Ý tưởng công nghệ dành tặng cộng đồng

Để giảm áp lực cho hệ thống y tế, giúp người dân bớt gánh nặng tâm lý, nhóm GDSC (Trường Đại học Hoa Sen) đã cho ra đời dự án công nghệ vì cộng đồng Gateway.

 

Chuỗi ngày TP.HCM cùng cả nước thực hiện giãn cách chồng giãn cách do dịch Covid-19, khi cùng mọi người xếp hàng ghi thông tin đợi đến lượt tiêm vaccine, các thành viên nhóm GDSC (Trường Đại học Hoa Sen) nghĩ phải làm gì đó để giảm áp lực cho hệ thống y tế, giúp người dân bớt gánh nặng tâm lý. Và thế là, dự án công nghệ vì cộng đồng Gateway ra đời ngay sau đó.

Bàn ít, làm nhiều

Gateway là sản phẩm công nghệ xây dựng các chốt kiểm tra 5K, cập nhật thông tin phòng dịch không cần sự hỗ trợ hoặc can thiệp của con người. Thiết bị vận hành thông qua ứng dụng thông minh được cài đặt, kết nối với điện thoại di động hoặc máy tính. Vậy nên, chỉ cần đầu tư khoản chi phí nhỏ (chưa đến một triệu đồng) cùng các ứng dụng và thao tác không quá phức tạp, từ trường học, đến cộng đồng dân cư nhỏ đều có thể chủ động trong khâu kiểm soát việc tuân thủ đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, cập nhật thông tin người đến/đi một cách tự động hoàn toàn thay vì phải phân công nhân sự túc trực.

Sản phẩm tâm huyết của 4 chàng sinh viên: Nguyễn Võ Đăng Cao, Trương Hoàng Duy, Nguyễn Đăng Khương, Nguyễn Mạnh Hùng không chỉ được đánh giá cao về ý tưởng, việc ứng dụng công nghệ mà còn ghi điểm bởi tính lan tỏa đến cộng đồng. Trong đó, yếu tố thể hiện rõ nhất nguyện vọng sẻ chia của nhóm chính là thiết kế ứng dụng open-source (mã nguồn mở). “Là sản phẩm cộng đồng mở, tức là ai cũng có thể vào xem những phần mà nhóm đã làm. Nhóm không giấu bất kỳ bí mật công nghệ nào cũng như phương pháp thực hiện. Tụi em ghi từng hướng dẫn cụ thể như bạn muốn lắp cái này thì phải mua cái gì, chuẩn bị ra sao. Điều quan trọng nhất tụi em muốn gửi gắm là truyền cảm hứng để bạn trẻ nào yêu thích công nghệ thì tự tin bắt tay vào việc thực hiện những sản phẩm phù hợp, có ích cho cộng đồng. Có ý tưởng hãy sớm bắt tay thực hiện, bàn ít thôi, dành thời gian làm để biết mình sai ở đâu, cần sửa gì. Tụi em luôn dặn nhau như vậy”, Trưởng nhóm Trương Hoàng Duy chia sẻ.

Các thành viên nhóm GDSC mất gần 2 tháng để hiện thực hóa ý tưởng thành dự án Gateway với mong muốn giảm áp lực cho hệ thống y tế khi dịch bệnh xuất hiện.

Cái khó nhất của nhóm khi bắt tay thực hiện dự án lần này chính là khoảng cách địa lý. Lên ý tưởng ngay thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội kéo dài, ai ở đâu ở yên đó, Duy cùng ba thành viên còn lại không thể gặp nhau bàn bạc mà toàn họp qua màn hình máy tính. Lắm lúc bối rối do quá nhiều ý tưởng xuất hiện cùng lúc, các thành viên chọn cách nhún nhường cái tôi thông qua việc lấy ý kiến số đông. Suốt hai tháng liền, cứ đến tối, bốn bạn trẻ năng động ngồi lại cùng nhau trong giờ họp trực tuyến, đặt mục tiêu xây dựng cho bằng được phương án khả thi nhất nhưng phải thiết thực, tiết kiệm để ai cần đều có thể ứng dụng ngay. Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, bên cạnh phần mềm, Gateway còn có phần cứng với nhiều thiết bị cần lắp ráp. Vậy nên, khi không thể gặp nhau, mỗi người đảm nhận phần “thế mạnh” để sản phẩm hoàn thiện nhanh nhất, ít lỗi nhất. Ngày Gateway thành hình, cả nhóm mừng lắm vì biết rằng sẽ có thêm một giải pháp chung tay cùng thành phố trong những ngày khó khăn, đợi chờ một cuộc sống bình thường mới.

Khi lên ý tưởng cho dự án, nhóm GDSC hướng đến nhóm đối tượng sử dụng chính là học sinh, sinh viên và người lao động trong các khu trọ, khu dân cư. Do đó, ngoài yếu tố tối giản về công nghệ để ai cũng dễ dàng tương tác thì bài toán tiết kiệm chi phí luôn được đặt ra.

Nhóm chia nhỏ các công việc ra để hoàn thiện một mobile app để kiểm tra nhiệt độ, khẩu trang, điểm danh và khử khuẩn. Sau đó, các thành viên xây dựng một web app giúp theo dõi từ xa và có thể trích xuất dữ liệu nếu cần, tránh lây nhiễm chéo hết mức có thể. Ban đầu, khi lên ý tưởng cho dự án, nhóm bạn trẻ hướng đến nhóm đối tượng sử dụng chính là học sinh, sinh viên và người lao động trong các khu trọ, khu dân cư. Do đó, ngoài yếu tố tối giản về công nghệ để ai cũng dễ dàng tương tác thì bài toán tiết kiệm chi phí luôn được đặt ra. Và muốn tiết kiệm nên Gateway được thiết kế theo dạng module tách biệt, phù hợp với nhiều tình huống dịch bệnh có thể phát sinh sau này chứ không riêng gì trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, tránh được sự lãng phí.

Thiết kế nhỏ gọn cùng các ứng dụng thông minh, thân thiện, Gateway dễ dàng thao tác, giúp ghi nhận thông tin phòng dịch nhanh chóng, hiệu quả.

Muốn dự án đi xa hơn

Gateway đã vượt qua hàng trăm đối thủ trên toàn thế giới để lọt vào top 3 dự án xuất sắc nhất của cuộc thi Google Solution Challenge 2022 (không chia giải nhất, nhì, ba). Solution Challenge là cuộc thi thường niên do cộng đồng Developer Student Clubs tổ chức với sự hậu thuẫn từ hãng công nghệ hàng đầu thế giới Google. Mục tiêu của cuộc thi nhằm tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của cộng đồng địa phương bằng cách sử dụng một hoặc nhiều sản phẩm nền tảng của Google. Đây là thành tích cao nhất của các đội thi đến từ Việt Nam từ trước đến nay. Trước đó, các bạn cũng là đại diện duy nhất từ Việt Nam và Đông Nam Á lọt top 10 để tham gia chung kết cuộc thi Công nghệ Google Solution Challenge 2022. Cuộc thi năm nay thu hút 835 dự án của các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Hàn Quốc, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…

Năm 2022, cuộc thi Google Solution Challenge tập trung vào việc khuyến khích các dự án giải quyết các vấn đề liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngoài ra, không chỉ tìm kiếm những đề tài công nghệ tiên tiến nhất, Solution Challenge còn nhấn mạnh vào sức ảnh hưởng đến xã hội cũng như khả năng mở rộng phạm vi hiệu dụng của giải pháp trong tương lai.

Dự án Gateway được đánh giá cao trong cuộc thi lần này vì tạo ra một hệ thống nguồn mở dùng để khai báo y tế Covid-19 kỹ thuật số thông qua giải pháp IoT mã nguồn mở (Internet of Things - Vạn vật kết nối), ghép nối với ứng dụng trên thiết bị di động và giao tiếp với hệ thống nhúng qua giao thức kết nối Bluetooth. Dự án sử dụng Angular, Firebase, Flutter, nền tảng Google Cloud, TensorFlow, Progressive Web Apps và kết nối người dùng với hệ thống đăng ký kỹ thuật số Covid-19. Các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc được đề cập trong giải pháp bao gồm Good Health & Wellbeing (Sức khỏe & An sinh tốt), Sustainable Cities (Thành phố bền vững) và Partnerships (Cộng tác). Thế nhưng, theo các thành viên GDSC, phần thưởng nhóm nhận được còn lớn hơn cả sự vinh danh từ một cuộc thi uy tín. Đó là sự công nhận của mọi người với một ý tưởng từ người trẻ, những người muốn tìm tòi để chung tay mang lại điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Bên cạnh sự ghi nhận từ ban giám khảo cuộc thi, các thành viên trong nhóm cho rằng bản thân đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm khi tham gia sân chơi công nghệ toàn cầu. Khi được công nhận, các bạn có thêm động lực để đầu tư nghiên cứu sâu hơn về các giải pháp công nghệ hướng đến cộng đồng. Mang ý tưởng đi dự thi, ban đầu, GDSC không quá kỳ vọng vào giải thưởng mà chỉ đặt mục tiêu vào top 50, top 10. Vậy nên, khi ban tổ chức cuộc thi công bố kết quả chung cuộc, cả bốn thành viên mất ngủ cả đêm vì bất ngờ, hạnh phúc. Mới đây, khi đại diện Google đến tận Trường Đại học Hoa Sen trao chứng nhận giải thưởng cho dự án Gateway, các thành viên vẫn còn lâng lâng cảm xúc.

Bà Janise Tan, Quản lý cộng đồng lập trình viên khu vực Đông Nam Á, Google châu Á - Thái Bình Dương trao chứng nhận cho nhóm dự án Gateway.

Tạo dấu ấn tại một cuộc thi công nghệ uy tín, Gateway không dừng lại ở một giải thưởng mà các thành viên mong muốn lan tỏa hơn nữa yếu tố hỗ trợ cộng đồng của ứng dụng thiết thực này. Chỉ cần nơi nào có nhu cầu, các thành viên GDSC sẽ hỗ trợ về công nghệ và những bước đi cụ thể để sử dụng sản phẩm hữu hiệu nhất. “Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục nâng cấp ứng dụng, hoàn thiện các chức năng, chuẩn bị các module phù hợp với nhiều tình huống, nhóm sẽ tích cực hơn nữa trong việc lan tỏa dự án đến cộng đồng, đặc biệt là bạn trẻ yêu thích công nghệ. Chỉ cần mọi người có nhu cầu, nhóm sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật để ai cũng có thể áp dụng Gateway vào cuộc sống tùy theo nhu cầu, điều kiện. Hiện nhóm cần được hỗ trợ thêm chốt thí điểm tại các trường, các tòa nhà để hoạch định dự án có chắc chắn mang tính thực tiễn không rồi có bước điều chỉnh phù hợp”, Nguyễn Võ Đăng Cao cho hay./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận