học sinh tham gia trồng cây cùng đơn vị nhưng mới đi đến hòn Xanh thì gặp sóng lớn, cả đoàn quay lại. Trung tá Danh Hiếu cho hay: “Mỗi cây xanh được trồng và phát triển tốt ở hòn Nhạn là điều cực kỳ quý báu. Đơn vị cố gắng trồng cây phủ xanh hòn Nhạn và bảo vệ điểm cơ sở A1 thiêng liêng nơi biển đảo Tây Nam của Tổ quốc”.

“Ở xã đảo xa xôi này, mọi công việc nặng nhọc gì cũng nhờ đến các anh bộ đội. Năm học nào các anh ấy cũng mua tập, cặp, tặng sách cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để tiếp sức các em đến trường cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác mà chúng tôi luôn trân trọng và lấy đó làm hình ảnh đẹp truyền dạy cho các em học sinh”.

Cô giáo Võ Thị Thanh Kiều, Trường Tiểu học, THCS Thổ Châu

Đóng ở nơi đầu sóng ngọn gió, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Thổ Châu luôn tích cực phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong giữ gìn an ninh, chính trị vùng biển, đảo. Những năm qua, Đồn Biên phòng Thổ Châu đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể xã tham gia, tổ chức nhiều hoạt động, xác định mục tiêu xây dựng tủ sách biên phòng trở thành điểm sáng văn hoá để thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng môi trường văn hoá, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; vừa từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, tạo nên thói quen đọc sách báo cho đồng bào, để xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh. “Ý tưởng thì nhiều lắm nhưng cần những người có tâm và sự chung tay của nhiều lực lượng, đơn vị, ban, ngành cùng tham gia hỗ trợ thực hiện. Đồn Biên phòng Thổ Châu sẵn sàng làm cầu nối để đưa sách, khuyến khích tinh thần ham học, khuyến đọc cho trẻ em, học sinh và bà con trên đảo”, Trung tá Hiếu hồ hởi chia sẻ./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận