Mong muốn các em nhỏ có những ký ức tuổi thơ thật đẹp, thật vui vào những đêm trăng rằm, Câu lạc bộ Người dẫn chương trình Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM trong 6 năm qua đã đồng hành và mang đến những mùa Trung thu ý nghĩa cho các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Mang Trung thu về Mã Đà
Được thành lập từ năm 2016, Câu lạc bộ (CLB) Người dẫn chương trình Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM là nơi giúp các bạn trẻ tuổi mười tám, đôi mươi luyện tập để trở thành người dẫn chương trình chuyên nghiệp. Không chỉ trau dồi về chuyên môn, ở đây các bạn còn được tham gia nhiều công tác xã hội với những hoạt động thiết thực, đầy tính nhân văn. Nổi bật là hoạt động mang Trung thu về với các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa. Đều đặn 6 năm qua, bước vào những ngày tháng 7 âm lịch là nhóm bạn trẻ của CLB lại hăng hái lên đường đến các địa phương còn khó khăn, đời sống của người dân và trẻ nhỏ còn nhiều thiếu thốn để kịp thời động viên và mang đến cho các em mùa Trung thu ý nghĩa, vẹn tròn. Trên hành trình ấy, các bạn trẻ giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh và trải qua hàng ngàn cung bậc cảm xúc khó tả. Anh Nguyễn Hoàng Vũ - Chủ nhiệm CLB Người dẫn chương trình Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM chia sẻ: “Một điều rất hữu duyên là Trung thu chỉ diễn ra vài ngày sau Giỗ Tổ sân khấu (12/8 âm lịch hằng năm) nên Vũ muốn nhắn nhủ đến những người dẫn chương trình trước ăn cơm Tổ nghiệp, sau hãy biết cống hiến vì cộng đồng, san sẻ yêu thương với nhiều mảnh đời khác nhau trong cuộc sống”. Vì vậy, những thế hệ trẻ 9x, 10x của CLB luôn hiểu được trách nhiệm của mình trong các hoạt động gắn kết, mang tính cộng đồng.
Một sáng Chủ nhật, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, thành phố vẫn đang nghỉ ngơi thì các bạn trẻ của CLB Người dẫn chương trình Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM đã xuất phát đến ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
“Cạch cạch...” - Tiếng động cơ xe máy càng lúc càng lớn dần, người điều khiển xe đang cố thoát khỏi vũng bùn lớn trên con đường đất đỏ vào mùa mưa. Loay hoay một lúc, nhóm bạn phụ nhau, người dắt, người đẩy, hì hục vài chục phút, cuối cùng chiếc xe máy đã có thể vượt qua khỏi lớp bùn đất nhão do mưa liên tục nhiều ngày qua. Di chuyển hơn hai giờ đồng hồ, các thành viên đã có mặt tại ấp 4, xã Mã Đà. Đây là địa điểm CLB lựa chọn tổ chức chương trình Trung thu “Trăng sáng miền xa” để trao quà và quỹ học bổng vận động được từ các mạnh thường quân.
Khó khăn, thiếu thốn. Đó là những gì có thể nói về đời sống của người dân nơi đây. Thuở mới về định cư, người dân sống trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai không có điện sinh hoạt dù họ ở rất gần nhà máy thủy điện Trị An. Cho đến năm 2021, cuộc sống người dân đỡ vất vả hơn khi địa phương khởi công công trình đường dây lưới điện trung, hạ thế. Chú Được - bảo vệ tại trường C3 chia sẻ: “Điều kiện điện đài tại trường cũng khó khăn, ở đây chạy bằng máy phát điện, nắng nhiều thì hoạt động tốt, còn mưa thì điện yếu lắm”.
Đường sá, cơ sở hạ tầng vẫn chưa phát triển đồng bộ, mỗi ngày các em học sinh đến trường phải băng qua con đường rừng hiểm trở, bùn đất lầy lội vào mùa mưa. Xe đạp - phương tiện rất “xa xỉ” và là ước mơ của hàng trăm em nhỏ ở đây. Đôi chân trần dính chặt bùn đất mỗi khi đến lớp học là hình ảnh quen thuộc của học sinh ấp 4. Vượt hàng trăm ki-lô-mét từ TP.HCM xuống xã Mã Đà, chứng kiến cuộc sống đầy cơ cực của các em thiếu nhi, nhiều bạn trẻ ngậm ngùi, xúc động. “Nhìn mà thương các em quá, phải đi học từ rất sớm mới kịp giờ vào lớp, tập sách chỉ đựng trong một cái túi ni-lông, hôm nào mưa lớn là ướt sũng” - anh Thanh Nghiêm, Phó Ban tổ chức chương trình Trăng sáng miền xa chia sẻ, ánh mắt buồn rười rượi.
Tiếp lời, thầy giáo trẻ Cao Ngọc Thanh - Tổng phụ trách trường Trung học cơ sở Mã Đà cho biết: “Cuộc sống của đa số người dân nơi đây phụ thuộc vào lòng hồ thủy điện Trị An nên bấp bênh, không có điều kiện mua sách vở, quần áo cho con. Tôi mong muốn phòng học được hỗ trợ thêm nhiều quạt, nhiều đèn, bàn ghế phù hợp kích thước của các em để dễ dàng học tập”.
Để những mùa trăng thêm tròn trịa
Còn nhớ trong một lần tổ chức chương trình Trung thu “Trăng sáng miền xa” cho thiếu nhi địa phương có hoạt động “Cây ước nguyện”, trên cây, mỗi em sẽ viết điều ước của mình và mong phép màu sẽ đến. Trên mảnh giấy trắng tinh, còn thơm mùi mực mới, một em viết: “Con ước cho nhà con hết nghèo, cho mẹ con hết bệnh, để con được đi học”. Đọc tâm sự của em mà đau lòng. Chứng kiến trẻ nhỏ ở đây thiếu ăn, thiếu mặc càng thêm thôi thúc thành viên CLB quyên góp được nhiều phần quà ý nghĩa như tập, sách, bánh kẹo, quần áo cũ và lồng đèn để tặng cho các em. Được tặng quà các em hạnh phúc lắm, không giấu được niềm vui, bé nào cũng cười tít mắt, hớn hở vô cùng.
Trải qua ba mùa Trung thu ở vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, CLB vui mừng khi thấy điểm trường C3 mà mình lựa chọn là nơi diễn ra chương trình đã thay da đổi thịt. Dù không hiện đại như các trường ở thành thị, nhưng phòng học được xây mới, trường trang bị thêm tủ sách để làm thư viện cho các bé, dù nguồn sách vẫn còn khan hiếm. “Nhìn chung, những thay đổi này phần lớn là hỗ trợ về cơ sở vật chất cho nhà trường để học sinh có được chất lượng học tập tốt hơn. Tuy nhiên, con đường đến trường của các em vẫn còn rất khó khăn”, MC Hải Linh - CLB Người dẫn chương trình Nhà văn hóa sinh viên, Trưởng Ban tổ chức chương trình “Trăng sáng miền xa” chia sẻ.
Vào dịp Trung thu mỗi năm, Ban tổ chức muốn đó là một ngày vui chung của tất cả các gia đình tại ấp 4, xã Mã Đà, vì thế, năm nào cũng vậy, hành trình “Trăng sáng miền xa” đều có 50 suất quà cho các hộ nghèo ở địa phương. Ngoài ra, còn có 200 phần quà cho trẻ em của mỗi điểm trường và tùy vào số tiền vận động, quyên góp đến từ các mạnh thường quân sẽ có thêm 50 - 100 suất học bổng cho các bé. Có những năm, nhận được nguồn đóng góp lớn hơn thì CLB còn mua thêm xe đạp dành tặng học sinh nghèo ở địa phương. Món quà nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn lao vì đây là phương tiện rất cần thiết cho việc đến trường của học sinh ấp 4.
Vào dịp Trung thu mỗi năm, Ban tổ chức muốn đó là một ngày vui chung của tất cả các gia đình tại ấp 4, xã Mã Đà, vì thế, năm nào cũng vậy, hành trình “Trăng sáng miền xa” đều có 50 suất quà cho các hộ nghèo ở địa phương. |
Mùa Trung thu năm nay, Ban tổ chức chương trình mong muốn mang lại diện mạo mới cho Mã Đà, về cơ sở vật chất khang trang hơn, điều kiện đi học của các bé đủ đầy hơn. Đồng thời, mang đến cho các bé một đêm Trung thu trọn vẹn khi được tham gia những hoạt động vui chơi thú vị, được xem đêm nhạc chuẩn bị chỉn chu từ các thành viên của CLB, được rước đèn, phá cỗ... Thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục hành trình đến những địa phương khác để mang đến cho người dân và các bé ở vùng sâu, vùng xa những mùa trăng ý nghĩa. Tham gia các hoạt động thiện nguyện của CLB Người dẫn chương trình, Diễn viên - MC Việt Trang trải lòng: “Việt Trang rất vui vì được tham gia những chuyến đi ý nghĩa như Trăng sáng miền xa để được gần gũi và mang Trung thu đến cho các bạn nhỏ ở những nơi khó khăn như Mã Đà”.
Thiếu nhi ở thành thị sẽ dễ dàng được mua cho một chiếc bánh Trung thu, một cái lồng đèn, nhưng điều đó khá khó khăn với các em nhỏ miền xa, đặc biệt thiếu thốn. Thế nên, “Vũ và CLB Người dẫn chương trình Nhà văn hóa sinh viên sẽ thay chú Cuội, chị Hằng, mang đến cho các em những điều đó, để các em tin chỉ cần mình ngoan ngoãn, học giỏi, thì mỗi năm đều sẽ có quà, có bánh, có học bổng vào dịp này” - anh Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ nhiệm CLB và là người đầy tâm huyết với chương trình cho biết./.