Giấc mộng Buôn Ma Thuột - Thành phố cà phê của thế giới

Buôn Ma Thuột đang cố gắng hiện thực hóa giấc mơ xây dựng nơi đây trở thành 'thành phố cà phê của thế giới'.

 

Buôn Ma Thuột có “làng cà phê”, “thành phố cà phê” và muôn vàn quán cà phê lớn nhỏ; là nơi hội tụ của rất nhiều trường phái pha chế cà phê trên thế giới. Chưa bằng lòng với vị thế thủ phủ cà phê Việt Nam, Buôn Ma Thuột đang cố gắng hiện thực hóa giấc mơ xây dựng nơi đây trở thành “thành phố cà phê của thế giới”. 

Từ đô thị vùng đến đô thị toàn cầu - mới lạ và đầy khó khăn

Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm hành chính, kinh tế của Đắk Lắk - tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước; là nơi duy nhất ở Việt Nam có lễ hội cà phê 2 năm tổ chức một lần; nơi khai sinh những thương hiệu cà phê lớn như Trung Nguyên, An Thái, Simexco. Thế nhưng, trở thành một thành phố cà phê của thế giới, đối với Buôn Ma Thuột là điều không hề dễ dàng. Tiến sĩ Trần Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, một trong những chuyên gia được thành phố mời “hiến kế”, phân tích: Trở thành Thành phố cà phê của thế giới, tương đương với Buôn Ma Thuột thoát biến từ quy mô khu vực - Regional Hub, vươn lên tầm toàn cầu - Global Hub.

Cho rằng Buôn Ma Thuột hiện nay đã có được những tiền đề tốt cho tương lai, như đã hình thành được triết lý xanh, bước đầu có các phân khu đô thị giáo dục, đô thị y tế và đô thị lễ hội, nhưng theo tiến sĩ Trần Lan Anh, giai đoạn tiếp theo mới thực sự là thách thức lớn, khi thành phố vừa phải nâng quy mô phát triển, thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư, vừa phải đạt đến chiều sâu trong từng chi tiết. “Cùng với một cộng đồng tương tác và sáng tạo, mọi thứ ở Buôn Ma Thuột phải sạch, độc đáo, kích thích được cả 5 giác quan”, Tiến sĩ Trần Lan Anh nhấn mạnh.

Ngoài tiến sĩ Trần Lan Anh, đã có hàng chục chuyên gia khác cũng đóng góp các ý tưởng nhằm xây dựng Buôn Ma Thuột thành “thành phố cà phê của thế giới”. 

Buôn Ma Thuột đang cố gắng hiện thực hóa giấc mơ xây dựng nơi đây trở thành “thành phố cà phê của thế giới”.

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, trước hết, sẽ xây dựng một đề án với các tầm nhìn chiến lược để trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới, một điểm đến của các nhà đầu tư, và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Đề án “phát triển thương hiệu Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với di tích quốc gia”, thành phố sẽ lập và trình Chính phủ trong thời gian tới, để có cơ sở huy động tối đa các nguồn lực cho mục tiêu đã được ấp ủ từ lâu.

Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Văn Hưng, đây là nhiệm vụ đặc biệt, mới lạ, chưa có tiền lệ từ trước đến nay nên Thành phố rất lúng túng, khó khăn trong triển khai thực hiện.  

15 năm nuôi khát vọng

Phát triển Buôn Ma Thuột thành Thành phố Cà phê toàn cầu, đã nhen nhóm ngay từ khi Đắk Lắk tổ chức Lễ hội Cà phê lần thứ nhất năm 2005. Và sang năm 2007, được thổi bùng trong khắp cộng đồng cà phê, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên công khai ý tưởng “xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thiên đường cà phê của thế giới, nơi hội tụ của 2,5 tỷ tín đồ cà phê trên khắp hành tinh”. Nền tảng để ông Vũ tin tưởng vào tương lai của một thiên đường cà phê là sự đặc sắc của Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và Tây Nguyên: một vùng địa chất đặc biệt với hàng trăm triệu năm kiến tạo; một vùng cà phê Robusta màu mỡ và chất lượng nhất thế giới; một vùng đất hội tụ nhiều dân tộc, với văn hóa đậm đà chất sử thi.

Thế nhưng cũng ở giai đoạn đó, ý tưởng “Thiên đường cà phê” bị thách thức nghiêm trọng khi nhiều lô hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam bị đánh giá thấp về chất lượng. Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột ngừng hoạt động. Các bê bối và điều tiếng về “cà phê trộn” thỉnh thoảng vẫn gây sốc cho công chúng.

Mặc dù con đường phát triển gặp thách thức, nhưng đam mê vươn tới của cộng đồng cà phê vẫn rực lửa. Mạng lưới liên kết nông dân và doanh nghiệp được tỏa rộng, nhằm sản suất cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế, và cà phê ở xứ sở này đã giành lại uy tín của mình, chinh phục những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.  

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9, Simexco Đắk Lắk cho biết, bây giờ, doanh nghiệp cà phê không chỉ bán sản phẩm mà còn lan tỏa khắp thế giới câu chuyện cà phê của Đắk Lắk, đó là câu chuyện về những vùng trồng tươi tốt với hệ sinh thái đa tầng thân thiện với môi trường. “Chúng tôi đã xây dựng được quan hệ rất tốt với các nhà rang xay của châu Âu, nhất là Hà Lan. Họ không chỉ thu mua cà phê của Công ty mà còn sang tận Đắk Lắk để giúp đỡ triển khai những vùng liên kết lớn. Hiện nay quy mô của vùng này đã đạt 90.000ha”, ông Huy chia sẻ.

Hoạt động bảo tồn, giới thiệu văn hóa với Hội thi Ủ rượu cần - hoạt động định kỳ diễn ra tại Bảo tàng Thế giới Cà phê. Ảnh: KT

Không dừng lại ở cà phê chất lượng cao, Cộng đồng Cà phê ở Buôn Ma Thuột và các vùng cà phê trên cả nước quyết tâm chinh phục phân khúc cao nhất của cà phê thế giới: cà phê đặc sản. Theo tiến sĩ Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, đơn vị tổ chức các cuộc Vietnam Amazing Cup (cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam), phân khúc này hiện chiếm hơn 30% giá trị của toàn ngành cà phê, tương đương khoảng 70 tỷ đô la.

Mới chỉ gần 5 năm phát triển, cộng đồng cà phê đặc sản Việt Nam đã có quy mô hơn 10 nghìn người. Khởi nghiệp cà phê đặc sản ngày càng tạo nhiều hứng thú cho các bạn trẻ và Buôn Ma Thuột là điểm hẹn cho những cuộc thi cà phê đặc sản hàng năm. Đáng quý là sản phẩm đoạt giải của các cuộc thi Vietnam Amazing Cup càng được đánh giá cao ở các cuộc thi quốc tế, củng cố sự tự tin cà phê Robusta của Buôn Ma Thuột là chất lượng nhất thế giới.

“Cà phê Robusta là điểm sáng cà phê đặc sản của Việt Nam so với thế giới. Điểm trung bình những lô đỉnh cao của Việt Nam những năm qua đã đạt 84 điểm. Có thể nói, cà phê Robusta của ta đạt mức chất lượng ngang bằng hoặc cao thế giới. Chúng ta có thể tự tin khai thác mảng cà phê đặc sản Robusta thế giới, đó là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam”, tiến sĩ Trịnh Đức Minh cho biết.

Những viên đá đặt nền

Nền móng chất lượng của cà phê Buôn Ma Thuột đã được củng cố. Buôn Ma Thuột cũng có đội ngũ doanh nhân trẻ giàu tâm huyết và dám dấn thân, bước đầu chinh phục thành công phân khúc cà phê đặc sản - cao cấp nhất trên thị trường cà phê thế giới. Các sự kiện cà phê đặc sản, cửa hàng cà phê đặc sản đang được mở rộng nhanh chóng trên khắp cả nước. Đây cũng là cơ sở của sự tự tin mang thương hiệu nội địa, làm chuông đi đánh xứ người, mở rộng chuỗi cà phê ở nhiều quốc gia khác.

Biểu diễn barista ba nền văn minh cà phê tại Bảo tàng thế giới cà phê. Ảnh: KT

Ở hướng đông bắc - Buôn Ma Thuột liên kết với hệ sinh thái cà phê trồng xen sầu riêng, đảm bảo chất lượng bền vững và giá trị kinh tế vượt trội so với tất cả các mô hình canh tác nông nghiệp trên thế giới. Cùng với Lễ hội cà phê, Buôn Ma Thuột đã có lễ hội sầu riêng làm vệ tinh, có sức hấp dẫn khó chối từ.

Ở hướng Tây Nam, Buôn Ma Thuột liền kề với Công viên địa chất toàn cầu Đăk Nông, vừa được Unesco công nhận, đang chờ được kết nối để phát triển.

Về phía đông, Cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa vừa được phê duyệt, nối thẳng cao nguyên xuống biển và rút ngắn hành trình tới Rừng quốc gia Chư Yang Sin, nối liền với Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà và huyện Lạc Dương, vùng du lịch đầy tiềm năng của tỉnh Lâm Đồng, qua giao lộ với đường Trường Sơn Đông.

Các dự án Đại lộ Đông tây, Hồ Ea Tam, đang mở rộng hơn gấp đôi không gian phát triển cho Buôn Ma Thuột và khai thác được tối đa v đẹp núi - rừng - hồ - suối của thành phố cao nguyên… Cùng với Bảo tàng cà phê thế giới, Làng Cà phê, Thành phố Cà phê… những công trình kiến trúc mang chiều sâu thương hiệu, Buôn Ma Thuột xây dựng thêm nhiều công trình đậm bản sắc khác, nhờ có thêm nhiều diện tích và địa lợi.

Có thể nói,  Buôn Ma Thuột đã có những nền móng cần thiết để “Hội tụ tinh hoa, phát huy bản sắc, liên kết phát triển”. Thứ mà nơi này còn thiếu, có thể là sự  đồng bộ giữa chiến lược, quyết tâm và hành động.

Quy hoạch chung Buôn Ma Thuột là thành phố của đồi và suối, nhưng hầu như chưa thực hiện được khối lượng nào đáng kể.

Suối ở Buôn Ma Thuột vẫn trong tình trạng bị lấn chiếm, bị cống rãnh hóa và xả rác tràn lan, làm bức bí không gian phát triển.

Các dự án quan trọng như hồ Ea Tam, Đường tránh đông, Đại lộ Đông-Tây, đã chậm tiến độ hết năm này qua năm khác.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Buôn Ma Thuột khuyến khích xây dựng các biệt thự nhà vườn, nhưng thành phố chưa có định hướng cụ thể.

Thành phố cà phê của thế giới cần nguồn lực lớn. Trước khi có đủ nguồn lực, cách tốt nhất là Buôn Ma Thuột thực hiện rốt ráo những dự án cụ thể, những mục tiêu ngắn hạn, khắc phục được tệ nạn cơi nới, chắp vá và lấn chiếm trong phát triển độ hiện nay. Trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên là bước đệm cần thiết để Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới trong tương lai./.                   

 

Bình luận

    Chưa có bình luận