Lễ cúng ruộng thường được tổ chức khi bắt đầu một vụ sản xuất mới với ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn với đất mẹ, thổ công, thổ địa và mong muốn thổ công, thổ địa bảo vệ để có một vụ lúa tươi tốt, không sâu bệnh hại, ruộng bậc thang không bị sạt bờ…
Trước khi vào lễ, chủ nhà cắm 4 cọc tre rồi đan các thanh tre kết lại thành một đàn lễ, ngay trên đầu đám ruộng bậc thang của gia đình. Ngoài ra, tùy vào số lượng những thửa ruộng mà chọn đủ số lượng cây lau già để cắm xuống mỗi thửa ruộng. Lễ vật dâng cúng gồm: 1 con gà trống, 1 chai rượu, hương và giấy bạc mã. Bắt đầu lễ cúng, gia chủ sẽ đốt 6 que hương cắm vào các ống tre, rót 3 chén rượu lên đàn cúng, rồi cầm con gà trống khấn và cúng. Nội dung của bài cúng khá đơn giản, chủ yếu là mời thổ công, thổ địa đón nhận lễ vật và giúp gia đình bảo vệ để có một vụ lúa tươi tốt; sang năm gia đình sẽ lại chuẩn bị đầy đủ lễ vật cho lễ cúng.
Kết thúc nghi lễ, chủ hộ hoặc một người trong gia đình sẽ mang những cây lau trước đó đã được cắm lông gà đi cắm vào bờ các thửa ruộng. Đến thửa cuối cùng, cây lau phải quay ngược lại thể hiện ruộng của gia đình chỉ đến đó và thổ công, thổ địa hãy bảo vệ những thửa ruộng của gia đình.