Mới đây, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã xây dựng mô hình “Ươm mầm xanh biên giới -vững bước tới tương lai”. Mục tiêu nhằm hỗ trợ con em vùng cao, sau khi học hết lớp 12 sẽ tiếp tục được theo học các trường chuyên nghiệp để có cơ hội có việc làm.
Đường đến trường ướt đầm nước mắt
“Em thích học, nhưng bố mẹ không cho đi học, xong bố mẹ còn cãi nhau”. Mỗi khi nhắc đến việc học tập của mình, em Tráng Thị Suất, dân tộc Mông, học sinh lớp 11A3, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thường nghẹn ngào trong nước mắt như thế!
Ước mơ từ thuở nhỏ của Suất là được làm công an, để sau này có thể tham gia bảo vệ bình yên cho bản làng, quê hương. Điều này luôn là động lực thôi thúc em học tập thật tốt.
Giống với câu chuyện của Suất, em Tráng Thị Tro, cùng lớp 11A3, thường trú tại bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, Mộc Châu cũng mắt trong veo khi chia sẻ ước mơ của mình, bởi nhiều bạn cùng trang lứa với em ở bản đã con bồng, con bế. “Em thích học lắm. Ước mơ của em là sau này làm cô giáo mầm non để dạy các em trong bản”, Giàng Thị Tro chia sẻ.
Mồ côi bố mẹ từ khi em còn đang học mẫu giáo, ngẫm lại hơn 10 năm theo đuổi con chữ dưới sự đùm bọc của ông bà ngoại, thầy cô giáo, Giàng Thị Tro không nghĩ mình có thể vượt qua để hôm nay, em vẫn có thể ngồi trên ghế nhà trường để học tập. “Em đi học thì em tự lo thôi, ông bà ngoại làm nông, cũng chỉ giúp cho em được cân gạo, còn tiền thì em tự kiếm để đi học. Cuối tuần nghỉ học, em đi làm thuê, được tiền rồi thì xuống học. Một tuần em kiếm được nhiều nhất là 130.000, em cầm số tiền này xuống học trong 1 tuần”, Tro nói.
Tráng Láo Tòng, thường trú ở bản A Lá, xã Lóng Sập, học sinh lớp 10A3, trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu thì may mắn có mẹ, nhưng bố đi tù vì buôn ma túy từ lúc em chưa biết nói, nhà đông anh em, nên việc đi học với em cũng không mấy dễ dàng.
“Năm em mới bắt đầu biết bò thì bố em đi tù, bây giờ bố vẫn chưa về. Anh trai của em học hết lớp 9, bây giờ đang ở nhà; chị thì chỉ học hết lớp 5 thôi và mới đi lấy chồng. Em muốn học để đỗ tốt nghiệp và nếu có cơ hội thì em sẽ thi vào trường Cao đẳng nào đó”, Tráng Láo Tòng tâm sự.
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, chủ nhiệm lớp 11A3, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Chiềng Sơn đã có hơn 10 năm gắn bó với ngôi trường này. Nhắc đến hoàn cảnh và điều kiện học tập của nhiều em học sinh trong trường, nhất là các em học sinh mồ côi như Tráng Thị Tro và nhà khó khăn như Tòng, Suất, lòng cô lại nặng trĩu, cô Thắm cho biết: “Đường đến trường của các em thì trùng trùng điệp điệp, rất nhiều đồi, đèo; hoàn cảnh của các em thì rất khó khăn. Người dưới xuôi nếu chưa từng đến thì chắc không thể hình dung được. Thực sự tôi nghĩ các em học hết, ra trường được thì đấy là điều rất đáng nể phục”.
Cô Thắm cũng chia sẻ, nhiều hôm buổi học tiết 5 vắng nhiều học sinh, hoặc các em ngồi học uể oải, hỏi ra mới biết các em chưa ăn sáng, vì không có gì để ăn. Thế là cô lại xin các tổ chức, hoặc các thầy cô trong nhà trường cho các em cái bánh, gói mì. Bản thân cô có gì cũng thường hay chia cho các em cùng ăn.
Trường THCS và THPT Chiềng Sơn là ngôi trường đặc thù của Mộc Châu, bởi là trường duy nhất của huyện ghép cấp 2 và cấp 3. Toàn trường có hơn 1.200 học sinh, với gần 30 lớp học, chủ yếu là con em đồng bào Mông, Dao, Thái... ở các xã biên giới như: Chiềng Khừa, Lóng Sập, Chiềng Xuân, Tân Xuân, Xuân Nha… đến học tập. Vì kinh tế gia đình khó khăn, nên hàng năm, một số học sinh đã bỏ học giữa chừng; số học hết lớp 12 đi học chuyên nghiệp cũng rất hạn chế.
Thầy giáo Đoàn Lương Thành, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết:“Các em đi học nghề chủ yếu là con em ở trung tâm xã. Đối với các học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa thì việc các em được đi học các trường chuyên nghiệp và các trường nghề thì số lượng rất ít”.
Mộc Châu nói riêng, các địa phương của Sơn La nói chung, tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, đời sống của đồng bào các dân tộc vẫn rất khó khăn; đói nghèo và hệ lụy của ma túy khiến con đường đến trường của nhiều học sinh ướt đầm nước mắt, nguy cơ bỏ học giữa chừng rất cao và tương lai không biết sẽ đến bến bờ nào. Đây là nỗi lo không chỉ của riêng các em, của gia đình và nhà trường - nơi các em theo học, mà cũng là nỗi trăn trở chung của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như toàn xã hội, mong muốn có những “phép màu” để ước mơ về tương lai tươi đẹp của các em được “chắp cánh” bay cao, bay xa....
Để những "con đò ước mơ" cập bến
Từ thực tế khó khăn của đồng bào vùng cao biên giới, với mục tiêu giúp các em học sinh nơi đây có điều kiện thực hiện ước mơ của mình về một tương lai tươi sáng, tháng 6/2021, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình “Ươm mầm xanh biên giới - Vững bước tới tương lai”. Đây là mô hình dài hơi đầu tiên, lần đầu tiên một đơn vị bộ đội biên phòng triển khai trên cơ sở tiếp nối các chương trình hỗ trợ con em vùng biên trên hành trình kiếm tìm tri thức mà Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã, đang triển khai, như: “Con nuôi biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”...
Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình đã cho thấy ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi tiếp thêm ý chí, nghị lực cho các em học sinh vùng khó; đồng thời, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.
“Bố mẹ của em mất rồi, em học ở đây không có tiền; được các chú giúp tiền trả học phí, em rất là vui”; “Hoàn cảnh của em khó khăn. Được các chú nhận giúp như thế em rất vui. Được các chú giúp đỡ như thế nên em mới học đến bây giờ”; “Em cảm thấy giúp vui khi các chú giúp đỡ, nộp tiền cho em đi học. Mình đã khó khăn lắm rồi, được các chú giúp đỡ thì mình phải cố gắng để sau này có cuộc sống tốt hơn”.
Đây là những chia sẻ của các em học sinh ở các xã biên giới Lóng Sập và Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu (Sơn La) khi được hỗ trợ từ mô hình “Ươm mầm xanh biên giới - Vững bước tới tương lai” do Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tổ chức.
Theo Đại úy Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, qua công tác nắm tình hình, nhận thấy trên địa bàn đơn vị quản lý vẫn còn nhiều cháu hoàn cảnh gia đình khó khăn, mong muốn được đến trường. Từ thực tế đó, được sự đồng ý của Đảng ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Sơn La, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, đơn vị đã cùng với các nhà tài trợ triển khai mô hình này. Mục tiêu là nhằm giúp con đường đến trường của các em trở nên ngắn hơn, tương lai rộng mở hơn, từ đó giúp các em thay đổi chất lượng cuộc sống của mình, của gia đình và góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, xây dựng biên giới ngày càng phát triển.
“Đến nay, ngoài các chương trình hỗ trợ hiệu quả mà Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đang triển khai, mô hình “Ươm mầm xanh biên giới, vững bước tới tương lai” đã đỡ đầu thêm được 25 em và trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng để có thêm nhiều hơn nữa các em học sinh được đến trường, đến lớp học tập tốt”, Đại úy Cầm Bá Thành cho biết.
Theo thầy giáo Đoàn Lương Thành, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Chiềng Sơn, mô hình “Ươm mầm xanh biên giới - Vững bước tới tương lai” là mô hình với việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
“Được sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ có nhiều em học sinh có điều kiện để theo học các trường chuyên nghiệp, cũng như các trường nghề, để đảm bảo cho cuộc sống sau này”, thầy Thành nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, giáo viên Trường THCS và THPT Chiềng Sơn cũng bày tỏ: “Các tổ chức trong trường cũng có sự ủng hộ hỗ trợ nhưng cũng không thể hết được. Có sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng và các tổ chức cá nhân khác thì rất tốt, sẽ giúp các em có thể vượt qua được hoàn cảnh để có thể vươn tới tương lai tươi sáng hơn”.
Đại úy Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cho biết thêm, 25 học sinh được hỗ trợ học tập theo mô hình này là con em đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú ở 2 xã biên giới Lóng Sập và Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu. Các em ở các lứa tuổi với cấp học khác nhau, nhưng đều có nguyện vọng theo học đến hết lớp 12 và các trường đại học, cao đẳng, hoặc học nghề để sau này có việc làm, thu nhập ổn định. Mỗi tháng, các em sẽ được hỗ trợ ít nhất 300.000 đồng để trang trải cho việc học tập. Số tiền này được trích từ Quỹ “Ươm mầm xanh biên giới” do Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập huy động và các nhà tài trợ hỗ trợ. Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập có trách nhiệm phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí của gia đình và các em học sinh được đỡ đầu; thời gian chuyển tiền định kỳ theo tháng, quý hoặc cả năm.
Ông Vương Văn Học, Phó phòng Giáo dục huyện Mộc Châu cho biết, việc làm ý nghĩa, thiết thực mà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập nói riêng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La nói chung đã, đang triển khai sẽ giúp những “chuyến đò” của ngành giáo dục cập được nhiều bến bờ hạnh phúc.
“Đây là việc làm hết sức nhân văn, giúp đỡ cho rất nhiều em học sinh và các gia đình để các em có điều kiện học tập tốt hơn, sau này các em thành đạt sẽ quay trở lại phục vụ cho quê hương, cho đất nước”, ông Học nói.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cũng bày tỏ “Từ việc làm của các cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập thì hiện nay tại Mộc Châu cũng có rất nhiều đơn vị đang làm theo mô hình này. Nghĩa là họ sẽ đỡ đầu cho các em học sinh cho đến khi các em có nghề, có thu nhập ổn định. Vừa rồi, sinh viên K40 của trường Đại học Xây Dựng khi lên trải nghiệm các hoạt động ở Mộc Châu, biết việc làm này thì các anh các chị cũng đã nhận nuôi một số em học sinh cho đến khi các em học sinh trưởng thành. Vì vậy, việc hỗ trợ, giúp đỡ không chỉ có ý nghĩa với cá nhân các em học sinh được đỡ đầu, mà quan trọng hơn nữa là sức lan tỏa của nó đến các tổ chức cá nhân khác để học cùng tham gia. Và tôi nghĩ rằng việc làm ý nghĩa này sẽ còn được lan tỏa mãi”.
Từ ý nghĩa tốt đẹp ấy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đang có kế hoạch nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương biên giới của tỉnh.“Chúng tôi đánh giá rất cao chương trình này. Tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ nhân rộng sang các đơn vị khác để tạo nên một thế hệ mới vững bước để xây dựng và phát triển quê hương đất nước”, Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Sơn La cho biết.
Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội, cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm ấy của Đảng ta không hề thay đổi. Mô hình “Ươm mầm xanh biên giới, vững bước tới tương lai” mà Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La triển khai chính là bước hiện thực hóa quan điểm xuyên suốt ấy. Để rồi từ đây, kinh tế, văn hóa, xã hội, hệ thống chính trị cơ sở ở vùng biên cương sẽ ngày càng được củng cố; lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, Quân đội và BĐBP ngày càng được tăng cường.
Từ đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc trong xây dựng nền “Biên phòng toàn dân”, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, phục vụ sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới thiêng liêng của Tổ quốc./.
Tuyết Lan-Thu Thùy/VOV-Tây Băc