Bác Hồ trong trái tim đồng bào A Lưới

Người dân của A Lưới từ thế hệ này qua thế hệ khác, đặc biệt, là hiện nay ở các gia đình hầu như nhà nào đều có di ảnh của Bác.

 

Ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong ngôi nhà của đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu hay Pa Hy đều đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng tôn kính đặc biệt. Ngày 5/9/1969, khi nghe tin Bác qua đời, người dân vùng phía Tây Thừa Thiên Huế đã lập bàn thờ Bác và làm lễ xin đổi họ của mình thành họ Hồ để tỏ lòng thành kính. Bà con luôn nhớ lời Bác dạy, chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.

Anh hùng Hồ Vai - người vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ.Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hồ Đức Vai (tức A Vai) sinh năm 1940, ở thôn Lê Lốc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm lên 6 tuổi, mồ côi cả chả lẫn mẹ, ông lớn lên trong sự đùm bọc của bà con dân bản. Mười chín, đôi mươi, A Vai đã săn chắc như cây lim, cây táu trong rừng già Trường Sơn. Căm phẫn, không chịu khuất phục khi thấy giặc dồn dân lập ấp, đàn áp đồng bào mình, A Vai viết đơn tình nguyện tham gia dân quân du kích địa phương để đánh địch. Một năm sau đó, ông chính thức được giao làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội du kích.

Ông Hồ Đức Vai tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ, diệt hàng chục tên địch. Năm 1964, khi 24 tuổi, trong Đại hội chiến sĩ Anh hùng thi đua toàn miền Nam tại Tây Ninh, ông là một trong 32 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Năm 1965, ông Vai cùng đoàn Anh hùng miền Nam ra thăm Bác. Cũng trong lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ đặt tên cho chàng du kích người Pa Kô Hồ Đức Vai là Hồ Vai. Nay đã ở tuổi 82, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hồ Vai cho rằng, học tập tấm gương Bác Hồ, bà con ai cũng cố gắng học cái hay, cái mới, cho con cái đến trường học hành.

“Đồng bào luôn luôn hướng về Đảng, về Bác. Ngày khó khăn nhất, ngày xưa, đồng bào vẫn tìm đến Bác và nếu không có Đảng, không có Bác thì đồng bào làm gì được đoàn kết như hôm nay” - Anh hùng Hồ Vai cho hay. 

Anh hùng Hồ Vai thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ.Anh hùng Hồ Vai đánh giặc giỏi và có tới 5 lần được ra miền Bắc báo công với Bác Hồ về những chiến công của đồng bào Pa Kô trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 5/9/1969, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin Bác Hồ qua đời, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ai nấy cũng đều tỏ lòng thương tiếc. Trong niềm đau thương vô hạn, bà con đã lập bàn thờ Bác, làm lễ để tang Bác và xin được lấy họ của Bác Hồ làm họ chung cho cộng đồng người dân tộc thiểu số ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Bất chấp khó khăn gian khổ, bà con nơi đây một lòng một dạ tiếp tục vận chuyển lương thực, tải đạn, tham gia đánh giặc, che chở bộ đội cụ Hồ. 

Ảnh nữ Anh hùng Kăn Lịch trong một lần được gặp Bác Hồ.Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Kăn Lịch, người mở màn bắn rơi máy bay địch bằng súng trường, cháu ruột anh hùng Hồ Vai, người từng 7 lần được gặp Bác Hồ nhớ mãi hình ảnh Bác luôn tỏa sáng trái tim người Pa Cô.

“Bây giờ, ai cũng lấy họ Hồ, con cháu cũng lấy họ Bác. Thường thường bàn thờ là thờ Bác, ngày sinh nhật Bác, ngày rằm, ngày Tết là thắp hương cho Bác. Ai cũng nói lại cho con cháu phấn đấu học hành cho thật tốt để học tập tấm gương đạo đức của Bác” - nữ Anh hùng Kăn Lịch chia sẻ.

Nữ Anh hùng Kăn Lịch thắp hương tưởng nhớ Người.Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao A Lưới một lòng theo Đảng, gìn giữ buôn làng. A Lưới hôm nay có rất nhiều hộ dân trồng rừng kinh tế, vươn lên làm giàu. Lớp con cháu noi theo thế hệ cha ông, hăng say lao động, mở rộng chăn nuôi, phát triển sản xuất, cuộc sống ngày càng khấm khá. Ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Huyện ủy A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Thấm sâu lời Bác dạy, người già, người trẻ nơi đây luôn ra sức phấn đấu, học tập, lao động, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bác Hồ trong trái tim đồng bào A Lưới.“Người dân của A Lưới từ thế hệ này qua thế hệ khác, đặc biệt, là hiện nay ở các gia đình hầu như nhà nào đều có di ảnh của Bác. Hằng năm, Tết đến Xuân về, cũng như các ngày lễ, đặc biệt như là ngày Tết Độc lập. Họ thắp một nén nhang để tưởng nhớ đến Bác cũng như công lao của Bác đối với Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới nói riêng" - ông Hồ Đàm Giang cho biết. /.”

Lê Hiếu/VOV- Miền Trung

 

Bình luận

    Chưa có bình luận