'Người chở đò' mê nghiên cứu khoa học

Thầy giáo trẻ Lê Thanh Liêm, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam là 'cha đẻ' của những thiết bị hữu ích, mang tính đổi mới, sáng tạo, ứng dụng.

 

Là “cha đẻ” của những thiết bị hữu ích, mang tính đổi mới, sáng tạo, ứng dụng nhằm phục vụ ngành giáo dục tỉnh nhà, thầy giáo trẻ Lê Thanh Liêm, giáo viên bộ môn Vật lý, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) được nhiều thế hệ học sinh quý mến bởi sự tận tâm với nghề.

Cậu học trò nghèo không ngừng vươn lên

Xuất thân trong một gia đình nông dân, cha mẹ quanh năm lam lũ bên ruộng đồng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Lê Thanh Liêm tự nhủ mình phải cố gắng học hành để làm gương cho hai em và làm lụng đỡ đần cho cha mẹ. Sau mỗi giờ tan trường, cậu học trò nghèo về nhà cất tập sách là mau mau đi giăng lưới, cắm câu... kiếm cá cho bữa cơm chiều. Thời đó, cuộc sống còn khó khăn, trong xóm chưa có đèn điện, mọi phương tiện như internet, điện thoại di động là điều gì đó rất xa xỉ. Liêm tự học là chính. Sau tiết học trên lớp, cậu về nhà làm thêm nhiều bài tập trong sách, và lên thư viện trường tham khảo dạng bài tập nâng cao. Liêm tiết lộ, anh đam mê sáng chế từ nhỏ, tận dụng mọi vật dụng hay thiết bị điện tử cũ không dùng là anh mày mò tháo ráp cho ra những công trình thu nhỏ, tiện ích. 12 năm đèn sách thấm thoắt trôi qua, đứng trước cánh cửa tương lai, Liêm quyết định lựa chọn vào ngành Sư phạm Vật lý, trường Đại học Cần Thơ.

Thầy giáo trẻ Lê Thanh Liên nhận giải thưởng do Công chúa Thái Lan trao tặng vào tháng 10/2019.

Để theo đuổi đam mê với nghề giáo, ngoài giờ học trên giảng đường, Lê Thanh Liêm chăm chỉ đi dạy thêm các lớp ở thành phố Cần Thơ. Số tiền kiếm được, anh dùng trang trải học phí và phụ giúp gia đình. Trải qua những năm tháng khó khăn đã hun đúc cho người thầy giáo trẻ tinh thần thép, không đầu hàng trước bất cứ thử thách nào. Kết thúc hành trình 4 năm đại học, Lê Thanh Liêm được nhận vào công tác tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam. Vậy là thầy giáo trẻ đã chạm tay đến ước mơ, được phục vụ cho sự phát triển của giáo dục trên chính quê hương mình.

Đây là ngôi trường quy tụ nhiều học sinh người Khmer, có hoàn cảnh khó khăn theo học. Chính vì thế, thầy giáo Liêm luôn trăn trở phải làm sao để giúp các em tiếp cận khoa học kỹ thuật, bắt kịp xu thế đổi mới giáo dục hiện nay. Lê Thanh Liêm chia sẻ: “Qua quá trình đi tập huấn, tiếp cận với các em, tôi thấy việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sáng tạo nhằm đổi mới giáo dục trong hiện tại và tương lai rất quan trọng. Bởi vậy, tôi nghĩ mình cần phải hành động ngay, đó chính là thành lập Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học kỹ thuật”. CLB hoạt động với phương châm: “Nói cho nhau nghe, thông báo cho nhau biết, giải thích cho nhau hiểu và cùng nhau tiến bộ”. Đây còn là nơi để các giáo viên trong trường trao đổi chuyên môn và tiếp xúc với nhiều em học sinh của các khối lớp. Không đơn thuần là tình thầy trò, mà các em xem thầy cô như người thân trong nhà. Mỗi khi gặp bài tập khó hay có chuyện riêng cá nhân vướng mắc là các em tìm thầy cô để chia sẻ. CLB không phân biệt học sinh có học lực giỏi hay yếu, chỉ cần các em đam mê nghiên cứu khoa học thì thầy cô luôn chào đón, tạo môi trường tốt nhất cho các em học tập. Câu lạc bộ Khoa học - Kỹ thuật ra đời đã kết nối đam mê nghiên cứu và tạo ra nhiều sân chơi để học sinh thỏa sức sáng tạo. Qua đó, phát hiện được những em có năng khiếu khoa học nổi bật. Các em được trình bày ý tưởng của mình, nếu khả thi và có thể thực hiện được, thầy Liêm cùng các giáo viên khác sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các em.

Giờ thực hành môn Vật lý, thầy Liêm mang nhiều thiết bị để học sinh quan sát.

Vừa qua, công trình Đập ngăn mặn thông minh của hai em Huỳnh Hoàng Khánh (lớp 8A1) và Nguyễn Thị Ngọc Dung (lớp 9A1) do thầy Lê Thanh Liêm hướng dẫn đã tạo tiếng vang lớn. Em Huỳnh Hoàng Khánh chia sẻ: “Quá trình sáng chế vô cùng gian nan, nhất là ở bộ phận logic nhiều lúc hoàn thành nhưng lắp đặt không thành công phải làm đi làm lại. Do trường ở vùng sâu, nhiều thiết bị thiếu nên chúng em phải đặt mua qua mạng, việc thiết kế các ngõ mạch để cho hệ thống hoạt động khiến chúng em phải thực nghiệm hàng trăm lần mới có thể thành công. Sau 4 tháng miệt mài nghiên cứu, ba thầy trò đã thu về kết quả xứng đáng. Đập ngăn mặn vận hành ổn định, được đánh giá rất cao khi kết hợp giữa phân biệt nồng độ mặn với việc so sánh được sự chênh lệch mực nước bên trong và bên ngoài, từ đó có thể tự động điều tiết giữ lượng nước ở mức thích hợp”.

Ghi tên mình vào nhiều giải thưởng danh giá

Tiếp tục thành công đó, năm 2020, công trình Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào việc cải tiến đồ dụng học tập cho bộ môn Vật lý đã giúp thầy Lê Thanh Liêm ghi tên mình vào top 3 sáng kiến xuất sắc trên tổng số gần 1.000 sáng kiến được Bộ Giáo dục - Đào tạo và Trung ương Đoàn trao tặng.

“Công trình này xuất phát từ những khó khăn trong quá trình giảng dạy của giáo viên với học sinh, nhất là các môn học đòi hỏi tính thực hành, ứng dụng, học sinh cần được quan sát một cách trực quan, làm thí nghiệm mới mang lại hiệu quả cao và dễ dàng lĩnh hội kiến thức, giúp các em dễ nhớ bài và hứng thú hơn với môn học”, thầy Liêm cho biết. Thế nhưng, khi vào phòng thí nghiệm sử dụng một số dụng cụ nguy hiểm hoặc đo thân nhiệt bằng nhiệt kế thủy ngân nếu thực hiện không đúng cách, dẫn đến vỡ ống thủy ngân sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên và học sinh. Từ thực tế ấy, anh cùng các cộng sự đã tìm ra những cảm biến có thể giải quyết vấn đề này.

Tiết học thực hành khiến học sinh rất hào hứng.

Nhớ lại khoảng thời gian khi mới bắt đầu cải tiến thiết bị, thầy Lê Thanh Liêm gặp không ít khó khăn, nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều, sản phẩm chưa phù hợp và cần phải điều chỉnh. Thế nhưng, chưa lúc nào người giáo viên trẻ nản chí, bỏ cuộc. Hằng ngày, tranh thủ giờ nghỉ trưa, thầy Liêm lại lên phòng thí nghiệm để mày mò, điều chỉnh từng bo mạch. Dưới cái nắng ngoài trời gay gắt, thầy vội vàng chạy xe đến các cửa hàng tìm mua từng bộ cảm biến rồi về tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp. Đều đặn mỗi ngày trôi qua, sau giờ dạy là mọi người lại thấy anh tất bật nghiên cứu. Với chi phí khá rẻ, chỉ vài chục ngàn và bộ cảm biến là anh chế tạo ra một bộ đo nhiệt độ đa năng với các đầu dò. Ưu điểm của thiết bị này là rất an toàn, với các đầu dò bằng inox, dây bằng nhựa.

Ngoài ra, còn có một số đầu dò có thể đo được các vật có nhiệt độ cao lên đến 800 độ, điều này là không thể đối với nhiệt kế bình thường. Đặc biệt các thiết bị dễ dàng liên kết với điện thoại thông minh để truy xuất thông tin. Việc ghi chép, truy xuất thông tin bằng tay chỉ được vài số nhưng thiết bị này có thể truy xuất hàng trăm, hàng ngàn số. Công trình này mở ra hướng đi mới trong việc cải tiến, thiết kế đồ dùng học tập, phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay.

Thầy Lê Thanh Liêm (thứ nhất từ phải qua) nhận giải thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020.

Những sáng chế của thầy giáo Lê Thanh Liêm được Ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp rất ủng hộ, tin tưởng. Đối với học sinh, các em dành tình yêu thương, sự kính trọng lớn lao cho người thầy của mình, bởi lẽ, thầy không chỉ trăn trở, tìm cách giúp các em hứng thú hơn trong giờ học mà còn là người phát hiện khả năng và sẵn sàng lắng nghe, hướng nghiệp cho những cô cậu học trò ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Thầy Liêm luôn nhắn nhủ với các học trò: “Các em nên phát huy tính tự chủ, tự học, tham gia hoạt động trong nhà trường, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, nên tham gia các cuộc thi cấp trường, cấp huyện, tỉnh… và trao đổi, giao lưu với các bạn. Như vậy, các em sẽ biết được thế mạnh của bản thân là gì. Tinh thần tự học giúp mỗi người trở nên năng động, sáng tạo, tự tin”.

Là “người lái đò” chở bao thế hệ học sinh qua sông, trong số này có không ít em đạt giải thưởng cấp tỉnh, cấp vùng và cấp Quốc gia, thầy Liêm xem đó là tài sản quý báu mà mình có được. Phương châm của anh trong sự nghiệp “phấn trắng, bảng đen” là: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Tuy ngắn gọn, giản đơn nhưng nó ẩn chứa biết bao ý nghĩa nhân văn sâu sắc./.
 

Năm 2019, thầy Lê Thanh Liêm đã được nhận Giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri. Đây là giải thưởng được thành lập từ năm 2015, hai năm tổ chức một lần do Hội đồng Giáo viên, Bộ Giáo dục Thái Lan và Quỹ Giải thưởng Công chúa Thái Lan dành tặng cho giáo viên đang trực tiếp giảng dạy hoặc quản lý ở các trường học của các nước khu vực Đông Nam Á.

Năm 2020, thầy Liêm là cá nhân tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Năm 2021, thầy Liêm nhận giải ba Quốc gia "Sáng tạo kỹ thuật" và được ghi tên vào "Sách vàng sáng tạo Việt Nam”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận